Lớp Giáo Lý
An Ma 29: Những Ước Muốn của Lòng Chúng Ta


“An Ma 29: Những Ước Muốn của Lòng Chúng Ta”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 29”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 29

Những Ước Muốn của Lòng Chúng Ta

các em giới trẻ đang đi bộ đường dài

Làm thế nào em có thể biết được liệu những ước muốn của em cho cuộc sống của mình có hòa hợp với những điều Chúa muốn ban cho em? An Ma 29 ghi lại ước muốn trong lòng của An Ma và suy ngẫm của ông về việc liệu những mong muốn đó có phù hợp với những điều Thượng Đế muốn ban cho ông hay không. Bài học này có thể giúp em đánh giá những ước muốn của riêng em và điều chỉnh chúng cho phù hợp với mong muốn của Chúa.

Xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy tự hỏi bản thân: “Trong số tất cả các lẽ thật mà có thể được nhấn mạnh trong nhóm thánh thư này, lẽ thật nào sẽ giúp nhiều nhất cho các học viên của tôi đến gần Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi hơn?” Hãy tìm kiếm sự soi dẫn của Đức Thánh Linh để hiểu rõ hơn những lẽ thật phúc âm nào sẽ hoàn thành tốt nhất mục đích đó.

Học viên chuẩn bị: Cân nhắc mời học viên đọc An Ma 29:1–6 và suy ngẫm về những điều các em học được về ước muốn.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Những điều mong ước cho cuộc sống của tôi

Cân nhắc trưng ra một bức hình của bản thân khi còn nhỏ và chia sẻ câu trả lời của anh chị em cho các câu hỏi sau đây. Anh chị em cũng có thể mời một vài học viên mang theo bức hình của bản thân khi còn nhỏ và trả lời các câu hỏi.

Ngoài ra, trong nhiều nền văn hóa, có những câu chuyện ngụ ngôn hoặc câu chuyện mà có người nào đó được hỏi họ có điều ước nào hoặc mong muốn điều gì nhất. Một số ví dụ bao gồm điều ước đến từ một ngôi sao, từ một vị thần hoặc bà tiên, hoặc trong khi thổi nến sinh nhật. Em có thể muốn tham khảo một trong những câu chuyện quen thuộc này và hỏi: “Nếu em có thể ước một trong những mong muốn lớn nhất của mình thì điều ước đó sẽ là gì?”

  • Khi còn nhỏ, một số mong muốn lớn nhất của em là gì?

  • Bây giờ khi em đã lớn hơn, những mong muốn đó của em đã thay đổi như thế nào? Những mong muốn đó của em có thể thay đổi như thế nào trong tương lai?

Ở một bên của một trang nhật ký ghi chép việc học tập, hãy viết ra một số mong muốn cho cuộc sống của em. (Em sẽ sử dụng phần bên kia sau này trong bài học.)

  • Những mong muốn của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta?

Khi chúng ta lớn lên và trưởng thành trong phúc âm và đến gần Thượng Đế hơn thì một số mong muốn của chúng ta có thể thay đổi và phù hợp hơn với những điều Ngài muốn ban cho chúng ta.

  • Làm thế nào chúng ta có thể biết được liệu những ước muốn của chúng ta có hòa hợp với những điều Thượng Đế muốn ban cho chúng ta không?

Khi em học bài học này, hãy suy ngẫm về những mong muốn của mình. Tìm cách xác định những ước muốn phù hợp với mong muốn của Thượng Đế và những mong muốn có thể cần phải chín chắn hoặc thay đổi.

Điều chỉnh những mong muốn của chúng ta theo ý muốn của Chúa

Trong An Ma 29, An Ma đã ghi lại một trong những ước muốn của ông. Đọc An Ma 29:1–2, tìm kiếm những điều ông đã mô tả.

  • Tại sao An Ma lại muốn trở thành một thiên sứ? Điều đó cho em biết điều gì về ông?

  • Em biết điều gì về quá khứ của An Ma có thể đã soi dẫn cho ước muốn trở thành một thiên sứ của ông? (xin xem Mô Si A 27:11–17).

Nếu cần, hãy giúp học viên hiểu trải nghiệm của An Ma với một thiên sứ như được ghi lại trong Mô Si A 27. Một cách để anh chị em có thể làm điều này là trưng ra hình ảnh sau đây và yêu cầu học viên chia sẻ những điều các em nhớ về câu chuyện mà hình ảnh đó mô tả.

sự cải đạo của An Ma Con

Việc hiểu ngữ cảnh của các câu thánh thư có thể cho chúng ta thêm sự hiểu biết sâu sắc. Trong các chương trước An Ma 29, Chúa truyền lệnh cho Am Môn đưa dân An Ti Nê Phi Lê Hi đến sống với dân Nê Phi để bảo vệ họ (xin xem An Ma 27:4–12). Dân Nê Phi đã cho dân An Ti Nê Phi Lê Hi xứ Giê Sơn để định cư và hứa sẽ bảo vệ họ. Những người La Man tà ác đã đuổi theo dân An Ti Nê Phi Lê Hi và bắt đầu một trận chiến. Dân Nê Phi bảo vệ bản thân và gia đình của họ trước dân La Man. Kết quả là, “hàng chục ngàn dân La Man bị giết chết và chạy tán loạn … và một cuộc tàn sát lớn lao cũng đã xảy ra cho dân Nê Phi” (An Ma 28:2–3).

  • Ngữ cảnh này có thể giúp em hiểu như thế nào về lý do có thể khiến cho An Ma mạnh dạn kêu gọi mọi người hối cải và tránh được nỗi sầu khổ?

Hãy đọc An Ma 29:3–6, tìm kiếm những điều An Ma đã hiểu được về những ước muốn.

Cân nhắc hỏi học viên những điều các em đã học. Học viên có thể chia sẻ một loạt các bài học hoặc nguyên tắc. Nếu học viên không đề cập đến, hãy yêu cầu các em tóm tắt những điều An Ma đã dạy trong câu 4.

Một nguyên tắc em có thể đã nhận ra là Thượng Đế cho phép chúng ta đưa ra các lựa chọn dựa trên những ước muốn của chúng ta.

Cân nhắc mời học viên đánh dấu trong thánh thư của các em những từ hoặc cụm từ then chốt trong câu 4 để xác định lẽ thật này.

  • Tại sao nguyên tắc này lại quan trọng để cho chúng ta hiểu?

Để giúp em so sánh những ước muốn của mình với những mong muốn của Chúa, hãy liệt kê ở phía bên kia trang nhật ký ghi chép việc học tập những điều Chúa mong muốn cho con cái của Ngài. Em có thể đọc một số đoạn sau đây để lập bản liệt kê này:

Mời học viên chia sẻ những điều các em đã viết. Một số ví dụ là chúng ta có thể nghe và biết đến Đấng Cứu Rỗi (xin xem Ma Thi Ơ 17:5; Giăng 17:3; 3 Nê Phi 11:3–7), thể hiện sự vâng lời của chúng ta (xin xem Áp Ra Ham 3:25), làm công việc của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:6), yêu thương người khác (xin xem Lê Vi Ký 19:18; Ma Thi Ơ 22:37–40), kết hôn và có gia đình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4; Sáng Thế Ký 1:22), cảm thấy hoan hỷ (xin xem 2 Nê Phi 2:25), và thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu với Ngài (xin xem Môi Se 1:39).

Hãy nhìn vào cả hai bên của trang giấy. Lưu ý rằng Chúa muốn chúng ta tập trung những ước muốn của mình vào việc yêu thương và phục vụ Ngài và đồng bào của chúng ta. Hãy suy ngẫm xem những ước muốn của em phù hợp như thế nào với những mong muốn của Thượng Đế dành cho em.

Mặc dù ước muốn chia sẻ phúc âm của ông là tốt, An Ma nhận ra rằng việc ước muốn được chia sẻ phúc âm như một thiên sứ cho toàn thế gian không hoàn toàn phù hợp với nơi và cách thức mà Thượng Đế đã kêu gọi ông phục vụ. Cân nhắc nhấn mạnh bất kỳ cụm từ nào trong An Ma 29:3–6 cho thấy An Ma muốn những mong muốn của mình phù hợp với ý muốn của Thượng Đế.

  • Em nghĩ việc cảm thấy hài lòng với những điều Chúa đã giao phó cho chúng ta có nghĩa là gì?

  • Em nghĩ tại sao chúng ta nên tìm cách điều chỉnh những ước muốn của mình cho phù hợp với những ước muốn của Chúa, giống như An Ma?

  • Chúng ta có thể điều chỉnh những ước muốn của mình như thế nào cho phù hợp với ý muốn của Thượng Đế nếu như chúng ta nhận được sự kêu gọi để phục vụ theo một cách khác với điều chúng ta thích?

Ở phần sau trong chương này, An Ma giải thích rằng ông không cần phải là một thiên sứ để nói chuyện với cả thế gian bởi vì Thượng Đế sẽ dạy cho tất cả các quốc gia theo sự thông sáng và kỳ định của Ngài (xin xem An Ma 29:7–8). Đọc An Ma 29:9, 13, tìm kiếm những điều An Ma đã hãnh diện và cảm nhận của ông khi điều chỉnh ước muốn của ông cho phù hợp với ý muốn của Thượng Đế.

Tầm quan trọng của những ước muốn

Hãy tạo cơ hội cho học viên gia tăng sự hiểu biết của các em về những ước muốn. Anh chị em có thể dán các câu hỏi và hướng dẫn sau đây quanh lớp học. Học viên có thể tập hợp gần câu hỏi mà các em quan tâm để tìm hiểu, làm theo hướng dẫn và thảo luận trong các nhóm nhỏ về câu trả lời mà các em tìm thấy cho câu hỏi. Có thể lặp lại việc này để học viên có thể nghiên cứu nhiều hơn một câu hỏi.

Làm cách nào tôi có thể gia tăng ước muốn của mình để noi theo Chúa?

Trong khi em suy ngẫm câu hỏi này, có thể là hữu ích khi nghĩ đến tấm gương của những người đã được cải đạo theo Chúa. Một số người em có thể nghiên cứu là Ê Nót (xin xem Ê Nót 1:1–7), dân của Vua Bên Gia Min (xin xem Mô Si A 5:1–5) và Vua La Mô Ni (xin xem An Ma 22:15-16).

Tôi nên mong muốn điều gì trong cuộc sống của mình?

Khi em tìm kiếm sự mặc khải cho câu hỏi này, hãy nghiên cứu ví dụ về những điều người khác mong muốn hoặc những điều Chúa hy vọng họ sẽ mong muốn (xin xem Rô Ma 10:1; 3 Nê Phi 19:7–9; Giáo Lý và Giao Ước 6:6–8).

Thánh thư dạy điều gì khác về những mong muốn của chúng ta?

Có thể là hữu ích khi nghiên cứu “Ước Muốn” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư hoặc ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Hoặc đọc một số câu sau đây: Thi Thiên 37:4; Châm Ngôn 10:24; Ê Nót 1:12; An Ma 41:5; Giáo Lý và Giao Ước 18:38; 137:9.

Mời học viên chia sẻ những điều các em đã học được. Cân nhắc hỏi xem có học viên nào có câu hỏi mà các em muốn cả lớp giúp đỡ không. Hãy cùng tìm kiếm thánh thư và chia sẻ những kinh nghiệm và chứng ngôn mà có thể giúp trả lời bất kỳ câu hỏi nào được đặt ra.

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm xem bài học này áp dụng ra sao cho em. Viết trong nhật ký học tập những điều em có thể làm để củng cố những ước muốn ngay chính của em và tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để điều chỉnh bất kỳ ước muốn nào khác cho phù hợp với ý muốn của Ngài.