“Đánh Giá Việc Học Tập của Em 4: Ê Nót–Mô Si A 17”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“Đánh Giá Việc Học Tập của Em 4”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
Đánh Giá Việc Học Tập của Em 4
Bài học này nhằm giúp em đánh giá những mục tiêu đã đặt ra và sự phát triển em có được cho đến nay trong quá trình học tập Sách Mặc Môn.
Giúp học viên hành động theo sự mặc khải cá nhân.Để hành động theo sự mặc khải, học viên phải nhận ra rằng các em đang nhận được sự mặc khải. Giúp học viên hiểu rằng những cảm nghĩ thuộc linh của các em có liên quan đến Đức Thánh Linh. Bằng cách thảo luận về cách áp dụng các nguyên tắc phúc âm, anh chị em cho Đức Thánh Linh một cơ hội để nhắc nhở học viên về những điều các em nên làm để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn.
Học viên chuẩn bị: Cân nhắc mời học viên nói chuyện với cha mẹ hoặc bạn bè về những gì các vị tiên tri làm và cách mà các vị tiên tri đã ảnh hưởng hoặc ban phước cho các em.
Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi
Các sinh hoạt sau đây nhằm giúp học viên đánh giá xem mục tiêu của các em, khả năng giải thích những lời giảng dạy trong Sách Mặc Môn, và thái độ, mong muốn và khả năng sống theo phúc âm của các em đang thay đổi như thế nào.
Lớp của anh chị em có thể đã tập trung vào các lẽ thật khác trong khi học về Ê Nót–Mô Si A 17. Nếu vậy, đừng ngại tạo các sinh hoạt đánh giá đề cập đến những lẽ thật đó. Để được trợ giúp về việc điều chỉnh hoặc tạo các sinh hoạt đánh giá, hãy xem Huấn Luyện về Các Bài Đánh Giá, có trong Huấn Luyện Chương Trình Giảng Dạy cho Lớp Giáo Lý tại trang ChurchofJesusChrist.org.
“Đánh giá … và tiếp tục cố gắng”
Theo định kỳ, điều quan trọng là phải dành thời gian để suy ngẫm và đánh giá điều chúng ta đang làm. Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Lời mời của tôi cho tất cả chúng ta là hãy đánh giá cuộc sống của mình, hãy hối cải, và tiếp tục cố gắng. … Khi thay đổi, chúng ta sẽ thấy rằng quả thật Thượng Đế quan tâm nhiều đến con người hiện tại của chúng ta và về con người chúng ta trở thành hơn là về con người trước đây của chúng ta. (Dale G. Renlund, “Các Thánh Hữu Ngày Sau Tiếp Tục Cố Gắng”, Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 58)
Học viên có thể suy ngẫm về những câu hỏi sau. Khi cần thiết, hãy sử dụng các sinh hoạt trong bài học để giúp học viên tự đánh giá trong các lĩnh vực cụ thể hơn.
-
Em cảm thấy mình đang phát triển hay thay đổi về các phương diện nào nhờ những điều em đang học từ Sách Mặc Môn?
-
Em đã đạt được những mục tiêu đặt ra ở mức độ nào?
-
Em muốn tiếp tục làm gì, hoặc sẽ có ích không nếu chọn một lĩnh vực khác để tập trung?
Các sinh hoạt sau đây có thể giúp em đánh giá sự hiểu biết, kiến thức và sự tiến triển em đang cố gắng đạt được. Hãy mời Đức Thánh Linh giúp em nhận ra những nỗ lực của mình và cảm nhận tình thương yêu của Cha Thiên Thượng.
Giải thích vai trò của các vị tiên tri
Sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên tập giải thích vai trò của các vị tiên tri. Để bắt đầu, anh chị em có thể mời một học viên kể lại vắn tắt câu chuyện về A Bi Na Đi.
Khi học về vị tiên tri A Bi Na Đi trong Mô Si A 11–17, em có thể đã nhận ra rằng An Ma tin rằng ông là một vị tiên tri và làm theo lời dạy của ông trong khi Vua Nô Ê và các thầy tư tế khác công khai bác lại ông. Em có thể nhận thấy trong thời kỳ của chúng ta rằng một số người chấp nhận các vị tiên tri trong khi những người khác khước từ họ.
Sử dụng các nguồn tài liệu sau đây hoặc những nguồn tài liệu khác mà em tìm thấy để chuẩn bị một câu trả lời ngắn để giúp người nào đó hiểu vị tiên tri là ai và tại sao ngày nay cần có các vị tiên tri. Bao gồm một hoặc nhiều đoạn thánh thư để hỗ trợ cho câu trả lời của em.
Để đa dạng, học viên có thể tạo một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc một video ngắn mà có thể được chia sẻ với cả lớp. Học viên cũng có thể làm việc theo cặp để chuẩn bị câu trả lời của các em.
Anh chị em có thể cân nhắc trưng ra các nguồn tài liệu và câu hỏi sau đây để giúp học viên khi các em chuẩn bị. Cũng có thể là hữu ích nếu đi xung quanh lớp để hỗ trợ tốt hơn cho những học viên có thể có thắc mắc.
Những nguồn tài liệu thánh thư có thể hữu ích:
-
Tìm kiếm “Tiên Tri, Vị” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư trên trang topics.ChurchofJesusChrist.org.
Những câu hỏi em có thể cân nhắc khi chuẩn bị cho câu trả lời của em:
-
Vị tiên tri là ai, và các vị tiên tri làm gì?
-
Mọi người có thể có những câu hỏi hoặc hiểu lầm nào về các vị tiên tri?
-
Em có thể chia sẻ điều gì khác để giúp những người khác hiểu tại sao Thượng Đế kêu gọi các vị tiên tri ngày nay?
Cho học viên thời gian để trình bày câu trả lời của các em hoặc lần lượt giải thích vai trò của các vị tiên tri.
Giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên và phục vụ những người khác
Sinh hoạt này có thể giúp học viên theo dõi những lời mời để các em hành động theo và đánh giá sự phát triển và tiến bộ của các em.
Một trong những lẽ thật mà Thượng Đế đã mặc khải qua các vị tiên tri của Ngài là công việc và vinh quang của Ngài là giúp con cái Ngài đạt được cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Môi Se 1:39). Trong Sách Mặc Môn, Vua Bên Gia Min đã chỉ ra rằng một trong những cách chúng ta có thể giúp để làm được công việc của Thượng Đế là phục vụ những người khác (xin xem Mô Si A 2:17). Gần đây hơn, Chủ Tịch Bonnie H. Cordon, Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã dạy:
Mục đích vĩnh cửu của chúng ta là đến cùng Đấng Ky Tô và tích cực tham gia cùng Ngài trong công việc vĩ đại này của Ngài. Đó chỉ như là làm theo những gì Chủ Tịch [Russell M.] Nelson đã dạy: “Bất cứ khi nào chúng ta làm điều gì nhằm giúp đỡ bất cứ ai … để lập và tuân giữ các giao ước của họ với Thượng Đế, thì chúng ta cũng đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên”. Và khi cùng nhau làm công việc của Ngài cùng với Ngài, chúng ta dần dần biết rõ Ngài và yêu quý Ngài hơn. (Bonnie H. Cordon, “Hãy Đến cùng Đấng Ky Tô và Đừng Đến Một Mình”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 11)
Hãy suy ngẫm về những mục tiêu hoặc kế hoạch em đã thực hiện trong các bài học trước đó mà đang giúp em tham gia vào công việc của Thượng Đế qua việc:
-
Hỗ trợ Chúa trong công việc của Ngài để quy tụ Y Sơ Ra Ên (xin xem Gia Cốp 5:71–72, 75)
-
Phục vụ những người khác theo cách giống như Đấng Ky Tô (xin xem Mô Si A 2:17)
-
Hướng đến một mục tiêu khác liên quan đến phúc âm mà em đang hoặc muốn bắt đầu thực hiện
Cho học viên thời gian để trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập. Hãy nhanh nhạy với những thúc giục của Thánh Linh nếu anh chị em mời học viên chia sẻ suy nghĩ về sự tiến triển thuộc linh của các em.
-
Em đã tiến triển như thế nào (hoặc tại sao em muốn tiến triển) trong lĩnh vực này? Em đã (hoặc có thể) làm gì để đạt được sự tiến triển này?
-
Có một số trở ngại hoặc khó khăn nào mà em đã (hoặc dự kiến) trải qua? Em đã (hoặc có thể) cố gắng vượt qua những trở ngại hoặc khó khăn đó bằng cách thức nào?
-
Em đã cảm nhận được tình thương yêu của Cha Thiên Thượng như thế nào khi thực hiện mục tiêu này? Em nghĩ tại sao Ngài sẽ hài lòng với những nỗ lực của em?
Cảm nhận hạnh phúc và niềm vui qua Chúa Giê Su Ky Tô
Sinh hoạt sau đây nhằm giúp học viên đánh giá mức độ hạnh phúc và niềm vui mà các em có được qua Chúa Giê Su Ky Tô. Để giúp học viên nhớ lại, anh chị em có thể cân nhắc trưng ra hình ảnh của các câu chuyện thánh thư này.
Trong khi học tập về Sách Mặc Môn, em đã đọc các câu chuyện về nhiều người đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc qua Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Hãy dành chút thời gian để xem lại một số ví dụ này. Bao gồm những câu chuyện sau:
-
Lê Hi và những người đến với cây sự sống (xin xem 1 Nê Phi 8:10–12, 30)
-
Ê Nót (xin xem Ê Nót 1:1–8)
-
Dân của Vua Bên Gia Min hân hoan vì những gì họ đã biết được về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài (xin xem Mô Si A 2:41; 4:3; 5:1–5)
Suy ngẫm về cách em có thể mô tả hoặc minh họa niềm hạnh phúc mà em cảm nhận qua phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Anh chị em có thể cân nhắc bắt đầu sinh hoạt bản đồ tư duy sau đây trên bảng cho cả lớp trước khi học viên tự mình làm. Trấn an học viên rằng suy nghĩ của các em là riêng tư và không cần phải chia sẻ.
Hãy viết những từ Niềm Vui và Hạnh Phúc qua Chúa Giê Su Ky Tô ở chính giữa một trang giấy trắng trong nhật ký ghi chép việc học tập của em hoặc một tờ giấy riêng. Vẽ một vòng tròn xung quanh các từ này. Bây giờ, bắt đầu thêm các ý tưởng mà em cho rằng liên quan đến những từ này. Để bắt đầu, em có thể suy ngẫm xem mình sẽ trả lời các câu hỏi sau như thế nào.
-
Em có cảm thấy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đang góp phần vào niềm vui trong cuộc sống của mình không? Vì sao có hoặc vì sao không?
-
Em đã học được điều gì trong Sách Mặc Môn giúp em cảm thấy hạnh phúc hơn?
-
Em có cảm thấy mối quan hệ của em với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô tốt hơn nhờ em học tập thánh thư không? Vì sao có hoặc vì sao không?
Khi em nghĩ ra các ý tưởng, hãy viết chúng lên giấy và khoanh tròn chúng. Kết nối các ý tưởng với nhau hoặc kết nối chúng với cụm từ ở chính giữa. Khi em thêm vào nhiều ý nghĩ và ý tưởng hơn, thì bản đồ tư duy của em có thể bắt đầu trông giống như thế này:
Cho học viên thời gian để tiếp tục làm việc trên bản đồ tư duy cá nhân của mình. Các em có thể sử dụng bút chì màu hoặc bút bi với nhiều màu sắc khác nhau để nhấn mạnh những ý tưởng có ý nghĩa.
Sau khi hoàn thành bản đồ tư duy của mình, hãy cân nhắc đặt bản đồ ở một nơi mà em sẽ nhìn thấy nó trong tuần tới. Em có thể muốn cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng cầu xin được giúp đỡ để tìm và nhận ra niềm vui và hạnh phúc lớn lao nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.
Mặc dù không định yêu cầu học viên chia sẻ bản đồ tư duy của các em, anh chị em có thể muốn mời học viên thảo luận những điều các em cảm thấy khi tạo chúng. Hãy nhạy bén và làm theo những thúc giục của Thánh Linh khi cân nhắc có nên mời học viên chia sẻ suy nghĩ của các em hay không.