2020
Vậy, Hãy Tỉnh Thức Luôn và Cầu Nguyện
Tháng Mười Một năm 2020


15:1

Vậy, Hãy Tỉnh Thức Luôn và Cầu Nguyện

Hôm nay, tôi đưa ra lời kêu gọi nên cầu nguyện cho tất cả mọi người từ mọi quốc gia trên khắp thế giới.

Anh chị em thân mến, trong tuần cuối cùng của giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã dạy các môn đồ của Ngài phải “tỉnh thức luôn và cầu nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người.”1

Trong số những “tai nạn sẽ xảy ra” trước Ngày Tái Lâm của Ngài là “giặc và tiếng đồn về giặc[,] … đói kém và động đất.”2

Trong Giáo Lý và Giao Ước, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Và tất cả mọi vật sẽ ở trong tình trạng xáo trộn; … vì sự sợ hãi sẽ đến với tất cả mọi người.”3

Chắc chắn là chúng ta sống trong một thời kỳ mà mọi vật đang ở trong tình trạng xáo trộn. Nhiều người lo sợ về tương lai, và nhiều người đã quay lưng lại với đức tin của họ nơi Thượng Đế và Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Các bản tin tràn ngập những bài tường thuật về bạo lực. Lời phỉ báng đạo đức được đăng trực tuyến. Các nghĩa trang, nhà thờ, nhà thờ Hồi Giáo, giáo đường Do Thái và các đền thờ tôn giáo đã bị phá hoại.

Một đại dịch toàn cầu đã thực sự lan tràn trên khắp thế giới: hàng triệu người đã bị nhiễm bệnh; hơn một triệu người đã chết. Lễ tốt nghiệp trường học, các buổi lễ thờ phượng tại nhà thờ, hôn nhân, công việc phục vụ truyền giáo và một loạt các sự kiện quan trọng khác của đời sống đã bị gián đoạn. Ngoài ra, vô số người đã bị bỏ mặc một mình và bị cô lập.

Những biến động kinh tế đã gây ra những thử thách cho rất nhiều người, đặc biệt là đối với các con cái dễ bị tổn thương nhất của Cha Thiên Thượng.

Chúng ta đã thấy những người hăng hái thực hiện quyền biểu tình ôn hòa của họ và chúng ta đã thấy những đám đông bạo loạn.

Đồng thời, chúng ta cũng tiếp tục thấy những xung đột trên toàn thế giới.

Tôi thường nghĩ đến những anh chị em đang đau khổ, lo lắng, sợ hãi hoặc cảm thấy cô đơn. Tôi bảo đảm với mỗi anh chị em rằng Chúa biết rõ anh chị em, rằng Ngài nhận thức được mối quan tâm và nỗi thống khổ của anh chị em và rằng Ngài yêu thương anh chị em—một cách tha thiết, riêng từng cá nhân, sâu đậm và vĩnh viễn.

Mỗi đêm khi cầu nguyện, tôi đều cầu xin Chúa ban phước cho tất cả những ai đang mang nặng nỗi buồn phiền, đau đớn, cô đơn và buồn bã. Tôi biết rằng các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội cũng lặp lại lời cầu nguyện đó. Chúng tôi, riêng từng cá nhân và chung toàn thể, đồng cảm với anh chị em và những lời cầu nguyện của chúng tôi hướng đến Thượng Đế thay cho anh chị em.

Năm ngoái, tôi đã dành vài ngày ở vùng đông bắc Hoa Kỳ để tham quan các địa điểm lịch sử của Hoa Kỳ và Giáo Hội, tham dự các buổi họp với những người truyền giáo và các tín hữu của chúng ta cũng như đi thăm các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp.

Vào ngày Chủ Nhật, 20 tháng Mười, tôi đã nói chuyện với một nhóm đông người gần Boston, Massachusetts. Trong khi đang nói thì tôi được thúc giục để nói: “Tôi khẩn nài anh chị em … hãy cầu nguyện cho đất nước này, cho các nhà lãnh đạo của chúng ta, cho dân tộc của chúng ta và cho các gia đình đang sống trong quốc gia vĩ đại do Thượng Đế lập nên này.”4

Tôi cũng nói rằng Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên trái đất, cũng như trong thời xưa, đang ở tại một thời điểm quan trọng khác và cần những lời cầu nguyện của chúng ta.5

Lời khẩn nài của tôi không nằm trong bài nói chuyện mà tôi đã chuẩn bị sẵn. Những lời đó đến với tôi khi tôi cảm nhận được Thánh Linh đã thúc giục tôi mời những người có mặt nên cầu nguyện cho đất nước và các nhà lãnh đạo của họ.

Hôm nay, tôi đưa ra lời kêu gọi nên cầu nguyện cho tất cả mọi người từ mọi quốc gia trên khắp thế giới. Cho dù anh chị em cầu nguyện như thế nào hay cầu nguyện cho ai thì cũng hãy thực hành đức tin của anh chị em—bất kể anh chị em thuộc vào tôn giáo nào—và cầu nguyện cho đất nước của anh chị em và cho các nhà lãnh đạo quốc gia của anh chị em. Như tôi đã nói vào tháng Mười năm ngoái ở Massachusetts, ngày nay chúng ta đang ở một bước ngoặt trong lịch sử, và các quốc gia trên trái đất đang rất cần nguồn soi dẫn và hướng dẫn thiêng liêng. Đây không phải là về chính trị hay chính sách. Đây là về hòa bình và sự chữa lành mà có thể đến với linh hồn của cá nhân cũng như linh hồn của các quốc gia—các thành phố, thị trấn và làng mạc—nhờ vào Hoàng Tử Bình An và nguồn gốc của mọi sự chữa lành, Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong vài tháng qua, tôi đã có ấn tượng rằng cách tốt nhất để giúp đỡ tình hình thế giới hiện nay là tất cả mọi người phải trông cậy hoàn toàn hơn vào Thượng Đế và hướng lòng tới Ngài qua lời cầu nguyện chân thành. Việc hạ mình và tìm kiếm nguồn soi dẫn của thiên thượng để chịu đựng hoặc chế ngự những gì trước mắt chúng ta sẽ là cách an toàn và chắc chắn nhất để tiến bước một cách đầy tin tưởng vượt qua những thời kỳ khó khăn này.

Thánh thư nhấn mạnh đến những lời cầu nguyện do Chúa Giê Su dâng lên cũng như những lời giảng dạy của Ngài về sự cầu nguyện trong giáo vụ trần thế của Ngài. Anh chị em sẽ nhớ Lời Cầu Nguyện của Chúa:

“Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh.

“Nước Cha được đến. Ý Cha được nên, ở đất như trời.

“Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày.

“Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi.

“Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác! Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A Men.”6

Lời cầu nguyện tuyệt vời đầy tập trung này, được lặp đi lặp lại thường xuyên trong toàn Ky Tô giáo, cho thấy rõ rằng là điều thích hợp để trực tiếp cầu xin “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” để nhận được câu trả lời về những gì đang làm chúng ta khổ sở. Do đó, chúng ta hãy cầu nguyện để nhận được sự hướng dẫn thiêng liêng.

Tôi mời anh chị em hãy luôn luôn cầu nguyện.7 Hãy cầu nguyện cho gia đình anh chị em. Hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia. Hãy cầu nguyện cho những người dũng cảm đang ở tuyến đầu trong các cuộc chiến chống lại các bệnh dịch xã hội, môi trường, chính trị và sinh học mà đang tác động đến tất cả mọi người trên khắp thế giới, người giàu lẫn người nghèo, người trẻ tuổi lẫn người lớn tuổi.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta chớ giới hạn những người mà chúng ta cầu nguyện cho. Ngài phán: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”8

Trên cây thập tự ở Đồi Sọ, nơi Chúa Giê Su đã chết vì tội lỗi của chúng ta, Ngài đã thực hành điều Ngài đã dạy khi Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.”9

Việc chân thành cầu nguyện cho những người có thể bị coi là kẻ thù của chúng ta chứng tỏ niềm tin của chúng ta rằng Thượng Đế có thể thay đổi tấm lòng của chúng ta và tấm lòng của người khác. Những lời cầu nguyện như vậy cần phải củng cố quyết tâm của chúng ta để thực hiện bất cứ sự thay đổi nào cần thiết trong cuộc sống, gia đình và cộng đồng của chúng ta.

Cho dù anh chị em đang sống ở đâu, anh chị em nói ngôn ngữ nào, hoặc những thử thách mà anh chị em đang gặp phải thì Thượng Đế nghe và trả lời cho anh chị em theo cách riêng của Ngài và theo kỳ định riêng của Ngài. Vì là con cái của Ngài nên chúng ta có thể tiếp cận với Ngài để tìm kiếm sự giúp đỡ, an ủi và một ước muốn đổi mới để tạo ra sự khác biệt tích cực trên thế gian.

Việc cầu nguyện cho công lý, hòa bình, người nghèo và người bệnh thường là không đủ. Sau khi quỳ gối xuống cầu nguyện, chúng ta cần đứng dậy và làm những gì có thể làm để giúp đỡ—để giúp bản thân mình lẫn người khác.10

Thánh thư chứa đựng đầy dẫy các tấm gương của những người có đức tin mà đã kết hợp sự cầu nguyện với hành động để tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của chính họ và trong cuộc sống của người khác. Ví dụ, trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về Ê Nót. Người ta nhận thấy rằng “khoảng hai phần ba cuốn sách ngắn của ông mô tả một lời cầu nguyện hoặc một loạt những lời cầu nguyện, và phần còn lại cho biết điều ông đã làm nhờ vào kết quả của những câu trả lời mà ông đã nhận được.”11

Chúng ta có nhiều ví dụ về việc lời cầu nguyện đã tạo ra một sự khác biệt như thế nào trong lịch sử Giáo Hội của chúng ta, bắt đầu bằng lời cầu nguyện đầu tiên thốt ra bởi Joseph Smith trong một khu rừng thưa gần căn nhà gỗ của cha mẹ ông vào mùa xuân năm 1820. Khi tìm kiếm sự tha thứ và sự hướng dẫn thiêng liêng, lời cầu nguyện của Joseph đã mở ra các tầng trời. Ngày nay, chúng ta là những người được hưởng lợi từ Tiên Tri Joseph và những người nam và người nữ Thánh Hữu Ngày Sau trung tín đã cầu nguyện và hành động để giúp thiết lập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi thường nghĩ đến những lời cầu nguyện của các phụ nữ trung tín như Mary Fielding Smith là người, với sự giúp đỡ của Thượng Đế, đã can đảm dẫn dắt gia đình bà ấy thoát khỏi nạn ngược đãi ngày càng gia tăng ở Illinois đến nơi an toàn trong thung lũng nơi gia đình bà được thịnh vượng về mặt thuộc linhh và vật chất. Sau khi quỳ xuống cầu nguyện khẩn thiết, bà đã làm việc lao nhọc để vượt qua những thử thách và ban phước cho gia đình của bà.

Sự cầu nguyện sẽ nâng đỡ chúng ta và mang chúng ta lại với nhau với tư cách cá nhân, chung gia đình, Giáo Hội và thế giới. Sự cầu nguyện sẽ ảnh hưởng đến các nhà khoa học và giúp họ hướng tới những khám phá về vắc-xin và thuốc men mà sẽ chấm dứt đại dịch này. Sự cầu nguyện sẽ an ủi những người đã mất đi một người thân yêu. Nó sẽ hướng dẫn chúng ta để biết phải làm gì nhằm có được sự bảo vệ cá nhân của riêng mình.

Thưa anh chị em, tôi khuyên nhủ anh chị em nên gia tăng sự cam kết của mình để cầu nguyện. Tôi khuyên nhủ anh chị em cầu nguyện trong phòng kín của mình, trong cuộc sống hằng ngày, trong nhà, trong tiểu giáo khu và luôn luôn trong lòng của anh chị em.12

Thay mặt cho các vị lãnh đạo của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi cảm ơn anh chị em đã cầu nguyện cho chúng tôi. Tôi khuyên nhủ anh chị em tiếp tục cầu nguyện để chúng tôi có thể nhận được sự soi dẫn và mặc khải nhằm hướng dẫn Giáo Hội vượt qua những thời kỳ khó khăn này.

Sự cầu nguyện có thể thay đổi cuộc sống của chính chúng ta. Được thúc đẩy bởi lời cầu nguyện chân thành, chúng ta có thể cải thiện và giúp những người khác cũng làm như vậy.

Tôi biết được quyền năng của sự cầu nguyện bằng kinh nghiệm riêng của mình. Mới gần đây tôi đã ở một mình trong văn phòng của tôi. Tôi vừa trải qua một cuộc phẫu thuật tay. Tay tôi thâm tím, sưng tấy và rất đau đớn. Khi ngồi vào bàn làm việc, tôi đã không thể tập trung vào những vấn đề quan trọng và then chốt vì tôi bị phân tâm bởi cơn đau này.

Tôi quỳ xuống và cầu xin Chúa giúp tôi tập trung để tôi có thể hoàn thành công việc của mình. Tôi đứng dậy và quay trở lại đống giấy tờ trên bàn làm việc. Hầu như ngay lập tức, sự minh mẫn và tập trung đến với tâm trí tôi và tôi đã có thể hoàn thành những vấn đề cấp bách trước mắt.

Tình hình hỗn loạn hiện nay của thế giới có thể dường như làm nản lòng khi chúng ta cân nhắc vô số vấn đề và thử thách. Nhưng đó là chứng ngôn tha thiết của tôi rằng nếu chúng ta chịu cầu nguyện và cầu xin Cha Thiên Thượng ban phước lành và sự hướng dẫn cần thiết thì chúng ta sẽ bắt đầu biết cách chúng ta có thể ban phước cho gia đình, hàng xóm, cộng đồng và thậm chí cả quốc gia mà chúng ta đang sinh sống.

Đấng Cứu Rỗi đã cầu nguyện và sau đó Ngài “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước”13 bằng cách cho người nghèo ăn, mang đến sự can đảm và giúp đỡ những người gặp hoạn nạn và tìm đến với tình yêu thương, sự tha thứ, hòa bình và sự yên lòng cho tất cả những người chịu đến với Ngài. Ngài tiếp tục tìm đến giúp đỡ chúng ta.

Tôi mời tất cả các tín hữu Giáo Hội, cũng như những người láng giềng và bạn bè của chúng ta thuộc về các tôn giáo khác trên toàn thế giới, nên làm theo lời mà Đấng Cứu Rỗi đã khuyên dạy các môn đồ của Ngài: “Vậy, hãy tỉnh thức luôn và cầu nguyện14 để có được hòa bình, an ủi, an toàn và cơ hội để phục vụ lẫn nhau.

Quyền năng của sự cầu nguyện lớn lao biết bao, và những lời cầu nguyện đầy đức tin nơi Thượng Đế và Con Trai Yêu Dấu của Ngài trong thế giới ngày nay là cần thiết biết bao! Chúng ta hãy ghi nhớ và biết ơn quyền năng của sự cầu nguyện. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.