Lớp Giáo Lý
An Ma 24: “Chúng Ta Sẽ Chôn Giấu Nó Xuống Sâu dưới Đất”


“An Ma 24: ‘Chúng Ta Sẽ Chôn Giấu Nó Xuống Sâu dưới Đất’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 24”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 24

“Chúng Ta Sẽ Chôn Giấu Nó Xuống Sâu dưới Đất”

Dân An Ti Nê Phi Lê Hi chôn giấu gươm đao của họ

Đôi khi chúng ta thấy bản thân mắc phải cùng một tội lỗi và phát triển một thói quen xấu hoặc thậm chí là thói nghiện ngập. Việc khắc phục những tội lỗi này có thể rất khó khăn. Nhiều người trong số dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã phát triển những thói quen tội lỗi trước khi được cải đạo theo Chúa. Khi họ có được sự tha thứ của Đấng Cứu Rỗi, họ đã được soi dẫn để tránh quay trở lại những tội lỗi đó. Bài học này có thể giúp em khắc phục tội lỗi và những thói quen xấu với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi.

Giúp học viên tìm kiếm sự cải đạo. Sự cải đạo không chỉ là sự thay đổi về hành vi; nó còn là một sự thay đổi trong lòng do Đức Thánh Linh mang lại. Khi học viên học hỏi và có những hành động hiệu quả, ngay chính thì hãy khuyến khích các em cầu xin Cha Thiên Thượng ban cho sự hướng dẫn của Ngài qua Thánh Linh.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên đọc An Ma 24:7–16 và chuẩn bị sẵn trước khi đến lớp để chia sẻ những điều các em học được từ dân An Ti Nê Phi Lê Hi về Đấng Cứu Rỗi, sự hối cải và sự tha thứ.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Khắc phục tội lỗi với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi

Lưu ý rằng bài học này được thiết kế để giảng dạy sau bài học về An Ma 23.

Hãy đọc tình huống giả định sau đây:

Samantha đã gặp rất nhiều khó khăn với một tội lỗi cụ thể nào đó trong nhiều năm. Khi được cải đạo theo Chúa, cô đã nỗ lực rất nhiều để hối cải và tìm đến Đấng Cứu Rỗi để có được sức mạnh và vượt qua vấn đề của mình. Cô cảm nhận được sự tha thứ và tình yêu thương của Chúa. Tuy nhiên, trong những lúc yếu đuối, đôi khi cô lại mắc vào tội lỗi đó.

  • Samantha cảm thấy như thế nào trong tình huống này?

Khi học viên có cơ hội tự đánh giá, điều đó có thể giúp các em cảm thấy hứng thú hơn với bài học và mong muốn tìm hiểu những điều các em chưa biết. Việc mời học viên thầm suy ngẫm về những điều sau đây là một cách anh chị em có thể giúp học viên làm điều này.

Hãy suy ngẫm về việc em cảm thấy em có thể giúp Samantha ở mức độ nào và những điều em vẫn có thể cần biết và hiểu để giúp cô ấy tốt hơn. Ngoài ra, hãy nghĩ về những vấn đề mà em cảm thấy Chúa có thể giúp em vượt qua. Trong khi nghiên cứu, hãy tìm kiếm những lẽ thật mà khi được áp dụng, có thể mời Đấng Cứu Rỗi giúp Samantha và em khắc phục tội lỗi.

Dân An Ti Nê Phi Lê Hi

Dân An Ti Nê Phi Lê Hi là những người La Man trước đây đã sử dụng gươm đao để giết người khác. Tuy nhiên, sau khi “được cải đạo theo Chúa”, họ đã “dẹp bỏ khí giới phản nghịch” của mình (An Ma 23:6–7).

Đọc An Ma 24:1–4 để xem một số dân La Man khác phản ứng như thế nào.

  • Nếu em là một trong những người dân An Ti Nê Phi Lê Hi thì em có những suy nghĩ và cảm nhận nào vào lúc này? Tại sao?

Am Môn và các anh em của ông đã tổ chức một hội nghị với Vua La Mô Ni và anh trai của ông, vua của những người được đặt tên là An Ti Nê Phi Lê Hi (xin xem An Ma 24:5). Sau đó, nhà vua nói chuyện với dân của mình.

Nếu anh chị em cảm thấy việc này sẽ làm tăng tinh thần trong lớp thì hãy cân nhắc mời một học viên kính cẩn đọc những câu sau đây như thể em ấy là người lãnh đạo của dân An Ti Nê Phi Lê Hi. Mời học viên tưởng tượng nghe bài phát biểu này với tư cách là một trong những người dân An Ti Nê Phi Lê Hi và suy ngẫm về những suy nghĩ và cảm nhận mà các em có thể có.

Đọc bài phát biểu của nhà vua trong An Ma 24:7–16. Tìm kiếm và cân nhắc đánh dấu các từ hoặc cụm từ mô tả những điều sau đây:

  1. Những điều Chúa đã làm cho những người này

  2. Những điều dân chúng đã làm để hối cải

  3. Những điều nhà vua khuyên họ nên làm để từ bỏ tội lỗi của họ

Nhắc học viên về phần chuẩn bị cho buổi học. Thảo luận về các từ và cụm từ mà học viên đã đánh dấu trong sinh hoạt trước đó. Yêu cầu học viên giải thích ý nghĩa của các từ và cụm từ và mời cả lớp cùng nhau nghiên cứu để hiểu rõ hơn ý nghĩa của các từ và cụm từ đó. Cân nhắc chỉ ra các cụm từ có vẻ quan trọng và cũng hãy thảo luận về những cụm từ đó.

  • Em có thể có những suy nghĩ và cảm nhận nào nếu em ở đó nghe bài phát biểu này? Tại sao?

  • Những từ hoặc cụm từ nào sẽ khuyến khích em cố gắng không bao giờ mắc lại những tội lỗi của mình?

Chôn giấu những khí giới chiến tranh của họ

Dân An Ti Nê Phi Lê Hi chôn giấu gươm đao của họ

Đọc An Ma 24:17–19 và đánh dấu cách người dân đã phản ứng sau bài phát biểu này và lý do tại sao.

  • Em nghĩ kinh nghiệm này của dân An Ti Nê Phi Lê Hi có thể liên quan như thế nào đến chúng ta?

Một lẽ thật chúng ta có thể xác định từ câu chuyện này là tình yêu thương và cam kết của chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta từ bỏ những tội lỗi của mình.

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm lý do tại sao nguyên tắc này là đúng.

  • Khi tìm cách từ bỏ tội lỗi, tại sao việc ghi nhớ tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và những điều hai Ngài đã làm cho chúng ta có thể giúp ích? (Có thể là hữu ích khi suy ngẫm những cụm từ như “Ngài cũng đã tha thứ cho chúng ta” [An Ma 24:10], “Đấng Thượng Đế vĩ đại đã thương xót chúng ta” [An Ma 24:14], và “Ngài thương yêu linh hồn chúng ta” [An Ma 24:14].)

  • Làm thế nào mà việc chôn gươm đao “sâu xuống đất” (An Ma 24:17) giúp những người này từ bỏ tội lỗi của họ?

Chú ý các cụm từ sau đây trong câu 18 (phần nhấn mạnh được thêm vào):

  • “Thà họ chịu hy sinh tính mạng mình còn hơn là làm đổ máu đồng bào của mình”.

  • “Thà ban cho những gì mình có còn hơn lấy đi của anh em mình”.

  • “Thà lao lực thật nhiều với đôi bàn tay mình còn hơn tiêu hao những ngày tháng trong sự biếng nhác”.

Về cơ bản, dân An Ti Nê Phi Lê Hi không chỉ chôn khí giới chiến tranh của họ mà còn thay thế những tội lỗi trước kia bằng những hành động tích cực.

  • Làm thế nào mà việc làm điều này có thể giúp chúng ta từ bỏ tội lỗi?

  • Ngày nay, chúng ta có thể làm điều này bằng những cách thức nào?

Để xem một ví dụ, hãy xem video “Quyền Năng của Sách Mặc Môn trong Sự Cải Đạo” từ phút 6:11 đến 8:12, trên trang ChurchofJesusChrist.org.

9:1

Sự cam kết của dân An Ti Nê Phi Lê Hi

Đọc An Ma 24:20–27 để xem dân An Ti Nê Phi Lê Hi sống theo cam kết từ bỏ tội lỗi như thế nào. Trong khi đọc, hãy tưởng tượng rằng em đang ở đó. Hãy suy ngẫm về những cảnh tượng, âm thanh và cảm nghĩ mà em có thể có khi em cúi đầu cầu nguyện, biết rằng em không có gì để tự vệ và em hoàn toàn nằm trong bàn tay của Chúa.

  • Điều gì gây ấn tượng cho em về cam kết của họ?

Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả những hy sinh của dân An Ti Nê Phi Lê Hi có thể liên quan ra sao đến chúng ta ngày nay.

2:3

Hãy thật tâm cam kết với các giao ước đã lập. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, việc lập các giao ước với một chủ ý thật sự để tôn trọng các giao ước này một cách vững chắc sẽ ban phước cho cuộc sống của anh chị em mãi mãi. Anh chị em sẽ trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn khi anh chị em luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, noi theo Ngài và yêu mến Ngài. Tôi làm chứng rằng Ngài là nền tảng vững chắc. Ngài là Đấng kiên định và những lời hứa của Ngài là chắc chắn. (Dale G. Renlund, “Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô”, Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 25)

Anh Cả Renlund cũng chia sẻ một tấm gương tuyệt vời về sự cam kết của Các Thánh Hữu ở Congo. Cân nhắc chia sẻ với học viên video “Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô“ từ phút 0:00 đến 1:39, trên trang ChurchofJesusChrist.org.

Cách từ bỏ tội lỗi

Cân nhắc mời học viên thực hiện các sinh hoạt sau trong các nhóm nhỏ để các em có thể áp dụng những điều đã học vào tình huống thực tế.

Hãy nhớ lại tình huống giả định với Samantha khi bắt đầu bài học. Giải thích xem em sẽ đề xuất cô ấy áp dụng như thế nào các nguyên tắc em đã học ngày hôm nay. Bao gồm những nội dung sau đây:

  • những cách cô ấy có thể nhớ đến tình yêu thương của Chúa dành cho mình

  • những hành động cụ thể mà cô ấy có thể thực hiện để tránh mắc lại tội lỗi trước đây của mình

Mời một vài học viên chia sẻ những ý kiến của các em. Khi học viên lắng nghe nhau, hãy mời các em suy ngẫm xem làm thế nào mà việc thực hiện các kế hoạch này có thể giúp các em khắc phục những tội lỗi của mình.

Từ bỏ những tội lỗi của em

Trong nhật ký ghi chép việc học tập, hãy viết về cách em có thể áp dụng những điều đã học ngày hôm nay vào cuộc sống của riêng em. Viết các bước em có thể thực hiện để nhớ đến tình yêu thương của Chúa. Hãy bao gồm các bước thực tế để từ bỏ tội lỗi và đề phòng việc quay trở lại những tội lỗi đó.

Khi em cố gắng làm theo kế hoạch của mình thì hãy tin tưởng rằng Đấng Cứu Rỗi yêu thương em và sẽ giúp em khi em cố gắng tránh những hoàn cảnh có thể dẫn đến tội lỗi.

Hãy làm chứng về tình yêu thương của Chúa dành cho mỗi học viên và Ngài sẽ giúp đỡ các em khi các em cố gắng trở nên giống như Ngài hơn, mặc dù đôi khi các em thất bại trong nỗ lực của mình.