2019
Sự Thánh Thiện và Kế Hoạch Hạnh Phúc
Tháng Mười Một năm 2019


Sự Thánh Thiện và Kế Hoạch Hạnh Phúc

Hạnh phúc lớn lao hơn đến từ sự thánh thiện hơn của cá nhân.

Anh chị em thân mến của tôi, tôi đã cầu nguyện để có được quyền năng nhằm giúp anh chị em trong công cuộc tìm kiếm hạnh phúc của chính mình. Một số người có thể cảm thấy đã đủ hạnh phúc rồi, nhưng tôi chắc rằng không ai sẽ từ chối lời mời để có thêm hạnh phúc. Bất cứ ai cũng đều nóng lòng muốn chấp nhận một lời mời bảo đảm là có được hạnh phúc dài lâu.

Đó là điều mà Cha Thiên Thượng; Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đức Thánh Linh đã có lời mời cho mỗi người con linh hồn của Cha Thiên Thượng mà hiện đang sống, sẽ sống, hoặc đã từng sống trên thế gian này. Lời mời đó đôi khi được gọi là kế hoạch hạnh phúc. Tiên Tri An Ma cũng đã gọi như thế khi ông giảng dạy cho con trai ông, người mà đã bị sa vào vòng tội lỗi. An Ma biết rằng sự tà ác không bao giờ có thể là hạnh phúc cho con trai ông—hoặc cho bất cứ người con nào của Cha Thiên Thượng.1

Ông dạy con ông rằng việc trở nên thánh thiện hơn là con đường duy nhất dẫn đến hạnh phúc. Ông nói rõ rằng chúng ta có thể được trở nên thánh thiện hơn nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô thanh tẩy và làm hoàn hảo chúng ta.2 Chỉ bằng cách đặt đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, liên tục hối cải, và tuân giữ các giao ước thì chúng ta mới có thể thỉnh cầu hạnh phúc dài lâu mà chúng ta đều khao khát được trải nghiệm và gìn giữ.

Lời cầu nguyện của tôi hôm nay là tôi có thể giúp anh chị em hiểu rằng hạnh phúc lớn lao hơn đến từ việc trở nên thánh thiện hơn của cá nhân để anh chị em sẽ hành động theo sự tin tưởng đó. Sau đó tôi sẽ chia sẻ những điều tôi tự mình biết được về những gì chúng ta có thể làm để hội đủ điều kiện nhận được ân tứ đó để trở nên thánh thiện hơn bao giờ hết.

Thánh thư dạy chúng ta rằng trong số nhiều điều khác, chúng ta có thể được thánh hóa và trở nên thánh thiện hơn khi chúng ta thực hành đức tin nơi Đấng Ky Tô,3 cho thấy là mình biết vâng lời,4 hối cải,5 hy sinh vì Ngài,6 tiếp nhận các giáo lễ thiêng liêng, và tuân giữ các giao ước của mình với Ngài.7 Để hội đủ điều kiện nhận được ân tứ thánh thiện thì chúng ta phải khiêm nhường,8 nhu mì,9 và kiên nhẫn.10

Một kinh nghiệm về việc mong muốn được trở nên thánh thiện hơn đã đến với tôi trong Đền Thờ Salt Lake. Tôi vào đền thờ lần đầu tiên mà không được cho biết nhiều về điều gì nên kỳ vọng. Tôi thấy những dòng chữ khắc trên đền thờ: “Thánh cho Chúa” và “Nhà của Chúa.” Tôi có cảm giác háo hức mong đợi. Tuy nhiên tôi tự hỏi liệu mình đã chuẩn bị sẵn sàng để vào trong đó chưa.

Cha và mẹ tôi đi trước tôi khi chúng tôi bước vào đền thờ. Chúng tôi được yêu cầu trình giấy giới thiệu của mình, chứng nhận sự xứng đáng của chúng tôi.

Cha mẹ tôi quen biết người đàn ông ngồi ở bàn kiểm tra giấy giới thiệu. Do đó cha mẹ tôi nán lại một chút để nói chuyện với ông ấy. Tôi đi trước một mình tới một không gian rộng lớn nơi mà mọi thứ đều trắng sáng. Tôi nhìn lên trần cao bên trên đầu và tưởng chừng như đó là bầu trời mênh mông. Vào lúc đó, một ấn tượng rõ ràng đến với tôi rằng tôi đã từng đến đó rồi.

Nhưng rồi, tôi nghe thấy một tiếng nói rất nhỏ nhẹ—mà không phải tiếng nói của tôi. Những lời nói nhỏ nhẹ được nói ra là: “Ngươi chưa bao giờ tới đây. Ngươi đang nhớ tới khoảnh khắc trước khi ngươi ra đời. Ngươi đã ở một nơi chốn thiêng liêng như thế này. Ngươi cảm thấy Đấng Cứu Rỗi đang chuẩn bị bước tới chỗ ngươi đang đứng. Và ngươi cảm thấy hạnh phúc vì ngươi khao khát được gặp Ngài.”

Kinh nghiệm đó trong Đền Thờ Salt Lake chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc mà thôi. Nhưng ký ức về kinh nghiệm đó vẫn còn mang lại cho tôi sự bình an, niềm vui, và hạnh phúc êm dịu.

Ngày hôm đó, tôi đã học được nhiều bài học. Một là Đức Thánh Linh nói bằng một tiếng nói êm dịu nhỏ nhẹ. Tôi có thể nghe thấy lời Ngài khi có sự bình an thuộc linh trong lòng tôi. Ngài mang đến cho tôi một cảm giác hạnh phúc và trấn an rằng tôi đang trở nên thánh thiện hơn. Và điều đó luôn luôn mang đến cảm giác hạnh phúc mà tôi đã từng cảm thấy vào những giây phút đầu tiên trong đền thờ của Thượng Đế.

Trong cuộc sống riêng của mình và trong cuộc sống của những người khác, anh chị em đã quan sát thấy phép lạ của niềm hạnh phúc đến từ việc trở nên thánh thiện hơn, trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Trong những tuần gần đây, tôi đã đến thăm những người mà có thể phải đối mặt với cái chết với đức tin trọn vẹn nơi Đấng Cứu Rỗi và với gương mặt thật vui vẻ.

Một người đàn ông được gia đình quây quần xung quanh. Ông và vợ ông đang nói chuyện khe khẽ với nhau khi con trai tôi và tôi bước vào. Tôi quen biết họ đã nhiều năm. Tôi đã thấy Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô tác động đến cuộc sống của họ và của những người trong gia đình họ.

Họ đã cùng nhau quyết định cho ông ngừng nhận sự hỗ trợ y khoa kéo dài cuộc sống. Có một cảm giác tĩnh lặng khi ông nói chuyện với chúng tôi. Ông mỉm cười trong khi bày tỏ lòng biết ơn đối với phúc âm và ảnh hưởng thanh tẩy của nó nơi ông và gia đình mà ông yêu thương. Ông nói về những năm tháng hạnh phúc phục vụ trong đền thờ. Theo đề nghị của ông ấy, con trai tôi đã làm lễ xức dầu cho ông bằng cách nhỏ lên đầu ông dầu thánh hóa. Tôi làm phép ấn chứng lễ xức dầu. Trong khi ban phước, tôi có một ấn tượng rõ ràng để nói với ông ấy rằng ông ấy sẽ sớm gặp Đấng Cứu Rỗi của mình, trực tiếp gặp mặt Ngài.

Tôi hứa với ông là ông sẽ cảm thấy niềm hạnh phúc, tình yêu thương, và sự tán thành của Đấng Cứu Rỗi. Ông nở một nụ cười nồng ấm khi chúng tôi ra về. Những lời cuối cùng ông nói với tôi là “Nói với Kathy là tôi yêu mến cô ấy nhé.” Trong nhiều năm, vợ tôi, Kathleen, đã khuyến khích nhiều thế hệ của gia đình ông chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để đến với Ngài, lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng, và vì thế hội đủ điều kiện nhận được niềm hạnh phúc đến từ kết quả của việc trở nên thánh thiện hơn đó.

Ông qua đời sau đó vài giờ. Trong vòng vài tuần sau khi ông qua đời, người vợ góa của ông mang một món quà đến biếu vợ chồng chúng tôi. Bà mỉm cười trong khi chúng tôi nói chuyện. Bà vui vẻ nói: “Em nghĩ là em sẽ cảm thấy buồn bã và cô đơn. Nhưng em cảm thấy rất hạnh phúc. Anh chị nghĩ thế nào, điều đó có sao không?”

Vì biết bà ấy yêu chồng mình biết bao và cả hai vợ chồng họ đã tiến đến việc biết, yêu mến, và phục vụ Chúa như thế nào, nên tôi nói với bà rằng cảm giác hạnh phúc của bà là một ân tứ đã được hứa bởi vì nhờ sự phục vụ trung tín của bà, bà đã được làm cho thánh thiện hơn. Sự thánh thiện của bà đã làm cho bà hội đủ điều kiện nhận được niềm hạnh phúc đó.

Một số người đang lắng nghe hôm nay có thể tự hỏi: “Tại sao tôi không cảm thấy sự bình an và niềm hạnh phúc đã được hứa cho những người trung tín? Tôi đã trung tín trong suốt nghịch cảnh tồi tệ, nhưng tôi không cảm thấy hạnh phúc.”

Thậm chí Tiên Tri Joseph Smith cũng từng đối mặt với thử thách này. Ông đã cầu nguyện để được khuây khỏa khi bị giam trong một nhà tù ở Liberty, Missouri. Ông đã trung tín với Chúa. Ông đã tăng trưởng trong sự thánh thiện. Nhưng ông cảm thấy hạnh phúc đã khước từ ông.

Chúa dạy ông bài học về sự kiên nhẫn mà tất cả chúng ta đều cần đến vào một lúc nào đó, và có lẽ trong một thời gian dài, trong thử thách trần thế của chúng ta. Đây là sứ điệp của Chúa dành cho vị tiên tri trung tín và đang đau khổ của Ngài:

“Và nếu ngươi bị liệng xuống hố sâu, hay vào trong tay quân sát nhân, và ngươi phải bị lãnh án tử hình; nếu ngươi bị liệng xuống biển sâu; nếu những đợt sóng cuồn cuộn chảy dồn dập trên ngươi; nếu ngọn gió hung bạo trở thành kẻ thù của ngươi; nếu trời trở nên tối đen, và tất cả các nguyên tố đều cùng nhau cản trở con đường của ngươi; và nhất là, nếu hầm của ngục giới hả rộng miệng ra để nuốt ngươi, thì hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi.

“Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?

“Vậy nên, hãy tiếp tục con đường của ngươi, và rồi chức tư tế sẽ ở với ngươi; vì giới hạn của chúng đã được định rồi, nên chúng không thể vượt qua được. Ngày tháng của ngươi đã được biết, và những năm của ngươi sẽ chẳng ít hơn được; vậy nên, chớ sợ hãi chi những điều loài người có thể làm được, vì Thượng Đế sẽ ở với ngươi mãi mãi và đời đời.”11

Chúa cũng đưa ra cùng bài học chỉ dạy đó cho Gióp, là người đã trải qua nhiều thử thách khó khăn để cho phép Sự Chuộc Tội làm cho ông trở nên thánh thiện hơn. Từ lời giới thiệu mà chúng ta có về Gióp, chúng ta biết rằng ông là một người thánh thiện: “Tại trong xứ Út Xơ có một người tên là Gióp; người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng; kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác.”12

Rồi Gióp mất hết của cải, gia đình, và thậm chí cả sức khỏe của mình. Anh chị em có thể nhớ rằng Gióp nghi ngờ rằng việc ông trở nên thánh thiện hơn, mà đạt được nhờ nghịch cảnh khó khăn hơn, đã làm cho ông hội đủ điều kiện nhận được hạnh phúc lớn lao hơn. Dường như đối với Gióp, sự thánh thiện dẫn đến khổ đau.

Tuy nhiên, Chúa đưa ra cho Gióp cùng một bài học sửa chỉnh mà Ngài đã đưa ra cho Joseph Smith. Ngài để cho Gióp thấy được tình cảnh đáng thương của ông với con mắt thuộc linh. Ngài phán:

“Khá thắt lưng người như kẻ dõng sĩ; Ta sẽ hỏi ngươi, ngươi sẽ chỉ dạy cho ta.

“Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi thông sáng, hãy tỏ bày đi.

“Ai đã định độ lượng nó, Và giăng dây mực trên nó, ngươi có biết chăng?

“Nền nó đặt trên chi? Ai có trồng hòn đá góc của nó;

“Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, Và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng?”13

Rồi sau khi Gióp hối cải vì gọi Thượng Đế là bất công, Gióp đã được phép thấu hiểu thử thách của mình theo một cách thức đầy thuộc linh và thánh thiện hơn. Ông đã hối cải.

“Gióp thưa với Đức Chúa Trời rằng,

“Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, Chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm.

“Kẻ nầy là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám ý chỉ của Chúa? Phải, tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến, Tức các sự lạ lùng quá cho tôi, mà tôi chẳng thông biết.

“Hỡi Chúa, xin hãy nghe, tôi sẽ nói; Tôi sẽ hỏi Chúa, Chúa sẽ chỉ dạy cho tôi.

“Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài.

“Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, Và ăn năn trong tro bụi.”14

Sau khi Gióp hối cải và do đó trở nên thánh thiện hơn, Chúa đã ban phước cho ông nhiều hơn tất cả những gì ông bị mất. Nhưng có lẽ phước lành lớn lao nhất đối với Gióp là được trở nên thánh thiện hơn qua nghịch cảnh và sự hối cải. Ông đã hội đủ điều kiện để có được hạnh phúc lớn lao hơn trong những ngày còn lại của ông.

Việc trở nên thánh thiện hơn không chỉ đến bằng cách cầu xin để có được. Nó sẽ đến bằng cách làm những điều cần thiết để Thượng Đế thay đổi chúng ta.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyên bảo chúng ta, mà đối với tôi là lời khuyên dạy tốt nhất về cách để tiếp tục bước đi trên con đường giao ước để được trở nên thánh thiện hơn. Ông đã chỉ cho chúng ta hướng đi khi ông khẩn nài:

“Hãy cảm nhận quyền năng củng cố của sự hối cải hằng ngày—để mỗi ngày làm tốt hơn và trở nên tốt hơn một chút.

“Khi chọn hối cải, chúng ta đã chọn thay đổi! Chúng ta để cho Đấng Cứu Rỗi biến chúng ta thành con người tốt nhất của mình. Chúng ta chọn tăng trưởng phần thuộc linh và tiếp nhận niềm vui—niềm vui cứu chuộc nơi Ngài. Khi chọn hối cải, chúng ta đã chọn trở thành giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn!”

Chủ Tịch Nelson tiếp tục đưa ra cho chúng ta những lời khuyên đầy khích lệ này trong các nỗ lực của chúng ta để trở nên thánh thiện hơn: “Chúa không kỳ vọng chúng ta phải hoàn hảo vào lúc này. … Nhưng Ngài quả thật kỳ vọng rằng chúng ta ngày càng trở nên thanh khiết. Sự hối cải hằng ngày là con đường dẫn đến sự thanh khiết.”15

Trong một bài nói chuyện tại đại hội trước đây, Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã giúp tôi thấy rõ hơn cách chúng ta trở nên thánh thiện hơn và làm thế nào chúng ta biết mình đang trở nên thánh thiện hơn. Ông nói: “Làm thế nào chúng ta đạt được nếp sống thuộc linh? Làm thế nào chúng ta đạt tới mức độ thánh thiện đó nơi mà chúng ta có thể liên tục có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh? Làm thế nào chúng ta tiến đến việc xem xét và đánh giá những sự việc của thế gian với quan điểm vĩnh cửu?”16

Câu trả lời của Chủ Tịch Oaks bắt đầu với đức tin lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi nhân từ của chúng ta. Điều đó dẫn chúng ta đến việc tìm kiếm sự tha thứ mỗi ngày và tưởng nhớ tới Ngài mỗi ngày bằng cách tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Đức tin lớn lao hơn đó nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến với chúng ta khi chúng ta học hỏi lời Ngài hằng ngày.

Bài thánh ca “Cần Nhiều Thánh Thiện Nơi Tôi” đề nghị một cách để cầu xin sự giúp đỡ để trở nên thánh thiện hơn. Tác giả đã sáng suốt đề nghị rằng sự thánh thiện mà chúng ta tìm kiếm là một ân tứ từ một Thượng Đế nhân từ, ban cho chúng ta theo thời gian, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm. Anh chị em còn nhớ câu cuối cùng:

Cần sự thánh sạch trong tôi,

Cần Ngài thêm sức cho,

Để tội lỗi không bủa vây,

Sẵn sàng về nhà Cha.

Cổng Vương Quốc sẽ đón tôi,

Một kẻ đã đổi thay,

Ơn phước ban xuống cho tôi—

Để sống giống như Ngài.17

Bất kể hoàn cảnh riêng của chúng ta ra sao, bất kể chúng ta đang ở đâu trên con đường giao ước để trở về nhà, cầu xin cho những lời cầu nguyện của chúng ta để trở nên thánh thiện hơn sẽ được đáp ứng. Tôi biết rằng khi điều mà chúng ta cầu xin được ban cho, thì chúng ta sẽ được hạnh phúc hơn. Nó có thể sẽ đến chậm, nhưng nó sẽ đến. Tôi tin chắc điều đó là từ một Cha Thiên Thượng nhân từ và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi làm chứng rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế, và Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri tại thế của chúng ta ngày nay. Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống và yêu thương chúng ta. Ngài muốn chúng ta trở về nhà với Ngài cùng gia đình mình. Đấng Cứu Rỗi nhân từ của chúng ta mời gọi chúng ta noi theo Ngài trong cuộc hành trình của chúng ta đến đó. Hai Ngài đã chuẩn bị sẵn con đường. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.