2016
Lịch Sử Gia Đình: Sự Bình An, Bảo Vệ, và Các Lời Hứa
October 2016


Lịch Sử Gia Đình: Sự Bình An, Bảo Vệ, và Các Lời Hứa

Từ một bài nói chuyện “Gathering, Healing, and Sealing Families (Quy Tụ, Chữa Lành, và Gắn Bó Các Gia Đình),” được đưa ra tại Đại Hội Lịch Sử Gia Đình tại RootsTech ở Salt Lake City, Utah, Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng Hai năm 2015.

Khi gia đình của các anh chị em tham gia vào việc thu thập các hồ sơ, chữa lành các tâm hồn, và gắn bó những người trong gia đình, thì các anh chị em và con cháu của các anh chị em sẽ được ban phước vĩnh viễn và đời đời.

Hình Ảnh
family tree chart

Tranh do Carolyn Vibbert minh họa

Câu chuyện về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là một câu chuyện về gia đình. Khi nói gia đình, tôi không ám chỉ khái niệm hiện đại của chúng ta về Cha, Mẹ, và con cái.

Tôi sử dụng từ ngữ này theo cách Chúa sử dụng, như là một từ đồng nghĩa với họ hàng thân thiết hoặc gia đình đa thế hệ, vì mọi người đều có một gia đình. Kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài tập trung vào loại gia đình này—với con cái tiếp nhận sức mạnh từ tổ tiên trong nhiều thế hệ trước và các bậc cha mẹ tìm cách ban phước cho con cháu của họ trong các thế hệ mai sau.

Trong ý nghĩa này, Sách Mặc Môn cũng kể những câu chuyện về gia đình. Khi đọc những câu chuyện này, chúng ta thấy rằng gia đình đã không thay đổi nhiều trong nhiều thế kỷ. Ngay cả những người đã sống trong một thời kỳ và địa điểm khác cũng giống như chúng ta rất nhiều—và ước muốn của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài là sống trong gia đình hạnh phúc, vĩnh cửu thì không hề thay đổi.

Tại sao Chúa đã bảo tồn biên sử của các câu chuyện này? Ngài muốn chúng ta học điều gì từ các câu chuyện này? Các câu chuyện này có chứa đựng những bài học mà có thể giúp chúng ta trong nỗ lực của mình để quy tụ, chữa lành và gắn bó gia đình của chúng ta không?

Một Bài Học từ Lê Hi

Tôi tin rằng gia đình đầu tiên trong Sách Mặc Môn—gia đình của Lê Hi—có một bài học mạnh mẽ dành cho chúng ta mà chúng ta có thể không nhận thấy. Gia đình của Lê Hi có thể dạy cho chúng ta rất nhiều về các biên sử của gia đình—tại sao các biên sử này quan trọng đối với Chúa và tại sao các biên sử này phải là quan trọng đối với chúng ta.

Vào lúc bắt đầu câu chuyện, Lê Hi và Sa Ri A đang nuôi dạy các con gái và bốn con trai của họ ở Giê Ru Sa Lem, có được một cuộc sống tương đối thoải mái trong thành phố lớn đó. Cuộc sống của họ đã thay đổi vĩnh viễn khi Chúa truyền lệnh cho Lê Hi phải đưa gia đình của ông vào vùng hoang dã.

Lê Hi vâng lời, và ông cùng gia đình ông bỏ lại của cải vật chất của họ và mạo hiểm đi vào vùng hoang dã. Sau khi đi được một thời gian, Lê Hi nói với con trai Nê Phi:

“Này con, cha đã nằm mộng thấy Chúa truyền lệnh cho cha rằng, con và các anh con phải trở lại Giê Ru Sa Lem.

“Vì này, La Ban đang cất giữ biên sử của người Do Thái, và luôn cả gia phả của tổ tiên cha, và những điều này được ghi khắc trên những tấm bảng khắc bằng đồng” (1 Nê Phi 3:2–3; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Nhờ vào lệnh truyền này nên gia đình của chúng ta đã được ban phước với lời tuyên bố hùng hồn về đức tin và sự vâng lời sau đây của Nê Phi: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh, vì con biết Chúa không ban ra một lệnh truyền nào cho con cái loài người mà Ngài lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền” (1 Nê Phi 3:7).

Các bảng khắc bằng đồng là một biên sử. Các bảng khắc này chứa đựng thánh thư, cũng như lịch sử gia đình của Lê Hi. Chúa biết là điều quan trọng biết bao để bảo tồn biên sử đó cho nhiều thế hệ mai sau.

Có bao giờ các anh chị em tự hỏi tại sao Chúa đã không truyền lệnh cho Lê Hi, mà lại truyền lệnh cho các con trai của ông, trở lại lấy biên sử đó không? Ông là gia trưởng. Chúa đã ban cho ông khải tượng. Lê Hi có nhiều ảnh hưởng hơn các con trai của ông đối với La Ban không?

Chúng ta không biết lý do tại sao Chúa truyền lệnh cho các con trai của Lê Hi trở lại Giê Ru Sa Lem, nhưng chúng ta biết rằng họ đã vất vả hoàn thành điều Chúa phán bảo họ phải làm. Nhiệm vụ đó rất khó và đã thử thách đức tin của họ. Họ đã học được những bài học quý giá và hữu ích cho họ trong suốt cuộc hành trình của họ trong vùng hoang dã. Có lẽ quan trọng nhất là họ đã biết được rằng khi Chúa truyền lệnh thì Ngài thực sự cung cấp cho một đường lối.

Chúng ta có thể tự hỏi, Chúa muốn các con trai và con gái của chúng ta học điều gì khi chúng “trở lại” để lấy các biên sử của gia đình chúng ta? Ngài đang cung cấp một đường lối cho chúng như thế nào? Có những kinh nghiệm mà Ngài muốn chúng đạt được không? Chúng ta có mời chúng để đạt được những kinh nghiệm này không? Ngài đang hy vọng ban các phước lành nào cho các con trai và con gái của các anh chị em qua sự phục vụ trong đền thờ và lịch sử gia đình?

Khi Nê Phi và các anh em của ông trở về căn lều của cha họ, Lê Hi “lấy các biên sử khắc trên các bảng khắc bằng đồng ra xem xét tỉ mỉ từ đầu.” Ở đó ông tìm thấy “năm cuốn sách của Môi Se,” “những lời tiên tri của các thánh tiên tri,” và “gia phả của tổ phụ ông; vậy nên ông mới biết được rằng, ông là con cháu của Giô Sép … người bị bán qua Ai Cập.” Và khi Lê Hi “xem thấy tất cả những điều này, ông được đầy dẫy Thánh Linh” (1 Nê Phi 5:10, 11, 13, 14, 17).

Sau đó Lê Hi giảng dạy cho gia đình ông nghe về điều ông đã học được từ các bảng khắc. Các anh chị em có thể nói là căn lều của ông đã trở thành một trung tâm lịch sử gia đình và học tập—nhà của chúng ta cũng nên giống như vậy.

Thật dễ dàng để hiểu được lý do tại sao Chúa muốn gia đình của Lê Hi phải có những biên sử này. Những biên sử này mang đến cho con cháu của ông một ý nghĩa về nguồn gốc, liên kết họ với các vị tộc trưởng trung thành của quá khứ và gieo vào lòng họ “những lời hứa đã được lập với những người cha” (GLGƯ 2:2; Joseph Smith—Lịch Sử 1:39). Những biên sử này rất quan trọng đối với đức tin của các thế hệ tương lai mà Thánh Linh đã cảnh báo với Nê Phi rằng nếu không có các biên sử này thì cả một “dân tộc phải suy đồi và bị diệt vong trong sự vô tín ngưỡng” (1 Nê Phi 4:13).

Kinh nghiệm về một dân tộc khác trong Sách Mặc Môn cho thấy sự thật là khi các biên sử bị thất lạc, thì lẽ thật sẽ bị mất và kết quả cho thế hệ tương lai có thể là một thảm họa.

Dân Mơ Léc rời bỏ Giê Ru Sa Lem cùng lúc với gia đình của Lê Hi. Nhưng không giống như gia đình của Lê Hi, “họ đã không mang theo một biên sử nào với họ.” Vào lúc Mô Si A khám phá ra họ khoảng 400 năm sau, thì “ngôn ngữ của họ đã trở nên hủ bại; … và họ phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Sáng Tạo ra họ” (Ôm Ni 1:17). Họ đã đánh mất nguồn gốc của họ là một dân giao ước.

Mô Si A dạy cho dân Mơ Léc ngôn ngữ của ông để họ có thể học hỏi từ các biên sử mà ông sở hữu. Do đó, dân Mơ Léc đã trải qua một sự biến đổi từ một xã hội khó khăn, vô thần thành một xã hội hiểu được kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế dành cho họ—và gia đình họ.

Trở Lại với Gia Đình của Các Anh Chị Em.

Hình Ảnh
family going to the temple

Việc hiểu được chúng ta là ai trong mối quan hệ với Thượng Đế và với nhau thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, hành động, và đối xử với những người khác. Biên sử là một phần quan trọng về nguồn gốc và triển vọng của chúng ta. Việc nhìn lại chuẩn bị cho chúng ta để tiến về phía trước.

Hỡi các bậc cha mẹ, các anh chị em có mời gia đình của mình “trở lại” không? Gia đình của các anh chị em có bị chia cách khỏi các biên sử của họ—hoặc chia cách nhau—bằng cách này hay cách khác không? Mối quan hệ của gia đình các anh chị em giữa hiện tại và quá khứ có bị cắt đứt không? Điều gì đã xảy ra trong lịch sử gia đình của các anh chị em để gây ra sự chia cách này? Có phải đó là vì phải di cư, xung đột gia đình, cải đạo theo phúc âm, hoặc chỉ vì thời gian trôi qua không? Mới gần đây, các anh chị em có cố gắng để tìm kiếm các tổ tiên của mình trên mạng FamilySearch.org không?

Gia tộc Y Sơ Ra Ên đã bị phân tán, và bằng nhiều cách trong đó gồm có sự phân tán của gia đình và các biên sử của chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là quy tụ họ lại và nơi nào cần, chữa lành vết thương chia cách. Khi chúng ta siêng năng tìm cách xoay lòng của con cái mình đến với tổ phụ của chúng thì lòng của chúng ta cũng sẽ trở lại với con cái chúng ta1 và chúng ta sẽ cùng nhau khám phá ra sự bình an và chữa lành phát xuất từ công việc này (xin xem GLGƯ 98:16).

Giống như Lê Hi đã gửi các con trai của ông trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy các biên sử thiêng liêng, chúng ta cũng hãy gửi con cái chúng ta trở lại làm các biên sử gia đình của chúng ta. Giống như Chúa đã cung cấp một đường lối cho Nê Phi, Ngài cũng đã cung cấp Internet và các công nghệ khác mà sẽ cho phép con cái chúng ta quy tụ và chữa lành gia đình của chúng ta. Và Ngài đã cung cấp đền thờ nơi mà chúng ta có thể mang đến những cái tên chúng ta tìm thấy và làm cho việc quy tụ của chúng ta thành vĩnh cửu qua các giáo lễ gắn bó.

Niềm Vui trong Vùng Hoang Dã

Khi vợ tôi, Sharol, và tôi kết hôn, chúng tôi đã quyết định sẽ có bốn đứa con trai. Chúa đã có một kế hoạch khác. Ngài cho chúng tôi bốn đứa con gái.

Chúng tôi đã đi với các con gái của mình qua vùng hoang dã. Bây giờ chúng đã lập gia đình, có con cái và đi qua vùng hoang dã riêng của chúng. Mọi việc có được thuận lợi trên đường đi không? Không. Chúng tôi đã có ta thán, và đã có rất nhiều vất vả.

Cuộc sống hoang dã có thể rất khó khăn đối với gia đình. Khi người ta hỏi “Cuộc sống của anh chị và gia đình như thế nào?” Tôi thường nói: “Chúng tôi đang gặp khủng hoảng ngay bây giờ đây. Cám ơn đã hỏi thăm.”

Nhưng cũng có những giây phút vui vẻ thật sự trong cuộc sống. Là cha mẹ, chúng tôi dành ra nhiều thời gian để củng cố con cái chúng tôi cho vùng hoang dã. Các vị tiên tri trong thời kỳ của chúng ta đã hứa rằng công việc lịch sử gia đình mang đến “sự bảo vệ khỏi ảnh hưởng của kẻ nghịch thù”2 và một sự cải đạo “sâu sắc và tồn tại mãi mãi” theo Đấng Cứu Rỗi.3 Thật là một cách mạnh mẽ để quy tụ, chữa lành, và gắn bó gia đình của chúng ta.

Là gia trưởng, tôi đã yêu cầu mấy đứa con gái của tôi “trở lại” để tìm kiếm các biên sử, mang những cái tên đến đền thờ, và dạy dỗ các cháu của chúng tôi. Tôi đã yêu cầu chúng phải tìm hiểu về dòng dõi của chúng bằng cách tham gia vào lịch sử gia đình của chúng tôi.

Một Lời Hứa

Tôi hứa rằng khi các anh chị em mời con cái mình “trở lại” và tìm kiếm các biên sử gia đình, thì các anh chị em sẽ cùng với chúng “quá đỗi vui mừng” giống như Lê Hi và Sa Ri A và “tạ ơn Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên.” Khi tìm kiếm các biên sử của mình, các anh chị em sẽ “được đầy dẫy Thánh Linh,” vì các anh chị em sẽ thấy “đây là những điều mà [các anh chị em] mong ước có được; phải, nó có một giá trị lớn lao.” Và các anh chị em sẽ biết rằng “theo sự thông sáng trong Chúa là [các anh chị em] phải mang theo các biên sử này với [các anh chị em]” trong khi các anh chị em hành trình “trong vùng hoang dã tiến về đất hứa của [các anh chị em]” (1 Nê Phi 5:9, 17, 21–22).

Giáo Hội hiện diện ở đây để hỗ trợ và củng cố gia đình các anh chị em trong cuộc hành trình này. Tôi hứa rằng khi gia đình của các anh chị em tham gia vào việc thu thập các biên sử, chữa lành các tâm hồn, và gắn bó những người trong gia đình, thì các anh chị em và con cháu của các anh chị em—gia đình của các anh chị em—sẽ được phước vĩnh viễn và đời đời.

Ghi Chú

  1. Để có các ví dụ về cách các biên sử được chứa đựng trên các bảng khắc bằng đồng đã mang lại sự chữa lành cho con cháu của Lê Hi, xin xem An Ma 37:8–10.

  2. Richard G. Scott, “Niềm Vui Cứu Chuộc Người Chết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, 94.

  3. David A. Bednar, “Lòng Con Cái Sẽ Trở Lại,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 27.

In