Lớp Giáo Lý
Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 3: Tìm Kiếm Thêm Sự Hiểu Biết qua Các Nguồn Phương Tiện Thiêng Liêng Đã Được Chúa Quy Định


“Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 3: Tìm Kiếm Thêm Sự Hiểu Biết qua Các Nguồn Phương Tiện Thiêng Liêng Đã Được Chúa Quy Định” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 3: Tìm Kiếm Thêm Sự Hiểu Biết qua Các Nguồn Phương Tiện Thiêng Liêng Đã Được Chúa Quy Định” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 3

Tìm Kiếm Thêm Sự Hiểu Biết qua Các Nguồn Phương Tiện Thiêng Liêng Đã Được Chúa Quy Định

Fiji: Nghiên Cứu Thánh Thư

Một trong những mục đích của việc thông thạo giáo lý là giúp em học và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh. Bài học này có thể giúp em hiểu được tầm quan trọng của việc tìm kiếm lẽ thật qua các nguồn tài liệu mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã trìu mến cung cấp.

Sử dụng các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định.Hãy dạy học viên tìm đến các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định khi tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi thuộc linh. Một cách để làm điều này là làm mẫu tiến trình này cho học viên. Hãy giúp các em học cách phân biệt lẽ thật với ý kiến sai lầm và hiểu rằng một số nguồn thông tin là không đáng tin cậy hoặc tìm cách hủy diệt đức tin.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm về các thắc mắc hoặc băn khoăn chính yếu của mình và các nguồn tài liệu khác nhau các em có thể tìm đến để có câu trả lời. Khuyến khích học viên chuẩn bị chia sẻ ví dụ về một trong những nguồn tài liệu này hoặc thậm chí là mang một tài liệu đến lớp.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Nguồn gốc là quan trọng

Dự Án Nước Sạch

Cân nhắc sử dụng nước để minh họa cho bài học. Một lựa chọn là rót một ly nước trong và mời một học viên uống trước lớp. Một lựa chọn khác là mời một học viên rửa tay trong một chậu nước.

Hãy suy ngẫm một chút về tầm quan trọng của nước trong cuộc sống của em.

  • Nước trở nên quan trọng nhất đối với em khi nào?

  • Tại sao nguồn nước em uống lại quan trọng?

Việc tìm kiếm lẽ thật có thể giống như uống nước: nguồn gốc rất quan trọng. Hãy nghĩ về những nguồn thông tin em tìm đến khi có thắc mắc hoặc băn khoăn. Em tự tin bao nhiêu phần để nói rằng các nguồn này cung cấp câu trả lời chân thật?

Cân nhắc khuyến khích học viên chia sẻ những điều các em nghĩ đến trong sinh hoạt chuẩn bị của học viên.

Việc tìm kiếm câu trả lời từ những nguồn đáng tin cậy có thể tạo ra sự khác biệt giữa tìm hiểu lẽ thật và bị lừa dối bởi những ý tưởng sai lầm. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận ra các nguồn có chứa thông tin sai lệch. Một số nguồn thông tin thậm chí có thể được tính toán để gây ra tình trạng mất niềm tin, sợ hãi và nghi ngờ. Cha Thiên Thượng mong muốn trả lời các thắc mắc chân thành của em và đã cung cấp các nguồn phương tiện đáng tin cậy để hướng dẫn em. Bài học này nhằm giúp em học hỏi và tìm kiếm câu trả lời qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định.

Tìm kiếm lẽ thật

Trong Sách Mặc Môn, một người đàn ông tên là Sê Rem đã tranh luận với Gia Cốp, em trai của Nê Phi, trong một nỗ lực làm “lay chuyển đức tin của [Gia Cốp]” (Gia Cốp 7:5). Sê Rem tuyên bố rằng Gia Cốp đang giảng dạy giáo lý sai lạc về Chúa Giê Su Ky Tô: “Không một ai có thể hiểu được những việc như vậy; vì không ai có thể nói được những điều chưa xảy tới” (Gia Cốp 7:7). Gia Cốp trả lời bằng cách tuyên bố cách thức giúp ông biết được lẽ thật về Đấng Cứu Rỗi trong tương lai.

Hãy đọc Gia Cốp 7:8–12, tìm kiếm những nguồn phương tiện đã giúp Gia Cốp học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Em nghĩ tại sao Gia Cốp tin rằng những nguồn này cung cấp lẽ thật?

Cân nhắc bắt đầu ghi một bản liệt kê các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định lên trên bảng. Sau khi tìm các nguồn đó trong Gia Cốp 7:8–12, anh chị em có thể muốn yêu cầu học viên liệt kê những nguồn đáng tin cậy khác mà các em biết. Khuyến khích học viên chuẩn bị để bổ sung vào bản liệt kê sau khi hoàn thành sinh hoạt sau.

Hãy đọc các đoạn 1, 11–12 trong phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2022), và tìm kiếm thông tin về các nguồn mang đến sự hiểu biết. Cân nhắc đánh dấu các từ và cụm từ có ý nghĩa đối với em.

  • Em thấy điều gì là nổi bật trong những đoạn này?

  • Các nguồn em sử dụng có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào trong thông tin em tìm thấy?

  • Làm thế nào những nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định thể hiện tình thương yêu của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho chúng ta?

handout iconSinh hoạt sau đây, tiếp tục tình huống của Adry từ “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 2”, sẽ giúp học viên tập sử dụng các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định. Nếu học viên đã tự tin trong việc sử dụng các nguồn tài liệu này, thì hãy cân nhắc tiến hành sinh hoạt học tập cá nhân.

Học viên có thể làm việc độc lập, theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ. Cân nhắc viết câu hỏi lên trên bảng và trưng ra các nguồn tài liệu gợi ý hoặc cung cấp các nguồn đó trong tài liệu phát tay. Giúp học viên sử dụng thời gian của mình một cách hiệu quả để các em có thời gian cho sinh hoạt học tập cá nhân.

Sử dụng các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định.

Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn(2024)—“Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh, Phần 3”

Một bài học trước đã giới thiệu Adry, người đã đặt ra câu hỏi: “Nếu thực sự có một Thượng Đế nhân từ, thì tại sao Ngài lại để cho con người phải đau khổ?” Để tập tìm kiếm lẽ thật từ các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định, hãy dành vài phút để hoàn thành ít nhất hai trong số các sinh hoạt sau. Ghi lại những điều em học được vào nhật ký ghi chép việc học tập.

  1. Cha mẹ và các vị lãnh đạo Giáo Hội: Gửi tin nhắn câu hỏi của Adry cho cha mẹ hoặc một vị lãnh đạo Giáo Hội, và giải thích rằng em đang thảo luận về câu hỏi đó trong lớp giáo lý và muốn biết họ nghĩ gì về câu hỏi đó.

  2. Cầu nguyện: Trong một lời cầu nguyện thầm và riêng tư, hãy cầu vấn Chúa để được Đức Thánh Linh hướng dẫn và soi sáng về câu hỏi này. Ghi lại những suy nghĩ và cảm nhận đến với em.

  3. Thánh thư: Tìm câu thánh thư có thể giúp ích cho Adry. Ví dụ, em có thể đọc về người dân của An Ma trong Sách Mặc Môn, những người đã chịu đựng nỗi thống khổ bởi cảnh tù đày về mặt thể xác (xin xem Mô Si A 23:21–23; 24:8–15).

  4. Các vị tiên tri của Chúa: Tìm một lời phát biểu từ một vị tiên tri mà có thể giúp ích cho Adry. Ví dụ, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Joseph B. Wirthlin (1917–2008) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

    Việc học cách chịu đựng những lúc thất vọng, đau khổ và buồn phiền là một phần của những điều thiết thực mà chúng ta học được từ cuộc sống. Những kinh nghiệm này, mặc dù thường rất khó để chịu đựng vào lúc ấy, nhưng lại chính là loại kinh nghiệm mà phát huy sự hiểu biết của chúng ta, xây đắp cá tính của chúng ta và gia tăng lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những người khác.

    Vì Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau khổ cùng cực nên Ngài hiểu được nỗi đau khổ của chúng ta. Ngài hiểu nỗi buồn của chúng ta. Chúng ta trải qua những sự việc khó khăn để chúng ta cũng có thể gia tăng lòng trắc ẩn và sự [thấu hiểu] đối với những người khác. (Joseph B. Wirthlin, “Chuyện Gì Đến Thì Cứ Để Cho Nó Đến và Hân Hoan Chấp Nhận Nó,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 27)

Sử dụng các câu hỏi sau đây hoặc các câu hỏi khác mà có thể giúp học viên hiểu rõ hơn về cách các nguồn phương tiện thiêng liêng được Chúa quy định có thể cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi khó.

  • Những nguồn phương tiện này dạy cho em điều gì mà em muốn chia sẻ với Adry?

  • Em đã học được điều gì mà sẽ tạo ra sự khác biệt trong cách em tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi khó?

Những câu hỏi của tâm hồn

Trong sinh hoạt sau đây, hãy lưu ý đến những học viên có thể cần hỗ trợ riêng. Cân nhắc hướng các em đến những nguồn tài liệu hữu ích hoặc đặt ra thêm các câu hỏi để giúp các em tập trung các nỗ lực của mình.

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đề cập đến các câu hỏi khó và những băn khoăn trong cuộc sống như “những câu hỏi của tâm hồn” (xin xem “Ví Bằng Các Ngươi Biết Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 103). Trong nhật ký ghi chép việc học tập của em, hãy liệt kê một số “câu hỏi của tâm hồn.” Đây có thể là những câu hỏi của em hoặc của bạn bè và người thân trong gia đình em.

Hãy chọn một câu hỏi mà em cần sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng mới hiểu được. Dành thời gian để tìm kiếm thêm sự hiểu biết từ những nguồn phương tiện thiêng liêng được Chúa quy định. Mời Đức Thánh Linh hướng dẫn em, và ghi lại trong nhật ký học tập sự hiểu biết em nhận được.

Để bắt đầu, em có thể tìm kiếm trong ChurchofJesusChrist.org, ứng dụng Thư Viện Phúc Âm hoặc các ấn bản đại hội của tạp chí Giáo Hội để tìm những lời phát biểu từ các vị lãnh đạo Giáo Hội mà giúp giải quyết câu hỏi của em. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư cũng có thể xác định các câu thánh thư hữu ích.

Một cậu bé ngồi trên sàn nhà với một máy tính xách tay, nhiều cuốn sách, sổ ghi chép, nhật ký và tạp chí xung quanh.

Hãy nhớ rằng, việc tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi thuộc linh cần có thời gian. Khi em tuân theo khuôn mẫu của Chúa để đạt được sự hiểu biết thuộc linh, Đức Thánh Linh có thể dạy em “từng hàng chữ một, … nơi này một ít, nơi kia một ít” (2 Nê Phi 28:30). Hãy tìm kiếm cơ hội để chia sẻ những điều em đang học với những người trong gia đình hoặc các vị lãnh đạo Giáo Hội.

Khuyến khích những học viên nào sẵn sàng để chia sẻ xem làm thế nào việc tìm kiếm câu trả lời từ những nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định giúp các em đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Cân nhắc làm chứng về lẽ thật này.