“2 Nê Phi 16: ‘Thánh Thay, Thánh Thay, Thánh Thay Chúa’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“2 Nê Phi 16”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
2 Nê Phi 16
“Thánh Thay, Thánh Thay, Thánh Thay Chúa”
Em đã bao giờ có một kinh nghiệm khó diễn đạt thành lời chưa? Điều đó có thể đúng với Ê Sai khi ông viết về việc nhìn thấy Chúa trong tất cả vinh quang của Ngài. Để giúp truyền đạt trải nghiệm này, Ê Sai đã sử dụng ngôn ngữ biểu tượng để mô tả quyền năng và sự thiêng liêng, thần thánh của Chúa và cảm giác kém cỏi của cá nhân Ê Sai. Chúa đã tẩy sạch tội lỗi cho ông, và kêu gọi ông làm một tiên tri. Bài học này có thể giúp em nhận ra khả năng của Chúa để tha thứ và thanh tẩy cho em.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Quyền năng và vinh quang của Chúa Giê Su Ky Tô
Một số vị tiên tri và những người khác đã có đặc ân nhìn thấy Chúa Giê Su Ky Tô trong tất cả vinh quang vĩ đại của Ngài.
-
Chúa đã đến thăm những người khác nhau trong suốt lịch sử của thế gian vì một số lý do gì?
-
Em có thể có những suy nghĩ hoặc cảm nhận nào khi ở trong sự hiện diện của Chúa?
Ê Sai đã nhìn thấy Chúa trong tất cả vinh quang của Ngài khi ông được kêu gọi làm một tiên tri. Ông đã ghi lại kinh nghiệm này và Nê Phi đã đưa nó vào những bài viết của mình. (Xin xem Ê Sai 6 và 2 Nê Phi 16.)
Đọc 2 Nê Phi 16:1–4, tìm kiếm cách Ê Sai mô tả những điều ông đã nhìn thấy. Vì Ê Sai đã sử dụng ngôn ngữ biểu tượng để mô tả kinh nghiệm của mình, những lời giải thích sau đây có thể hữu ích:
-
Vạt áo: Phần dưới áo choàng của Chúa, có thể tượng trưng cho sự ngay chính, quyền năng và sự thanh khiết của Ngài. Điều quan trọng là Ê Sai đã thấy rằng nó “trải rộng khắp đền thờ” (2 Nê Phi 16:1).
-
Sê Ra Phin: Những thiên thần phục sự trong các tòa án của Thượng Đế. Đôi cánh của các Sê Ra Phin biểu tượng cho quyền năng di chuyển hoặc hành động (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 77:4).
-
Khói hoặc Mây: Thường là biểu tượng cho sự hiện diện của Thượng Đế (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 19:18; Khải Huyền 15:8).
-
Những từ hoặc cụm từ nào trong những câu này giúp em hiểu được vinh quang của Chúa?
-
Em nghĩ mình có thể sẽ phản ứng như thế nào nếu nhìn thấy điều này?
Đọc 2 Nê Phi 16:5 để biết được phản ứng của Ê Sai khi trông thấy Chúa.
-
Những từ hoặc cụm từ nào giúp em hiểu rằng Ê Sai đã nhận thức được tội lỗi và những yếu kém của ông?
-
Một số lý do nào khiến mọi người ngày nay có thể cảm thấy họ bị ô uế hoặc không xứng đáng trước Thượng Đế?
-
Việc chúng ta nhận ra lỗi lầm của mình khi chúng ta đến gần Chúa hơn có thể là một điều tốt trong những phương diện nào?
Chúa sẵn lòng lấy đi tội lỗi của chúng ta
Đọc 2 Nê Phi 16:6–7, tìm kiếm những điều đã xảy ra tiếp theo với Ê Sai. Có thể sẽ hữu ích để nhớ rằng các bàn thờ đã được sử dụng từ xa xưa cho việc thờ phượng trong đền thờ.
-
Em sẽ tóm tắt ra sao về những điều đã xảy ra?
-
Em nghĩ điều này có thể tượng trưng cho điều gì?
Hãy suy ngẫm về kinh nghiệm của Ê Sai bên bàn thờ và cách mà kinh nghiệm đó dạy về sự tha thứ tội lỗi và trở nên thanh sạch qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Em nghĩ rằng Ê Sai đã được ảnh hưởng như thế nào khi Chúa cất đi tội lỗi của ông?
-
Những câu này giúp em hiểu được các lẽ thật nào về Chúa?
Một lẽ thật mà chúng ta có thể biết là Chúa có quyền năng làm cho chúng ta thanh sạch.
Đôi khi, chúng ta có thể không nhớ và cảm nhận được tầm quan trọng của lẽ thật này. Anh Bradley R. Wilcox thuộc Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Niên đã chia sẻ những lời của một thiếu niên mà anh gọi là Damon. Người thiếu niên này đã chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận em đã có về tội lỗi của mình.
Damon đã viết: … “Tôi luôn cảm thấy rất hổ thẹn vì không thể làm được điều đúng. … Tôi quyết định là mình chỉ đáng luôn phải cảm thấy tồi tệ. Tôi cho rằng Thượng Đế có lẽ ghét bỏ tôi vì tôi đã không sẵn lòng nỗ lực nhiều hơn và hoàn toàn cưỡng lại cám dỗ này. Tôi từ bỏ được một tuần và đôi khi được cả một tháng, nhưng rồi tôi lại tái phạm và nghĩ: “Mình sẽ không bao giờ đủ tốt cả, vậy thì cần gì mà phải cố gắng chứ?” (Bradley R. Wilcox, “Được Xứng Đáng Không Có Nghĩa Là Không Có Khuyết Điểm”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 62)
-
Tại sao một thiếu niên như Damon lại có những suy nghĩ này?
Hãy tưởng tượng rằng em có cơ hội để giúp một người như Damon. Hãy suy ngẫm về kinh nghiệm của Ê Sai. Ngoài ra, hãy nghĩ về những điều cá nhân em biết về Đấng Cứu Rỗi mà em có thể chia sẻ. Viết ra những gì có thể giúp ích. Em cũng có thể tra cứu bất kỳ đoạn thánh thư hoặc lời phát biểu nào từ các vị lãnh đạo Giáo Hội mà em có thể sử dụng trong lời giải thích của mình. Các ví dụ sau đây có thể hữu ích:
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Thượng Đế không cần những người hoàn hảo. Ngài tìm kiếm những người sẽ dâng “tấm lòng thành và tâm hồn đầy thiện chí” của mình [Giáo Lý và Giao Ước 64:34], và Ngài sẽ làm cho họ “toàn thiện trong Đấng Ky Tô” [Mô Rô Ni 10:32–33]. (Dieter F. Uchtdorf, “Five Messages That All of God’s Children Need to Hear” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 17 tháng Tám năm 2021], trang 3, speeches.byu.edu)
Một quan điểm mới
Đọc 2 Nê Phi 16:8 để thấy những điều Ê Sai đã làm sau khi được Chúa thanh tẩy.
-
Em nghĩ rằng kinh nghiệm của Ê Sai khi được thanh tẩy có thể đã ảnh hưởng như thế nào đến phản ứng của ông trong câu 8?
Sau khải tượng này, Ê Sai tự nguyện phục vụ Chúa. Trong vài thập kỷ tiếp theo, ông đã giúp hướng dẫn cho người dân Giu Đa. Những lời dạy và bài viết của Ê Sai đã soi dẫn cho vô số người, và những lời của ông đã được Đấng Cứu Rỗi trích dẫn nhiều hơn bất kỳ vị tiên tri nào khác.
Damon cũng đã thay đổi. Với sự giúp đỡ của một vị lãnh đạo Giáo Hội, Damon nhận ra rằng Chúa không nhìn em bằng con mắt phán xét giận dữ mà bằng lòng thương xót, với mong muốn giúp em cải thiện. Đọc những lời của Damon khi em có một quan điểm mới về Thượng Đế:
Damon nói: … “Ngày nay, em giảm bớt thời gian tự chán ghét bản thân mình vì những gì em đã làm và dành ra nhiều thời gian hơn để yêu mến Chúa Giê Su vì những gì Ngài đã làm”. (Bradley R. Wilcox, “Được Xứng Đáng Không Có Nghĩa Là Không Có Khuyết Điểm”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 62)
-
Việc có kinh nghiệm về Sự Chuộc Tội, tình thương yêu và sự tha thứ của Đấng Cứu Rỗi đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của em?
Suy ngẫm câu hỏi sau đây khi em kết thúc nghiên cứu của mình về chương này:
-
Em nghĩ mình có thể làm gì để có kinh nghiệm sâu sắc hơn về tình thương yêu và sự tha thứ của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống?