Lớp Giáo Lý
1 Nê Phi 6–10: Khái Quát


“1 Nê Phi 6–10: Khái Quát,” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“1 Nê Phi 6–10: Khái Quát,” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

1 Nê Phi 6–10

Khái Quát

Lê Hi có một khải tượng trong đó ông thấy một cái cây rất đẹp. Cây này và trái của nó tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế và nó “làm cho tâm hồn [Lê Hi] chan hòa một niềm hân hoan cực độ” (1 Nê Phi 8:12). Qua khải tượng của mình, Lê Hi đã biết được về con đường chúng ta phải đi và cách ở lại trên con đường này để vui hưởng những phước lành của tình yêu thương của Thượng Đế. Sau khi nghe Lê Hi dạy về cây sự sống và lời tiên tri về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô, Nê Phi mong muốn chính ông cũng biết được lẽ thật về những lời của cha ông.

Chuẩn Bị Giảng Dạy

Thông tin sau đây cung cấp cho giảng viên những ý tưởng về điều họ có thể phải chuẩn bị trước cho mỗi bài học.

1 Nê Phi 6–7

Mục đích của bài học: Bài học này sẽ giúp học viên hiểu được những mục đích của Sách Mặc Môn có thể giúp các em như thế nào trong việc học tập và trong cuộc sống.

  • Học viên chuẩn bị: Khuyến khích học viên hằng ngày học Sách Mặc Môn riêng cá nhân. Mời học viên suy ngẫm về kinh nghiệm của mình khi nghiên cứu Sách Mặc Môn cho đến nay và những điều các em đang học.

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Cân nhắc đóng diễn tình huống ở đầu bài học bằng cách hỏi học viên các câu hỏi và mời các em gõ câu trả lời của mình vào cuộc trò chuyện. Có thể hữu ích để chỉ định một học viên làm người điều phối cuộc trò chuyện và đọc các câu trả lời khi chúng xuất hiện. Hãy cảm ơn học viên vì đã trả lời và đặt ra thêm bất kỳ câu hỏi nào mà có thể dẫn đến những hiểu biết sâu sắc hơn.

Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 3

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên hiểu được tầm quan trọng của việc tìm kiếm lẽ thật qua các nguồn tài liệu mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã nhân từ cung cấp cho chúng ta.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về các thắc mắc hoặc những băn khoăn quan trọng và các nguồn tài liệu khác nhau các em có thể tìm đến để có câu trả lời. Khuyến khích học viên chuẩn bị chia sẻ một ví dụ từ một trong những nguồn tài liệu này hoặc thậm chí mang một ví dụ đến lớp.

  • Vật dụng: Một bình chứa nước uống sạch và một ly uống nước trong suốt; hoặc một chậu nước, xà phòng rửa tay và khăn mặt

  • Giấy phát tay: “Sử Dụng Các Nguồn Phương Tiện Thiêng Liêng do Chúa Quy Định”

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Đối với sinh hoạt trong “Sử dụng các nguồn phương tiện thiêng liêng do Chúa quy định”, hãy cân nhắc trưng ra các hướng dẫn trên màn hình và mời học viên chụp ảnh màn hình. Hoặc cân nhắc đưa các chỉ dẫn vào tính năng trò chuyện và mời học viên sao chép và dán các chỉ dẫn đó vào một tài liệu trên thiết bị riêng của các em. Sau đó, chia học viên vào các phòng họp nhỏ để thảo luận và cùng nhau hoàn thành sinh hoạt học tập.

1 Nê Phi 8:1–18

Mục đích của bài học: Bài học này nhằm giúp học viên gia tăng mong muốn của mình để cảm nhận được niềm vui qua tình yêu thương của Thượng Đế và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm các câu hỏi sau: Một người nào đó có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế bằng các cách thức nào? Có khi nào em đã cảm nhận được tình yêu thương của Ngài dành cho mình? Học viên cũng có thể nói chuyện với một người trong gia đình hoặc vị lãnh đạo của Giáo Hội về việc các em cảm nhận như thế nào tình yêu thương của Thượng Đế dành cho mình.

  • Video:Đấng Ky Tô: Sự Sáng Soi trong Tối Tăm” (11:29; xem từ phút 0:00 đến 0:54 và từ phút 9:09 đến 10:02); “Ánh Sáng Gắn Bó với Ánh Sáng” (11:11; xem từ phút 0:32 đến 2:33); “Bởi Do Ngài” (2:36)

  • Hình ảnh: Hình ảnh Ma Ri bế hài nhi Giê Su

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Đối với sinh hoạt 2 trong phần “Cảm nhận tình yêu thương của Thượng Đế và niềm vui lớn lao qua Chúa Giê Su Ky Tô,” hãy cân nhắc tải xuống các video và cho phép học viên chọn video để xem. Hoặc chia học viên vào các phòng họp nhỏ và chỉ định một video cho mỗi nhóm. Một học viên trong mỗi nhóm sẽ cần phát đoạn video và chia sẻ màn hình của mình cho các bạn khác trong nhóm. Mời học viên suy ngẫm và thảo luận về các phước lành có sẵn qua Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó, mỗi nhóm có thể chia sẻ với lớp những điều các em đã thảo luận.

1 Nê Phi 8:19–38

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên tuân theo lời của Thượng Đế để dẫn dắt các em đến với những phước lành lớn lao nhất của Ngài.

  • Học viên chuẩn bị: Khuyến khích học viên đọc 1 Nê Phi 8:19–34 để làm quen với các biểu tượng trong khải tượng của Lê Hi và chuẩn bị thảo luận các biểu tượng đó trong lớp.

  • Hình ảnh cần trưng ra: Hình ảnh về khải tượng của Lê Hi

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Thay vì yêu cầu học viên vẽ các phần của khải tượng, cân nhắc phát video và tạm dừng video bất cứ khi nào một trong các yếu tố chính xuất hiện. Có thể yêu cầu học viên chia sẻ những suy nghĩ của mình về ý nghĩa của các biểu tượng và tìm kiếm những điều thánh thư dạy về điều đó. Để chuẩn bị cho buổi học, hãy cân nhắc ghi lại mã thời gian những thời điểm nên tạm dừng video.

1 Nê Phi 10; 11:1–6

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên trong nỗ lực siêng năng tìm kiếm sự hiểu biết từ Chúa.

  • Học viên chuẩn bị: Mời học viên hỏi cha mẹ hoặc vị lãnh đạo giới trẻ những điều các em cần làm để siêng năng tìm kiếm lẽ thật từ Thượng Đế hoặc cách Đức Thánh Linh mặc khải lẽ thật cho các em. Khuyến khích học viên chuẩn bị chia sẻ một ý kiến với cả lớp.

  • Video:Cách mà tôi #NgheLờiNgài: Anh Cả Ronald A. Rasband” (2:55)

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Cân nhắc sử dụng bảng trắng kỹ thuật số để học viên có thể phối hợp liệt kê các cách thức để siêng năng tìm kiếm lẽ thật từ Thượng Đế và những cách thức Thượng Đế mặc khải các lẽ thật qua Đức Thánh Linh.