Nhiều người tin rằng Kinh Thánh là lời của Thượng Đế. Tuy nhiên, không phải tất cả những người này đều sẵn lòng tiếp nhận thêm lời của Thượng Đế so với những gì họ đã có. Nê Phi cũng tiên tri rằng trong những ngày sau cùng, nhiều người sẽ chối bỏ Sách Mặc Môn vì họ đã có Kinh Thánh. Chúa muốn chúng ta biết rằng phúc âm của Ngài dành cho tất cả mọi người và rằng lời của Ngài không bị giới hạn trong Kinh Thánh. Bài học này nhằm giúp em sẵn lòng hơn để đón nhận những lời của Chúa trong cuộc sống.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Sẵn lòng tiếp nhận sự hiểu biết lớn lao hơn
Hãy tưởng tượng rằng Oliver, ở tuổi 15, đã quyết định rằng tất cả thông tin và công nghệ mà bạn ấy có tại thời điểm đó sẽ là tất cả những điều bạn ấy cần.
Oliver sẽ bỏ lỡ điều gì nếu bạn ấy quyết định điều này vào năm 1950? Thông tin hoặc công nghệ nào đã xuất hiện kể từ năm đó?
Tình huống này có thể liên quan như thế nào đến việc tìm hiểu các lẽ thật thuộc linh?
Khi em đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson, hãy nghĩ xem lời phát biểu này có thể có ý nghĩa gì đối với mình.
Ôi, có rất nhiều điều hơn nữa mà Cha Thiên Thượng muốn anh chị em biết được. Như Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy: “Với những ai có mắt thấy được và tai nghe được, thật rõ ràng rằng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đang ban cho những bí mật của vũ trụ!” [“Meek and Lowly” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 21 tháng 10 năm 1986), trang 9, speeches.byu.edu]. (Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta”, Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 95)
Khi học bài hôm nay, hãy tìm kiếm những gì em có thể làm để tiếp tục học tất cả những điều Thượng Đế muốn dạy em.
Các thái độ khác nhau khi tiếp nhận những lời của Thượng Đế
Trong 2 Nê Phi 28–29, Nê Phi đã tiên tri về thái độ của một số người trong những ngày sau về việc nhận thêm những lời của Thượng Đế. Đọc 2 Nê Phi 28:29 và 2 Nê Phi 29:3, tìm kiếm những điều Nê Phi và Chúa đã dạy về cách phản ứng của một số người với việc nhận được thêm thánh thư trong những ngày sau cùng.
Em đã tìm thấy điều gì?
Một số lý do nào khiến mọi người có thể có quan điểm này?
Lấy một chiếc cốc rỗng và suy ngẫm xem nó có thể được dùng để làm gì. Bây giờ, hãy úp ngược chiếc cốc xuống. Nó vẫn có thể được sử dụng theo cách nó được chủ định làm ra không? Hãy so sánh điều này với Sách Mặc Môn và ảnh hưởng có thể có của sách trong cuộc sống của một người nào đó.
Em nghĩ Thượng Đế muốn chúng ta nhận được sự hiểu biết và những phước lành nào qua Sách Mặc Môn?
Đọc 2 Nê Phi 29:7–11 và tìm kiếm những điều Chúa Giê Su Ky Tô muốn những người chối bỏ Sách Mặc Môn biết được.
Em đã học được một lẽ thật nào về Chúa Giê Su Ky Tô từ những câu này?
Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được là Thượng Đế nhớ đến tất cả mọi người và ngỏ lời cùng họ ở mọi quốc gia.
Thượng Đế phán bảo con cái của Ngài ở mọi quốc gia bằng một số cách thức khác nhau nào?
Những kinh nghiệm nào đã giúp em nhận ra rằng Thượng Đế nhớ đến em và ngỏ lời cùng em?
ChurchofJesusChrist.org
5:15
Lập một bản liệt kê tất cả những cách thức Thượng Đế đã làm để lời của Ngài có sẵn cho em.
Hãy suy ngẫm về việc em sẵn lòng đón nhận lời của Thượng Đế như thế nào qua mỗi cách thức này. (Em có thể vẽ một chiếc cốc đơn giản bên cạnh mỗi cách thức em cảm thấy dễ tiếp nhận nhất để lắng nghe Chúa.)
Viết ra một hoặc nhiều thay đổi mà em có thể thực hiện để sẵn lòng nhận thêm lời của Thượng Đế theo những cách này nhiều hơn.