2020
Hãy Yêu Kẻ Thù Nghịch Mình
Tháng Mười Một năm 2020


16:19

Hãy Yêu Kẻ Thù Nghịch Mình

Việc biết rằng chúng ta đều là con cái của Thượng Đế mang đến cho chúng ta môt sự hiểu biết thiêng liêng về giá trị của những người khác và khả năng để vượt lên trên định kiến.

Những lời dạy của Chúa là vĩnh cửu và dành cho tất cả con cái của Thượng Đế. Trong sứ điệp này, tôi sẽ đưa ra một số ví dụ từ Hoa Kỳ, nhưng các nguyên tắc tôi giảng dạy đều có thể được áp dụng ở mọi nơi.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy giận dữ và thù hận với các mối quan hệ và chính sách chính trị. Chúng ta đã cảm nhận được điều đó vào mùa hè năm nay với một số người đã vượt ra ngoài các cuộc biểu tình ôn hòa và tham gia vào hành vi phá hoại. Chúng ta cảm thấy điều đó trong một số cuộc vận động hiện tại cho các chức vụ công. Rủi thay, một số điều này thậm chí đã lan truyền vào những lời tuyên bố về chính trị và những lời lẽ không tử tế trong các buổi họp của Giáo Hội chúng ta.

Trong một chính phủ dân chủ, chúng ta sẽ luôn có những sự khác biệt về các ứng cử viên và chính sách được đề nghị. Tuy nhiên, với tư cách là các tín đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta cần phải bỏ qua cơn tức giận và thù hận khi tranh luận hoặc lên án những sự lựa chọn về chính trị trong nhiều bối cảnh.

Bài Giảng trên Núi

Sau đây là một trong những lời dạy có lẽ được biết đến nhiều nhất của Đấng Cứu Rỗi nhưng rất hiếm được thực hành:

“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình.

“Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma Thi Ơ 5:43–44).1

Trong nhiều thế hệ, dân Do Thái đã được dạy phải căm ghét kẻ thù nghịch họ và rồi họ phải chịu đựng sự chiếm đóng đầy thống trị và tàn bạo của người Rô Ma. Tuy nhiên, Chúa Giê Su đã dạy họ: “Yêu kẻ thù nghịch mình” và “làm điều tốt cho những kẻ bắt bớ mình.”

Chúa Giê Su đang giảng dạy ở Châu Mỹ

Đây thật là những lời dạy mang tính cách mạng cho các mối quan hệ cá nhân và chính trị! Nhưng đó vẫn là điều mà Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh. Chúng ta đọc trong Sách Mặc Môn: “Vì quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay, kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau” (3 Nê Phi 11:29).

Yêu kẻ thù nghịch mình không phải là điều dễ dàng. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nhận xét: “Hầu hết chúng ta chưa đạt đến giai đoạn … yêu thương và tha thứ.” Ông nói thêm: “Điều này đòi hỏi sự tự kỷ luật gần như nghiêm ngặt hơn khả năng mà chúng ta có.”2 Nhưng đó phải là điều cần thiết, vì nó là một phần trong hai giáo lệnh lớn của Đấng Cứu Rỗi là phải “yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” và phải “yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:37, 39). Và điều đó phải có thể thực hiện được, vì Ngài cũng đã dạy: “Hãy cầu xin, rồi điều ấy sẽ được ban cho; hãy tìm kiếm, rồi sẽ gặp” (Ma Thi Ơ 7:7).3

Làm thế nào để chúng ta tuân giữ các giáo lệnh thiêng liêng này trong một thế giới mà chúng ta cũng phải tuân theo luật lệ của con người? May thay, chúng ta có được tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về cách cân bằng các luật pháp vĩnh cửu của Ngài với tính thực tiễn của các luật lệ do con người làm ra. Khi những kẻ nghịch thù tìm cách gài bẫy Ngài bằng câu hỏi về việc liệu dân Do Thái có nên nộp thuế cho Rô Ma hay không thì Ngài chỉ vào hình của Sê Sa in trên đồng xu của họ và phán: “Vậy thì của Sê Sa hãy trả lại cho Sê Sa, của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời” (Lu Ca 20:25).4

Hãy Trả Lại cho Sê Sa

Do đó, chúng ta nên tuân theo luật lệ của loài người (trả lại cho Sê Sa) để sống hòa bình dưới chính quyền dân sự, và chúng ta cũng tuân theo luật pháp của Thượng Đế để tiến tới đích vĩnh cửu của chúng ta. Nhưng làm sao để chúng ta làm điều này—nhất là làm sao để chúng ta học cách yêu thương kẻ thù nghịch mình?

Lời dạy của Đấng Cứu Rỗi là không “tức giận” chính là một bước tốt đẹp đầu tiên. Quỷ dữ là cha đẻ của sự tranh chấp và chính nó là kẻ cám dỗ loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau. Nó thúc đẩy mối quan hệ thù địch và căm ghét ở giữa các cá nhân và bên trong các nhóm. Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy rằng tức giận là “công cụ của Sa Tan,” vì “tức giận là đầu hàng ảnh hưởng của Sa Tan. Không ai có thể làm cho chúng ta tức giận cả. Đó là sự lựa chọn của chúng ta.”5 Tức giận là cách để chia rẽ và thù hận. Chúng ta tiến tới việc yêu thương kẻ thù nghịch mình khi chúng ta tránh tức giận và thù địch đối với những người mà chúng ta không đồng ý. Đó cũng là điều hữu ích nếu chúng ta thậm chí còn sẵn lòng học hỏi từ họ.

Trong số những cách khác để phát triển sức mạnh nhằm yêu thương người khác là phương pháp đơn giản được mô tả bằng lời của một vở nhạc kịch cách đây rất lâu. Khi cố gắng hiểu và thông cảm với những người thuộc về một nền văn hóa khác, thì chúng ta nên cố gắng tìm hiểu về họ. Trong vô số trường hợp, sự nghi ngờ hoặc thậm chí thù địch của những người lạ nhường chỗ cho tình bạn hoặc thậm chí tình yêu thương khi những mối tiếp xúc cá nhân tạo ra sự thông cảm và tôn trọng lẫn nhau.6

Một sự giúp đỡ còn hữu hiệu hơn nữa trong việc học cách yêu kẻ thù nghịch mình là tìm cách hiểu được sức mạnh của tình yêu thương. Sau đây là ba trong số nhiều lời dạy của các vị tiên tri về điều này.

Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng “có một câu ngạn ngữ lâu đời là tình yêu thương sinh ra tình yêu thương. Chúng ta hãy tuôn trút tình yêu thương—cho thấy lòng nhân từ của mình với tất cả nhân loại.”7

Chủ Tịch Howard W. Hunter đã dạy: “Thế giới mà chúng ta đang sống sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu những người nam và người nữ ở khắp mọi nơi thực hành tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, tức là tử tế, nhu mì và nhún nhường. Không ích kỷ hay kiêu căng. … Không tìm kiếm lợi lộc. … Không cố chấp, hận thù hay bạo lực. … Thái độ này khuyến khích những người khác biệt cùng sống chung với nhau trong tình yêu thương của Ky Tô Hữu bất kể niềm tin tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch, tình trạng tài chính, học vấn hay văn hóa.”8

Và Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyên nhủ chúng ta hãy “mở rộng tình yêu thương đến với tất cả gia đình nhân loại.”9

Một phần thiết yếu của việc yêu thương kẻ thù nghịch mình là trả lại cho Sê Sa bằng cách tuân giữ các luật pháp của các quốc gia khác nhau của chúng ta. Mặc dù những lời dạy của Chúa Giê Su mang tính cách mạng nhưng Ngài không dạy làm cách mạng hay vi phạm luật pháp. Ngài đã dạy một cách tốt hơn. Điều mặc khải thời nay cũng dạy như vậy:

“Không một kẻ nào được phạm luật pháp của xứ sở, vì hễ ai tuân giữ luật pháp của Thượng Đế thì không cần phải phạm luật pháp của xứ sở.

“Vậy nên, hãy vâng phục những quyền hành đang ngự trị” (Giáo Lý và Giao Ước 58:21–22).

Và tín điều của chúng ta, do Tiên Tri Joseph Smith viết ra sau khi Các Thánh Hữu ban đầu đã phải chịu sự ngược đãi nghiêm trọng bởi các quan chức ở Missouri, nói: “Chúng tôi tin ở sự phục tùng các vua chúa, các tổng thống, các nhà cai trị và các pháp quan, cùng ở sự tuân theo, tôn trọng và tán trợ luật pháp” (Những Tín Điều 1:12).

Điều này không có nghĩa là chúng ta đồng ý với tất cả những hành động của những người đang thi hành luật pháp. Điều này có nghĩa là chúng ta tuân theo luật pháp hiện hành và sử dụng các biện pháp ôn hòa để thay đổi nó. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận kết quả bầu cử một cách ôn hòa. Chúng ta sẽ không tham gia vào cuộc bạo động do những người thất vọng với kết quả đã đưa ra lời đe dọa.10 Trong một xã hội dân chủ, chúng ta luôn có cơ hội và bổn phận phải kiên trì một cách ôn hòa cho đến cuộc bầu cử lần tới.

Lời dạy của Đấng Cứu Rỗi phải yêu kẻ thù nghịch mình được dựa trên thực tế rằng tất cả mọi người đều là con cái yêu dấu của Thượng Đế. Nguyên tắc vĩnh cửu đó và một số nguyên tắc cơ bản của luật pháp đã được thử nghiệm trong các cuộc biểu tình mới gần đây ở nhiều thành phố của Hoa Kỳ.

Cuộc biểu tình ôn hòa

Ở một thái cực, một số người dường như đã quên rằng Tu Chính Án Đầu Tiên của Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo đảm “quyền của người dân được tập hợp và ôn hòa yêu cầu Chính Phủ phải giải quyết các vấn đề.” Đó là cách được cho phép để nâng cao nhận thức của cộng đồng và để tập trung vào những bất công trong nội dung hoặc cách điều hành luật pháp. Và đã có những bất công. Trong các hành động công khai và trong thái độ cá nhân của mình, chúng ta đã có sự phân biệt chủng tộc và những bất bình có liên quan. Trong một bài tiểu luận cá nhân đầy sức thuyết phục, Mục Sư Theresa A. Dear của Hiệp Hội Quốc Gia vì Sự Tiến Bộ của Người Da Màu (NAACP) đã nhắc nhở chúng ta rằng “sự phân biệt chủng tộc phát triển mạnh trên sự thù hận, áp bức, thông đồng, thụ động, thờ ơ và im lặng.”11 Với tư cách là các công dân và các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải làm tốt hơn nữa để giúp xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc.

Cuộc bạo loạn bất hợp pháp

Ở một thái cực khác, một số ít người tham gia và ủng hộ các cuộc biểu tình này và các hành vi bất hợp pháp tiếp theo đó dường như đã quên rằng các cuộc biểu tình được Hiến Pháp bảo vệ đều là các cuộc biểu tình ôn hòa. Những người biểu tình không có quyền phá hủy, làm mất vẻ đẹp hoặc lấy cắp tài sản hay làm suy yếu quyền hợp pháp để thi hành luật pháp của cảnh sát chính phủ. Hiến Pháp và luật lệ không cho phép cách mạng hay tình trạng vô chính phủ xảy ra. Tất cả chúng ta—cảnh sát, người biểu tình, người ủng hộ và người đứng xem—nên hiểu rõ giới hạn về quyền của chúng ta và tầm quan trọng của bổn phận của chúng ta là phải tuân theo các giới hạn của luật hiện hành. Abraham Lincoln đã nói rất đúng: “Không có vấn đề nào có thể được giải quyết bởi một đám đông hỗn tạp thực thi những gì họ muốn bằng vũ lực.”12 Giải quyết vấn đề bởi đám đông hỗn tạp là giải quyết bằng các cách thức bất hợp pháp. Đó là tình trạng vô chính phủ, một tình trạng không có một chính phủ hiệu quả và không có cảnh sát chính thức, tức là làm suy yếu thay vì bảo vệ các quyền cá nhân.

Một lý do khiến các cuộc biểu tình mới gần đây ở Hoa Kỳ đã gây sửng sốt cho rất nhiều người đó là sự thù địch và bất hợp pháp mà đã được cảm thấy ở giữa các sắc tộc khác nhau trong các quốc gia khác thì không nên được cảm thấy ở Hoa Kỳ. Quốc gia này nên tốt hơn trong việc xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, không những đối với người Mỹ Da Đen là những người dễ thấy nhất trong các cuộc biểu tình gần đây, mà còn đối với người Mỹ gốc La Tinh, người châu Á và các nhóm khác nữa. Lịch sử phân biệt chủng tộc của quốc gia này không phải là một điều hay ho và chúng ta cần phải làm tốt hơn.

Đảo Ellis
Người Nhập Cư

Hoa Kỳ được thành lập bởi những người nhập cư thuộc các quốc tịch khác nhau và các sắc tộc khác nhau. Mục đích thống nhất của Hoa Kỳ không phải để thiết lập một tôn giáo cụ thể hoặc duy trì bất cứ nền văn hóa đa dạng hoặc lòng trung thành của bộ lạc nào của các quốc gia thời xưa. Thế hệ lập quốc của chúng ta đã tìm cách thống nhất bằng một bản hiến pháp và luật lệ mới. Điều đó không có nghĩa là các tài liệu thống nhất của chúng ta hoặc sự hiểu biết lúc bấy giờ về ý nghĩa của các tài liệu này là hoàn hảo. Lịch sử trong hai thế kỷ đầu tiên của Hoa Kỳ đã cho thấy là cần phải có nhiều cải tiến, chẳng hạn như quyền bầu cử cho phụ nữ và đặc biệt là xóa bỏ chế độ nô lệ, kể cả các luật pháp nhằm bảo đảm rằng những người đã bị bắt làm nô lệ cũng phải được hưởng tất cả những tình trạng tự do.

Gần đây, hai học giả của trường Yale University đã nhắc nhở chúng ta:

“Mặc dù có nhiều sai sót nhưng Hoa Kỳ có khả năng độc nhất để đoàn kết một xã hội đa dạng và chia rẽ. …

“… Công dân Hoa Kỳ không phải lựa chọn giữa một bản sắc dân tộc và đa văn hóa. Dân Mỹ có thể có cả hai. Nhưng điều then chốt là lòng yêu nước được hiến định. Chúng ta phải luôn đoàn kết bởi và qua Hiến Pháp, bất kể những bất đồng về ý thức hệ của mình.”13

Cách đây nhiều năm, một ngoại trưởng Anh đã đưa ra lời khuyên tuyệt vời này trong một cuộc tranh luận tại Hạ Viện: “Chúng ta không có đồng minh đời đời và chúng ta cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Quyền lợi của chúng ta là vĩnh viễn và trường tồn, và những quyền lợi này chính là bổn phận phải tuân theo.”14

Đó là một lý do thế tục chính đáng để đi theo những quyền lợi “vĩnh viễn và trường tồn” trong các vấn đề chính trị. Ngoài ra, giáo lý của Giáo Hội của Chúa dạy chúng ta rằng một quyền lợi vĩnh viễn khác mà nên hướng dẫn chúng ta là những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi, là Đấng đã soi dẫn cho Hiến Pháp Hoa Kỳ và các luật lệ cơ bản của nhiều quốc gia chúng ta. Lòng trung thành với luật pháp đã được thiết lập thay vì với “các đồng minh” luôn là cách tốt nhất để yêu kẻ thù nghịch mình khi chúng ta tìm kiếm tình đoàn kết trong sự đa dạng.

Việc biết rằng chúng ta đều là con cái của Thượng Đế mang đến cho chúng ta một sự hiểu biết thiêng liêng về giá trị của tất cả những người khác và ý chí cùng khả năng để vượt lên trên định kiến và sự phân biệt chủng tộc. Trong nhiều năm tôi sống ở những nơi khác nhau trên đất nước này, Chúa đã dạy cho tôi biết rằng có thể tuân theo và tìm cách cải thiện luật pháp của quốc gia chúng ta và cũng yêu kẻ thù nghịch mình nữa. Tuy đây không phải là điều dễ dàng, nhưng có thể thực hiện được với sự giúp đỡ của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài đã ban ra lệnh truyền phải yêu thương này và Ngài hứa sẽ ban cho sự giúp đỡ của Ngài khi chúng ta cố gắng vâng lời. Tôi làm chứng rằng chúng ta được Cha Thiên Thượng và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, yêu thương và giúp đỡ. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem thêm Lu Ca 6:27–28, 30.

  2. Gordon B. Hinckley, “The Healing Power of Christ,” Ensign, tháng Mười Một năm 1988, trang 59; xin xem thêm Teachings of Gordon B. Hinckley (năm 1997), trang 230.

  3. Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 6:5.

  4. Xin xem thêm Ma Thi Ơ 22:21; Mác 12:17.

  5. Thomas S. Monson, “Hãy Kiềm Chế Cảm Nghĩ của Mình, Hỡi Người Anh Em của Tôi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 68.

  6. Xin xem Becky and Bennett Borden, “Moving Closer: Loving as the Savior Did,” Ensign, tháng Chín năm 2020, trang 24–27.

  7. Joseph Smith, trong History of the Church, 5:517. Martin Luther King Jr. (1929-1968) cũng nói tương tự như vậy: “Lấy bạo lực trả bạo lực sẽ nhân thêm bạo lực, lún sâu thêm vào bóng tối trong một đêm vốn đã không có sao. Bóng tối không thể xua đuổi được bóng tối; chỉ có ánh sáng mới có thể làm được điều đó mà thôi. Hận thù không thể xua đuổi hận thù; chỉ có tình yêu thương mới có thể làm được điều đó mà thôi” (Where Do We Go from Here: Chaos or Community? [năm 2010], trang 64–65).

  8. Teachings of Presidents of the Church: Howard W. Hunter (năm 2015), trang 263.

  9. Russell M. Nelson, “Blessed Are the Peacemakers,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002; xin xem thêm Teachings of Russell M. Nelson (năm 2018), trang 83.

  10. Xin xem “A House Divided,” Economist, ngày 5 tháng Chín năm 2020, trang 17–20.

  11. Theresa A. Dear, “America’s Tipping Point: 7 Ways to Dismantle Racism,” Deseret News, ngày 7 tháng Sáu năm 2020, A1.

  12. Abraham Lincoln, bài nói chuyện tại Young Men’s Lyceum, Springfield, Illinois, ngày 27 tháng Một năm 1838, trong John Bartlett, Bartlett’s Familiar Quotations (năm 2012), trang 444.

  13. Amy Chua and Jed Rubenfeld, “The Threat of Tribalism,” Atlantic, tháng Mười năm 2018, trang 81, theatlantic.com.

  14. Henry John Temple, Viscount Palmerston, lời nhận xét trong House of Commons, ngày 1 tháng Ba năm 1848; trong Bartlett, Bartlett’s Familiar Quotations, trang 392; sự nhấn mạnh được thêm vào.