Lớp Giáo Lý
Đánh Giá Việc Học Tập của Em 5: Mô Si A 18–An Ma 16


“Đánh Giá Việc Học Tập của Em 5: Mô Si A 18–An Ma 16”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Đánh Giá Việc Học Tập của Em 5”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Đánh Giá Việc Học Tập của Em 5

Mô Si A 18An Ma 16

các em giới trẻ đang đi bộ đường dài

Bài học này nhằm giúp em đánh giá những mục tiêu đã đặt ra và sự phát triển cá nhân em đã có được cho đến nay trong quá trình học Sách Mặc Môn.

Giúp học viên chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau. Hãy tạo ra những trải nghiệm cho phép học viên thêm sức mạnh từ việc giúp đỡ cho nhau và từ mong muốn chung của các em để tiếp cận sự chữa lành, ân điển và sự bình an của Đấng Cứu Rỗi. Khi học viên nhận ra những điểm chung của mình thì các em sẽ có nhiều khả năng hơn để chia sẻ trong sự đồng cảm.

Học viên chuẩn bị: Có thể mời học viên tìm một câu thánh thư trong Mô Si A 18An Ma 16 về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà có ý nghĩa đối với các em.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Bài học này nhằm giúp học viên đánh giá những mục tiêu mà các em đã đặt ra, khả năng của các em để giải thích những lời giảng dạy trong Sách Mặc Môn, hoặc để xem thái độ, ước muốn và khả năng sống theo phúc âm của các em đang thay đổi như thế nào. Khi học từ Mô Si A 18 đến An Ma 16, lớp của anh chị em có thể đã nhấn mạnh những lẽ thật khác với những lẽ thật trong các sinh hoạt sau đây. Nếu vậy, có thể cần phải điều chỉnh các sinh hoạt để đưa vào những lẽ thật đó.

Nhìn lại, tiến về phía trước

Hãy cân nhắc chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân khi đi bộ đường dài hoặc đi xe đạp, thấy được sự tiến triển của anh chị em và tiếp tục đi đến đích. Nếu có thể, hãy chia sẻ những bức hình về chuyến đi của anh chị em. Cũng có thể mời học viên chia sẻ những kinh nghiệm tương tự của chính các em.

giới trẻ đang đi bộ đường dài

Hãy suy ngẫm về một kinh nghiệm khi em tham gia một chuyến đi bộ đường dài, đi xe đạp, hoặc khi có một cuộc hành trình nào đó. Khi em nhìn về phía trước và bắt đầu đi, có vẻ là em đang tiến rất chậm. Điều gì xảy ra khi em dành một chút thời gian để nhìn lại nơi em đã đi qua? Em có thể sẽ nhận thấy rằng em đã đi xa hơn mình đã nhận ra.

  • Việc biết em đang ở đâu và em đang đi đâu có lợi ích gì?

Cuộc sống của chúng ta có thể được so sánh với một cuộc hành trình. Việc suy ngẫm về nơi em đang ở và nơi em đang đi trong một cuộc hành trình có thể giống như việc suy ngẫm định kỳ về những mục tiêu của em trong quá trình phát triển cá nhân.

  • Em đã có được lợi ích như thế nào từ việc dành thời gian để đánh giá những mục tiêu và sự tiến bộ của mình?

Bài học này sẽ giúp em đánh giá sự tiến bộ mà em đã đạt được trong cuộc hành trình của mình với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh khi em suy ngẫm về sự tiến bộ của mình.

Trở thành một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô

Sinh hoạt này nhằm giúp học viên suy ngẫm về những điều các em đã học được cho đến nay trong Sách Mặc Môn. Sinh hoạt này cũng được thiết kế để giúp học viên nghĩ về các mục tiêu mà các em có thể muốn thực hiện để định hướng việc nghiên cứu và học tập của các em cho phần còn lại của Sách Mặc Môn. Anh chị em có thể trưng ra hoặc vẽ lên trên bảng một hình ảnh đơn giản như hình dưới đây và chia sẻ các hướng dẫn sau đó. Cân nhắc điều chỉnh sinh hoạt khi cần thiết để giúp học viên có những kinh nghiệm có ý nghĩa khi các em suy ngẫm về việc học tập của mình. Khuyến khích học viên xác định các câu thánh thư từ Sách Mặc Môn minh chứng cho câu trả lời của các em.

hình người que trên con đường

Vẽ một con đường tượng trưng cho con đường giao ước và hành trình của em với tư cách là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Bao gồm vương quốc thượng thiên ở cuối con đường. Vẽ mình ở giữa con đường.

Ôn lại những điều em đã học trong Sách Mặc Môn và các ghi chép trong nhật ký ghi chép việc học tập để giúp em nhớ lại những điều mình đã học. Phía sau hình vẽ của bản thân, hãy viết ra những điều em đã học được trong quá trình nghiên cứu nửa đầu của Sách Mặc Môn mà giúp em trở thành môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Em có thể bao gồm sự hiểu biết em đã đạt được, những thái độ hoặc mong muốn em đang phát triển hoặc những hành động em đã thực hiện.

Khi học viên làm xong thì hãy để cho các em chia sẻ. Anh chị em có thể có những học viên sẵn sàng liệt kê một số câu trả lời của các em lên trên bảng phía sau hình người trên con đường. Sau đó, anh chị em có thể bắt đầu một cuộc thảo luận chung bằng cách yêu cầu các em chia sẻ bất cứ điều gì các em cảm thấy có ý nghĩa nhất. Hoặc anh chị em có thể hỏi học viên về sự hiểu biết các em đã đạt được mà bây giờ các em có thể giải thích tốt hơn, những thái độ hoặc ước muốn mà các em cảm thấy đã điều chỉnh hoặc thay đổi nhờ những điều đã học được, hoặc những hành vi các em đang áp dụng vào cuộc sống của mình từ Sách Mặc Môn. Anh chị em cũng có thể chỉ vào một trong những câu trả lời được viết trên bảng và mời học viên chia sẻ các đoạn thánh thư cụ thể hoặc các câu chuyện đã soi dẫn cho câu trả lời của các em. Anh chị em cũng có thể yêu cầu các học viên nào mà sẵn lòng để chọn một câu trả lời không phải của mình ở trên bảng và chia sẻ lý do tại sao câu trả lời đó lại gây ấn tượng với các em. Khuyến khích học viên không chia sẻ bất cứ điều gì quá cá nhân hoặc riêng tư.

Sau khi học viên chia sẻ, hãy để các em suy ngẫm xem các em hy vọng sẽ đạt được thêm sự hiểu biết nào khi tiếp tục nghiên cứu Sách Mặc Môn. Anh chị em có thể chia sẻ các hướng dẫn sau đây và yêu cầu học viên thêm vào trang nhật ký ghi chép việc học tập của mình.

Xem lại hình ảnh đó trong nhật ký ghi chép việc học tập của em. Trên con đường trước mặt hình người tượng trưng cho em, hãy viết ra những hành động em muốn thực hiện hoặc tiếp tục thực hiện khi em cố gắng trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Em hy vọng sẽ học được điều gì khác khi nghiên cứu nửa tiếp theo của Sách Mặc Môn?

  • Em hy vọng sẽ biết, cảm nhận hoặc làm gì vào cuối năm nay nhờ nghiên cứu nửa cuối của Sách Mặc Môn?

Trải qua sự thay đổi trong lòng

Sinh hoạt này có thể giúp học viên suy ngẫm về những cách thức các em đang trải qua sự thay đổi trong lòng.

Gần đây em đã đọc về nhiều cá nhân đã trải qua sự thay đổi trong lòng. Đối với một số người, như An Ma Con và các con trai của Mô Si A, sự thay đổi này đã diễn ra ngay lập tức và đầy kịch tính. Đối với những người khác, như A Mu Léc và dân Lim Hi, sự thay đổi trong lòng họ xảy ra theo thời gian.

An Ma hỏi dân Gia Ra Hem La: “Các người đã có nhận thấy sự thay đổi lớn lao này trong lòng mình chưa?” (An Ma 5:14). Và nếu vậy, “các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?” (An Ma 5:26). Hãy suy ngẫm về sự tiến triển của sự thay đổi trong lòng em. Đôi khi khó để nhận ra cách Chúa có thể đang giúp em thay đổi, phải không? Em đã nhìn thấy bản thân trong một số câu chuyện em đã nghiên cứu trong những phương diện nào?

Hãy đọc An Ma 5:14–19, 26–29, và thành tâm suy ngẫm về những câu hỏi của An Ma.

Em có thể đã ghi lại câu trả lời cho các câu hỏi của An Ma trong nhật ký ghi chép việc học tập khi lần đầu nghiên cứu những câu đó. So sánh những điều em đã viết khi đó với cách em sẽ trả lời các câu hỏi bây giờ. Em nhận thấy điều gì? Em nghĩ Cha Thiên Thượng muốn em nhận ra, cảm nhận hoặc làm gì sau khi so sánh các câu trả lời của em?

Cân nhắc ghi lại những câu trả lời mới hoặc cảm nghĩ của em về sự tiến triển của mình.

Hãy giúp học viên hiểu rằng đôi khi có thể khó nhận thấy được sự phát triển cá nhân. Tìm kiếm cơ hội để giúp từng học viên nhận thấy sự phát triển và tiến bộ của các em. Nếu anh chị em nhận thấy một học viên nào đó đã trải qua sự thay đổi trong lòng thì hãy chia sẻ về những thay đổi đó với em ấy.

Giải thích giáo lý về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Sinh hoạt sau đây có thể giúp học viên tập giải thích giáo lý về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Một cách để giúp học viên thực hiện điều này là cho các em làm việc theo cặp. Mỗi học viên có thể viết ra một tình huống hoặc một câu hỏi trong đó sự hiểu biết về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp ích. Sau khi viết ra tình huống hoặc câu hỏi, học viên có thể trao đổi giấy rồi viết câu trả lời. Khi viết xong, học viên có thể chia sẻ câu trả lời của các em với nhau.

Viết một tình huống hoặc trường hợp trong đó việc biết về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ giúp ích cho người nào đó. Ví dụ, một thiếu nữ tự hỏi liệu em ấy có thể được tha thứ hay một thiếu niên cảm thấy cô đơn trong những thử thách của mình. Hoặc, thay vì một tình huống, em có thể viết ra một câu hỏi mà em hoặc người khác có thể có về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Hãy suy nghĩ về những điều em đã học được về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách nghiên cứu Sách Mặc Môn. Xem những câu thánh thư em đã đánh dấu hoặc ghi chú trong nhật ký ghi chép việc học tập của em. Em có thể đã đánh dấu một số câu thánh thư hoặc viết một số ghi chú từ việc nghiên cứu về Mô Si A 26 hoặc An Ma 7 (xin xem thêm 2 Nê Phi 9; Mô Si A 14–16).

Viết những điều em sẽ nói để phản hồi tình huống hoặc câu hỏi đó. Giải thích xem việc hiểu giáo lý về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp đỡ trong tình huống hoặc trả lời câu hỏi đó như thế nào. Hãy cố gắng sử dụng một hoặc nhiều đoạn thánh thư từ Sách Mặc Môn.

Cân nhắc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em và mời các học viên làm chứng về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.