2016
Tình Yêu so với Dục Vọng
October 2016


Tình Yêu so với Dục Vọng

nếu có thể hiểu rõ hơn về dục vọng có nghĩa là gì thì chúng ta có thể học cách tránh nó và có những sự lựa chọn mà mang chúng ta đến gần Đức Thánh Linh hơn.

Hình Ảnh
young couple

Dục Vọng.

Đây chắc chắn là một từ xấu xa. Hầu hết chúng ta đều không muốn nghĩ về từ đó, càng không muốn tìm hiểu về từ đó. Từ đó tạo ra một cảm giác vô luân, một điều gì đó xấu xa—quyến rũ nhưng sai trái.

Có một lý do tốt cho từ đó. Nếu “sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác” (1 Ti Mô Thê 6:10), thì chắc chắn dục vọng là đồng minh bí mật của nó. Dục vọng là vô luân và hèn hạ. Dục vọng biến con người, những sự việc và ngay cả những ý nghĩ thành đối tượng để sở hữu hoặc đạt được nhằm thỏa mãn sự thèm khát. Nhưng nếu đã biết điều đó rồi thì tại sao chúng ta cần phải biết thêm về điều đó nữa?

Vì nếu có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa thực sự của dục vọng thì chúng ta có thể biết được cách uốn nắn những ý nghĩ, cảm nghĩ, và hành động của mình để chúng ta có thể tránh được và khắc phục những biểu lộ của điều đó. Điều này sẽ dẫn chúng ta đến một mối quan hệ gần gũi hơn với Đức Thánh Linh, mà thanh tẩy những suy nghĩ và ý định của chúng ta và củng cố chúng ta. Và điều đó sẽ dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc, bình an, và vui vẻ hơn.

Định Nghĩa Dục Vọng

Chúng ta có khuynh hướng nghĩ về dục vọng chủ yếu là có những cảm nghĩ không thích hợp, mãnh liệt về sự thu hút về thể chất đối với người khác, nhưng cũng có thể ham muốn hay thèm khát hầu như bất cứ thứ gì: tiền bạc, tài sản, đồ đạc, và dĩ nhiên, những người khác (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ham Muốn”).

Dục vọng bắt buộc một người tìm cách đạt được một điều gì đó trái với ý muốn của Thượng Đế. Nó gồm có bất cứ cảm nghĩ hoặc ước muốn nào làm cho một cá nhân tập trung vào những của cải thế gian hoặc những thực hành ích kỷ—những sở thích, ước muốn, đam mê, và thèm muốn—thay vì tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế.

Nói cách khác, mong muốn những điều trái với ý muốn của Thượng Đế hoặc mong muốn có những thứ gì đó trái với ý muốn của Ngài, đó chính là dục vọng, và sẽ dẫn đến đau khổ.1

Hình Ảnh
man looking at fancy car

Sự Nguy Hiểm của Dục Vọng về Tình Dục

Mặc dù chúng ta đã được cảnh cáo phải chống lại dục vọng vì đó thường là một hình thức thèm muốn, nhưng trong bối cảnh tình dục thì dục vọng đặc biệt rất là nguy hiểm. Đấng Cứu Rỗi đã cảnh cáo: “Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.” (Ma Thi Ơ 5:28).

Các sứ đồ thời xưa đã cảnh báo rất nhiều phải chống lại dục vọng theo ý nghĩa này. Ví dụ, như Sứ Đồ Giăng nói: “Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra” (1 Giăng 2:16; xin xem thêm câu 17; Rô Ma 13:14; 1 Phi E Rơ 2:11).

Và những lời cảnh cáo đó tiếp tục ngày nay.2 Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích: “Tại sao dục vọng là một tội lỗi gây chết người? Vâng, ngoài việc làm hại tâm hồn chúng ta bằng cách hoàn toàn làm cho Thánh Linh rút lui, tôi nghĩ rằng đó là một tội lỗi bởi vì nó làm vẩn đục mối quan hệ cao quý và thánh thiện nhất do Thượng Đế ban cho chúng ta trong cuộc sống hữu diệt—đó là tình yêu giữa người nam và người nữ dành cho nhau và lòng khát khao cặp vợ chồng này có để mang con cái vào một gia đình với ý định được ở với nhau mãi mãi.”3

Việc để cho ước muốn đầy dục vọng phát triển là nguồn gốc của nhiều hành vi tội lỗi. Điều mà bắt đầu với một cái nhìn dường như là vô tội có thể phát triển thành sự ngoại tình vô luân với tất cả những hậu quả tai hại của việc đó. Đó là bởi vì dục vọng làm cho Đức Thánh Linh phải rút lui và khiến cho chúng ta dễ bị tổn thương bởi những cám dỗ và các điều xấu xa cùng những mưu kế của kẻ nghịch thù.

Những sự lựa chọn đầy bi thảm của Vua Đa Vít là một ví dụ đáng buồn về mối cảm xúc này có thể mạnh mẽ và nguy hại như thế nào. Đa Vít đã tình cờ nhìn thấy Bát Sê Ba tắm và nảy lòng ham muốn bà ta. Dục vọng phát sinh ra hành động, và ông đã truyền mang bà đến với ông và ông đã ăn nằm với bà ta. Sau đó, trong một nỗ lực sai lầm để che giấu tội lỗi của mình, Đa Vít đã ra lệnh cho chồng của Bát Sê Ba phải ra ngoài trận tuyến nơi mà chắc chắn là ông sẽ bị giết chết (xin xem 2 Sa Mu Ên 11). Vì vậy, Đa Vít đã mất sự tôn cao của mình (xin xem GLGƯ 132:38–39).

Tình trạng của Đa Vít có thể dường như quá đáng, nhưng chắc chắn việc đó đã chứng minh điểm này: dục vọng là một cám dỗ mạnh mẽ. Việc đầu hàng dục vọng có thể làm cho chúng ta phải tham gia vào những điều mà không một người nào biết suy nghĩ cặn kẽ sẽ làm. Thực tế là vì dục vọng rất quỷ quyệt, rất dễ khơi dậy, và rất hữu hiệu trong việc cám dỗ chúng ta xa lánh Đức Thánh Linh và phục tùng ý muốn của mình cho một điều gì đó bị nghiêm cấm nên càng làm cho nó nguy hiểm hơn nữa. Nó có thể được bắt đầu bằng cách xem hình ảnh sách báo khiêu dâm, nghe những lời không đúng đắn, hoặc có hành vi thân mật gần gũi không thích hợp. Đồng thời, những cảm giác dục vọng có thể thúc đẩy một cá nhân tìm kiếm hình ảnh sách báo khiêu dâm. Mối cảm giác tái diễn này cực kỳ mãnh liệt và nguy hiểm.4

Dục vọng về tình dục là điều đê hèn và làm suy yếu tất cả các mối quan hệ, một trong các mối quan hệ này là mối quan hệ cá nhân với Thượng Đế. “Và thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, như ta đã nói trước đây, kẻ nào nhìn một người đàn bà với lòng thèm muốn, hoặc kẻ nào phạm tội ngoại tình trong lòng, thì kẻ đó sẽ không có được Thánh Linh, mà trái lại sẽ chối bỏ đức tin và sẽ sợ hãi” (GLGƯ 63:16).

Như Anh Cả Richard G. Scott (1928–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Sự vô luân về mặt tình dục tạo ra một rào cản đối với ảnh hưởng của Đức Thánh Linh với tất cả các khả năng nâng cao tinh thần, soi sáng và làm cho có khả năng của Đức Thánh Linh. Điều này gây ra sự kích thích mạnh mẽ về thể chất và cảm xúc. Cuối cùng điều đó tạo ra một nỗi khát khao không thỏa mãn được đã thúc đẩy người phạm tội còn phạm vào tội lỗi nghiêm trọng hơn bao giờ hết.”5

Điều Gì Không Phải Là Dục Vọng

Hình Ảnh
couple walking on the beach

Sau khi đã xem xét dục vọng là gì rồi, thì cũng là điều quan trọng để hiểu điều gì không phải là dục vọng và phải cẩn thận đừng gán cho những ý nghĩ, cảm nghĩ và ước muốn là dục vọng. Dục vọng là một loại ước muốn, nhưng cũng là những ước muốn ngay chính. Ví dụ, chúng ta có thể mong muốn những điều tốt đẹp và thích hợp mà sẽ giúp hoàn thành công việc của Chúa.

Hãy nghĩ về:

  • Ước muốn có tiền. Tự nó, ước muốn có tiền không phải là điều ác. Phao Lô đã không nói rằng tiền bạc là cội rễ mọi điều ác. Ông nói rằng: “sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác” (1 Ti Mô Thê 6:10; sự nhấn mạnh được thêm vào). Những lời dạy của Gia Cốp làm sáng tỏ thêm: “Nhưng trước khi tìm kiếm của cải, các anh em hãy tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế. Và sau khi đã đạt được niềm hy vọng ở Đấng Ky Tô, các anh em sẽ thu nhận được của cải nếu các anh em tìm kiếm nó. Các anh em phải tìm kiếm của cải với mục đích làm điều thiện—như đem áo quần cho kẻ thiếu mặc, đem thức ăn lại cho kẻ đói, đem sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, và cứu trợ những kẻ bệnh hoạn cùng những kẻ đau khổ” (Gia Cốp 2:18–19).

  • Có những cảm giác tình dục thích hợp đối với người phối ngẫu của các anh chị em. Những cảm giác này do Thượng Đế ban cho giúp chúng ta củng cố, thêm sức mạnh và đoàn kết trong hôn nhân. Nhưng cũng có thể có những cảm giác không thích hợp đối với một người phối ngẫu. Nếu chúng ta tìm cách thỏa mãn chỉ vì lợi ích riêng của mình, hoặc chỉ để thỏa mãn những thèm khát hoặc cảm giác của mình, thì chúng ta có thể đã bị rơi vào những ham muốn dục vọng, và điều đó có thể gây nguy hại đến mối quan hệ hôn nhân. Bí quyết để tìm kiếm và duy trì sự thân mật gần gũi thể xác thích hợp trong hôn nhân là ý định chân thành và yêu thương.

Nguyên tắc quan trọng là tìm kiếm những điều với mục đích đúng—xây đắp vương quốc của Thượng Đế và gia tăng sự tốt lành trên thế gian. Ngược lại, dục vọng khuyến khích chúng ta vượt ra ngoài ranh giới thích hợp, nơi mà ước muốn của chúng ta có thể làm hạ thấp giá trị của Thượng Đế, xem con người như đồ vật, và biến đổi đồ vật, tiền của và thậm chí cả quyền lực thành điều tà ác mà làm hỏng khả năng nhạy cảm của chúng ta và hủy hoại các mối quan hệ của chúng ta.

Tại Sao Chúng Ta Thường Đầu Hàng Dục Vọng

Vì dục vọng là rất nguy hại và nguy hiểm vậy tại sao nó lại hấp dẫn và thịnh hành đến như vậy? Tại sao chúng ta thường xuyên để cho nó chế ngự chúng ta như vậy? Bề ngoài thì có thể dường như là tính ích kỷ hay sự thiếu tự chủ là nguyên nhân chính của dục vọng. Đó là những yếu tố góp phần, nhưng gốc rễ chính của dục vọng thường là sự trống rỗng. Các cá nhân có thể đầu hàng dục vọng trong một nỗ lực vô ích để lấp đổ đầy khoảng trống trong cuộc đời của họ. Dục vọng là một cảm xúc sai lầm, một thay thế kém cỏi cho tình yêu đích thực, giá trị thực sự, và vai trò môn đồ lâu dài.

Việc kiềm chế cảm xúc một cách thích hợp, theo một nghĩa nào đó, là một trạng thái của tâm hồn. “Vì hắn tưởng trong lòng thể nào, thì hắn quả thể ấy” (Châm Ngôn 23:7). Bất cứ nơi nào chúng ta đặt sự tập trung tâm thần và tinh thần của mình vào thì theo thời gian sẽ trở thành động lực đằng sau những ý nghĩ, cảm nghĩ và hành động của chúng ta. Bất cứ khi nào cảm thấy bị cám dỗ để thèm muốn, thì chúng ta cần phải thay thế cám dỗ đó bằng một điều gì thích hợp hơn.

Tính biếng nhác cũng có thể gây ra những ý nghĩ đầy dục vọng. Khi quá nhàn rỗi trong cuộc sống của mình thì chúng ta có khuynh hướng dễ bị ảnh hưởng xấu xa. Khi tìm cách thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa (xin xem GLGƯ 58:27) và cố gắng sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả, thì chúng ta sẽ ít thiên về những ý nghĩ đầy dục vọng hoặc những ảnh hưởng tiêu cực khác.

Như Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích, ước muốn chúng ta chọn tuân theo không những ảnh hưởng đến hành động của chúng ta mà còn đến con người mà cuối cùng chúng ta sẽ trở thành nữa: “Ước muốn điều khiển những ưu tiên của chúng ta, những ưu tiên ảnh hưởng những lựa chọn của chúng ta, và những lựa chọn đó sẽ xác định hành động của chúng ta. Chúng ta làm theo những ước muốn mà xác định điều gì chúng ta thay đổi, hoàn thành và trở thành con người như thế nào.”6

Nói cách khác, chúng ta không phải chỉ đề phòng những mối cảm xúc mà chúng ta cho phép mình dính líu đến mà còn những ý nghĩ có sức thúc đẩy hoặc do những mối cảm xúc đó gây ra. Như An Ma đã dạy, nếu những ý nghĩ của chúng ta ô uế thì “tư tưởng của chúng ta cũng sẽ kết tội chúng ta” (An Ma 12:14).

Phương Thuốc: Tình Yêu Thương của Đấng Ky Tô

Hình Ảnh
young married couple

Không thể tránh khỏi dục vọng. Vì Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta quyền tự quyết nên chúng ta có quyền năng đối với những ý nghĩ, cảm nghĩ và hành động của mình. Chúng ta không cần phải đeo đuổi theo những ý nghĩ và cảm nghĩ đầy dục vọng. Khi cám dỗ đến, chúng ta có thể chọn không đi theo những ý nghĩ và cảm nghĩ đó.

Làm thế nào chúng ta khắc phục được cám dỗ để thèm muốn? Chúng ta bắt đầu bằng cách phát triển một mối quan hệ đúng đắn với Cha Thiên Thượng và chọn phục vụ người khác. Và hàng ngày chúng ta có những hành động ngoan đạo kể cả việc cầu nguyện và nghiên cứu thánh thư để mời Đức Thánh Linh đến với cuộc sống của chúng ta. Cuối cùng, bí quyết là tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô—tình yêu thương thanh khiết, chân thành, chân thật, với ước muốn xây đắp vương quốc của Thượng Đế và hướng mắt duy nhất tới sự vinh quang của Ngài. Tình yêu đó chỉ có thể có được khi chúng ta có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh.

Việc loại bỏ dục vọng đòi hỏi sự cầu nguyện chân thành để chúng ta cầu xin Thượng Đế loại bỏ những cảm nghĩ đó và ban cho lòng bác ái thay vì những cảm nghĩ đó (xin xem Mô Rô Ni 7:48). Điều này có thể được thực hiện, cũng theo cách mà sự hối cải được thực hiện, là nhờ vào ân điển của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.7 Nhờ vào Ngài, chúng ta có thể học biết yêu thương theo cách mà Ngài và Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta.

Khi chúng ta tiếp tục tập trung vào Cha Thiên Thượng, khi chúng ta sống theo giáo lệnh lớn đầu tiên và thứ hai—phải yêu mến Thượng Đế và người lân cận của chúng ta như chính mình (xin xem Ma Thi Ơ 22:36–39)—và khi chúng ta làm hết sức mình để sống như Ngài đã dạy, thì những ý định thanh khiết và chân thành sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta với cường độ càng ngày càng lớn hơn. Khi chúng ta kết hợp ý muốn của mình với ý muốn của Đức Chúa Cha, thì những cám dỗ và các hiệu quả của dục vọng giảm bớt, được thay thế bằng tình yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô. Sau đó lòng chúng ta được tràn ngập với tình yêu thương thiêng liêng đó mà thay thế những ước muốn đê tiện của thế gian này bằng vẻ đẹp của việc xây đắp vương quốc của Thượng Đế.

Ghi Chú

  1. Xin xem Dallin H. Oaks, “Joy and Mercy,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, 75; và Thomas S. Monson, “Finishers Wanted,” Ensign, tháng Bảy năm 1972, 69.

  2. Để có một vài ví dụ, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:121; Spencer W. Kimball, “President Kimball Speaks Out on Morality,” Ensign, tháng Mười Một năm 1980, 94–98; Neal A. Maxwell, “The Seventh Commandment: A Shield,” Ensign, tháng Mười Một năm 2001, 78–80; Russell M. Nelson, “Where Is Wisdom?” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, 6–8. Để biết thêm những lời cảnh cáo trong thánh thư về dục vọng , hãy xem lại các đề tài sau đây trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư: Ngoại Tình; Nhục Dục; Trinh Khiết; Thèm Muốn; Gian Dâm; Đồng Tính Luyến Ái; Ham Muốn; Dâm Dục, Tính Dâm Dục; Vô Luân về Mặt Tình Dục.

  3. Jeffrey R. Holland, “Đừng Nhượng Bộ Kẻ Thù của Linh Hồn Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2010, 44–45.

  4. Để biết thêm về đề tài này, xin xem Dallin H. Oaks, “Khắc Phục Cạm Bẫy Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm,” Liahona, tháng Mười năm 2015, 50.

  5. Richard G. Scott, “Making the Right Choices,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 38.

  6. Dallin H. Oaks, “Ước Muốn,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 42.

  7. Để có ví dụ, xin xem D. Todd Christofferson, “Ân Tứ Thiêng Liêng về Sự Hối Cải,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 38–41.

In