2016
Niềm Vui của Việc Học Hỏi
October 2016


Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Niềm Vui của Việc Học Hỏi

Khi trở thành những người học hỏi có nhiều cam kết hơn, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui thiêng liêng đến từ việc học và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
young woman reading her scriptures

Câu chuyện này kể về một người biếng nhác nhất trong một thị trấn nọ. Người ấy không muốn làm việc, không muốn tìm việc làm. Người ấy hoàn toàn sống dựa vào nỗ lực của những người khác. Cuối cùng những người dân trong thị trấn không chịu nổi nữa. Họ quyết định đưa người ấy đến vùng ngoại ô của thị trấn và đày người ấy ở đó. Trong khi một người dân thị trấn hộ tống người ấy trong một chiếc xe ngựa để đi đến bìa thị trấn, thì người đánh xe ngựa cảm thấy lòng tràn ngập trắc ẩn. Có lẽ nên cho người bị bỏ rơi này thêm một cơ hội nữa. Vì vậy người ấy hỏi: “Anh có muốn một giỏ bắp để bắt đầu làm lại từ đầu không?”

Người bị bỏ rơi đáp: “Bắp đã được lột vỏ chưa?”1

Giảng Viên và Học Viên: Trách Nhiệm Đồng Đều để Đóng Góp

Đôi khi chúng ta thấy có những người muốn đạt được sự hiểu biết về thánh thư—mà lại không muốn bỏ ra nỗ lực nào cả. Họ muốn học phúc âm qua việc lắng nghe một loạt những phần trích dẫn hoặc một loạt các đoạn video ngắn và thú vị. Họ muốn giảng viên Trường Chủ Nhật phải chuẩn bị và làm mọi việc để giúp họ hiểu bài học chứ không muốn tự mình chuẩn bị hoặc tham gia làm phần vụ của mình.

Trái lại, Đấng Cứu Rỗi đã có lần mời học viên của Ngài trở về nhà vì họ không thể hiểu được lời của Ngài. Ngài truyền lệnh cho họ cầu nguyện, suy ngẫm, và “chuẩn bị tâm trí [họ] cho ngày mai,” khi Ngài sẽ “trở lại cùng [họ]” (xin xem 3 Nê Phi 17:2–3).

Bài học đó là như sau: Đó không chỉ là trách nhiệm của giảng viên để đến lớp với sự chuẩn bị mà còn là trách nhiệm của học viên nữa. Giống như giảng viên có trách nhiệm giảng dạy về Thánh Linh, thì học viên cũng có trách nhiệm để học hỏi nhờ vào Thánh Linh (xin xem GLGƯ 50:13–21).

Sách Mặc Môn chép rằng: “Người thuyết giảng không hơn gì người nghe giảng, và người giảng dạy cũng không hơn gì người học; do đó tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau” (An Ma 1:26; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Sau đây là một số đề nghị về điều chúng ta có thể làm để cảm nhận được niềm vui có được khi chúng ta làm phần vụ của mình trong việc học và sống theo phúc âm.

Học tại Nhà

Hình Ảnh
woman studying at home

Nghiên Cứu Thánh Thư

Mỗi tín hữu có trách nhiệm cho việc học phúc âm của mình; chúng ta không thể giao phó trách nhiệm đó. Hầu hết việc học hỏi đó có được từ việc thường xuyên nghiên cứu thánh thư. Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973) tuyên bố: “Nếu chúng ta không đọc thánh thư hàng ngày thì chứng ngôn của chúng ta trở nên suy yếu hơn.”2 Sứ Đồ Phao Lô đã nhận xét rằng dân Do Thái ở Bê Rê “có ý hẳn hoi hơn người Tê Sa Lô Ni Ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo,” và rồi ông chia sẻ lý do cho việc tiếp nhận như vậy: “[Họ] ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Việc nghiên cứu thánh thư hàng ngày là một thành phần thiết yếu để phát triển phần thuộc linh của chúng ta. Không có điều nào khác có thể hoàn toàn bù đắp cho việc không nghiên cứu thánh thư trong thói quen hàng ngày của chúng ta. Vì lý do này, nên việc nghiên cứu thánh thư nên được dành ra một thời gian nhất định để làm chứ không phải thời gian còn dư lại để làm.

Một số người có thể nói: “Nhưng tôi không có thời giờ để nghiên cứu thánh thư hàng ngày trong khi tôi có rất nhiều bổn phận khác trong cuộc sống.” Lời phát biểu này nhắc nhở phần nào về câu chuyện của hai công nhân thi đốn cây để xem người nào có thể đốn cây nhiều hơn trong một ngày. Cuộc thi đua bắt đầu lúc bình minh. Mỗi giờ, người đàn ông nhỏ con hơn đi lang thang vào rừng trong 10 phút hoặc lâu hơn. Mỗi lần anh ta làm như vậy, đối thủ của anh ta mỉm cười và gật đầu, yên trí rằng mình sẽ thắng. Người đàn ông cao lớn hơn không bao giờ bỏ đi, không bao giờ ngừng đốn cây, không bao giờ nghỉ tay.

Khi ngày đó kết thúc, người đàn ông cao lớn hơn đã kinh ngạc khi biết rằng đối thủ của mình, dường như đã lãng phí quá nhiều thời gian, lại đốn nhiều cây hơn mình. Ông ta hỏi: “Làm thế nào anh làm điều đó được khi anh nghỉ tay nhiều lần như vậy?”

Người thắng đáp: “Ồ tôi đi mài cái rìu của tôi.”

Mỗi khi nghiên cứu thánh thư là chúng ta đang mài cái rìu thuộc linh của mình. Và phần kỳ diệu là khi chúng ta làm như vậy, chúng ta có thể sử dụng thời gian còn lại của mình một cách khôn ngoan hơn.

Chuẩn Bị Trước

Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng chỉ có một số ít các tín hữu Giáo Hội là đọc trước thánh thư mà sẽ được thảo luận trong các lớp học trường Chủ Nhật. Mỗi người chúng ta có thể giúp đảo ngược tình huống này. Chúng ta có thể làm tròn trách nhiệm của mình liên quan đến kinh nghiệm học hỏi bằng cách đến lớp học với sự chuẩn bị kỹ hơn, đã đọc thánh thư và sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết sâu sắc. Sự chuẩn bị của chúng ta có thể là một ân tứ thuộc linh chúng ta mang đến cho tất cả các học viên.

Học trong Lớp

Hình Ảnh
participating in class

Tham Gia trong Lớp Học

Lệnh truyền phải mở miệng của chúng ta (xin xem GLGƯ 60:2–3) không chỉ áp dụng trong một khung cảnh truyền giáo mà còn trong khung cảnh lớp học. Khi tham gia, chúng ta mời Thánh Linh, là Đấng có thể làm chứng về lẽ thật của ý kiến chúng ta và soi sáng tâm trí của chúng ta với những hiểu biết sâu sắc hơn. Ngoài ra, sự tham gia của chúng ta có thể soi dẫn những ý nghĩ của người khác và do đó khuyến khích sự tham gia của người này.

Bằng cách này, chúng ta đang tuân theo một nguyên tắc giảng dạy do Chúa dạy: “Mỗi lần chỉ một người được nói, và tất cả mọi người phải lắng nghe người đó nói để khi tất cả đều đã nói thì nhờ mọi người mà tất cả có thể được gây dựng” (GLGƯ 88:122; sự nhấn mạnh được thêm vào). Đôi khi việc tham gia trong lớp học là không dễ dàng; điều đó đòi hỏi chúng ta phải làm điều gì đó mà chúng ta có thể không được thoải mái để làm. Nhưng việc làm như vậy giúp mọi người trong lớp học phát triển phần thuộc linh.

Ghi Lại Những Ấn Tượng

Đã từ lâu nay tôi đã mang đến nhà thờ các thẻ ghi chép còn để trống và tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc về giáo lý hoặc các ấn tượng thuộc linh tôi có thể ghi lại. Tôi có thể thành thật nói rằng tôi đã được tưởng thưởng một cách dồi dào. Cách này đã thay đổi quan điểm của tôi, đã tập trung và gia tăng việc học hỏi của tôi, đã gia tăng khả năng liệu trước của tôi về những điều học hỏi trong nhà thờ.

Tại sao là điều rất quan trọng để ghi lại những kinh nghiệm thuộc linh chúng ta nhận được ở nhà thờ và các nơi khác? Giả sử trong một giây lát mà một người mẹ nói chuyện với đứa con trai tuổi niên thiếu của mình và vào một lúc nào đó đứa con này nói: “Mẹ ơi, đây là lời khuyên bảo thật hay.” Sau đó, nó lấy ra một quyển sổ tay và bắt đầu ghi lại những ấn tượng nhận được từ cuộc trò chuyện của họ. Sau khi người mẹ đã hết ngạc nhiên trước thái độ của đứa con rồi thì bà sẽ không đưa ra thêm cho nó lời khuyên bảo nữa sao?

Chắc chắn là cũng cùng một nguyên tắc đó áp dụng cho lời khuyên dạy từ Cha Thiên Thượng. Khi chúng ta ghi lại những ấn tượng Ngài ban cho mình thì có lẽ Ngài sẽ ban cho chúng ta thêm mặc khải nữa. Ngoài ra, nhiều ấn tượng chúng ta nhận được dường như nhỏ lúc đầu, nhưng nếu chúng ta nuôi dưỡng và suy ngẫm những ấn tượng này thì chúng có thể phát triển thành sự hiểu biết thấu đáo về phần thuộc linh.

Tiên Tri Joseph Smith đã nói về tầm quan trọng của việc ghi lại những hiểu biết sâu sắc và các ấn tượng: “Nếu các anh chị em … xúc tiến việc thảo luận các câu hỏi quan trọng … và không viết xuống, … thì có lẽ, đã bỏ qua không viết xuống những điều này khi Thượng Đế đã mặc khải cho, không quý trọng những điều đầy giá trị này thì Thánh Linh có thể rút lui … và có, hoặc đã có, một sự hiểu biết rộng lớn, có tầm quan trọng vô hạn, mà bây giờ đã bị mất rồi.”3

Niềm Vui của Việc Học Hỏi

Hình Ảnh
boy reading scriptures

Việc học hỏi có ý nghĩa nhiều hơn là một bổn phận thiêng liêng. Việc học hỏi còn có nghĩa là một niềm vui mãnh liệt nữa.

Có một lần, nhà toán học thời xưa tên là Archimedes được nhà vua truyền lệnh phải xác định xem cái vương miện mới của vua có phải là vàng ròng không hay là người thợ kim hoàn đã bất lương thay thế một số bạc để có vàng. Archimedes suy ngẫm về câu giải đáp đó; cuối cùng ông có được một câu trả lời. Ông vui mừng khôn xiết trước khám phá này đến mức, theo truyền thuyết, ông đã chạy khắp thành phố và reo lên: “Eureka! Eureka!”—có nghĩa là, “Tôi đã tìm ra rồi! Tôi đã tìm ra rồi!”

Mặc dù ông cảm thấy quá đỗi vui mừng khi khám phá ra một nguyên tắc khoa học, nhưng có một niềm vui lớn hơn nhiều trong việc khám phá những lẽ thật của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô: các lẽ thật đó không những mang đến cho chúng ta sự hiểu biết mà còn cứu rỗi chúng ta nữa. Vì lý do này nên Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho … sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn” (Giăng 15:11). Và vì lý do này mà “các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng” (Gióp 38:7) khi họ biết được kế hoạch cứu rỗi. Giống như hạt giống vốn có sức mạnh để tăng trưởng, lẽ thật phúc âm cũng có quyền năng tự nhiên để mang lại niềm vui.

Đó không phải chỉ là một lệnh truyền của Chúa để “tìm kiếm sự hiểu biết” (GLGƯ 88:118), mà còn là một việc làm thiêng liêng. Mỗi khi chúng ta nghiên cứu thánh thư, đến lớp với một sự chuẩn bị kỹ hơn một chút, tham gia vào các cuộc thảo luận trong lớp, đặt câu hỏi, và ghi lại các ấn tượng thiêng liêng, thì chúng ta đang trở nên giống như Thượng Đế hơn, do đó gia tăng khả năng của chúng ta để cảm nhận được niềm vui mà Ngài cảm nhận.

Cầu xin cho tất cả chúng ta trở thành những người học hỏi đầy cam kết hơn, những người học hỏi thiêng liêng hơn—ở nhà, trong lớp học, và bất cứ chúng ta đang ở đâu. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui thiêng liêng đến từ việc học và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
the joy of learning

Ghi Chú

  1. Một câu chuyện tương tự đã được Anh Cả D. Todd Christofferson kể trong đại hội trung ương tháng Mười năm 2014.

  2. Harold B. Lee, buổi hội thảo những người đại diện giáo vùng, ngày 12 tháng Mười Hai năm 1970.

  3. Joseph Smith, trong History of the Church, 2:199.

In