Lớp Giáo Lý
Hê La Man 13, Phần 1: Lòng Thương Xót của Chúa


“Hê La Man 13, Phần 1: Lòng Thương Xót của Chúa”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Hê La Man 13, Phần 1”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Hê La Man 13, Phần 1

Lòng Thương Xót của Chúa

Chúa Giê Su Ky Tô đang ôm một người trong vòng tay của Ngài

Em nghĩ Thượng Đế cảm thấy như thế nào về chúng ta khi chúng ta phạm tội? Nhiều người Nê Phi chống đối lại Thượng Đế và các lệnh truyền của Ngài, vì vậy Thượng Đế đã phái Sa Mu Ên người La Man đến với họ cùng với một sứ điệp rõ ràng là phải hối cải để họ có thể được tha thứ. Bài học này có thể giúp em hiểu rõ hơn về thiên tính đầy thương xót và tha thứ của Chúa.

Hãy tập trung vào thiên tính và tính cách của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Cuộc sống vĩnh cửu là để tiến đến việc biết được Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Giăng 17:3). Hãy mời học viên tập trung vào những điều thánh thư dạy về thiên tính và tính cách của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Việc hiểu rõ hơn về thiên tính và tính cách của hai Ngài có thể củng cố mối quan hệ của học viên với hai Ngài.

Học viên chuẩn bị: Mời học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để sẵn sàng chia sẻ cảm nhận của mình sau khi biết được thiên tính đầy thương xót và tha thứ của Chúa trong cuộc sống của các em. Hãy nhắc nhở các em đừng chia sẻ bất cứ điều gì quá riêng tư.

Những Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Sự khốn cùng vì tội lỗi

Hãy lưu ý rằng bài học tiếp theo sẽ tập trung vào sự hối cải. Hãy suy ngẫm điều này khi anh chị em xác định cách tốt nhất để dạy bài học này.

Trưng ra hoặc đọc lời phát biểu sau đây. Ngoài ra, hãy mời học viên tạo ra một tình huống tưởng tượng nhưng thực tế về một người có thể cảm thấy đau khổ hoặc lạc lối do tội lỗi, và sử dụng tình huống đó để thay cho câu chuyện sau.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã kể câu chuyện sau đây về một người phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn. Hãy suy nghĩ về những điều em muốn chị ấy biết về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy xem “Sự Hối Cải và Sự Cải Đạo”, trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ phút 0:00 đến 0:50 hoặc đọc lời phát biểu sau đây.

2:3

Năm ngoái trong khi Anh Cả David S. Baxter và tôi đang lái xe đến một đại hội giáo khu thì chúng tôi ngừng lại tại một nhà hàng. Sau đó khi trở lại xe của mình, [có một người phụ nữ đã gọi chúng tôi và tiến đến gần]. Chúng tôi rất ngạc nhiên trước vẻ bề ngoài của chị ấy. [Lối ăn mặc chải chuốt] của chị ấy (hoặc sự thiếu chỉnh tề) … là điều mà tôi có thể lịch sự gọi là “thái quá”. Chị ấy hỏi chúng tôi có phải là các anh cả trong Giáo Hội không. Chúng tôi nói vâng. Hầu như không kiềm chế được, chị ấy kể câu chuyện về cuộc sống bi thảm của mình, đắm chìm trong tội lỗi. Giờ đây, [khi chỉ mới] 28 tuổi, chị rất khổ sở. Chị cảm thấy vô dụng với chẳng có lý do gì để sống. … Với lời cầu khẩn trong nước mắt, chị hỏi có hy vọng nào cho chị không, có lối thoát nào ra khỏi tình trạng tuyệt vọng của chị không? (Russell M. Nelson, “Sự Hối Cải và Sự Cải Đạo”, Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 102)

  • Nếu em có thể nói chuyện với người phụ nữ này, thì em muốn chị ấy biết những lẽ thật nào về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Em sẽ làm gì để cố gắng giúp đỡ người phụ nữ này?

  • Những cảm nhận hiện tại của chị ấy có thể ảnh hưởng như thế nào đến mong muốn của chị ấy để tìm đến Đấng Cứu Rỗi?

Có lẽ em hoặc một người nào đó em biết cũng đã từng cảm thấy vô giá trị hoặc không thể được tha thứ. Hãy suy ngẫm về những điều em thật sự tin về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và sự tha thứ.

Khi học bài học này, hãy tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và cách hai Ngài cảm nhận về chúng ta ngay cả khi chúng ta phạm tội. Hãy suy ngẫm xem những lẽ thật này có thể giúp em và những người em biết như thế nào.

Sa Mu Ên người La Man

Giống như người phụ nữ này, tội lỗi đã ăn sâu vào dân Nê Phi. Trong tình yêu thương của mình, Chúa đã phái tiên tri Sa Mu Ên đến cùng với một sứ điệp dành cho họ.

Hãy trưng ra các phần tham khảo sau đây. Cân nhắc xếp học viên theo cặp và mời một học viên đọc các câu trong chương 13 và học viên kia đọc các câu trong chương 14 và 15. Sau khi đã cho học sinh có đủ thời gian, hãy mời các em dạy cho nhau những điều các em đã tìm thấy và lý do khiến điều đó quan trọng đối với các em.

Hãy đọc Hê La Man 13:5–8, 11, 39; 14:11–13; 15:3, và tìm kiếm những gì em học được về Chúa, đặc biệt là những hiểu biết sâu sắc có thể giúp chúng ta khi chúng ta phạm tội. (Có thể là hữu ích khi biết rằng sửa phạt [xin xem Hê La Man 15:3] có nghĩa là sửa sai hoặc kỷ luật. Xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sửa Phạt, Sự Sửa Phạt”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org)

Hãy mời học viên chia sẻ những điều các em đã học được. Viết lên trên bảng bất kỳ nguyên tắc chân chính nào được các em chia sẻ. Nếu hữu ích, hãy cân nhắc đặt ra một số câu hỏi sau đây.

  • Tại sao việc nhận được một lời cảnh báo về những hậu quả tiêu cực mà chúng ta sẽ đối mặt nếu chúng ta không hối cải lại là một phước lành? Làm thế nào mà sự sửa phạt của Chúa cho thấy tình yêu thương của Ngài?

  • Tại sao sứ điệp về sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô đến thế gian, cùng với khả năng để hối cải của chúng ta, lại là “tin lành”? (Hê La Man 13:7).

  • Những cụm từ nào cho thấy sự sẵn lòng tha thứ của Chúa nếu dân Nê Phi hối cải, mặc dù họ đã phạm tội nghiêm trọng?

Khi học viên chia sẻ các cụm từ, hãy chắc chắn các em nói rõ cụm từ đó ở trong câu nào để các học viên khác cũng có thể đánh dấu các cụm từ đó.

Lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa

Một lẽ thật chúng ta học được từ những đoạn này là Chúa thương xót cảnh cáo cho mọi người về những hậu quả của tội lỗi và tha thứ cho những ai hối cải.

Tiên Tri Joseph Smith (1805–1844) đã làm chứng rằng “tất cả đều nằm trong vòng thương xót và tha thứ” (“Discourse, 3 October 1841, as Published in Times and Seasons”, trang 577, josephsmithpapers.org).

  • Sự hiểu biết về thiên tính đầy thương xót và tha thứ của Chúa có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta cảm nhận về những tội lỗi của mình và về sự hối cải?

Điều quan trọng là phải hiểu rằng mặc dù Chúa giàu lòng thương xót, nhưng Ngài cũng hoàn toàn công bình. Ngài không phớt lờ hay bỏ qua những hậu quả của các tội lỗi của chúng ta. Nhưng vì Đấng Cứu Rỗi đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta trong Sự Chuộc Tội của Ngài và “đáp ứng những đòi hỏi của công lý” (Mô Si A 15:9), nên Ngài ban cho chúng ta sự tha thứ khi chúng ta hối cải.

  • Sự hiểu biết về công lý và lòng thương xót toàn hảo của Chúa có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của em với Ngài?

Hãy tưởng tượng sự khác biệt mà sự hiểu biết sâu sắc hơn về Chúa có thể mang lại cho người phụ nữ mà Chủ Tịch Nelson đã nói đến ở phần đầu của bài học. Hãy chuẩn bị một lời giải thích cho chị ấy bằng cách thực hiện những điều sau đây:

Hãy nhắc học viên sử dụng phần chuẩn bị cho buổi học của các em trong sinh hoạt sau đây. Các em có thể hoàn thành sinh hoạt này theo cặp. Một học viên có thể hoàn thành sinh hoạt A và học viên kia hoàn thành sinh hoạt B. Các em có thể chia sẻ những điều các em đã làm với nhau và sau đó cùng nhau hoàn thành sinh hoạt C.

Đối với sinh hoạt C, học viên có thể đóng kịch như thể các em đang giảng dạy cho người phụ nữ đó. Hãy đi quanh phòng và lắng nghe khi các em giảng dạy. Hãy xác định xem các em có cần trợ giúp thêm để hiểu sứ điệp của Sa Mu Ên hay không. Nếu các em cần, hãy cân nhắc chỉ ra những từ hoặc cụm từ cụ thể từ các đoạn để giúp các em thực hiện sinh hoạt A.

Anh chị em có thể muốn trưng ra các hướng dẫn cho từng sinh hoạt.

  1. Hãy chọn ít nhất hai cụm từ trong các câu em đã đọc trong Hê La Man, hoặc xác định các đoạn khác mà minh họa cho thiên tính đầy tha thứ của Chúa khi chúng ta hối cải, chẳng hạn như Mô Si A 26:30 hoặc Mô Rô Ni 6:8. Những cụm từ này có thể giúp ích như thế nào cho người phụ nữ đó?

  2. Không cần chia sẻ chi tiết về tội lỗi trong quá khứ, hãy cung cấp một ví dụ từ cuộc sống của em, cuộc sống của những người khác, hoặc thánh thư trong đó thiên tính đầy thương xót và tha thứ của Chúa được thể hiện rõ. Để xem một số ví dụ, em có thể ôn lại Lu Ca 7:36–50 hoặc Ê Nót 1:1–8. ChurchofJesusChrist.org

    3:41
  3. Sử dụng các đoạn hoặc ví dụ mà em đã xác định, hãy giúp người phụ nữ hiểu rằng Chúa mở rộng lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài cho chúng ta khi chúng ta hối cải.

Cũng hãy cân nhắc chia sẻ các cụm từ thánh thư hoặc kinh nghiệm của mình.

Chủ Tịch Nelson đã chia sẻ những điều đã xảy ra với người phụ nữ này. Xem “Sự Hối Cải và Sự Cải Đạo”, trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ phút 0:50 đến 1:27, hoặc đọc lời phát biểu sau đây.

2:3

Trong khi chị nói, vẻ tuyệt vời của tâm hồn chị bắt đầu rõ nét lên. Với lời cầu khẩn trong nước mắt, chị hỏi có hy vọng nào cho chị không, có lối thoát nào ra khỏi tình trạng tuyệt vọng của chị không?

Chúng tôi đáp: “Có chứ, có hy vọng. Hy vọng được kết nối với sự hối cải. Chị có thể thay đổi. Chị có thể ‘đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài’ [Mô Rô Ni 10:32]”. Chúng tôi khuyến khích chị đừng trì hoãn [xin xem An Ma 13:27; 34:33]. Chị nức nở khóc một cách khiêm nhường và thành thật cám ơn chúng tôi. (Russell M. Nelson, “Sự Hối Cải và Sự Cải Đạo”, Liahona, tháng Năm năm 2007, trang 102)

Hãy làm chứng về lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa. Khuyến khích học viên chân thành suy ngẫm những điều sau đây.

Bài học tiếp theo sẽ tập trung vào sự hối cải và cách chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại mà chúng ta gặp phải trong sự hối cải của mình.

Hãy dành thời gian để suy ngẫm một cách chân thành về việc hiểu Chúa hơn có thể giúp đỡ em như thế nào khi em phạm tội. Viết ra những điều em đã học được và cảm nhận mà có ý nghĩa nhất đối với mình và lý do tại sao. Hãy suy nghĩ làm thế nào mà việc hiểu rõ hơn về thiên tính đầy thương xót và tha thứ của Chúa và sự hối cải thường có thể mang lại nhiều bình an hơn cho cuộc sống của em.

Cân nhắc chia sẻ những điều em đã học được và cảm nhận được hôm nay với người mà em yêu thương.