Lớp Giáo Lý
An Ma 13: “Để Các Người Cũng Được Bước Vào Chốn An Nghỉ Ấy”


“An Ma 13: ‘Để Các Người Cũng Được Bước Vào Chốn An Nghỉ Ấy’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 13,” Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 13

“Để Các Người Cũng Được Bước Vào Chốn An Nghỉ Ấy”

Đấng Cứu Rỗi

Trong cuộc sống này, chúng ta có nhiều mối quan tâm và rắc rối. Chúa ở đó để giúp đỡ chúng ta và mong muốn chúng ta bước vào chốn an nghỉ của Ngài. An Ma giải thích rằng Chúa đã sắc phong cho các thầy tư tế thượng phẩm để dạy các lệnh truyền và thực hiện các giáo lễ để dân chúng có thể bước vào chốn an nghỉ của Chúa. Bài học này có thể giúp em hiểu ý nghĩa của việc bước vào chốn an nghỉ của Chúa và cách em có thể thực hiện được điều này.

Giúp học viên hiểu các biểu tượng hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô. Thánh thư có nhiều biểu tượng hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy đặt câu hỏi để giúp học viên nhận ra những biểu tượng này và tham khảo những lời dẫn giải của các vị tiên tri nếu có. Thảo luận về những điều các biểu tượng này dạy về Đấng Cứu Rỗi.

Học viên chuẩn bị: Cân nhắc mời học viên suy nghĩ về việc các em đã được ban phước ra sao qua một vị lãnh đạo Giáo Hội hoặc nhờ việc tham gia vào một giáo lễ của phúc âm.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Chốn an nghỉ của Chúa

Mục đích của sinh hoạt sau đây là để chuẩn bị cho học viên hiểu về chốn an nghỉ của Chúa. Anh chị em và học viên có thể chia sẻ những kinh nghiệm của việc có được lợi ích từ chốn an nghỉ.

  • Khi nào em có được lợi ích từ chốn an nghỉ?

Thánh thư thường nói về chốn an nghỉ của Chúa. Chốn an nghỉ của Chúa đề cập đến “vinh quang trọn vẹn của Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 84:24). Chốn an nghỉ của Chúa cũng đề cập đến “vui hưởng sự bình an và không lo âu phiền toái. Chúa đã hứa ban sự an nghỉ như vậy cho các tín đồ trung tín của Ngài trong cuộc sống này. Ngài cũng đã chuẩn bị một chốn an nghỉ cho họ trong cuộc sống kế tiếp” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “An Nghỉ”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

Để có sự bình an và không lo âu phiền toái không có nghĩa là cuộc sống sẽ không có thử thách. Hãy đọc Ma Thi Ơ 11:28–30, tìm kiếm những điều Chúa dạy về chốn an nghỉ của Ngài trong những khó khăn của cuộc sống.

Cho học viên một chút thời gian để suy ngẫm về việc các em có thể có lợi ích như thế nào từ chốn an nghỉ của Chúa ngay bây giờ trong cuộc sống. Thậm chí là các em có thể ghi lại một số suy nghĩ của mình trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Hãy suy ngẫm về hoàn cảnh hiện tại của em.

  • Làm thế nào em có thể có lợi ích từ việc trải nghiệm chốn an nghỉ của Chúa?

An Ma mời dân Am Mô Ni Ha hối cải và không làm cho lòng mình chai đá để họ có thể được tha thứ và bước vào chốn an nghỉ của Chúa (xin xem An Ma 12:33–37). Khi em nghiên cứu An Ma 13, hãy tìm kiếm những điều Chúa đã ban cho để giúp em bước vào chốn an nghỉ của Ngài trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau.

Cân nhắc chia cả lớp thành hai nhóm, chỉ định một nửa lớp nghiên cứu An Ma 13:1–2, 6 về các vị lãnh đạo chức tư tế và nửa lớp còn lại nghiên cứu An Ma 13:16 về các giáo lễ chức tư tế. Điều này có thể giúp học viên nhanh chóng xác định hai nguyên tắc và liệt kê chúng lên trên bảng trước khi anh chị em thảo luận về những nguyên tắc đó cùng với cả lớp. Một cách khác là chuẩn bị nội dung từ mỗi nguyên tắc để học viên nghiên cứu theo cặp hoặc theo nhóm trước khi báo cáo việc học của các em cho những học viên khác. Việc này giúp có được thời gian để thảo luận về An Ma 13:27–30 ở phần sau bài học.

Các vị lãnh đạo chức tư tế giúp chúng ta bước vào chốn an nghỉ của Chúa

Dân Am Mô Ni Ha tự cho mình là “theo lề lối và tín ngưỡng của Nê Hô” (An Ma 14:16). Do điều này, họ tin rằng họ có thể được cứu mà không cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và họ đã thay thế chức tư tế bằng một lề lối sai lạc mà An Ma gọi là “mưu chước tăng tế” (xin xem An Ma 1:3–4, 12, 16). Để sửa chữa những niềm tin sai lạc của họ, An Ma đã dạy họ cách “Đức Chúa Trời đã sắc phong các thầy tư tế theo thánh ban của Ngài” (An Ma 13:1).

Hãy đọc An Ma 13:1–2, 6, tìm kiếm lý do tại sao Chúa sắc phong các vị lãnh đạo chức tư tế.

  • Chúa kêu gọi các vị lãnh đạo chức tư tế vì một số lý do gì?

Từ những câu này, chúng ta học được rằng Đấng Cứu Rỗi kêu gọi các vị lãnh đạo chức tư tế để giúp chúng ta tìm đến Ngài để được cứu chuộc và dạy các lệnh truyền của Ngài để chúng ta có thể bước vào chốn an nghỉ của Ngài.

Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

Nhờ sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô có quyền năng và thẩm quyền để cứu chuộc toàn thể nhân loại. Để làm cho quyền năng chuộc tội của Ngài có thể nhận được, Ngài đã ủy thác một phần quyền năng và thẩm quyền cho những người nam trên thế gian. Quyền năng và thẩm quyền được ủy thác này gọi là chức tư tế. (Dale G. Renlund, “Chức Tư Tế và Quyền Năng Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 64)

  • Câu trích dẫn này giúp em hiểu được điều gì về lý do tại sao Thượng Đế tiếp tục kêu gọi mọi người giữ chức tư tế trong thời kỳ của chúng ta?

Các thầy tư tế thượng phẩm mà An Ma nói đến đã “được kêu gọi và chuẩn bị từ lúc thế gian mới được tạo dựng … nhờ họ có đức tin mãnh liệt và những việc làm tốt lành” (An Ma 13:3). Đồng thời, những kẻ khác “lại chối bỏ Thánh Linh của Thượng Đế vì lòng dạ họ chai đá” (An Ma 13:4).

Những lãnh đạo khác của Giáo Hội, chẳng hạn như các vị lãnh đạo Hội Phụ Nữ, Hội Thiếu Nữ và Trường Chủ Nhật, phục vụ với thẩm quyền chức tư tế được ủy thác. Khi phục vụ cùng với các vị lãnh đạo chức tư tế, họ giúp hướng dẫn các cá nhân và gia đình đến cùng Đấng Ky Tô.

Để trả lời câu hỏi sau đây, cả lớp có thể tạo một bản liệt kê hoặc trả lời theo các nhóm nhỏ. Anh chị em cũng có thể cân nhắc mời một lãnh đạo Giáo Hội địa phương đến lớp và chia sẻ những điều người đó làm để giúp người khác tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Các lãnh đạo Giáo Hội giúp chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô và bước vào chốn an nghỉ của Ngài bằng một số cách thức nào?

Các giáo lễ chức tư tế giúp chúng ta bước vào chốn an nghỉ của Chúa

An Ma đề cập đến những tấm gương ngay chính của các thầy tư tế thượng phẩm và cách họ “được thánh hóa” (An Ma 13:11) và “đã được làm nên thanh khiết và được bước vào chốn an nghỉ của Chúa, Thượng Đế của họ” (An Ma 13:12). Sau đó, An Ma đặc biệt nhắc đến Mên Chi Xê Đéc như một tấm gương lãnh đạo chức tư tế ngay chính. Lưu ý rằng ban đầu dân của Mên Chi Xê Đéc cũng tà ác như dân Am Mô Ni Ha (xin xem An Ma 8:9; 13:17).

Đọc An Ma 13:14–19, tìm kiếm xem Mên Chi Xê Đéc đã phục vụ dân của mình như thế nào.

  • Em nhận thấy có những điểm tương đồng nào giữa Mên Chi Xê Đéc và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Theo câu 16, một mục đích của các giáo lễ chức tư tế là gì?

Từ câu 16, chúng ta học được rằng các giáo lễ chức tư tế giúp chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô để được xá miễn các tội lỗi để chúng ta có thể bước vào chốn an nghỉ của Ngài.

Có thể là hữu ích khi trưng ra hình ảnh của các giáo lễ chức tư tế khác nhau đang được thực hiện và thảo luận về cách các giáo lễ đó giúp chúng ta “trông chờ Vị Nam Tử của Thượng Đế” (An Ma 13:16). Hãy giúp học viên suy ngẫm về sự tham gia của các em vào các giáo lễ và điều mà các em cảm nhận về chốn an nghỉ của Đấng Cứu Rỗi.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy cách mà một số giáo lễ chức tư tế giúp chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô.  Hãy đọc văn bản bên dưới.

2:3

Các giáo lễ thiết yếu của phúc âm đều tượng trưng cho Sự Chuộc Tội. Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước tượng trưng cho cái chết, sự chôn cất, và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Chuộc. Việc dự phần Tiệc Thánh tái lập các giao ước báp têm và cũng tái lập sự tưởng nhớ của chúng ta về xác thịt tan nát của Đấng Cứu Rỗi và về máu mà Ngài đã đổ ra cho chúng ta. Các giáo lễ của đền thờ tượng trưng cho sự giảng hòa của chúng ta với Chúa và gắn bó vĩnh viễn các gia đình với nhau. (Russell M. Nelson, “The Atonement”, Ensign, tháng Mười Một năm 1996, trang 35)

  • Em đã học được gì từ Chủ Tịch Nelson về các giáo lễ chức tư tế?

  • Có khi nào em cảm thấy gần gũi với Đấng Cứu Rỗi bằng việc tham gia vào một giáo lễ chức tư tế không?

Để các người cũng được bước vào chốn an nghỉ của Ngài

Giống như các thầy tư tế được mô tả trong An Ma 13:1–19, An Ma đã siêng năng tìm cách giúp mọi người chuẩn bị để bước vào chốn an nghỉ của Chúa. Ông nhắc nhở họ rằng Chúa sẽ sớm đến (xin xem An Ma 13:21–26). An Ma mong mỏi với “một nỗi lo lắng lớn lao gần như đau đớn, rằng đồng bào nên nghe theo lời của [ông]” (An Ma 13:27).

Hãy đọc An Ma 13:27–30, tìm kiếm những điều An Ma đã mời mọi người làm.

  • Em nghĩ lời mời nào của An Ma (chọn một lời mời cụ thể) có thể giúp chúng ta bước vào chốn an nghỉ của Chúa?

    Anh chị em cũng có thể mời học viên đặt ra bất kỳ câu hỏi nào các em có thể có về những lời dạy của An Ma và cả lớp cùng nhau trả lời những câu hỏi đó.

    Câu hỏi sau đây là để suy ngẫm cá nhân. Hãy mời học viên hành động theo lời mời mà các em cảm thấy có thể giúp mình nhiều nhất và tìm kiếm xem làm thế nào việc làm như vậy sẽ giúp các em nhận được chốn an nghỉ của Chúa.

  • Em đã học được điều gì từ An Ma 13 có thể giúp em trong cuộc sống ngay bây giờ?

Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để biết em có thể làm gì để áp dụng những điều em đã học được để bước vào chốn an nghỉ của Chúa.

Hãy tưởng tượng rằng em đang nói chuyện với một người bạn đang lo lắng về một vấn đề mà bạn ấy gặp phải. Em sẽ chia sẻ điều gì với người bạn mình từ việc nghiên cứu An Ma 13 để giúp họ bước vào chốn an nghỉ của Chúa? Hãy bao gồm ít nhất một câu trong An Ma 13 vào câu trả lời của em.