Tìm Kiếm Đấng Ky Tô trong Mọi Ý Nghĩ
Việc chiến đấu chống lại cám dỗ cần sự siêng năng và trung tín trong cả cuộc đời. Nhưng xin hãy biết rằng Chúa luôn sẵn sàng hỗ trợ chúng ta.
Trong bài thánh ca ngợi khen mang đậm chất thơ của mình, tác giả của Thi Thiên đã tuyên bố:
“Hỡi Đức Giê Hô Va, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi.
“Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi.
“Chúa xét nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi, Quen biết các đường lối tôi.”1
Bằng lối diễn đạt song song về ngữ nghĩa trong bài thơ này, tác giả của Thi Thiên ngợi ca đức tính thiêng liêng về sự toàn tri của Chúa bởi vì Ngài thực sự biết rõ mọi khía cạnh trong tâm hồn chúng ta.2 Ý thức được tất cả những gì cần thiết cho chúng ta trong cuộc sống này, Đấng Cứu Rỗi mời chúng ta tìm kiếm Ngài trong mọi ý nghĩ và noi theo Ngài bằng tất cả tấm lòng của mình.3 Điều này cho chúng ta lời hứa rằng chúng ta có thể bước đi trong ánh sáng của Ngài và sự soi dẫn của Ngài sẽ ngăn cản ảnh hưởng của bóng tối trong cuộc sống chúng ta.4
Việc tìm kiếm Đấng Ky Tô trong mọi ý nghĩ và noi theo Ngài bằng tất cả tấm lòng của mình đòi hỏi chúng ta phải làm cho tâm trí và ý muốn của mình hòa hợp với ý muốn của Ngài.5 Thánh thư gọi sự hòa hợp này là “đứng vững trong Chúa.”6 Hành động này ngụ ý rằng chúng ta phải luôn luôn sống hòa hợp với phúc âm của Đấng Ky Tô và tập trung vào mọi điều tốt đẹp hằng ngày.7 Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đạt được “sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt quá mọi sự hiểu biết” mà sẽ “gìn giữ lòng và ý tưởng [của chúng ta] trong” Chúa Giê Su Ky Tô.8 Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán dạy các anh cả của Giáo Hội vào tháng Hai năm 1831: “Hãy tích lũy những điều này trong lòng mình, và hãy để cho sự trang nghiêm của vĩnh cửu an nghỉ trong tâm trí mình.”9
Mặc dù chúng ta không ngừng nỗ lực tìm kiếm Chúa, những ý nghĩ không phù hợp vẫn có thể xâm nhập tâm trí chúng ta. Khi chúng ta cho phép những ý nghĩ đó vào và ở lại trong tâm trí của mình, chúng có thể thay đổi ước muốn trong lòng chúng ta và ảnh hưởng đến việc chúng ta sẽ trở thành con người như thế nào trong cuộc sống này và cuối cùng sẽ thừa hưởng điều gì trong thời vĩnh cửu.10 Anh Cả Neal A. Maxwell đã từng nhấn mạnh nguyên tắc này khi nói rằng: “Ước muốn … quyết định mức độ của kết quả, bao gồm lý do tại sao ‘nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn.’”11
Các vị tiên tri thời xưa và thời nay đã luôn nhắc nhở chúng ta phải chống lại cám dỗ để tránh mất đi sức mạnh thuộc linh của mình, để rồi trở nên hoang mang, mất phương hướng, và mất niềm tin trong cuộc sống.
Nói một cách ẩn dụ, thì việc nhượng bộ cám dỗ cũng giống như việc đưa một vật kim loại đến gần một thỏi nam châm. Lực hút vô hình của thỏi nam châm hấp dẫn vật kim loại ấy và giữ chặt nó. Nam châm chỉ mất lực hút khi vật kim loại được đặt xa khỏi nó. Do đó, cũng giống như việc nam châm không thể có lực hút đối với một vật kim loại ở xa, khi chúng ta chống lại cám dỗ, thì nó sẽ dần phai nhạt và không còn sức ảnh hưởng lên tâm trí và tấm lòng chúng ta, và kết quả là, cũng không còn ảnh hưởng đến hành động của chúng ta nữa.
Phép so sánh này gợi cho tôi nhớ lại một kinh nghiệm mà một tín hữu trung tín của Giáo Hội đã chia sẻ với tôi trước đây. Tín hữu này kể với tôi rằng khi thức dậy vào một buổi sáng nọ, cô ấy chợt có một ý nghĩ không đúng đắn mà cô ấy chưa bao giờ có trước đó. Mặc dù ý nghĩ đó làm cô ấy hoàn toàn bất ngờ, cô ấy đã phản ứng lại tình huống đó trong tích tắc bằng cách tự nói với mình và với ý nghĩ đó: “Không!” và thay thế bằng một điều gì đó tốt đẹp để chuyển hướng tâm trí cô ấy khỏi ý nghĩ không lành mạnh đó. Cô ấy kể với tôi rằng khi cô ấy sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức trong sự ngay chính, thì sự thôi thúc tiêu cực mang tính bản năng đó đã biến mất.
Khi Mô Rô Ni kêu gọi dân chúng phải tin vào Đấng Ky Tô và hối cải, ông đã thúc giục họ phải đến cùng Đấng Cứu Rỗi với tất cả tấm lòng của họ và tước bỏ mọi sự ô uế. Hơn nữa, Mô Rô Ni đã mời gọi họ hãy cầu vấn Thượng Đế, với quyết tâm không thể phá vỡ, để họ khỏi sa vào cám dỗ.12 Việc áp dụng các nguyên tắc này vào cuộc sống chúng ta đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tin tưởng mà thôi; việc đó đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh tâm trí và tấm lòng của mình theo các nguyên tắc thiêng liêng này. Sự điều chỉnh đó đòi hỏi nỗ lực cá nhân liên tục hằng ngày của chúng ta, bên cạnh việc nương cậy vào Đấng Cứu Rỗi, bởi vì những khuynh hướng bất chính của chúng ta không tự biến mất. Việc chiến đấu chống lại cám dỗ cần sự siêng năng và trung tín trong cả cuộc đời. Nhưng xin hãy biết rằng Chúa luôn sẵn sàng hỗ trợ chúng ta trong những nỗ lực cá nhân của mình và hứa hẹn những phước lành phi thường nếu chúng ta kiên trì tới cùng.
Trong một thời gian đặc biệt khó khăn khi Joseph Smith và những người bạn tù của mình trong Ngục Thất Liberty không có tự do trong bất cứ điều gì ngoại trừ suy nghĩ của họ, Chúa đã đưa ra lời khuyên hữu ích và hứa với họ điều mà cũng dành cho tất cả chúng ta:
“Cũng hãy có đầy lòng bác ái đối với mọi người và đối với toàn thể các tín đồ, và hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn; rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế; …
“Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên ngươi, và vương trượng của ngươi là một vương trượng bất di bất dịch của sự ngay chính và lẽ thật.”13
Khi làm như vậy, những ý nghĩ thánh thiện sẽ liên tục tô điểm cho tâm trí chúng ta và những ước muốn thuần khiết sẽ dẫn chúng ta đến hành động ngay chính.
Mô Rô Ni cũng từng nhắc nhở dân ông đừng bị chìm đắm trong những ham muốn thể xác.14 Những từ ham muốn thể xác ám chỉ sự khao khát mãnh liệt và mong muốn không đúng đắn về một điều gì đó.15 Nó gồm có bất cứ ý nghĩ đen tối hoặc ước muốn xấu xa nào mà khiến cho một cá nhân tập trung vào của cải thế gian hoặc những lối thực hành ích kỷ thay vì làm việc thiện, đối xử tử tế, tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, và vân vân. Nó thường được thể hiện qua những cảm xúc trần tục của tâm hồn. Sứ Đồ Phao Lô đã chỉ ra một số những cảm xúc này, chẳng hạn như “ô uế, đa dâm, … hận thù, … phẫn nộ, xung đột, … ganh tị, … và những cảm xúc tương tự.”16 Ngoài tất cả các khía cạnh xấu xa của sự ham muốn thể xác, chúng ta đừng quên rằng kẻ nghịch thù sử dụng nó như một vũ khí bí mật và gian trá để chống lại chúng ta khi cám dỗ chúng ta làm điều sai trái.
Các anh chị em thân mến, tôi làm chứng rằng khi chúng ta trông cậy vào đá cứu rỗi, là Đấng Cứu Rỗi của linh hồn mình, và nghe theo lời khuyên dạy của Mô Rô Ni, thì khả năng kiểm soát ý nghĩ của chúng ta sẽ gia tăng đáng kể. Tôi có thể đảm bảo với anh chị em rằng sự trưởng thành về mặt thuộc linh của chúng ta sẽ phát triển ngày càng nhanh, thay đổi tấm lòng của chúng ta và giúp chúng ta trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Thêm vào đó, sự ảnh hưởng của Đức Thánh Linh sẽ trở nên mạnh mẽ và liên tục hơn trong cuộc sống chúng ta. Khi đó, những cám dỗ của kẻ thù, từng chút một, sẽ không còn sức chi phối chúng ta, từ đó dẫn đến một cuộc sống thanh khiết và thánh hóa hơn.
Đối với những người, vì bất cứ lý do gì, đã sa vào cám dỗ và đang thực hiện những hành động bất chính, tôi đảm bảo với anh chị em rằng có một con đường để quay lại, rằng vẫn còn hy vọng nơi Đấng Ky Tô. Một vài năm trước, tôi đã có cơ hội thăm viếng một tín hữu thân yêu thuộc Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mà đã trải qua một thời kỳ khó khăn trong cuộc sống sau khi đã phạm giới nghiêm trọng. Khi gặp anh ta lần đầu tiên, tôi có thể trông thấy nỗi buồn trong mắt anh, kèm theo một tia hy vọng rạng rỡ trên khuôn mặt của anh. Biểu hiện của anh ấy phản ánh một tấm lòng khiêm nhường và hối cải. Anh ấy đã từng là một người Ky Tô Hữu tận tụy và đã được Chúa ban phước dồi dào. Tuy nhiên, anh ấy đã để cho một ý nghĩ không đúng đắn duy nhất xâm nhập tâm trí của mình, và sau đó dẫn đến những ý nghĩ khác. Khi ngày càng trở nên dễ dãi trong những ý nghĩ này, chẳng bao lâu chúng đã bén rễ trong tâm trí của anh ấy và bắt đầu ăn sâu vào lòng anh ấy. Cuối cùng anh ấy đã hành động theo những ham muốn không đúng đắn này, mà đã khiến anh ấy quyết định ngược lại với tất cả những điều quý báu nhất trong cuộc đời của mình. Anh ấy nói với tôi rằng nếu như từ đầu đã không để tâm đến những ý nghĩ dại dột đó, thì anh ấy đã không trở nên yếu đuối và dễ sa vào những cám dỗ của kẻ nghịch thù—những cám dỗ mà đã mang đến quá nhiều đau buồn cho cuộc đời của anh ấy, ít nhất là trong một thời gian.
May mắn thay, cũng giống như đứa con hoang đàng trong câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trong phúc âm của Lu Ca, anh ấy “đã tỉnh ngộ” và thức dậy khỏi cơn ác mộng ấy.17 Anh ấy đã phục hồi lòng tin cậy nơi Chúa, thực sự cảm thấy hối hận và mong muốn được cuối cùng trở lại với đàn chiên của Chúa. Trong ngày hôm đó, cả hai chúng tôi đều cảm nhận được tình thương yêu cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi dành cho mình. Vào cuối buổi họp mặt ngắn ngủi, cả hai chúng tôi đều vô cùng xúc động, và cho đến ngày nay, tôi vẫn còn nhớ niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của anh ấy khi anh ấy rời khỏi văn phòng của tôi.
Thưa các bạn thân mến, khi chúng ta chống lại những cám dỗ nhỏ bé mà thường bất ngờ đến trong cuộc sống của mình, thì chúng ta có nhiều khả năng để phòng tránh những sự phạm giới nghiêm trọng. Như Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói: “Ít ai phạm giới nghiêm trọng mà trước đó chưa từng nhượng bộ những tội lỗi nhỏ hơn, mà mở đường cho những tội lỗi lớn hơn. … ‘Một cánh đồng sạch sẽ [không] đột nhiên [trở nên] đầy cỏ dại.’”18
Trong lúc chuẩn bị hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của Ngài trên thế gian, Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô đã làm gương về tầm quan trọng của việc liên tục chống lại bất kỳ điều gì mà có thể ngăn cản chúng ta nhận ra mục đích vĩnh cửu của mình. Sau một vài lần tấn công không thành công của kẻ thù, là kẻ muốn đánh lạc hướng Ngài khỏi sứ mệnh của mình, Đấng Cứu Rỗi đã dứt khoát loại bỏ quỷ dữ bằng cách phán rằng: “Hỡi quỷ Sa Tan, ngươi hãy lui ra. … Ma quỉ bèn bỏ đi; liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài.”19
Anh chị em có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nhận được sức mạnh và lòng can đảm từ Đấng Cứu Rỗi để nói “Không” và “Ngươi hãy lui ra” với những ý nghĩ không đúng đắn vào ngay giây phút đầu tiên đó mà chúng xuất hiện trong tâm trí chúng ta? Điều này sẽ ảnh hưởng đến ước muốn trong lòng chúng ta như thế nào? Những hành động sau đó sẽ giúp chúng ta gần gũi với Đấng Cứu Rỗi và cho phép Đức Thánh Linh tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta như thế nào? Tôi biết rằng khi noi theo tấm gương của Chúa Giê Su, chúng ta sẽ tránh được nhiều bi kịch và những hành vi ngoài ý muốn mà có thể gây ra những rắc rối và bất hòa trong gia đình, những cảm xúc và khuynh hướng tiêu cực, gây ra những bất công và lạm dụng, bị trói buộc bởi những thói nghiện xấu xa, và bất kỳ điều gì khác mà trái với những lệnh truyền của Chúa.
Trong sứ điệp lịch sử đầy cảm động từ tháng Tư năm nay, vị tiên tri thân mến của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã hứa rằng tất cả những ai sẵn lòng “nghe lời Ngài”—nghe lời Chúa Giê Su Ky Tô—và tuân theo những lệnh truyền của Ngài “sẽ được ban cho thêm quyền năng để đối phó với sự cám dỗ, những khó khăn và yếu kém” và rằng chúng ta sẽ có khả năng cảm nhận niềm vui nhiều hơn, ngay cả trong lúc những bất ổn ngày càng gia tăng.20
Tôi làm chứng cùng anh chị em rằng những lời hứa từ vị tiên tri thân yêu của chúng ta cũng là những lời hứa từ chính Đấng Cứu Rỗi. Tôi mời gọi tất cả chúng ta hãy “nghe lời Ngài” trong mọi ý nghĩ và noi theo Ngài bằng tất cả lòng mình để có được sức mạnh và lòng can đảm để nói “Không” và “Ngươi hãy lui ra” với tất cả những điều mà có thể mang lại bất hạnh cho cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta làm như vậy, tôi hứa rằng Chúa sẽ gửi thêm Đức Thánh Linh của Ngài đến để củng cố và an ủi chúng ta, và chúng ta có thể trở thành những người làm đẹp lòng Chúa.21
Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng hằng sống và rằng qua Ngài, chúng ta có thể chiến thắng những ảnh hưởng xấu xa của kẻ thù và hội đủ điều kiện để sống với Chúa trong thời vĩnh cửu và trong sự hiện diện của Cha Thiên Thượng yêu dấu. Tôi làm chứng về những lẽ thật này với tất cả tình yêu thương của tôi dành cho anh chị em và cho Đấng Cứu Rỗi tuyệt vời của chúng ta, là Đấng mà tôi sẽ tôn vinh và ngợi ca mãi mãi. Tôi nói những điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.