Lớp Giáo Lý
Hê La Man 13–16: Hiểu Các Vị Tiên Tri của Chúa


“Hê La Man 13–16: Hiểu Các Vị Tiên Tri của Chúa”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Hê La Man 13–16”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Hê La Man 13–16

Hiểu Các Vị Tiên Tri của Chúa

Sa Mu Ên Người La Man trên tường thành

Em đã cảm thấy như thế nào khi nghe mọi người bày tỏ những lo ngại hoặc chỉ trích về các vị tiên tri? Khi Sa Mu Ên người La Man đứng trên tường thành và kêu gọi dân chúng hối cải, họ đã có những phản ứng khác nhau đối với lời của ông. Mọi người cũng có những phản ứng tương tự với các vị tiên tri trong thời kỳ của chúng ta. Bài học này có thể giúp em hiểu được vai trò của các vị tiên tri và cách họ có thể giúp chúng ta.

Hãy giúp học viên trả lời các câu hỏi dựa trên đức tin của mình. Khi học viên suy ngẫm các câu hỏi của riêng mình và của người khác về giáo lý và niềm tin của Giáo Hội, thì hãy mời các em cố gắng để có được ảnh hưởng của Thánh Linh. Hãy khuyến khích học viên ghi nhớ những điều các em đã biết và tra cứu thánh thư để có thêm sự hiểu biết. Hãy cho các em thời gian để thực hành những điều các em có thể nói với người nào đó có quan điểm khác.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để sẵn sàng chia sẻ làm thế nào mà các em biết Chúa đã cùng với các vị tiên tri ở thời xưa của Ngài và bây giờ là với các vị tiên tri ở thời hiện đại của Ngài.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Tin cậy nơi các vị tiên tri của Chúa

Để chuẩn bị cho học viên suy nghĩ về các vị tiên tri, hãy cân nhắc vẽ bảng biểu sau đây lên trên bảng và mời cả lớp suy ngẫm câu trả lời hoặc mời học viên vẽ nó trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em và hoàn thành một mình hoặc theo nhóm nhỏ.

đồ họa cho thấy một người bên dưới tiêu đề những người tin và noi theo các vị tiên tri và một người khác bên dưới tiêu đề những người không tin và thậm chí chỉ trích các vị tiên tri

Xung quanh nhân vật đại diện cho mỗi nhóm người, hãy liệt kê một số lý do tại sao người ta tin và noi theo các vị tiên tri hoặc không tin và thậm chí là chỉ trích họ.

Nếu học viên thực hiện sinh hoạt đó trong các nhóm nhỏ hoặc một mình, thì hãy mời các em chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những điều em đã học và biết về các vị tiên tri mà có thể giúp em và những người khác tin rằng họ được Thượng Đế kêu gọi. Ví dụ, em có thể đã lập một bản liệt kê các lẽ thật về các vị tiên tri khi em nghiên cứu về Nê Phi trong Hê La Man 7–10.

Trong Hê La Man 13, Chúa đã phái một vị tiên tri khác, Sa Mu Ên người La Man. Bài học này là một cái nhìn khái quát về những lời dạy của ông (xin xem Hê La Man 13–16). Trong khi nghiên cứu, em có thể thêm vào bản liệt kê của mình các lẽ thật về các vị tiên tri. Hãy tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc mà có thể giúp ích cho những người đang gặp khó khăn để tin tưởng.

Dựa trên nhu cầu của học viên và những sự thúc giục của Thánh Linh, hãy quyết định cách thực hiện các sinh hoạt sau đây. Anh chị em có thể cho cả lớp tập trung vào một hoặc hai sinh hoạt và tóm tắt những sinh hoạt khác. Anh chị em có thể chia học viên thành các nhóm, yêu cầu các em thực hiện một trong ba sinh hoạt và báo cáo cho những học viên còn lại trong lớp. Anh chị em có thể đặt mỗi sinh hoạt được ghi trên một tờ giấy ở các vị trí khác nhau trong phòng và yêu cầu học viên luân phiên đi đến từng vị trí và nghiên cứu cả ba sinh hoạt.

Sinh Hoạt A: Sa Mu Ên thuyết giảng cho dân Nê Phi

Hãy đọc Hê La Man 13:1–7; 14:9, và tìm kiếm những điều gây ấn tượng cho em về Sa Mu Ên.

  • Từ ví dụ của Sa Mu Ên, em đã học được điều gì về các vị tiên tri? (Hãy cân nhắc thêm bất kỳ lẽ thật nào mà em đã tìm thấy vào bản liệt kê của mình.)

Một trong những lẽ thật em có thể đã nhận ra là sứ điệp của một vị tiên tri không phải do tự vị ấy nghĩ ra; sứ điệp đó đến từ Chúa. Hãy cân nhắc đánh dấu các cụm từ trong Hê La Man 13:5, 7; 14:9 mà minh chứng cho lẽ thật này. Em cũng có thể muốn đọc Hê La Man 7:29Giáo Lý và Giao Ước 1:38; 21:4–5 như các phần tham khảo chéo và liên kết chúng với các câu trong Hê La Man 13.

  • Sự hiểu biết về lẽ thật này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta lắng nghe các vị tiên tri?

  • Làm thế nào việc đó có thể giúp ích khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ để nghi ngờ hoặc chỉ trích họ?

Hãy cân nhắc cung cấp một vài ấn bản đại hội trung ương gần đây nhất của tạp chí Liahona để học viên hoàn thành sinh hoạt sau đây.

Hãy dành một vài phút để ôn lại một phần của một bài nói chuyện tại đại hội trung ương gần đây của vị tiên tri. Hãy suy nghĩ về Chúa và những mối bận tâm của Ngài dành cho em. Hãy cố gắng đọc bài nói chuyện như thể đó là một sứ điệp từ Chúa. Hãy chuẩn bị một trong những điều sau đây:

  • Hãy tìm một cụm từ hoặc lời dạy cụ thể mà em tin rằng đã được Chúa soi dẫn. Hãy chia sẻ lý do tại sao.

  • Hãy mô tả những điều em có thể làm để nhận được một lời chứng cá nhân rằng một sứ điệp từ vị tiên tri là đến từ Chúa.

Sinh Hoạt B: Dân Nê Phi phản ứng với các vị tiên tri

Hãy đọc Hê La Man 13:24–29; 14:10, tìm kiếm thái độ của dân Nê Phi đối với các vị tiên tri.

  • Em có thể nhận ra những lẽ thật nào trong những câu này về các vị tiên tri?

Em có thể đã nhận ra một lẽ thật tương tự như sau: Các vị tiên tri của Chúa không được kẻ tà ác yêu thích. Em có thể muốn ghi lại lẽ thật đó gần những câu này.

  • Em thấy lẽ thật này trong thời kỳ của chúng ta theo những cách thức nào?

  • Làm thế nào mà những người chỉ trích và chống lại các vị tiên tri có thể là “những kẻ điên rồ và mù quáng”? (Hê La Man 13:29).

  • Nếu chúng ta không đến cùng Đấng Cứu Rỗi để hối cải và cải thiện, thì nó có thể giống với việc chọn lựa “bóng tối thay vì ánh sáng” ra sao? (Hê La Man 13:29).

Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) đã dạy:

Các vị tiên tri … không thể sửa đổi sứ điệp của Chúa chỉ để làm cho mọi người cảm thấy thoải mái. Họ quá tốt bụng để trở nên tàn nhẫn như vậy. Tôi rất biết ơn rằng các vị tiên tri không khao khát được ưa thích. (Spencer W. Kimball, “Listen to the Prophets”, Ensign, tháng Năm năm 1978, trang 77)

Hãy tưởng tượng người nào đó tin rằng họ có thể “làm tất cả những gì mà lòng [họ] ưa thích” (Hê La Man 13:27). Kết quả là, họ khó chịu khi các vị tiên tri mời họ hối cải. Dựa trên những điều em đã học được, hãy chuẩn bị một câu trả lời cho mối bận tâm hoặc lời chỉ trích này.

Hãy cân nhắc mời học viên chia sẻ một phần câu trả lời của các em với cả lớp. Sau đó, hãy hỏi xem học viên nào có thể bổ sung cho câu trả lời đó. Hãy tiếp tục cho đến khi cả lớp tin rằng các em đã giúp đỡ giải quyết mối bận tâm đó.

Sinh Hoạt C: Chúa gìn giữ Sa Mu Ên

Cân nhắc trưng ra bức hình về Sa Mu Ên, người La Man, đang nói từ trên tường thành, được thấy ở đầu bài học.

Hãy nhìn kỹ vào bức tranh từ đầu bài học. Nó mô tả những điều đã xảy ra vào cuối bài giảng của Sa Mu Ên.

Hãy đọc Hê La Man 16:1–8, tìm kiếm và đánh dấu bằng chứng về lẽ thật rằng quyền năng của Thượng Đế ở cùng các vị tiên tri của Ngài. (Hãy cân nhắc thêm lẽ thật này vào bản liệt kê của em.)

  • Em đã thấy bằng chứng nào rằng Thượng Đế đã ở cùng Sa Mu Ên?

Mặc dù không phải tất cả các vị tiên tri đều được bảo vệ theo cách này, nhưng Thượng Đế bảo vệ các vị tiên tri của Ngài cho đến khi họ hoàn thành công việc của họ (xin xem Mô Si A 13:1–4; Giáo Lý và Giao Ước 122:9).

Nếu cả lớp cùng thực hiện sinh hoạt này, thì hãy cân nhắc trưng ra các hình ảnh sau đây. Nếu cần thiết, hãy giải thích ngắn gọn các câu chuyện liên quan.

Chọn một vị tiên tri từ thánh thư hoặc lịch sử Giáo Hội. Hãy liệt kê bằng chứng rằng Thượng Đế đã ở cùng với vị tiên tri đó. Hãy cân nhắc đề cập đến các ví dụ sau đây về Nô Ê, Môi Se, Phi E Rơ và Joseph Smith.

Nô Ê trên tàu cùng với muôn thú

(xin xem Sáng Thế Ký 7:7, 10–13, 17, 23)

Môi Se rẽ Biển Đỏ

(xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 14:21–30)

Một thiên sứ giải thoát cho Phi E Rơ khỏi ngục tù

(xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 12:4–11)

Ê Li phục hồi các chìa khóa của chức tư tế

(xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–25)

Bây giờ, hãy liệt kê bằng chứng cho thấy Thượng Đế cũng ở cùng với các vị tiên tri thời hiện đại của Ngài. Ví dụ có thể bao gồm các lời dạy hoặc lời mời của các vị tiên tri thời hiện đại đã giúp chúng ta vượt qua những khó khăn của thời kỳ chúng ta ra sao.

Nếu cần, hãy cân nhắc chia sẻ một hoặc nhiều ví dụ trong số các ví dụ sau đây:

  • Bản tuyên ngôn về gia đình được đưa ra trước khi nhiều người thấy cần thiết.

  • Chủ Tịch Russell M. Nelson đã thực hiện chương trình giảng dạy Hãy Đến Mà Theo Ta, trong đó giới thiệu một mô hình tập trung vào gia đình, được Giáo Hội hỗ trợ để học thánh thư, vào tháng Mười năm 2018, trước khi đại dịch COVID-19 buộc nhiều người phải thờ phượng tại nhà trong thời gian dài.

  • Tại sao việc nhớ những bằng chứng này có thể là hữu ích?

Giống như người dân Nê Phi, chúng ta có quyền lựa chọn để chấp nhận những lời dạy của vị tiên tri hoặc là phản ứng bằng sự chỉ trích và tức giận. Trong nhật ký ghi chép việc học tập của em, hãy ghi lại những điều em đã học được về các vị tiên tri và điều em cảm nhận về họ. Khi em tiếp tục nghiên cứu những điều Sa Mu Ên người La Man đã dạy trong tuần này, hãy thành tâm tìm cách học hỏi và áp dụng những lời dạy đầy soi dẫn của ông.

Hãy làm chứng về Chúa và các vị tiên tri của Ngài. Cũng hãy cân nhắc mời những học viên nào sẵn sàng để chia sẻ chứng ngôn của các em.