2020
Đồng Tâm trong Sự Ngay Chính và Đoàn Kết
Tháng Mười Một năm 2020


14:44

Đồng Tâm trong Sự Ngay Chính và Đoàn Kết

Vào thời điểm then chốt 200 năm này trong lịch sử Giáo Hội của chúng ta, chúng ta hãy cam kết để sống ngay chính và đoàn kết hơn bao giờ hết.

Sự ngay chính và đoàn kết có ý nghĩa sâu sắc.1 Khi mọi người hết lòng yêu thương Thượng Đế và nỗ lực ngay chính để trở nên giống như Ngài, thì xã hội sẽ ít có xung đột và tranh chấp hơn. Có nhiều sự đoàn kết hơn. Tôi thích một câu chuyện có thật minh chứng cho điều này.

Là một người trẻ tuổi không theo tín ngưỡng của chúng ta, Tướng Thomas L. Kane đã hỗ trợ và bảo vệ các Thánh Hữu khi họ bị đòi hỏi phải rời khỏi Nauvoo. Ông là người ủng hộ Giáo Hội trong nhiều năm.2

Năm 1872, Tướng Kane, người vợ tài ba của ông, Elizabeth Wood Kane, và hai con trai của họ đã đi từ nhà của họ ở Pennsylvania đến Salt Lake City. Họ đi cùng Brigham Young và các cộng sự của ông trong chuyến đi về phía nam đến St. George, Utah. Elizabeth chuẩn bị chuyến viếng thăm đầu tiên của mình đến Utah với sự e dè về những người phụ nữ. Bà đã rất ngạc nhiên bởi một số điều mình học được. Ví dụ, bà nhận thấy rằng bất kỳ nghề nghiệp nào mà một phụ nữ có thể kiếm sống đều được mở ra cho họ ở Utah.3 Bà cũng nhận thấy rằng các tín hữu của Giáo Hội rất tử tế và am hiểu về người Mỹ Bản Địa.4

Trong chuyến đi, họ ở nhà của Thomas R. và Matilda Robison King tại Fillmore.5

Elizabeth viết rằng khi Matilda đang chuẩn bị bữa ăn cho Chủ Tịch Young và nhóm của ông, thì năm người Mỹ Da Đỏ bước vào phòng. Mặc dù không được mời nhưng rõ ràng là họ mong đợi được tham gia vào nhóm. Chị King nói chuyện với họ “bằng thổ ngữ của họ.” Họ ngồi xuống với chiếc chăn của mình với vẻ mặt dễ chịu. Elizabeth hỏi một trong những người con của King, “Mẹ cháu đã nói gì với những người đó?”

Câu trả lời của con trai Matilda là “Mẹ cháu nói: ‘Những người khách lạ này đến trước, và tôi chỉ nấu thức ăn đủ cho họ thôi; nhưng bữa ăn của các anh chị em thì bây giờ đang được nấu trên lò, và tôi sẽ mời các anh chị em ăn ngay khi nó sẵn sàng.’”

Elizabeth hỏi: “Liệu bà ấy có thực sự làm điều đó không, hay chỉ đưa cho họ những thứ vụn vặt ở cửa bếp?”6

Con trai của Matilda trả lời: “Mẹ sẽ phục vụ họ giống như mẹ phục vụ bà, và dành cho họ một chỗ tại bàn ăn.”

Bà ấy đã làm như vậy, và “họ đã ăn với sự đàng hoàng hoàn hảo.” Elizabeth giải thích rằng điều này hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của bà.7 Sự đoàn kết được nâng cao khi mọi người được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng, mặc dù họ có những đặc điểm bề ngoài khác nhau.

Là những người lãnh đạo, chúng ta không ảo tưởng rằng trong quá khứ mọi mối quan hệ đều hoàn hảo, mọi ứng xử đều giống như Đấng Ky Tô, hoặc mọi quyết định đều công bằng. Tuy nhiên, đức tin của chúng ta dạy rằng tất cả chúng ta đều là con cái của Cha Thiên Thượng, và chúng ta thờ phượng Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Mong muốn của chúng ta là tấm lòng và tâm trí của chúng ta sẽ được kết hợp trong sự ngay chính và đoàn kết và chúng ta sẽ hiệp một với Hai Ngài.8

Sự ngay chính là một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau nhưng chắc chắn nhất là bao gồm các lệnh truyền của Thượng Đế hằng sống.9 Nó cho chúng ta đủ tư cách để nhận các giáo lễ thiêng liêng để thiết lập con đường giao ước và ban phước cho chúng ta để được Thánh Linh hướng dẫn cuộc sống của mình.10

Sự ngay chính không phụ thuộc vào việc mỗi chúng ta có được mọi phước lành trong cuộc sống của mình vào thời gian này. Bây giờ chúng ta có thể chưa được kết hôn hay được phước về mặt con cái hoặc có những phước lành mong muốn khác. Nhưng Chúa đã hứa rằng những người ngay chính trung tín “có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”11

Đoàn Kết cũng là một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng chắc chắn nhất là minh chứng cho lệnh truyền lớn thứ nhất và thứ hai là yêu thương Thượng Đế và đồng bào của chúng ta.12 Nó cho thấy dân Si Ôn có tấm lòng và tâm trí “đồng tâm đoàn kết.”13

Bối cảnh cho sứ điệp của tôi là sự tương phản và các bài học từ thánh thư.

Đã 200 năm kể từ lần đầu tiên Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài hiện đến và bắt đầu Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vào năm 1820. Câu chuyện ở sách 4 Nê Phi trong Sách Mặc Môn bao gồm khoảng thời gian tương tự 200 năm sau khi Đấng Cứu Rỗi xuất hiện và thành lập Giáo Hội của Ngài ở Châu Mỹ cổ đại.

Biên sử mà chúng ta đã đọc trong 4 Nê Phi mô tả một dân tộc ở đó không có những sự ganh tị, xung đột, xáo trộn, tà dâm, dối trá hay sát nhân, dâm dật nào xảy ra. Vì sự ngay chính này mà biên sử ghi rằng: “quả thật, chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này.”14

Về sự đoàn kết, 4 Nê Phi viết: “Và chuyện rằng, trong xứ không có chuyện tranh chấp nào xảy ra, nhờ tình thương yêu của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân.”15

Thật không may, 4 Nê Phi sau đó mô tả một sự thay đổi đáng kể bắt đầu “vào năm thứ hai trăm lẻ một,”16 khi sự tà ác và phân chia hủy diệt sự ngay chính và sự đoàn kết. Mức độ nghiêm trọng của sự đồi bại xảy ra sau đó xấu xa đến nỗi cuối cùng vị tiên tri vĩ đại Mặc Môn đã phải ta thán với con trai của mình là Mô Rô Ni:

“Nhưng hỡi con trai của cha, một dân tộc như thế này mà sao lại thích thú với sự khả ố quá đáng như vậy được—

“Làm sao chúng ta có thể hy vọng Thượng Đế sẽ nương tay khi đoán phạt chúng ta được?”17

Trong gian kỳ này, mặc dù chúng ta đang sống trong một thời kỳ đặc biệt, nhưng thế gian đã không được ban phước cho sự ngay chính và đoàn kết được mô tả trong 4 Nê Phi. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một thời điểm có sự phân chia đặc biệt mạnh mẽ. Tuy nhiên, hàng triệu người đã chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã cam kết để đạt được cả sự ngay chính và đoàn kết. Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng chúng ta có thể làm tốt hơn và đó là thử thách của chúng ta trong thời đại ngày nay. Chúng ta có thể trở thành một lực lượng để nâng đỡ và ban phước cho toàn xã hội. Vào thời điểm then chốt 200 năm này trong lịch sử Giáo Hội của chúng ta, chúng ta hãy cam kết với tư cách là tín hữu của Giáo Hội của Chúa để sống ngay chính và đoàn kết hơn bao giờ hết. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã yêu cầu chúng ta “thể hiện phép lịch sự hơn, hòa hợp chủng tộc và sắc tộc, và tôn trọng lẫn nhau.”18 Điều này có nghĩa là yêu thương lẫn nhau và yêu thương Thượng Đế, và chấp nhận mọi người là anh chị em và thực sự là dân Si Ôn.

Với giáo lý toàn diện của mình, chúng ta có thể là một tâm điểm của sự đoàn kết và tôn vinh sự đa dạng. Sự đoàn kết và sự đa dạng không đối lập nhau. Chúng ta có thể đạt được sự đoàn kết cao hơn khi chúng ta thúc đẩy bầu không khí hòa nhập và tôn trọng sự đa dạng. Trong thời gian tôi phục vụ trong chủ tịch đoàn Giáo Khu San Francisco California, chúng tôi có các giáo đoàn nói tiếng Tây Ban Nha, Tongan, Samoan, Tagalog và Quan Thoại. Các tiểu giáo khu nói tiếng Anh của chúng tôi bao gồm những người thuộc nhiều chủng tộc và nhiều nền văn hóa. Có tình yêu thương, sự ngay chính và đoàn kết.

Các tiểu giáo khu và chi nhánh trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được xác định theo địa lý hoặc ngôn ngữ,19 chứ không phải theo chủng tộc hay văn hóa. Chủng tộc không được xác định trong hồ sơ tín hữu.

Ở đầu Sách Mặc Môn, khoảng 550 năm trước khi Chúa Giê Su giáng sinh, chúng ta được dạy về lệnh truyền cơ bản liên quan đến mối quan hệ giữa các con cái của Cha Thiên Thượng. Tất cả mọi người đều phải tuân giữ các lệnh truyền của Chúa, và tất cả mọi người đều được mời thụ hưởng lòng nhân từ của Chúa; “Ngài không từ chối bất cứ một ai biết tìm tới Ngài, dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ. Ngài cũng không quên kẻ tà giáo; tất cả mọi người, người Do Thái lẫn người Dân Ngoại, đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”20

Giáo vụ và sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi đã tuyên bố một cách kiên định rằng mọi chủng tộc và màu da đều là con cái của Thượng Đế. Chúng ta đều là anh chị em với nhau. Theo giáo lý của chúng ta, chúng ta tin rằng tại quốc gia diễn ra Sự Phục Hồi, Hoa Kỳ, Hiến Pháp Hoa Kỳ21 và các tài liệu liên quan,22 được viết bởi những người không hoàn hảo, là những người được Thượng Đế soi dẫn để ban phước cho tất cả mọi người. Khi chúng ta đọc trong Giáo Lý và Giao Ước, những tài liệu này “được thiết lập lên, và cần phải được duy trì vì quyền lợi và sự bảo vệ mọi loài xác thịt đúng theo các nguyên tắc công bình và thánh thiện.”23 Hai trong số các nguyên tắc này là quyền tự quyết và chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Chúa đã phán:

“Vậy nên, việc bất cứ một người nào phải làm nô lệ cho một người khác là điều không đúng.

Và vì mục đích này nên ta đã lập lên Hiến Pháp cho xứ này, nhờ tay những người thông sáng mà ta đã gây dựng lên cho chính mục đích này, và cứu chuộc lại đất này bằng sự đổ máu.”24

Sự mặc khải này đã được nhận vào năm 1833 khi các Thánh Hữu ở Missouri bị ngược đãi nhiều. Một phần tiêu đề của Giáo Lý và Giao Ước 101 viết: “Bọn bất lương đã đuổi họ ra khỏi nhà của họ tại Hạt Jackson. … Mạng sống của nhiều [tín hữu] trong Giáo Hội bị hăm dọa.”25

Đây là thời điểm căng thẳng trên nhiều mặt. Nhiều người dân Missouri luôn coi người Mỹ Bản Địa là kẻ thù và muốn họ rời khỏi vùng đất này. Ngoài ra, nhiều người định cư Missouri là chủ nô và cảm thấy bị đe dọa bởi những người phản đối chế độ nô lệ.

Ngược lại, giáo lý của chúng ta tôn trọng người Mỹ Bản Địa, và mong muốn của chúng ta là dạy họ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Liên quan đến chế độ nô lệ, thánh thư của chúng ta đã nói rõ rằng không có người nào phải làm nô lệ cho một người khác.26

Cuối cùng, các Thánh Hữu đã bị đánh đuổi một cách thô bạo ra khỏi Missouri27 và sau đó buộc phải di chuyển về phía tây.28 Các Thánh Hữu được thịnh vượng và tìm thấy sự bình an đi kèm với sự ngay chính, đoàn kết và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi vui mừng trong Lời Cầu Nguyện Hộ của Đấng Cứu Rỗi được ghi trong sách Phúc Âm của Giăng. Đấng Cứu Rỗi công nhận rằng Đức Chúa Cha đã sai Ngài và Ngài, Đấng Cứu Rỗi, đã hoàn thành công việc Ngài được sai đến để làm. Ngài đã cầu nguyện cho các môn đồ của Ngài và cho những ai sẽ tin vào Đấng Ky Tô: “Để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta.”29 Sự hiệp một là điều mà Đấng Ky Tô đã cầu nguyện trước khi Ngài bị phản bội và bị Đóng Đinh.

Trong năm đầu tiên sau Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, được ghi lại trong tiết 38 trong sách Giáo Lý và Giao Ước, Chúa nói về chiến tranh và sự tà ác và phán: “Ta nói cho các ngươi hay, hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”30

Văn hóa trong Giáo Hội của chúng ta đến từ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Bức Thư của Sứ Đồ Phao Lô gửi người Rô Ma thật sâu sắc.31 Giáo Hội ban đầu ở Rô Ma gồm có người Do Thái và Dân Ngoại. Những người Do Thái ban đầu này có nền văn hóa Do Thái và đã “giành được sự tự do của họ, và bắt đầu sinh sôi và phát triển.”32

Dân ngoại ở Rô Ma có một nền văn hóa với sự ảnh hưởng đáng kể của người Hy Lạp, mà Sứ đồ Phao Lô hiểu rõ nhờ những kinh nghiệm của ông tại A Thên và Cô Rinh Tô.

Phao Lô rao giảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô một cách toàn diện. Ông ghi lại các khía cạnh thích hợp của cả văn hóa Do Thái và Dân Ngoại33 mà mâu thuẫn với phúc âm chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Về cơ bản, ông yêu cầu mỗi người trong số họ bỏ lại những trở ngại văn hóa từ niềm tin và văn hóa của họ mà không phù hợp với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Phao Lô khuyên dân Do Thái và Dân Ngoại tuân giữ các lệnh truyền, yêu thương nhau và khẳng định rằng sự ngay chính dẫn đến sự cứu rỗi.34

Văn hóa trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không phải là văn hóa Dân Ngoại hay văn hóa Do Thái. Nó không được xác định bởi màu da của một người hoặc nơi chốn mà một người đang sống. Trong khi chúng ta vui mừng trong các nền văn hóa đặc biệt, chúng ta nên bỏ lại những khía cạnh của các nền văn hóa mà mâu thuẫn với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các tín hữu và những người mới cải đạo của chúng ta thường đến từ các nền văn hóa và chủng tộc đa dạng. Nếu chúng ta làm theo lời khuyên của Chủ Tịch Nelson là quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán, chúng ta sẽ thấy mình cũng khác với người Do Thái và Dân Ngoại vào thời Phao Lô. Tuy nhiên, chúng ta có thể được đoàn kết trong tình yêu thương và đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Bức Thư gửi người Rô Ma của Phao Lô thiết lập nguyên tắc rằng chúng ta tuân theo văn hóa và giáo lý của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là hình mẫu cho chúng ta ngày nay.35 Các giáo lễ của đền thờ gắn kết chúng ta theo những cách đặc biệt và cho phép chúng ta trở thành một trong mọi cách có ý nghĩa vĩnh cửu.

Chúng ta tôn vinh các tín hữu tiền phong của mình trên khắp thế giới, không phải vì họ hoàn hảo mà vì họ đã vượt qua gian khổ, hy sinh, khao khát trở nên giống như Đấng Ky Tô, và đang nỗ lực xây dựng đức tin và hiệp một với Đấng Cứu Rỗi. Sự hiệp một của họ với Đấng Cứu Rỗi đã khiến họ hiệp một với nhau. Nguyên tắc này đúng với anh chị em và tôi ngày nay.

Lời kêu gọi mạnh mẽ tới các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là cố gắng trở thành dân Si Ôn, là những người một lòng một dạ và sống trong sự ngay chính.36

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ trở nên ngay chính, đoàn kết và hoàn toàn tập trung vào việc phục vụ và thờ phượng Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng mà tôi làm chứng. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:27.

  2. Sự phục vụ của Thomas Kane đại diện cho các tín hữu đã liên tục được miêu tả “như một hành động hy sinh quên mình của một người theo chủ nghĩa lý tưởng trẻ tuổi, người đã chứng kiến những bất công gây ra cho một nhóm tôn giáo thiểu số bị ngược đãi bởi một đa số những kẻ độc ác và thù địch” (giới thiệu với Elizabeth Wood Kane, Twelve Mormon Homes Visited in Succession on a Journey through Utah to Arizona, biên soạn Everett L. Cooley [năm 1974], trang viii).

  3. Xin xem Kane, Twelve Mormon Homes, 5.

  4. Xin xem Kane, Twelve Mormon Homes, 40.

  5. Xin xem Lowell C. (Ben) Bennion and Thomas R. Carter, “Touring Polygamous Utah with Elizabeth W. Kane, Winter 1872–1873,” BYU Studies, tập 48, số 4 (năm 2009), trang 162.

  6. Rõ ràng, Elizabeth cho rằng hầu hết người Mỹ vào thời điểm đó sẽ coi Người Mỹ Da Đỏ chỉ là đồ vụn vặt và đối xử với họ khác với những vị khách khác của họ.

  7. Xin xem Kane, Twelve Mormon Homes, trang 64–65. Đáng chú ý là nhiều người Mỹ Bản Địa, bao gồm một số tù trưởng, đã trở thành tín hữu của Giáo Hội. Cũng xem John Alton Peterson, Utah’s Black Hawk War (năm 1998) trang 61; Scott R. Christensen, Sagwitch: Shoshone Chieftain, Mormon Elder, 1822–1887 (1999), trang 190–195.

  8. Trong gian kỳ này “những người ngay chính sẽ được quy tụ lại từ tất cả các quốc gia, và họ sẽ đến Si Ôn, hát những bài ca về niềm vui vĩnh viễn” (Giáo Lý và Giao Ước 45:71).

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 105:3-5. Thánh thư đã chỉ ra rằng việc quan tâm đến người nghèo và người thiếu thốn là một yếu tố cần thiết của sự ngay chính.

  10. Xin xem An Ma 36:30; cũng xem 1 Nê Phi 2:20; Mô Si A 1:7. Phần cuối của An Ma 36:30 viết: “chừng nào con không còn tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế thì con sẽ bị khai trừ khỏi sự hiện diện của Ngài. Này, đây là theo lời của Ngài phán vậy.”

  11. Mô Si A 2:41. Chủ Tịch Lorenzo Snow (1814–1901) đã dạy: “Không có người Thánh Hữu Ngày Sau nào chết sau khi đã sống một cuộc sống trung thành, là những người sẽ bị mất bất cứ điều gì vì đã thất bại để làm một số việc nào đó khi cơ hội đã không được ban cho người ấy. Nói cách khác, nếu một thanh niên hay một thiếu nữ không có cơ hội kết hôn, và họ sống cuộc sống trung tín cho đến lúc chết, thì họ sẽ có tất cả các phước lành, sự tôn cao và vinh quang mà bất cứ người nam hay người nữ nào sẽ có cơ hội này và cải thiện nó. Đó là điều chắc chắn và tích cực” (Teachings of Presidents of the Church: Lorenzo Snow [năm 2012], trang 130). Cũng xem Richard G. Scott, “The Joy of Living the Great Plan of Happiness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 75.

  12. Xin xem 1 Giăng 5:2.

  13. Mô Si A 18:21; xin xem thêm Môi Se 7:18.

  14. 4 Nê Phi 1:16.

  15. 4 Nê Phi 1:15.

  16. 4 Nê Phi 1:24.

  17. Mô Rô Ni 9:13–14.

  18. Russell M. Nelson, trong “First Presidency and NAACP Leaders Call for Greater Civility, Racial Harmony,” ngày 17 tháng Năm năm 2018, newsroom.ChurchofJesusChrist.org; xin xem thêm “President Nelson Remarks at Worldwide Priesthood Celebration,” ngày 1 tháng Sáu năm 2018, newsroom.ChurchofJesusChrist.org.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 90:11 viết: “Mọi người sẽ được nghe phúc âm trọn vẹn … bằng tiếng của mình.” Theo đó, các giáo đoàn theo ngôn ngữ thường được chấp thuận.

  20. 2 Nê Phi 26:33.

  21. Xin xem Hiến pháp Hoa Kỳ.

  22. Xin xem Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, 1776; Hiến pháp Hoa Kỳ, Tu Chính Án I–X (Tuyên Ngôn Nhân Quyền), National Archives website, archives.gov/founding-docs.

  23. Giáo Lý và Giao Ước 101:77; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  24. Giáo Lý và Giao Ước 101:79-80.

  25. Giáo Lý và Giao Ước 101, phần tiêu đề tiết.

  26. Xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 (năm 2018), trang 172–174; James B. Allen and Glen M. Leonard, The Story of the Latter-day Saints, ấn bản 2 (năm 1992), trang 93–94; Ronald W. Walker, “Seeking the ‘Remnant’: The Native American during the Joseph Smith Period,” Journal of Mormon History 19, số 1 (Spring 1993): 14–16.

  27. Xin xem Saints, 1:359–83; William G. Hartley, “The Saints’ Forced Exodus from Missouri, 1839,” in Richard Neitzel Holzapfel and Kent P. Jackson, eds., Joseph Smith, the Prophet and Seer (2010), 347–389; Alexander L. Baugh, “The Mormons Must Be Treated as Enemies,” trong Susan Easton Black and Andrew C. Skinner, biên tập., Joseph: Exploring the Life and Ministry of the Prophet (năm 2005), trang 284–295.

  28. Xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 2, No Unhallowed Hand, 1846–1893 (2020), 3–68; Richard E. Bennett, We’ll Find the Place: The Mormon Exodus, 1846–1848 (năm 1997); William W. Slaughter and Michael Landon, Trail of Hope: The Story of the Mormon Trail (năm 1997).

  29. Giăng 17:21.

  30. Giáo Lý và Giao Ước 38:27.

  31. Bức Thư gửi người Rô Ma là toàn diện trong việc tuyên bố giáo lý. Rô Ma chỉ đề cập đến Sự Chuộc Tội trong Kinh Tân Ước. Tôi đánh giá cao Bức Thư gửi Người Rô Ma vì đã đoàn kết nhiều người thông qua phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô khi tôi làm chủ tịch giáo khu với các tín hữu từ nhiều chủng tộc và nền văn hóa nói nhiều ngôn ngữ khác nhau.

  32. Frederic W. Farrar, The Life and Work of St. Paul (năm 1898), trang 446.

  33. Xin xem Farrar, The Life and Work of St. Paul, trang 450.

  34. Xin xem Rô Ma 13.

  35. Xin xem Dallin H. Oaks, “The Gospel Culture,” Liahona, tháng Ba năm 2012, trang 22-25; cũng xem Richard G. Scott, “Removing Barriers to Happiness,” Ensign, tháng Năm năm 1998, trang 85–87.

  36. Xin xem Môi Se 7:18.