2020
Ân Tứ Lớn Lao về Vị Nam Tử
Tháng Mười Một năm 2020


9:46

Ân Tứ Lớn Lao về Vị Nam Tử

Qua Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể thoát khỏi những khổ đau đáng chịu vì những thiếu sót đạo đức của mình và khắc phục những khổ đau không đáng chịu vì những bất hạnh trần thế của chúng ta.

Trong khi đọc Sách Mặc Môn cho một bài học trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta mùa hè vừa qua, tôi rất ngạc nhiên bởi lời tường thuật của An Ma rằng khi ông hoàn toàn ý thức được tội lỗi của mình thì “chẳng có sự gì đắng cay thấm thía như những sự đau đớn của [ông].”1 Tôi thú nhận bài nói chuyện về sự đau đớn thấm thía đã thu hút sự chú ý của tôi một phần vì vào tuần đó tôi phải vật lộn với một hòn sỏi thận bảy milimét. Chưa có người nào trải qua những cơn đau đớn như thế khi một thứ “nhỏ nhặt tầm thường” như vậy được lấy ra.2

Lời lẽ của An Ma cũng có ý nghĩa với tôi bởi vì từ thấm thía, trong bản dịch tiếng Anh của Sách Mặc Môn là “exquisite,” thường mô tả những thứ đẹp đẽ vô cùng hoặc lộng lẫy vô song. Ví dụ, Joseph Smith đã ghi chú rằng thiên sứ Mô Rô Ni mặc một chiếc áo dài rộng “màu trắng đẹp đẽ lạ thường (exquisite whiteness),” là “một màu trắng thật kỳ diệu mà [ông] chưa từng thấy một vật gì ở trên thế gian này trắng như vậy.”3 Trong tiếng Anh, chữ exquisite cũng có thể bày tỏ một cường độ cực hạn ngay cả cho những điều xấu xa. Vì vậy, An Ma và các từ điển hàng đầu kết nối sự đau đớn thấm thía (exquisite pain) với cảm giác bị “giày vò,” “xâu xé,” và “ray rứt” đến “vô cùng.”4

Hình ảnh của An Ma phản ánh hiện thực thức tỉnh rằng vào một lúc nào đó, chúng ta phải nếm trải cảm giác tội lỗi trọn vẹn, dày vò về mọi tội lỗi mình từng phạm. Công lý đòi hỏi điều đó, và chính Thượng Đế cũng không thể thay đổi.5 Khi An Ma nhớ lại “tất cả” tội lỗi của ông—đặc biệt là những tội lỗi mà đã hủy diệt đức tin của người khác—nỗi đau đớn của ông hầu như không thể chịu nổi, và ý nghĩ phải đứng trước Thượng Đế làm tràn đầy trong ông nỗi “ghê sợ khôn tả.” Ông đã muốn được “tắt lịm đi, cả tâm hồn lẫn thể xác.”6

Tuy nhiên, An Ma nói tất cả mọi thứ bắt đầu thay đổi vào lúc “tâm trí [ông] vừa nghĩ đến” “sự hiện đến [được tiên tri] của một Chúa Giê Su Ky Tô … để chuộc tội lỗi cho thế gian,” và ông “liền kêu cầu trong lòng mà rằng: Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con.” Với một ý nghĩ đó và một lời cầu xin đó, An Ma đã được “tràn đầy” niềm vui “lớn lao” (exquisite joy) “chẳng khác chi sự đau đớn mà [ông] đã trải qua vậy.”7

Chúng ta không bao giờ được quên rằng mục đích bản chất của sự hối cải là lấy một sự khổ sở nào đó và biến nó thành một niềm hạnh phúc thuần khiết. Nhờ “lòng nhân từ kề cận” của Ngài8 nên vào chính lúc chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô—cho thấy đức tin nơi Ngài và một sự thay đổi chân thật trong lòng—gánh nặng đè ép của tội lỗi chúng ta bắt đầu chuyển từ lưng chúng ta sang lưng Ngài. Điều này có thể xảy ra chỉ bởi vì Đấng vô tội đã chịu đựng “sự đau đớn vô hạn và không thể nói lên được”9 của mỗi một tội lỗi trong vũ trụ do Ngài sáng tạo, vì tất cả các tạo vật của Ngài—một sự đau khổ dữ dội đến mức máu đã chảy ra từ mọi lỗ chân lông của Ngài. Từ kinh nghiệm trực tiếp, cá nhân, Đấng Cứu Rỗi vì thế đã cảnh báo chúng ta, trong thánh thư hiện đại, rằng chúng ta không biết được “những nỗi đau khổ” của mình sẽ “thấm thía (exquisite)” như thế nào nếu không hối cải. Nhưng với sự rộng lượng không thể hiểu được, Ngài cũng phán rõ rằng “Ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải”10—một sự hối cải cho phép chúng ta “nếm được niềm vui khôn tả” An Ma đã nếm.11 Chỉ với giáo lý này thôi, “lòng [tôi] cảm kích vô cùng.”12 Thế nhưng, ngạc nhiên thay, Đấng Ky Tô còn ban cho nhiều hơn nữa.

Đôi khi, sự đau đớn thấm thía (exquiste pain) không đến bởi tội lỗi mà từ những lỗi lầm vô ý, hành động của người khác, hoặc những thế lực ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Trong những lúc này, anh chị em có thể thốt lên giống như Tác Giả Thi Thiên ngay chính:

“Lòng tôi rất đau đớn trong mình tôi, Sự kinh khiếp về sự chết đã áp lấy tôi.

“… Sự hoảng hốt đã phủ lấy tôi.

“… Ôi! chớ chi tôi có cánh như bồ câu, Ắt sẽ bay đi và ở được yên lặng.”13

Khoa học y tế, tư vấn chuyên môn, hoặc biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật có thể giúp giảm bớt nỗi đau khổ như vậy. Nhưng hãy chú ý, tất cả các ân tứ tốt lành—kể cả những điều này—đều đến từ Đấng Cứu Rỗi.14 Bất kể nguyên nhân của những nỗi đau khổ và đau lòng tột cùng của chúng ta là gì đi nữa thì nguồn tối thượng của sự giảm bớt cũng chỉ là một: Chúa Giê Su Ky Tô. Chỉ có Ngài mới nắm giữ quyền năng trọn vẹn và dầu chữa lành để sửa chữa mọi sai lầm, làm đúng mọi điều sai, chỉnh sửa mọi sự không hoàn hảo, vá từng vết thương, và ban cho mọi phước lành bị trì hoãn. Như các chứng nhân thời xưa, tôi làm chứng rằng “chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta”15 nhưng có một Đấng Cứu Chuộc yêu thương đã hạ xuống từ ngôi cao của Ngài và đi ra ngoài đời “để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ … , để Ngài có thể … biết được cách giúp đỡ dân Ngài.”16

Đối với bất cứ ai hôm nay có những nỗi đau cùng cực hoặc độc nhất đến nỗi anh chị em cảm thấy không ai khác có thể hoàn toàn hiểu được những điều đó, anh chị em có thể đúng. Có thể không một người nào trong gia đình, người bạn nào, hoặc người lãnh đạo chức tư tế nào—họ dù có thông cảm hoặc cố gắng như thế nào đi nữa—biết chính xác anh chị em đang cảm thấy gì hoặc có cách nói để giúp chữa lành anh chị em. Nhưng hãy biết rằng: có một Đấng hiểu trọn vẹn những gì anh chị em đang trải qua, một Đấng “có quyền năng mạnh mẽ hơn tất cả thế gian”17 và Đấng “có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc [anh chị em] cầu xin hoặc suy tưởng.”18 Quá trình sẽ xảy ra theo cách thức của Ngài và theo kỳ định của Ngài, nhưng Đấng Ky Tô luôn sẵn sàng để chữa lành cho anh chị em một cách trọn vẹn.

Khi anh chị em để cho Ngài làm vậy thì anh chị em sẽ khám phá ra rằng nỗi đau khổ của mình không phải vô ích. Khi nói về nhiều người trong số những anh hùng vĩ đại nhất trong Kinh Thánh và những nỗi đau buồn của họ, Sứ Đồ Phao Lô đã nói rằng “Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho họ qua sự khổ đau của họ, vì nếu không có khổ đau họ không đạt đến sự trọn vẹn được.”19 Anh chị em thấy đấy, chính thiên tính của Thượng Đế và mục đích cuộc sống trần thế của chúng ta là sự hạnh phúc,20 nhưng chúng ta không thể trở thành những cá thể hoàn hảo với niềm vui thiêng liêng nếu không có những kinh nghiệm thử thách chúng ta, đôi khi đến tận cùng khả năng của chúng ta. Phao Lô nói rằng chính Đấng Cứu Rỗi được vĩnh viễn “nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành [hoặc hoàn hảo].”21 Vì vậy, hãy đề phòng chống lại tiếng thì thầm của Sa Tan rằng nếu anh chị em là người tốt hơn thì anh chị em sẽ tránh khỏi những thử thách như vậy.

Anh chị em cũng phải kháng cự lại lời nói dối có liên quan rằng những sự đau khổ của anh chị em, theo một cách nào đó, gợi ý rằng anh chị em không thuộc vào trong số những con cái chọn lọc của Thượng Đế, là những người dường như được ban cho phước lành hết lần này sang lần khác. Thay vì thế, hãy tự nhìn mình như Giăng Vị Mặc Khải chắc chắn đã nhìn thấy anh chị em trong điều mặc khải huy hoàng của ông về những ngày sau. Vì Giăng đã thấy “vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; [họ] đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, … [và] cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta.”22

Khi được hỏi: “Những kẻ mặc áo dài trắng đó là ai, và bởi đâu mà đến?” Giăng nhận được câu trả lời: “Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con.”23

Thưa anh chị em, việc chịu đau khổ trong sự ngay chính giúp anh chị em hội đủ điều kiện để trở thành, thay vì làm cho anh chị em khác biệt khỏi, những người chọn lọc của Thượng Đế. Và điều đó làm cho những lời hứa của họ trở thành những lời hứa của anh chị em. Như Giăng tuyên bố, anh chị em “sẽ không đói không khát nữa; cũng không có mặt trời, hoặc cơn nắng gắt nào hại đến [anh chị em]. Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa [anh chị em] đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt [anh chị em].”24

“Sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa.”25

Tôi làm chứng cùng anh chị em rằng qua lòng nhân từ đáng kinh ngạc của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, chúng ta có thể thoát khỏi những khổ đau đáng chịu vì những thiếu sót đạo đức của mình và khắc phục những khổ đau không đáng chịu vì những bất hạnh trần thế của chúng ta. Dưới sự hướng dẫn của Ngài, số mệnh thiêng liêng của anh chị em sẽ là một số mệnh huy hoàng vô song và đầy niềm vui khôn tả—một niềm vui mãnh liệt và độc nhất, “tro bụi” riêng của anh chị em sẽ trở thành những vẻ đẹp “kỳ diệu [hơn hẳn mọi vật] ở trên thế gian.”26 Để anh chị em có thể nếm được niềm hạnh phúc này bây giờ và được tràn đầy nó vĩnh viễn, tôi mời anh chị em làm điều An Ma đã làm: để cho tâm trí anh chị em nghĩ về ân tứ lớn lao (exquisite gift) về Vị Nam Tử của Thượng Đế như được mặc khải qua phúc âm của Ngài trong Giáo Hội sinh động và chân chính này của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.