2016
Hiểu Rõ Nạn Tự Tử: Các Dấu Hiệu Cảnh Báo và Biện Pháp Ngăn Chặn
October 2016


Hiểu Rõ Nạn Tự Tử: Các Dấu Hiệu Cảnh Báo và Biện Pháp Ngăn Chặn

sitting at the edge of a dock

Hình ảnh do iStock/Thinkstock chụp

Khi Kevin được 16 tuổi, cha mẹ của nó ly dị. Cũng khoảng thời gian đó, nó ngừng sử dụng thuốc động kinh mà đã giúp ổn định tính tình của nó. Vì không biết là bị mắc bệnh rối loạn lưỡng cực, nên nó bắt đầu bị bệnh hoang tưởng, gàn dở suy nhược, và trầm cảm nặng. Thuốc men dường như cũng không giúp đỡ được. Đến một mức mà nó cảm thấy chán ngấy đối với mọi thứ, nên nó đã quyết định kết liễu cuộc đời của nó mà không để cho người khác biết về ý định đó.

Kevin kể lại cái ngày mà nó định tự tử: “Em đã khóc. Em đã quá mệt mỏi, quá suy yếu về mặt cảm xúc. Em nhìn người khác, muốn một người nào đó, muốn bất cứ ai, nói với em: ‘Em không sao chứ?’ Em muốn điều đó nhiều như em đang nghe những tiếng nói này [trong đầu]: ‘Ta phải chết thôi.’ … Em tiếp tục tự van xin mình đừng [tự tử], nhưng những tiếng nói này quá mạnh, em không thể chống lại được.”1

Buồn thay, không một ai nhận thấy nỗi đau khổ của nó. Vì tin rằng không có ai quan tâm đến mình nên nó đã thử tự tử—nhưng kỳ diệu thay nó vẫn còn sống.

Chúng ta có thể cảm thấy ít nhất nỗi đau khổ tuyệt vọng tràn ngập, tiếng kêu cứu thầm lặng để được giúp đỡ của nó không?

Tự tử là một trong những thử thách khó khăn nhất trên trần thế, đối với những người đau khổ với ý nghĩ tự tử lẫn những người thân của người tự tử. Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Tôi tin rằng không có thời gian nào khó khăn cho một gia đình hơn là khi một người thân tự tử. Tự tử là một kinh nghiệm bất hạnh của gia đình.”2 Khi xem xét tính chất nghiêm trọng của thử thách này, chúng ta hãy cùng thảo luận (1) điều chúng ta biết về tự tử, kể cả các dấu hiệu cảnh báo của nó và những điều chúng ta có thể làm để giúp ngăn chặn nó; (2) điều mà những người trong gia đình và cộng đồng có thể làm; và (3) điều chúng ta đều cần làm để củng cố hy vọng và đức tin của mình nơi Đấng Ky Tô để chúng ta không thất vọng.

Hiểu Rõ Sự Tự Tử

Trên toàn cầu, mỗi năm có hơn 800.000 người kết liễu cuộc đời của họ bằng cách tự tử.3 Điều đó có nghĩa là cứ mỗi 40 giây, có một người nào đó trên thế giới sẽ tự sát. Con số thực tế có lẽ còn cao hơn nữa vì tự tử là một vấn đề nhạy cảm và bất hợp pháp trong một số quốc gia và do đó không được báo cáo đầy đủ. Tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong số những người từ 15 đến 29 tuổi. Trong hầu hết các quốc gia, tỷ lệ tự tử là cao nhất trong số những người trên 70 tuổi. Tự tử ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến một phần lớn xã hội của chúng ta.

Các Dấu Hiệu Cảnh Báo

Khi những thử thách của cuộc sống cảm thấy vượt quá khả năng của mình để đối phó, thì chúng ta có thể trải qua tâm trạng căng thẳng cực độ. Khi một người cảm thấy không thể chịu đựng nổi sự buồn khổ về mặt tình cảm, thì suy nghĩ của người đó có thể không được sáng suốt và có thể dẫn người đó đến suy nghĩ rằng cái chết là lựa chọn duy nhất. Họ có thể cảm thấy rằng không có ai có thể giúp đỡ. Cảm nghĩ đó có thể dẫn đến sự cô lập xã hội và tiếp tục gia tăng nỗi đau khổ và cảm nghĩ là không có lối thoát và vô vọng, cuối cùng dẫn đến suy nghĩ rằng tự tử là lựa chọn duy nhất.

Khi một người nào đó cho thấy bất cứ các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng sau đây,4 thì ngay lập tức chúng ta nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhà cung cấp dịch vụ về sức khỏe tâm thần hoặc các dịch vụ khẩn cấp như cảnh sát:

  • Dọa sẽ tự làm cho mình bị thương hoặc tự sát.

  • Tìm kiếm những cách thức hay phương tiện để tự sát

  • Nói hay viết về cái chết, sự hấp hối, hoặc tự tử

Các dấu hiệu sau đây có thể đưa ra một tình huống ít khẩn cấp hơn, nhưng chúng ta không nên ngần ngại tiếp cận và tìm kiếm sự giúp đỡ cho người nào cho thấy bất cứ dấu hiệu nào trong số các dấu hiệu này:

  • Bày tỏ nỗi tuyệt vọng và mất mục đích để sống

  • Cho thấy cơn giận dữ hoặc tìm cách trả thù

  • Cư xử thiếu thận trọng

  • Cảm thấy không có lối thoát

  • Gia tăng việc dùng rượu hoặc ma túy

  • Xa lánh bạn bè, gia đình hay xã hội

  • Cảm thấy lo lắng hoặc khích động hay có những thay đổi đột ngột trong tính tình

  • Khó ngủ hoặc ngủ liên miên

  • Cảm thấy rằng họ là gánh nặng cho người khác

Không phải ai cố gắng tự tử cũng đều cho người khác biết ý định của họ, nhưng đa số đều cho thấy các dấu hiệu cảnh báo giống như vậy. Vì vậy hãy có cái nhìn nghiêm túc vào các dấu hiệu này!

Cho dù ngay cả khi sự giúp đỡ chuyên nghiệp không có sẵn, nhưng sức mạnh của những người bạn và người trong gia đình thực sự quan tâm cũng rất mãnh liệt.

Biện Pháp Ngăn Ngừa

elderly man with a cane

Khi một người nào đó có ý định tự tử, thì gia đình và bạn bè đóng một vai trò quan trọng. Như An Ma đã dạy, chúng ta cần phải “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho gánh nặng ấy được nhẹ nhàng; … sẵn sàng than khóc với những ai than khóc; phải, và an ủi những ai cần được an ủi” (Mô Si A 18:8, 9).

Sau đây là một số điều hữu ích mà gia đình và bạn bè có thể làm:

Tìm đến và lắng nghe với tình yêu thương. Như Anh Cả Ballard đã khuyên bảo: “Không có gì mạnh hơn vòng tay yêu thương mà có thể choàng quanh người đang gặp vất vả khó khăn.”5 Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Chúng ta cần phải nhìn họ … xuyên qua góc nhìn của Cha Thiên Thượng. “Chỉ khi đó chúng ta mới có thể cảm nhận được mối quan tâm chu đáo của Đấng Cứu Rỗi dành cho họ. … Quan điểm mở rộng này sẽ làm cho chúng ta cảm thông với những nỗi thất vọng, sợ hãi, và đau lòng của người khác.”6

Giúp đỡ với những điều cụ thể. Nếu một người sắp trải qua một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến các nhu cầu an toàn và cơ bản của mình, thì hãy đề nghị được giúp đỡ cụ thể, nhưng hãy để cho người đó chọn chấp nhận sự giúp đỡ đó hay không. Ví dụ, nếu một người nào đó có ý định tự tử vì mất việc làm, thì việc giúp họ tìm việc làm mang lại cho họ sự lựa chọn và giúp họ không còn cảm thấy không có lối thoát nữa.

Hỏi xem họ có đang suy nghĩ đến việc tự tử không. Khi các anh chị em lo lắng rằng một người nào đó đang đau khổ và cho thấy các dấu hiệu cảnh báo về việc tự tử thì hãy hỏi xem họ có đang suy nghĩ về việc tự tử không. Việc làm như vậy có thể làm cho họ cảm thấy khó chịu, nhưng là điều tốt nhất để tìm hiểu là bằng cách trực tiếp hỏi xem họ có đang suy nghĩ đến việc tự tử không. Điều này sẽ cho người đó cơ hội để nói về những mối phiền muộn và lo âu của người đó.

Ví dụ về các câu hỏi như vậy có thể là “Nghe có vẻ như quá nhiều vấn đề cho bất cứ ai để giải quyết. Bạn có đang nghĩ đến việc tự tử không?” hoặc “Với tất cả những nỗi đau khổ mà bạn đang trải qua, tôi tự hỏi liệu bạn có đang suy nghĩ về việc tự tử không.” Nếu không có ý định tự tử, có lẽ họ sẽ cho các anh chị em biết.

Nếu các anh chị em cảm thấy họ không cởi mở với mình về ý nghĩ tự tử, thì hãy lưu ý đến những thúc giục của Thánh Linh để biết phải làm gì. Các anh chị em có thể được thúc giục để chỉ ở lại với họ cho đến khi họ có thể nói chuyện thật tình với các anh chị em.

Ở lại với người đó và tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu một người nào đó cho các anh chị em biết rằng người đó có ý định tự tử, thì hãy ở lại với người đó và yêu cầu người đó nói chuyện với các anh chị em về điều đang làm cho họ cảm thấy phiền muộn. Nếu người đó nói về các cách thức và thời gian cụ thể để tự tử, thì hãy giúp người đó gọi vào đường dây nóng dành cho việc khủng hoảng hoặc phòng cấp cứu tâm thần ở địa phương.

Những Phản Ứng với một Vụ Tự Tử

Cho dù họ có cho thấy các dấu hiệu cảnh báo hay không, thì một số người vẫn tự sát. Khi trải qua kinh nghiệm khủng khiếp của một người thân tự tử, những người trong gia đình và bạn bè của người tự tử thường trải qua nỗi buồn sâu thẳm, mãnh liệt và phức tạp. Một số các phản ứng đó có thể gồm có những điều sau đây:

  • Xấu hổ và một cảm giác bị sỉ nhục

  • Bị sốc và không tin

  • Tức giận, nhẹ nhõm hoặc cảm giác tội lỗi

  • Che giấu nguyên nhân của cái chết

  • Cô lập đối với xã hội và cắt đứt các mối quan hệ gia đình

  • Sự tham gia tích cực và thậm chí còn ám ảnh với những nỗ lực ngăn ngừa tự tử

  • Một ước muốn mãnh liệt để hiểu lý do

  • Cảm thấy bị bỏ rơi và bị khước từ

  • Đổ lỗi cho người đã chết, cho bản thân mình, cho những người khác, và Thượng Đế

  • Những suy nghĩ về sự tự tử hoặc cảm nghĩ tự hủy diệt gia tăng

  • Tâm trạng căng thẳng gia tăng trong mùa lễ và ngày giỗ7

Các Gia Đình và Cộng Đồng của Người Tự Tử Có Thể Làm Gì

woman sitting on bench

Tránh phê phán. Mặc dù tự tử là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng Anh Cả Ballard cũng nhắc nhở chúng ta: “Hiển nhiên, chúng ta không hoàn toàn biết các tình huống liên quan đến mỗi vụ tự tử. Chỉ có Chúa mới biết tất cả các chi tiết, và Ngài chính là Đấng sẽ phán xét hành động của chúng ta ở trên thế gian này đây. Khi [Chúa] phán xét chúng ta, thì tôi cảm thấy Ngài sẽ cân nhắc kỹ mọi điều: thành phần cấu tạo về mặt di truyền và hóa học của chúng ta, trạng thái tâm thần của chúng ta, khả năng trí tuệ của chúng ta, những điều giảng dạy chúng ta đã nhận được, các truyền thống của cha ông chúng ta, sức khỏe của chúng ta, và vân vân.”8

Cho phép và tôn trọng tiến trình đau buồn riêng của mỗi người. Mọi người sẽ đau buồn theo những cách khác nhau, vì mối quan hệ của họ với người đã chết là khác biệt so với mọi người khác. Vì vậy, phải công nhận và tôn trọng cách mỗi người trải qua nỗi đau buồn.

Khi những người thân của chúng ta qua đời, thì những cảm xúc mạnh mẽ và thậm chí còn choáng ngợp có thể tràn ngập chúng ta. Tuy nhiên, việc trải qua nỗi đau buồn không có nghĩa là thiếu đức tin. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Các ngươi phải sống với nhau trong tình thương, đến nỗi phải than khóc cho việc mất đi những người đã chết” (GLGƯ 42:45). Nỗi đau buồn là một dấu hiệu về tình yêu thương của chúng ta dành cho những người thân yêu đã qua đời và ý nghĩa của mối quan hệ đối với chúng ta.

Xin được giúp đỡ. Khi các anh chị em đau buồn, thì có thể cảm thấy bị choáng ngợp. Việc tìm đến xin giúp đỡ có thể cung cấp các cơ hội thiêng liêng cho những người khác để yêu thương và phục vụ các anh chị em. Việc cho phép họ giúp đỡ có thể là sự chữa lành và củng cố không những cho các anh chị em mà còn cho họ nữa.

Hãy giữ liên lạc. Một số người thương tiếc âm thầm và đôi khi có thể trở nên bị cô lập, vì vậy hãy giữ liên lạc với gia đình và bạn bè của các anh chị em. Thỉnh thoảng tìm đến thăm hỏi những người trong gia đình đang đau buồn của mình, những người họ hàng và bạn bè, và đề nghị giúp đỡ vì họ có thể không tìm đến các anh chị em.

Tin cậy vào Đấng Cứu Rỗi. Đấng Cứu Rỗi là nguồn chữa lành và bình an tột bậc. “Sự Chuộc Tội của Ngài … cung cấp cho cơ hội để kêu cầu Ngài là Đấng đã trải qua tất cả những sự yếu đuối của con người để chữa lành và ban cho chúng ta sức mạnh để mang những gánh nặng của trần thế. Ngài biết nỗi đau đớn của chúng ta, và Ngài hiện diện ở đó vì chúng ta. Như người Sa Ma Ri nhân lành, khi Ngài thấy chúng ta bị thương ở bên đường, thì Ngài sẽ băng bó vết thương của chúng ta và chăm sóc cho chúng ta (xin xem Lu Ca 10:34).”9

Chúng ta hãy nhận biết rằng chúng ta đều cần phải tin cậy hoàn toàn vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài khi chúng ta tìm cách làm phần vụ của mình. Trong sự công nhận khiêm tốn đó, chúng ta hãy tìm hiểu các gia đình và hàng xóm của chúng ta đang đau khổ, tìm đến họ trong tình yêu thương, và cùng nhau nuôi dưỡng đức tin và sự tin cậy lớn lao hơn nơi Đấng Cứu Rỗi là Đấng sẽ trở lại và “lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa” (Khải Huyền 21:4).

Ghi Chú

  1. Kevin Hines, trong Amanda Bower, “A Survivor Talks About His Leap,” Time, ngày 24 tháng Năm năm 2006, Time.com.

  2. M. Russell Ballard, trong Jason Swenson, “Elder Ballard Offers Comfort and Counsel to Those Affected by Suicide,” Church News, ngày 19 tháng Mười Hai năm 2014, news.lds.org.

  3. Xin xem World Health Organization (Tổ Chức Y Tế Thế Giới), Preventing Suicide: A Global Imperative (2014), 2.

  4. Xin xem M. David Rudd và những người khác, “Warning Signs for Suicide: Theory, Research, and Clinical Applications,” Suicide and Life-Threatening Behavior, tập 36, số 3 (2006), 255–62.

  5. M. Russell Ballard, trong “Sitting on the Bench: Thoughts on Suicide Prevention” (video), lds.org/media-library.

  6. Dale G. Renlund, “Xuyên Qua Góc Nhìn của Thượng Đế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, 94.

  7. Xin xem John R. Jordan, “Is Suicide Bereavement Different? A Reassessment of the Literature,” Suicide and Life-Threatening Behavior, tập 31, số 1 (2001), 91–102.

  8. M. Russell Ballard, “Suicide: Some Things We Know, and Some We Do Not,” Ensign, tháng Mười năm 1987, 8.

  9. Dallin H. Oaks, “Được Củng Cố bởi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, 64.