2020
Trở Nên giống như Ngài
Tháng Mười Một năm 2020


10:21

Trở Nên giống như Ngài

Chỉ với sự giúp đỡ thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi thì tất cả chúng ta mới có thể tiến triển trở nên giống như Ngài được.

Ngay cả đối với một người cẩn thận nghiên cứu về cuộc đời và giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô thì lời khuyên của Đấng Cứu Rỗi “phải giống như ta vậy”1 là một điều khó khăn và hầu như không thể đạt được. Có lẽ anh chị em cũng giống như tôi—đều ý thức rất rõ về những lỗi lầm và thiếu sót của mình, nên anh chị em cảm thấy thoải mái hơn về mặt tinh thần để bước đi trên một con đường bằng phẳng và ít thử thách. Chúng ta biện minh: “Chắc chắn là lời giảng dạy này không thực tế và mang tính cường điệu”, khi chúng ta thoải mái chọn con đường ít trở ngại nhất, do đó ít phải cố gắng để đưa ra những thay đổi cần thiết.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như việc trở nên “giống như [Ngài]” không phải theo nghĩa bóng, ngay cả trong tình trạng hữu diệt của chúng ta? Điều gì sẽ xảy ra nếu như điều đó, ở mức độ nào đó, có thể đạt được trong cuộc sống này và thực sự là điều kiện tiên quyết để được ở cùng Ngài một lần nữa? Điều gì sẽ xảy ra nếu việc “phải giống như ta vậy” chính xác là ý nghĩa của điều mà Đấng Cứu Rỗi đã phán? Nếu như vậy thì sao? Chúng ta sẽ sẵn lòng nỗ lực ở mức độ nào để mời gọi quyền năng kỳ diệu của Ngài vào cuộc sống của chúng ta để chúng ta có thể thay đổi bản chất của mình?

Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy: “Khi suy ngẫm về việc được Chúa Giê Su truyền lệnh phải trở nên giống như Ngài, chúng ta nhận thấy rằng hoàn cảnh hiện tại của mình không nhất thiết là tà ác, nhưng đúng hơn, là quá nửa vời và thiếu nhiệt tình cho chính nghĩa của Ngài—mà cũng là chính nghĩa của chúng ta nữa! Chúng ta tôn thờ nhưng hiếm khi cố gắng trở nên giống như Ngài.”2 Một mục sư trẻ, Charles M. Sheldon, đã bày tỏ những cảm nghĩ tương tự bằng cách này: “Ky Tô Giáo của chúng ta quá yêu chuộng sự dễ dàng và thoải mái nên không muốn mang lấy bất cứ điều gì quá khó khăn và nặng nề như một cây thánh giá.”3

Thật vậy, tất cả chúng ta đều được truyền lệnh phải trở nên giống như Ngài, cũng như Chúa Giê Su Ky Tô đã trở nên giống như Đức Chúa Cha.4 Khi tiến triển, chúng ta trở nên hoàn thiện hơn và phát triển toàn diện hơn.5 Lời giảng dạy đó không dựa trên giáo lý của riêng bất kỳ giáo phái nào mà trực tiếp đến từ chính Đức Thầy. Chúng ta nên sống, cân nhắc lối giao tiếp, và nuôi dưỡng các mối quan hệ theo khía cạnh cụ thể này. Quả thật, không có cách nào khác để hàn gắn những vết thương do những mối quan hệ đổ vỡ hoặc của một xã hội rạn nứt hơn là mỗi người chúng ta cố gắng một cách trọn vẹn hơn để trở nên giống như Hoàng Tử Bình An.6

Chúng ta hãy xem xét cách để bắt đầu theo đuổi việc trở nên giống như Ngài hơn một cách thấu đáo và có chủ đích bằng cách đạt được chính các thuộc tính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Quyết Tâm và Cam Kết

Cách đây vài năm, vợ tôi và tôi đứng ở đầu con đường mòn dẫn lên đỉnh núi Phú Sĩ, là ngọn núi cao nhất nước Nhật. Khi bắt đầu đi lên, chúng tôi nhìn lên đỉnh núi xa xôi và tự hỏi liệu mình có thể đến được đó không.

Núi Phú Sĩ

Khi tiếp tục đi lên, chúng tôi bắt đầu cảm thấy mệt nhọc, đau nhức, và ảnh hưởng của độ cao. Về mặt tinh thần, điều quan trọng là chúng tôi chỉ tập trung vào bước đi kế tiếp. Chúng tôi nói: “Tôi có thể không sớm lên đến đỉnh, nhưng ngay bây giờ tôi có thể đi bước tiếp theo.” Dần dần, nhiệm vụ khó khăn cuối cùng đã trở nên có thể đạt được—bằng cách đi từng bước một.

Bước đầu tiên trên con đường để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô là phải có mong muốn làm điều đó. Việc hiểu được lời khuyên để trở nên giống như Ngài là tốt, nhưng sự hiểu biết đó cần phải đi kèm với khao khát để tự thay đổi bản thân, từng bước một, vượt ra ngoài con người thiên nhiên.7 Để phát triển mong muốn đó, chúng ta phải biết được Chúa Giê Su Ky Tô là ai. Chúng ta phải biết một điều gì đó về phẩm chất của Ngài,8 và chúng ta phải tìm kiếm những thuộc tính của Ngài trong thánh thư, tại các buổi thờ phượng, và những nơi thánh thiện khác. Khi bắt đầu biết nhiều hơn về Ngài, chúng ta sẽ nhận thấy các thuộc tính của Ngài được phản ánh nơi người khác. Điều này sẽ khuyến khích chúng ta trong nỗ lực của riêng mình, vì nếu người khác có thể đạt được ở mức độ nào đó những thuộc tính của Ngài, thì chúng ta cũng có thể làm được.

Nếu chúng ta thành thật với chính mình thì Ánh Sáng của Đấng Ky Tô9 bên trong chúng ta thì thầm rằng chúng ta vẫn chưa đạt được phẩm chất của Đấng Cứu Rỗi như chúng ta muốn.10 Sự thành thật đó là rất quan trọng nếu chúng ta muốn tiến triển để trở nên giống như Ngài. Thật vậy, trung thực cũng là một trong những thuộc tính của Ngài.

Hình ảnh bị bóp méo qua tấm gương trong ngôi nhà cười

Giờ đây, những người can đảm trong chúng ta có thể cân nhắc việc hỏi một người trong gia đình, người phối ngẫu, bạn bè, hoặc người lãnh đạo tinh thần đáng tin cậy xem chúng ta đang cần thuộc tính nào của Chúa Giê Su Ky Tô—và chúng ta có thể cần phải chuẩn bị tâm lý để nghe câu trả lời! Đôi khi, chúng ta tự nhìn mình qua những tấm gương bị bóp méo mà làm cho chúng ta có vẻ tròn trịa hoặc gầy gò hơn nhiều so với thực tế.

Những người trong gia đình hoặc bạn bè đáng tin cậy có thể giúp chúng ta nhìn nhận bản thân mình một cách chính xác hơn, nhưng ngay cả khi họ muốn thương yêu và giúp ích hết sức mình thì họ vẫn có thể nhận định một cách không hoàn hảo. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cũng cầu vấn Cha Thiên Thượng nhân từ về điều chúng ta cần và để biết được chúng ta nên đặt nỗ lực vào đâu. Ngài có một cái nhìn hoàn hảo về chúng ta và sẽ trìu mến cho chúng ta thấy khuyết điểm của mình.11 Có lẽ, anh chị em sẽ biết được rằng mình cần thêm một số điều như tính kiên nhẫn, sự khiêm tốn, lòng bác ái, tình yêu thương, niềm hy vọng, hoặc sự vâng lời.12

Cách đây không lâu, tôi đã có một kinh nghiệm giúp phát triển phần thuộc linh khi một người lãnh đạo nhân từ trong Giáo Hội đã đưa ra một gợi ý thẳng thắn rằng tôi cần phải cải thiện một thuộc tính cụ thể. Anh ấy đã nói sự thật một cách đầy yêu thương. Đêm đó, tôi đã chia sẻ kinh nghiệm này với vợ mình. Cô ấy đã vô cùng bác ái và khoan dung ngay cả khi đồng ý với gợi ý của anh ấy. Đức Thánh Linh đã xác nhận với tôi rằng lời khuyên của họ đến từ một Cha Thiên Thượng nhân từ.

Việc thành tâm hoàn thành sinh hoạt tìm kiếm thuộc tính của Đấng Ky Tô trong chương 6 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta13 cũng có thể có ích.

Sau khi đã đánh giá một cách trung thực và quyết tâm bắt đầu cuộc hành trình leo núi thì anh chị em sẽ cần phải hối cải. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy một cách trìu mến: “Khi chọn hối cải, chúng ta đã chọn thay đổi! Chúng ta để cho Đấng Cứu Rỗi biến chúng ta thành con người tốt nhất của mình. Chúng ta chọn tăng trưởng phần thuộc linh và tiếp nhận niềm vui—niềm vui cứu chuộc nơi Ngài. Khi chọn hối cải, chúng ta chọn trở thành giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.”14

Việc trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tấm lòng và tâm trí của mình, thật vậy, chính phẩm chất của chúng ta, và việc đó chỉ có thể thực hiện được nhờ vào ân điển cứu rỗi của Chúa Giê Su Ky Tô.15

Nhận Định và Hành Động

Giờ đây, khi anh chị em đã quyết định để thay đổi và hối cải và tìm kiếm sự hướng dẫn qua việc cầu nguyện, thành thật suy ngẫm, và có thể là hội ý với người khác, thì anh chị em sẽ cần phải chọn ra một thuộc tính để tập trung vào. Anh chị em sẽ cần phải cam kết để đưa ra những nỗ lực đầy ý nghĩa. Các thuộc tính này sẽ không đến một cách dễ dàng và nhanh chóng, nhưng qua ân điển của Ngài, chúng sẽ đến dần dần khi nỗ lực cố gắng.

Các thuộc tính của Đấng Ky Tô là những ân tứ từ một Cha Thiên Thượng nhân từ nhằm ban phước cho chúng ta và những người xung quanh. Do đó, những nỗ lực của chúng ta để đạt được các thuộc tính này sẽ đòi hỏi những lời cầu khẩn chân thành cho sự trợ giúp thiêng liêng của Ngài. Nếu chúng ta tìm kiếm những ân tứ này để phục vụ người khác hiệu quả hơn thì Ngài sẽ ban phước cho chúng ta trong nỗ lực của mình. Việc ích kỷ theo đuổi một ân tứ từ Thượng Đế sẽ kết thúc trong sự thất vọng và bực bội.

Bằng cách tập trung hết sức vào một thuộc tính cần thiết, khi anh chị em tiến triển trong việc đạt được thuộc tính đó thì các thuộc tính khác sẽ bắt đầu đến với anh chị em. Có ai tập trung sâu sắc vào lòng bác ái mà lại không gia tăng lòng yêu thương và sự khiêm nhường không? Có ai tập trung vào sự vâng lời mà lại không đạt được sự siêng năng và niềm hy vọng lớn lao hơn không? Những nỗ lực đáng kể của anh chị em nhằm đạt được một thuộc tính sẽ trở thành như ngọn thủy triều dâng cao tất cả các con thuyền trong bến cảng.

Ghi Chép và Duy Trì

Điều quan trọng đối với tôi trong lúc cố gắng trở nên giống như Ngài là phải ghi lại những kinh nghiệm và điều mình học được. Khi tập trung vào một trong những thuộc tính của Ngài trong lúc nghiên cứu thánh thư, tôi học được thêm nhiều điều mới mẻ khi nhận thấy những tấm gương về thuộc tính này trong những lời giảng dạy, giáo vụ, và các môn đồ của Ngài. Tôi cũng trở nên tập trung hơn trong việc nhận ra thuộc tính này nơi người khác. Tôi đã quan sát thấy những cá nhân tuyệt vời ở cả trong và ngoài Giáo Hội mà có những thuộc tính giống như Ngài. Họ là những tấm gương mạnh mẽ về cách mà những thuộc tính này có thể biểu hiện nơi những người trần thế qua ân điển đầy yêu thương của Ngài.

Để thấy được sự tiến triển thực sự, anh chị em sẽ cần phải nỗ lực liên tục. Giống như việc leo núi đòi hỏi sự chuẩn bị trước, cùng sức chịu đựng và sự kiên trì trong quá trình đi lên, thì cuộc hành trình này cũng yêu cầu những nỗ lực và hy sinh thực sự. Ky Tô Giáo chân chính, mà trong đó chúng ta cố gắng trở nên giống như Đức Thầy, vẫn luôn luôn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết sức mình.16

Giờ đây, tôi có một lời cảnh báo nhỏ. Lệnh truyền phải trở nên giống như Ngài không nhằm làm cho anh chị em cảm thấy tội lỗi, không xứng đáng, hoặc thiếu tình thương. Toàn bộ kinh nghiệm trần thế của chúng ta là để tiến triển, cố gắng, thất bại, và thành công. Nhiều khi vợ tôi và tôi ước gì chúng tôi có thể nhắm mắt lại và tự chuyển mình lên đỉnh núi một cách kỳ diệu, nhưng cuộc sống thì không phải như vậy.

Anh chị em đủ tốt, được yêu thương, những điều đó không có nghĩa là anh chị em đã hoàn hảo. Vẫn còn công việc để làm trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau. Chỉ với sự giúp đỡ thiêng liêng của Ngài thì tất cả chúng ta mới có thể tiến triển trở nên giống như Ngài được.

Trong những thời điểm này khi mà “tất cả mọi vật [có vẻ] đang ở trong tình trạng xáo trộn; và … sự sợ hãi [dường như] đến với tất cả mọi người,”17 thì giải pháp và phương thức duy nhất là cố gắng để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi,18 Đấng Cứu Chuộc19 của tất cả nhân loại, Ánh Sáng của Thế Gian,20 và tìm kiếm Ngài là Đấng đã phán: “Ta là đường đi.”21

Đấng Cứu Chuộc

Tôi biết rằng việc trở nên giống như Ngài qua sự giúp đỡ và sức mạnh thiêng liêng của Ngài là có thể đạt được từng bước một. Nếu không, Ngài đã không ban cho chúng ta lệnh truyền này.22 Tôi biết điều này—một phần là vì tôi nhận thấy những thuộc tính của Ngài ở rất nhiều người trong các anh chị em. Tôi làm chứng về những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. 3 Nê Phi 27:27. Để biết thêm về những lời khuyên dạy có liên quan từ Đấng Cứu Rỗi, xin xem Ma Thi Ơ 5:48 (“Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn”); 1 Giăng 2:6 (“Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm”); Mô Si A 3:19 (“Vì con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế, và từ lúc sự sa ngã của A Đam đến nay, và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy”); An Ma 5:14 (“Và giờ đây, này, hỡi anh em trong giáo hội, tôi xin hỏi các người, các người đã được Thượng Đế sinh ra trong thể thuộc linh chưa? Các người đã thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình chưa?”); 3 Nê Phi 12:48 (“Vậy nên, ta muốn các ngươi phải được toàn hảo như ta, hay như Cha các ngươi trên trời là toàn hảo vậy”).

  2. Neal A. Maxwell, Even as I Am (năm 1982), trang 16.

  3. Charles M. Sheldon, In His Steps (năm 1979), trang 185.

  4. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:12–17.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 5:48, cước chú b.

  6. Xin xem Ê Sai 9:6; 2 Nê Phi 19:6.

  7. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:14; Mô Si A 3:19.

  8. Xin xem Ma Thi Ơ 7:23; 25:12; Mô Si A 26:24; xin xem thêm cước chú của mỗi câu thánh thư; David A. Bednar, “Ví Bằng Các Ngươi Biết Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 102–105.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 93:2.

  10. Xin xem Mô Rô Ni 7:12–19.

  11. Xin xem Ê The 12:27.

  12. Xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn cho Sự Phục Vụ Truyền Giáo, hiệu đính và tái bản (năm 2019), chương 6, “Làm Cách Nào Để Tôi Phát Triển Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô?” Các câu thánh thư tham khảo về các thuộc tính khác của Đấng Cứu Rỗi nằm rải rác trong thánh thư. Một vài ví dụ bao gồm Mô Si A 3:19; An Ma 7:23; Những Tín Điều 1:13.

  13. Xin xem Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, trang 132.

  14. Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Nên Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67.

  15. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ân Điển,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.

  16. Xin xem Sheldon, In His Steps, trang 246: “Nếu định nghĩa của chúng ta về việc làm một người Ky Tô Hữu chỉ đơn giản là để vui hưởng các đặc ân thờ phượng, rộng lượng mà không phải tốn kém cho bản thân, có một thời gian tuyệt vời và dễ dàng được bao quanh bởi những người bạn dễ chịu và những điều thoải mái, sống một cách đáng kính trọng và đồng thời tránh những căng thẳng nặng nề do tội lỗi và rắc rối của thế gian bởi điều đó quá đau đớn để chịu đựng—nếu đây là định nghĩa về Ky Tô Giáo của chúng ta thì chắc chắn là chúng ta còn lâu mới theo được bước của Ngài là Đấng đã bước đi trong tiếng rên rỉ, nước mắt, cùng sự nức nở đau khổ vì nhân gian lầm đường lạc lối; là Đấng đã đổ mồ hôi mà như thể những giọt máu lớn, là Đấng đã kêu lên trên thập tự giá: ‘Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?’”

  17. Giáo Lý và Giao Ước 88:91.

  18. Xin xem Ê Sai 43:3.

  19. Xin xem Gióp 19:25.

  20. Xin xem Giăng 8:12.

  21. Giăng 14:6.

  22. Xin xem 1 Nê Phi 3:7.