2019
Dẫu Khi Nắng Mưa Xin ở Cùng Với Tôi Hoài!
Tháng Mười Một năm 2019


Dẫu Khi Nắng Mưa Xin ở Cùng Với Tôi Hoài!

Tôi làm chứng rằng “dẫu khi nắng mưa”, Chúa sẽ ở cùng với chúng ta, rằng “nỗi đau khổ [của chúng ta] … [có thể được] nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô.”

Một trong những bài thánh ca yêu thích của chúng ta diễn tả lời khẩn cầu: “Dẫu khi nắng mưa xin ở cùng với tôi hoài!”1 Có một lần tôi ngồi trên máy bay trong khi nó bay vào một cơn bão lớn. Khi nhìn ra cửa sổ, tôi có thể thấy một đám mây dày đặc ở phía dưới. Những tia nắng hoàng hôn phản chiếu từ đám mây, làm cho chúng tỏa ra ánh nắng rực rỡ. Chẳng mấy chốc, máy bay bay thấp xuống xuyên qua đám mây dày đặc, và bỗng nhiên bóng tối mù mịt bao quanh chúng tôi khiến cho chúng tôi hoàn toàn quên đi ánh nắng rực rỡ mà mình vừa mới chứng kiến chỉ vài phút trước đó.2

Những tia nắng hoàng hôn
Những đám mây đen

Những đám mây đen hoặc nỗi khó khăn cũng có thể xảy đến trong cuộc sống chúng ta, mà có thể khiến cho chúng ta không thấy được ánh sáng của Thượng Đế và thậm chí còn làm cho chúng ta thắc mắc liệu ánh sáng đó có còn tồn tại cho mình nữa không. Một trong những khó khăn này là sự trầm cảm, lo âu, và những nỗi đau đớn khác về mặt tinh thần và cảm xúc. Chúng có thể bóp méo cách chúng ta nghĩ về bản thân mình, người khác, và thậm chí cả Thượng Đế. Chúng ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới thuộc tất cả mọi lứa tuổi ở khắp nơi trên thế giới.

Nỗi muộn phiền đến từ sự hoài nghi cũng có thể gây tổn thương tương tự cho những người chưa gặp phải những thử thách này. Giống như bất cứ bộ phận nào của cơ thể, bộ não cũng phải chịu bệnh tật, chấn thương, và mất cân bằng hóa học. Khi tâm trí bị đau khổ, là điều thích hợp để chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thượng Đế, từ những người xung quanh, và từ các chuyên gia về y tế và về sức khỏe tâm thần.

“Tất cả nhân loại—nam lẫn nữ—đều được sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế. Mỗi người là một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng, và mỗi người có một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng.”3 Giống như Cha Mẹ Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, chúng ta có một thể xác4 và có những cảm xúc.5

Các chị em thân mến, là chuyện bình thường để đôi khi cảm thấy buồn phiền hoặc lo âu. Nỗi buồn phiền và lo lắng là những cảm xúc tự nhiên của con người.6 Tuy nhiên, nếu chúng ta luôn luôn cảm thấy buồn chán và nếu nỗi đau của chúng ta ngăn cản khả năng của chúng ta để cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Con Trai của Ngài cùng ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, thì chúng ta có thể đang bị bệnh trầm cảm, lo âu, hoặc một căn bệnh khác về cảm xúc.

Con gái tôi có lần đã viết: “Có những lúc … [mà] con cảm thấy lúc nào cũng vô cùng buồn chán. Con luôn nghĩ rằng nỗi buồn chán là một điều đáng hổ thẹn, và đó là dấu hiệu của sự yếu ớt. Vì thế nên con không nói cho ai biết về nỗi buồn của mình. … Con đã cảm thấy hoàn toàn vô giá trị.”7

Một người bạn miêu tả điều đó như sau: “Kể từ khi còn ấu thơ, tôi đã luôn luôn chống chọi với những cảm giác vô vọng, mơ hồ, cô đơn, và sợ hãi và cảm thấy như mình luôn tuyệt vọng và đầy khuyết điểm. Tôi đã làm đủ mọi cách để che giấu nỗi đau của mình và không bao giờ cho người ta nghĩ rằng tôi không thành công và không mạnh mẽ.”8

Các bạn thân mến, điều đó có thể xảy đến với bất cứ ai trong chúng ta—đặc biệt khi là những người tin tưởng nơi kế hoạch hạnh phúc, chúng ta đặt những gánh nặng không cần thiết lên bản thân mình bằng cách nghĩ rằng chúng ta cần phải được hoàn hảo ngay bây giờ. Những ý nghĩ như thế có thể trở nên quá sức chịu đựng. Việc đạt được sự hoàn hảo là một tiến trình mà sẽ diễn ra trong suốt cuộc sống trần thế và cuộc sống mai sau của chúng ta—và chỉ nhờ ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.9

Ngược lại, khi chúng ta công khai nói về những thử thách về cảm xúc của mình, bằng việc thừa nhận là chúng ta không hoàn hảo, chúng ta cho phép những người khác chia sẻ về những điều họ đang phải vật lộn. Cùng với nhau chúng ta có thể nhận ra là có hy vọng và chúng ta không phải chịu đựng một mình.10

Hy Vọng vào Ngày Tái Lâm

Với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta đã lập giao ước với Thượng Đế rằng chúng ta “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau” và “than khóc với những ai than khóc.”11 Việc này có thể là biết rõ thông tin về những căn bệnh về cảm xúc, tìm những nguồn tài liệu mà có thể giúp giải quyết những khó khăn này, và cuối cùng mang bản thân mình và những người khác đến cùng Đấng Ky Tô, là Đức Thầy Chữa Lành.12 Mặc dù chúng ta không biết cách để liên hệ với những gì người khác đang trải qua, nhưng việc xác nhận rằng nỗi đau của họ là có thật có thể là một bước quan trọng đầu tiên trong việc tìm kiếm sự hiểu biết và chữa lành.13

Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm hoặc bệnh lo âu có thể được xác định, mặc dù có những lúc khác có thể khó để phân biệt hơn.14 Não của chúng ta có thể bị ảnh hưởng vì căng thẳng15 hoặc mệt mỏi trầm trọng,16 mà đôi khi có thể được cải thiện bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, giấc ngủ, và tập thể dục. Những lúc khác thì phương pháp trị liệu hoặc dùng thuốc theo hướng dẫn của các chuyên gia được đào tạo cũng có thể là cần thiết.

Bệnh tâm thần hoặc bệnh về cảm xúc, nếu không được chữa trị, có thể dẫn đến sự cô lập, hiểu lầm, mối quan hệ đổ vỡ, tự làm tổn thương mình, và thậm chí tự tử. Bản thân tôi biết rõ điều này, vì cha tôi đã qua đời vì tự tử cách đây nhiều năm. Cái chết của ông làm cho gia đình tôi và tôi quá đỗi sửng sốt và đau khổ. Phải mất nhiều năm tôi mới nguôi ngoai được nỗi buồn của mình, và chỉ mới đây tôi mới học được rằng việc nói về tự tử theo những cách thức hợp lý sẽ thực sự giúp ngăn ngừa vấn đề này thay vì khuyến khích nó.17 Bây giờ tôi nói về cái chết của cha tôi một cách cởi mở với con cái tôi và chứng kiến sự chữa lành mà Đấng Cứu Rỗi có thể ban cho ở cả hai bên bức màn che.18

Buồn thay, nhiều người mắc bệnh trầm cảm nặng thường hay tự mình xa lánh những người cùng là Thánh Hữu vì họ cảm thấy họ không phù hợp với khuôn mẫu tưởng tượng nào đó. Chúng ta có thể giúp họ biết được và cảm thấy rằng họ quả thật được thuộc vào cùng với chúng ta. Là điều quan trọng để nhận ra rằng bệnh trầm cảm không phải là kết quả của sự yếu đuối, hoặc nó thường không phải là kết quả của tội lỗi.19 Bệnh trầm cảm “gia tăng khi chúng ta giữ kín, nhưng giảm bớt khi chúng ta được người khác thông cảm.”20 Cùng với nhau, chúng ta có thể vượt qua nỗi khó khăn của sự cô lập và ghét bỏ để gánh nặng của sự hổ thẹn sẽ được nâng đỡ và phép lạ chữa lành có thể xảy ra.

Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã chữa lành cho người bệnh và người đau khổ, nhưng mỗi người đã phải thực hành đức tin nơi Ngài và hành động để nhận được sự chữa lành của Ngài. Nhiều người đã đi bộ quãng đường xa, những người khác dang tay ra sờ vào áo Ngài, và những người khác cần phải được khiêng tới Ngài để được chữa lành.21 Khi nói đến sự chữa lành, chẳng phải tất cả chúng ta đều khẩn thiết cần Ngài sao? “Chẳng phải chúng ta toàn là những kẻ hành khất cả hay sao?”22

Chúng ta hãy đi theo con đường của Đấng Cứu Rỗi và gia tăng lòng trắc ẩn của mình, giảm bớt khuynh hướng xét đoán người khác, và ngừng giám sát phần thuộc linh của người khác. Việc lắng nghe với tình yêu thương là một trong những ân tứ lớn lao nhất chúng ta có thể cho đi và chúng ta có thể giúp gánh vác hoặc nâng đỡ nỗi khó khăn khủng khiếp mà đang hủy hoại người thân và bạn bè của mình23 để qua tình yêu thương của chúng ta, họ có thể một lần nữa cảm nhận được Đức Thánh Linh và nhận ra ánh sáng đến từ Chúa Giê Su Ky Tô.

Nếu các chị em liên tục bị bao quanh bởi “đám sương mù đen tối,”24 thì hãy tìm đến Cha Thiên Thượng. Không có điều gì các chị em đã trải qua có thể thay đổi lẽ thật vĩnh cửu rằng các chị em là con của Ngài và rằng Ngài yêu thương các chị em.25 Hãy nhớ rằng Đấng Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của các chị em, và Thượng Đế là Đức Chúa Cha của các chị em. Hai Ngài hiểu các chị em. Hãy hình dung ra Hai Ngài ở gần các chị em, lắng nghe và hỗ trợ các chị em.26 “[Hai Ngài] sẽ an ủi các chị em trong những lúc đau khổ của các chị em.”27 Hãy làm mọi điều mình có thể và tin cậy nơi ân điển chuộc tội của Chúa.

Những điều các chị em đang phải vật lộn không định đoạt các chị em, nhưng chúng có thể tinh chỉnh các chị em.28 Bởi vì một “cái giằm xóc vào thịt,”29 nên các chị em có thể có khả năng để cảm thấy có nhiều trắc ẩn hơn với người khác. Khi đã được Đức Thánh Linh hướng dẫn, hãy chia sẻ câu chuyện của các chị em để “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”30

Đối với những người trong chúng ta hiện đang chống chọi hoặc đang hỗ trợ một người nào đó đang phải chống chọi với vấn đề này, chúng ta hãy sẵn lòng tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế để chúng ta có thể luôn luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta.31 Chúng ta hãy làm “những chuyện nhỏ nhặt tầm thường”32 mà sẽ mang đến cho chúng ta sức mạnh thuộc linh. Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Không có gì mở được các tầng trời giống như sự tổng hợp bao gồm sự thanh khiết được gia tăng, sự vâng lời chính xác, việc tìm kiếm thiết tha, việc hằng ngày nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô trong Sách Mặc Môn, và thời gian thường xuyên được cam kết dành cho công việc đền thờ và lịch sử gia đình.”33

Đấng Cứu Rỗi chữa lành

Tất cả chúng ta hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, “[đã nhận lấy] những sự yếu đuối của [chúng ta] để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể … biết được cách giúp đỡ [chúng ta] theo những sự yếu đuối của [chúng ta].”34 Ngài đến “đặng nịt những kẻ vỡ lòng, … đặng yên ủi mọi kẻ buồn rầu; … đặng ban mão hoa cho kẻ buồn rầu, … thay vì tro bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề.”35

Ngày Tái Lâm

Tôi làm chứng rằng “dẫu khi nắng mưa”, Chúa sẽ ở cùng với chúng ta, “nỗi đau khổ [của chúng ta] … [có thể được] nuốt trọn trong niềm vui về Đấng Ky Tô,”36 và “nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.”37 Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ trở lại thế gian “với sự chữa lành trong đôi cánh của Ngài.”38 Cuối cùng, Ngài “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng [ta], … cũng không có … đau đớn nữa.”39 Đối với tất cả những ai sẽ “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài,”40 “mặt trời của [chúng ta] không lặn nữa; … vì Đức Giê Hô Va sẽ là sự sáng đời đời cho [chúng ta], những ngày sầu thảm của [chúng ta] đã hết rồi.”41 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Xin Ở Cùng Tôi” Hymns, số 166.

  2. Khi chúng ta ở bên trên đám mây, chúng ta không thể hình dung bóng tối nằm ở ngay bên dưới cách chúng ta có vài mét, và khi chúng ta bị bao quanh bởi bóng tối ở bên dưới, thật là khó để hình dung ánh sáng mặt trời rọi chiếu có vài mét bên trên chúng ta.

  3. Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 145.

  4. “Linh hồn cùng thể xác tạo thành bản thể con người.”(Giáo Lý và Giao Ước 88:15). “Vì cơ thể là đền thờ cho linh hồn của các anh chị em. Và cách các anh chị em sử dụng cơ thể sẽ ảnh hưởng đến linh hồn.” (Russell M. Nelson, “Những Quyết Định cho Thời Vĩnh Cửu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 107).

  5. Xin xem, ví dụ, Ê Sai 65:19; Lu Ca 7:13; 3 Nê Phi 17:6–7; Môi Se 7:28. Việc học cách để nhận ra và đánh giá cảm xúc của chúng ta có thể giúp chúng ta sử dụng chúng một cách khéo léo để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta.

  6. Xin xem “Sadness and Depression,” kidshealth.org/en/kids/depression.html.

  7. Trang blog của Chị Elena Aburto, hermanaelenaaburto.blogspot.com/2015/08. Chị viết thêm:

    “Thử thách đó mang đến cho tôi cơ hội để thực sự thực hành đức tin của tôi nơi kế hoạch cứu rỗi. Vì tôi biết rằng Cha Thiên Thượng của tôi yêu thương tôi, và Ngài đã có một kế hoạch chỉ dành cho tôi, và Đấng Ky Tô hiểu chính xác điều gì tôi đang trải qua.”

    “Thượng Đế không làm bạn hổ thẹn khi bạn không có một kỹ năng. Ngài vui mừng giúp đỡ bạn cải thiện và hối cải. Ngài không kỳ vọng bạn phải sửa đổi mọi thứ cùng một lúc. Bạn không cần phải làm việc này một mình” (iwillhealthee.blogspot.com/2018/09).

  8. Thư riêng. Chị viết thêm: “Nhũ hương chữa lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi đã là một nguồn bình an và trú ẩn liên tục tốt nhất trong suốt cuộc hành trình của tôi. Khi tôi cảm thấy cô đơn vì những điều tôi phải vật lộn, tôi được nhắc nhở rằng Ngài cũng đã trải qua đúng như những gì tôi đang trải qua thay cho tôi. … Có rất nhiều hy vọng khi biết rằng thể xác tương lai hoàn hảo, được phục sinh của tôi sẽ không bị khổ sở vì [nỗi đau đớn] trần thế này.”

  9. Xin xem Russell M. Nelson, “Perfection Pending,Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 86–88; Jeffrey R. Holland, “Thế Thì—Cuối Cùng Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn,Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 40–42; J. Devn Cornish, “Tôi Có Là Người Đủ Tốt Để Vào Được Thượng Thiên Giới Không?Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 32–34; Cecil O. Samuelson, “What Does It Mean to Be Perfect?New Era, tháng Một năm 2006, trang 10–13.

  10. Là điều quan trọng để nói về những vấn đề này với con cái, gia đình, và bạn bè của chúng ta trong gia đình, tiểu giáo khu, và cộng đồng.

  11. Mô Si A 18:8–9.

  12. Xin xem Russell M. Nelson, “Chúa Giê Su Ky Tô—Đấng Chữa Lành Bậc Thầy,Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 85–88; Carole M. Stephens, ““Đức Thầy Chữa Lành,Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 9–12.

  13. Có thể là hữu ích để biết cách nhận ra những dấu hiệu và triệu chứng ở bản thân mình và những người khác. Chúng ta cũng có thể học cách để phát hiện ra những lối suy nghĩ không chính xác hoặc không lành mạnh và cách để thay thế chúng với những lối suy nghĩ chính xác và lành mạnh hơn.

  14. Bệnh trầm cảm cũng có thể bị gây ra bởi những thay đổi tích cực trong cuộc sống—như sự ra đời của một đứa con hoặc một việc làm mới—và có thể xảy ra khi mọi sự việc đều tốt đẹp trong cuộc sống của một người.

  15. Xin xem “Understanding Stress,” Adjusting to Missionary Life (năm 2013), trang 5–10.

  16. Xin xem Jeffrey R. Holland, “Giống Như Một Cái Bình Bể Nát,Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 40.

  17. Xin xem Dale G. Renlund, “Understanding Suicide” (video), ChurchofJesusChrist.org; “Talking about Suicide” (video), ChurchofJesusChrist.org; Kenishi Shimokawa, “Hiểu Rõ Nạn Tự Tử: Các Dấu Hiệu Cảnh Báo và Biện Pháp Ngăn Chặn,Liahona, tháng Mười năm 2016, trang 35–39.

  18. “Sự khởi đầu của việc chữa lành đòi hỏi đức tin như một đứa trẻ nơi sự thật bất biến rằng Cha Thiên Thượng yêu thương các anh chị em và đã cung cấp một đường lối để chữa lành. Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hy sinh mạng Ngài nhằm cung ứng sự chữa lành đó. Nhưng không có giải pháp nhiệm mầu nào, hay liều thuốc đơn giản nào để mang lại sự chữa lành, hay không có một con đường dễ dàng để được cứu chữa hoàn toàn. Sự chữa lành đòi hỏi đức tin sâu xa nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi khả năng vô hạn của Ngài để chữa lành” (Richard G. Scott, “Để Chữa Lành Những Hậu Quả Nguy Hại của Sự Lạm Dụng,Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 42). Khi có một vấn đề, khuynh hướng của chúng ta là giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên, chúng ta không phải trở thành người duy nhất cố gắng giải quyết vấn đề của riêng mình hoặc của người khác. Chúng ta không phải tự mình làm hết mọi việc. Hơn một lần trong cuộc đời, tôi đã phải tìm đến các nhà trị liệu để giúp tôi đối phó trong những lúc khó khăn.

  19. Xin xem Giăng 9:1–7.

  20. Jane Clayson Johnson, Silent Souls Weeping (năm 2018), trang 197.

  21. Xin xem Ma Thi Ơ 9:2–7, 20–22; 14:35–36; Mác 1:40–42; 2:3–5; 3 Nê Phi 17:6–7.

  22. Mô Si A 4:19; xem thêm Jeffrey R. Holland, “Chẳng Phải Chúng Ta Toàn Là Những Kẻ Hành Khất Cả Hay Sao?Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 40–42.

  23. Xin xem Rô Ma 2:19; 13:12; xem thêm Jeffrey R. Holland, “Come unto Me” (Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 2 tháng Ba năm 1997), speeches.byu.edu.

  24. 1 Nê Phi 8:23; xem thêm 1 Nê Phi 12:4, 17; 3 Nê Phi 8:22.

  25. Xin xem Thi Thiên 82:6; Rô Ma 8:16–18; Giáo Lý và Giao Ước 24:1; 76:24; Môi Se 1:1–39.

  26. Xin xem Adjusting to Missionary Life, trang 20; xem thêm Mi Chê 7:8; Ma Thi Ơ 4:16; Lu Ca 1:78–79; Giăng 8:12.

  27. Gia Cốp 3:1; xem thêm Ê Phê Sô 5:8; Cô Lô Se 1:10–14; Mô Si A 24:13–14; An Ma 38:5. Hãy đọc phước lành tộc trưởng của các chị em hoặc hỏi xin một phước lành chức tư tế để các chị em có thể nghe và nhớ Cha Thiên Thượng yêu thương các chị em và muốn ban phước cho các chị em biết bao.

  28. Xin xem 2 Cô Rinh Tô 4:16–18; Giáo Lý và Giao Ước 121:7–8, 33; 122:5–9.

  29. 2 Cô Rinh Tô 12:7.

  30. Giáo Lý và Giao Ước 81:5; xem thêm Ê Sai 35:3.

  31. Xin xem Mô Rô Ni 4:3; Giáo Lý và Giao Ước 20:77.

  32. An Ma 37:6.

  33. Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 95.

  34. An Ma 7:12; xem thêm Ê Sai 53:4; 2 Nê Phi 9:21; Mô Si A 14:4.

  35. Ê Sai 61:1–3; xem thêm Lu Ca 4:18.

  36. An Ma 31:38; xem thêm An Ma 32:43; 33:23.

  37. 2 Nê Phi 25:23.

  38. Ma La Chi 4:2; 3 Nê Phi 25:2.

  39. Khải Huyền 21:4.

  40. Mô Rô Ni 10:32.

  41. Ê Sai 60:20.