Lớp Giáo Lý
Hê La Man 13, Phần 2: “Hối Cải và Được Cứu”


“Hê La Man 13, Phần 2: ‘Hối Cải và Được Cứu’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Hê La Man 13, Phần 2”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Hê La Man 13, Phần 2

“Hối Cải và Được Cứu”

em thiếu niên quỳ xuống cầu nguyện

Em nghĩ hầu hết mọi người xem sự hối cải như một ân tứ từ Thượng Đế hay như một sự trừng phạt? Tại sao? Sa Mu Ên người La Man đã yêu thương ngay cả những người Nê Phi tà ác nhiều đến nỗi ông đã liều mạng sống của mình để dạy họ rằng sự hối cải là một ân tứ từ Chúa Giê Su Ky Tô mà dẫn đến hạnh phúc và sự cứu rỗi. Bài học này nhằm giúp em vượt qua mọi trở ngại để hối cải.

Hãy sử dụng những lời của các vị tiên tri để nhấn mạnh giáo lý và các nguyên tắc. Các vị tiên tri và sứ đồ ở thời hiện đại giảng dạy, giải thích và giải nghĩa về giáo lý và các nguyên tắc được dạy trong thánh thư. Việc sử dụng những lời tiên tri có thể giúp học viên hiểu rõ hơn và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên suy ngẫm xem các em sẽ sử dụng những từ nào sau đây để mô tả sự hối cải và lý do tại sao: trừng phạt, hy vọng, phước lành, thay đổi, tiến triển, khổ sở.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Con đường đúng đắn

Có thể là hữu ích khi bắt đầu bài học bằng cách khám phá những trở ngại có thể xảy ra với học viên khi hối cải. Điều sau đây minh họa một cách tượng trưng tầm quan trọng của sự hối cải.

Hãy cân nhắc trưng ra hình ảnh của một cái hồ trong khi học viên tưởng tượng điều sau đây:

bức ảnh hồ trên núi

Hãy tưởng tượng một số người bạn đang cố gắng tìm một hồ nước trên núi cao mà họ đã nghe nói đến nhưng chưa bao giờ ghé thăm. Khi họ đi qua vùng hoang sơ, họ gặp một người đàn ông nói rằng ông ta đã sống ở khu vực này trong nhiều năm. Ông cảnh báo họ rằng con đường họ đang đi không dẫn đến cái hồ và có nhiều đoạn nguy hiểm. Ông khuyên họ quay lại và đi theo một con đường khác mà sẽ dẫn họ đến đó một cách an toàn.

  • Những người bạn có thể không lắng nghe người đàn ông vì một số lý do nào?

Giống như người đàn ông trong câu chuyện, đôi khi, các vị tiên tri có thể cảnh báo chúng ta về những lựa chọn mà sẽ không dẫn đến hạnh phúc, sự tiến triển và sự trở về cùng Cha Thiên Thượng. Họ có thể thúc giục chúng ta hối cải và thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Hãy cân nhắc viết những câu trả lời của học viên cho câu hỏi sau đây lên trên bảng:

  • Chúng ta có thể không hối cải vì một số lý do nào?

Để giúp học viên liên hệ bài học với hoàn cảnh của các em, hãy cho các em thời gian để làm những điều sau đây:

Trong bài học trước, qua những lời dạy của Sa Mu Ên người La Man dành cho dân Nê Phi, em có thể đã học được rằng Chúa thương xót cảnh cáo cho mọi người về những hậu quả của tội lỗi và tha thứ cho những ai hối cải. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta hiểu được lẽ thật này, chúng ta không phải lúc nào cũng hối cải. Khi em học bài học này, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để biết cách vượt qua mọi trở ngại cho sự hối cải của mình.

Những hậu quả của tội lỗi

Nếu hữu ích, hãy cân nhắc hỏi: “Các em đã học được gì trong bài học trước về sự cần thiết để hối cải của chúng ta?” Hãy lắng nghe kỹ câu trả lời của học viên và sử dụng tài liệu sau đây vì nó hữu ích.

Hãy đọc Hê La Man 13:21–23, tìm kiếm một số thái độ và hành động mà Sa Mu Ên nói dân chúng cần phải hối cải. Có thể là hữu ích khi biết rằng một lời rủa sả “mang lại những sự phán xét và những hậu quả của nó đến một vật, một người, hay dân tộc chủ yếu chỉ vì sự bất chính” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Rủa Sả, Sự”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã tìm thấy.

  • Ngoài sự giàu có, chúng ta có thể bị cám dỗ để “để hết lòng [mình] vào” và “chỉ luôn luôn nhớ đến” những điều nào khác hơn cả Chúa?

Hãy cân nhắc hỏi xem học viên có nghĩ ra bất kỳ lý do nào khác khiến mọi người có thể không chú ý đến những cảnh báo này và hối cải hay không.

Trong các câu 24–30, Sa Mu Ên cũng cảnh báo người dân về việc họ chối bỏ các vị tiên tri.

Hãy đọc Hê La Man 13:31–38, và hoàn thành nguyên tắc sau đây bằng lời của riêng em: Nếu chúng ta liên tục chối bỏ lời mời của các vị tiên tri để hối cải thì …

Hãy mời học viên hoàn thành nguyên tắc trên bảng. Một trong những cách các em có thể hoàn thành nguyên tắc là chúng ta phải đối mặt với sự diệt vong và sẽ cảm thấy hối tiếc và buồn bã. Hãy cân nhắc đặt ra các câu hỏi tiếp theo để giúp học viên hiểu sâu thêm. Một số câu hỏi này có thể bao gồm những câu như sau: Tại sao những tội lỗi mà chúng ta không hối cải cuối cùng lại dẫn đến sự hối tiếc? Việc hiểu được nguyên tắc này có thể ảnh hưởng như thế nào đến mong muốn hối cải của chúng ta?

Một ân tứ từ Thượng Đế

Như Sa Mu Ên đã làm chứng cho dân Nê Phi, “sẽ chẳng có gì cứu được [chúng ta] … ngoại trừ sự hối cải và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô” (Hê La Man 13:6). Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta, “nếu [chúng ta] chịu hối cải và trở về cùng Chúa, Thượng Đế [của chúng ta], thì [Ngài] sẽ cất bỏ cơn thịnh nộ của [Ngài]” (Hê La Man 13:11).

Khi em đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson, hãy tìm kiếm những lẽ thật ông đã dạy mà có thể giúp chúng ta vượt qua những trở ngại để hối cải.

Cân nhắc chia học viên thành các nhóm gồm ba người và cung cấp cho mỗi học viên một bản sao của lời phát biểu sau đây. Hãy mời mỗi học viên gạch dưới điều gì đó trong đoạn đầu tiên mà có thể giúp một người nào đó vượt qua trở ngại để hối cải và viết bên cạnh đoạn đó một lời giải thích về việc các em nghĩ rằng điều đó có thể giúp ích ra sao.

Sau đó, hãy yêu cầu các em chuyển giấy cho một học viên khác và lặp lại tiến trình cho đoạn thứ hai và một lần nữa cho đoạn thứ ba.

Cuối cùng, hãy mời học viên đọc tất cả những điều các học viên khác đã gạch dưới và viết ra.

Có quá nhiều người coi sự hối cải là hình phạt—một điều gì đó nên tránh ngoại trừ trong những trường hợp nghiêm trọng nhất. Nhưng cảm giác bị trừng phạt này là do Sa Tan gây ra. Nó cố gắng ngăn chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng với vòng tay mở rộng, đang hy vọng và sẵn lòng chữa lành, tha thứ, gột sạch, củng cố, thanh tẩy và thánh hóa chúng ta. …

Không có gì là tự do, cao quý, hoặc quan trọng đối với sự tiến bộ của cá nhân chúng ta hơn là một sự tập trung thường xuyên, hằng ngày vào sự hối cải. Sự hối cải không phải là một sự kiện mà là một tiến trình. Đó là bí quyết để có được hạnh phúc và sự an tâm. Khi được kết hợp với đức tin, sự hối cải cho chúng ta khả năng tiếp cận với quyền năng Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. …

Khi chọn hối cải, chúng ta đã chọn thay đổi! Chúng ta để cho Đấng Cứu Rỗi biến chúng ta thành con người tốt nhất của mình. Chúng ta chọn tăng trưởng phần thuộc linh và tiếp nhận niềm vui—niềm vui cứu chuộc nơi Ngài. Khi chọn hối cải, chúng ta đã chọn trở thành giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn! (Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67)

Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã học được từ việc nghiên cứu của mình hoặc nghiên cứu của người khác. Nếu hữu ích, hãy đặt ra một số câu hỏi sau đây.

  • Làm thế nào mà lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson có thể giúp người nào đó vượt qua những trở ngại để hối cải?

  • Em mong muốn đạt được những kết quả nào nhất của sự hối cải đã được Chủ Tịch Nelson đề cập đến? Tại sao?

  • Chủ Tịch Nelson đã dạy gì về Đấng Cứu Rỗi mà có thể giúp một người đang do dự để hối cải?

Sự Hối Cải

Có thể có những trở ngại khác cho sự hối cải mà Chủ Tịch Nelson đã không đề cập đến, hoặc chúng ta có thể cần thêm sự giúp đỡ hoặc câu trả lời. Hãy dành vài phút để nghiên cứu ân tứ của sự hối cải, tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi mà em có thể có hoặc cho những lẽ thật mà có thể giúp em vượt qua những trở ngại mà em phải đối mặt để hối cải. Các nguồn tài liệu có thể giúp em bao gồm “Hối Cải” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, và “Chúa Giê Su Ky Tô Sẽ Giúp Em” trong Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn (cuốn sách nhỏ, năm 2022).

  • Em đã học được điều gì có ích cho mình?

  • Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chúng ta như thế nào trong suốt tiến trình hối cải?

Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã học được. Nếu học viên có nhiều câu hỏi hơn, hãy mời cả lớp cố gắng giúp trả lời các câu hỏi đó bằng các phần thánh thư và lời giảng dạy mà các em đã học hoặc bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm thích hợp. Cũng hãy chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của anh chị em.

Hãy đọc lời mời sau đây của Chủ Tịch Nelson:

Hãy thành tâm tìm cách hiểu được điều gì ngăn cản các anh em hối cải. Hãy nhận ra điều gì ngăn chặn các anh em hối cải. Và rồi hãy thay đổi! Hối cải! Tất cả chúng ta đều có thể làm tốt hơn và trở thành con người tốt hơn từ trước tới giờ. (Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn”, Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 68)

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm và cầu nguyện và viết những điều em cảm thấy Cha Thiên Thượng muốn em làm để hối cải.

Hãy làm chứng về những phước lành mà Đấng Cứu Rỗi ban cho những người chấp nhận lời mời của Ngài để hối cải.