Lớp Giáo Lý
An Ma 23: Họ “Không Hề Bỏ Đạo”


“An Ma 23: Họ ‘Không Hề Bỏ Đạo’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“An Ma 23”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

An Ma 23

Họ “Không Hề Bỏ Đạo”

nhóm giới trẻ trung tín

Hãy suy ngẫm về nhiều thế lực trên thế gian ngày nay đang tìm cách hủy diệt đức tin của em và kéo em rời khỏi Chúa. Em có thể làm điều gì để đứng vững và ngăn chặn điều này xảy ra? Chúng ta có thể học hỏi từ những tấm gương của hàng ngàn dân La Man là những người “đã cải đạo theo Chúa” và “không hề bỏ đạo” (An Ma 23:6). Mục đích của bài học này là giúp em mong muốn được cải đạo một cách trọn vẹn hơn theo Chúa và nhận ra bất kỳ trở ngại nào đối với sự cải đạo đó.

Khuyến khích học viên phấn đấu noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Giúp học viên hiểu rằng khi các em cố gắng sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thì các em có thể trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn và tìm thấy niềm vui gia tăng trong vai trò làm môn đồ của mình.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên chuẩn bị sẵn trước khi đến lớp để chia sẻ suy nghĩ của các em về ý nghĩa của việc “được cải đạo theo Chúa” (An Ma 23:6) và lý do mà việc cải đạo theo Ngài lại quan trọng đến như vậy. Các em có thể tham khảo phần “Cải Đạo, Cải Hóa” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư nếu cần trợ giúp.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Đứng vững vàng

Bài học này và bài học về An Ma 24 có thể kết hợp với nhau để giúp học viên gia tăng sự cải đạo của các em. Bài học này có thể giúp học viên xác định những trở ngại đối với sự cải đạo của các em; bài học tiếp theo nhằm giúp các em vượt qua những trở ngại đó.

Cân nhắc mời hai học viên tình nguyện thực hiện sinh hoạt sau đây. Nhắc nhở các em không đẩy quá mạnh.

Nếu có thể, đứng bằng một chân trong 30 giây. Hãy suy ngẫm xem sẽ khó khăn như thế nào để đứng vững nếu có người nào đó đẩy em trong khi em đang đứng bằng một chân.

Bây giờ, hãy đứng trên cả hai chân và suy ngẫm xem em sẽ dễ dàng đứng vững hơn bao nhiêu nếu có người nào đó đẩy em.

Đôi khi, thánh thư so sánh sự trung tín với Chúa với việc đứng vững vàng (xin xem Mô Si A 4:11; An Ma 1:25) và sự xa rời Chúa với việc vấp ngã (xin xem 2 Nê Phi 18:15; Hê La Man 5:12).

  • Mọi người rời bỏ Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài vì một số lý do gì?

Anh chị em có thể muốn trưng ra những câu hỏi này để cho học viên suy ngẫm.

Hãy suy ngẫm về những câu hỏi sau đây:

  • Nếu em tiếp tục sống theo cách của mình như bây giờ thì em có cảm thấy em sẽ trở nên gần gũi hơn với Chúa và Giáo Hội của Ngài hay bắt đầu bỏ đạo? Tại sao?

  • Em biết điều gì về Chúa và Giáo Hội của Ngài khiến em không muốn bỏ đạo?

Khi em nghiên cứu về những người “không hề bỏ đạo” (An Ma 23:6), hãy tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc và tìm kiếm sự hướng dẫn cho cuộc sống của em qua lời cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng và sự soi dẫn của Đức Thánh Linh.

Cải đạo theo Chúa

Sau khi được cải đạo, vua của dân La Man đã tuyên bố về sự tự do tôn giáo trong xứ này để các con trai của Mô Si A có thể thuyết giảng phúc âm một cách an toàn.

Hãy đọc An Ma 23:3–5, tìm kiếm ảnh hưởng của việc thuyết giảng đối với dân chúng.

Cân nhắc hỏi những cụm từ nào nổi bật đối với học viên.

Đôi khi, thánh thư lặp lại các cụm từ quan trọng mà chúng ta cần phải hiểu. Đọc An Ma 23:6–13, 15, tìm kiếm các cụm từ chỉ ra lý do tại sao hàng ngàn người cải đạo này “không hề bỏ đạo” (câu 6). Cân nhắc đánh dấu các cụm từ lặp đi lặp lại.

Mời học viên chia sẻ những điều các em đã tìm thấy. “Được cải đạo theo Chúa” được lặp lại trong An Ma 23:6, 8, 13, và “đã dẹp bỏ khí giới phản nghịch của mình” và “đã dẹp bỏ khí giới phản nghịch của họ” lần lượt có trong An Ma 23:7, 13.

Một lẽ thật chúng ta có thể học được từ những câu này là khi chúng ta cải đạo theo Chúa và dẹp bỏ khí giới phản nghịch của mình thì chúng ta luôn có thể tiếp tục trung tín với Ngài.

  • “Được cải đạo theo Chúa” có nghĩa là gì? (An Ma 23:6). (Nếu hữu ích, hãy cân nhắc nghiên cứu “Cải Đạo, Cải Hóa” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư).

  • Tại sao điều quan trọng là được cải đạo “theo Chúa” chứ không phải là theo một người truyền giáo hay một lời giảng dạy cụ thể?

Hãy trưng ra một bức hình về Đấng Cứu Rỗi khi anh chị em mời học viên làm như sau.

Đấng Cứu Rỗi

Hãy suy nghĩ về những điều em biết về Đấng Cứu Rỗi và suy ngẫm về lý do tại sao em muốn trở nên được cải đạo và tiếp tục được cải đạo theo Ngài trong suốt cuộc đời của mình. Cân nhắc đọc một số câu sau để giúp em:

Mời học viên chia sẻ suy nghĩ của các em và những điều các em đã tìm thấy.

  • Điều gì đã giúp em và những người khác mà em biết trở nên được cải đạo theo Chúa hơn?

Dẹp bỏ khí giới phản nghịch của chúng ta

Để thực sự được cải đạo theo Chúa và không bao giờ bỏ đạo thì chúng ta phải sẵn lòng dẹp bỏ khí giới phản nghịch của mình. Khí giới phản nghịch của dân La Man vừa có nghĩa đen vừa mang tính biểu tượng. Nhưng đối với chúng ta, những khí giới này có thể chỉ mang tính biểu tượng.

Cân nhắc viết những lời phát biểu sau đây lên trên bảng.

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng khí giới phản nghịch của chúng ta có thể là “tính ích kỷ, kiêu ngạo và bất tuân” (“Được Cải Đạo theo Chúa”, Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 108). Anh Cả Dale G. Renlund thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng khí giới của chúng ta có thể là “những ước muốn cá nhân trái ngược với những ước muốn dựa vào Đấng Cứu Rỗi và đi theo con đường giao ước” (“Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô”, Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 22).

Mục đích của sinh hoạt sau đây là giúp học viên xác định ví dụ về các khí giới phản nghịch có liên quan đến thời kỳ của chúng ta. Cân nhắc chia lớp học ra thành các nhóm nhỏ. Sau khi đã thấy có đủ thời gian rồi, hãy mời mỗi nhóm chọn một học viên lên bảng, vẽ và ghi chú một khí giới phản nghịch trong khi một học viên khác trình bày vắn tắt một vài câu trả lời của nhóm mình cho các câu hỏi sau. Khi các em chia sẻ, hãy tìm cách khen ngợi học viên khi liên hệ thánh thư với thời kỳ của chúng ta và cảm ơn những nỗ lực của các em.

Vẽ hai khí giới đơn giản (kiếm, giáo hoặc các khí giới khác) trong nhật ký ghi chép việc học tập của em hoặc trên một mảnh giấy. Bên cạnh hoặc trên mỗi khí giới, hãy viết một ví dụ cụ thể và thực tế về một thái độ hoặc hành động trái ngược với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà một em thanh thiếu niên có thể có trong thời kỳ của chúng ta. Ví dụ, một người gặp khó khăn với tính kiêu căng có thể không lắng nghe lời khuyên bảo của cha mẹ hoặc có thể cảm thấy rằng các vị tiên tri đã già và xa vời. Hoặc người nào đó có thể phạm một số tội lỗi nào đó vì họ nghĩ rằng các lệnh truyền của Thượng Đế quá khắt khe.

  • Những thái độ hoặc hành động này có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự cải đạo theo Chúa của người đó?

  • Làm thế nào mà việc dẹp bỏ hoặc bỏ lại những thái độ hoặc hành động này có thể giúp một người nào đó được cải đạo theo Chúa hơn?

Những khí giới phản nghịch của em

Cân nhắc mời học viên thực hiện sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập.

Để kết thúc bài học này, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh để xác định những khí giới phản nghịch mà em có thể có. Nếu em xác định được một loại khí giới, hãy cân nhắc viết nó vào trong nhật ký ghi chép việc học tập của em và vẽ hình một khí giới bên cạnh.

Hãy suy ngẫm về những điều em có thể làm để dẹp bỏ những khí giới phản nghịch của mình và làm thế nào mà cam kết đó có thể giúp em trở nên được cải đạo theo Chúa và không hề bỏ đạo.

Cân nhắc làm chứng về những nguyên tắc được giảng dạy trong bài học này.