“3 Nê Phi 12:17–48: ‘Ta Muốn Các Ngươi Phải Được Toàn Hảo’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“3 Nê Phi 12:17–48”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
3 Nê Phi 12:17–48
“Ta Muốn Các Ngươi Phải Được Toàn Hảo”
Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy rằng chúng ta phải “được toàn hảo” vì Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta là toàn hảo (3 Nê Phi 12:48). Mặc dù lệnh truyền này có thể quá sức với chúng ta, nhưng nó cung cấp những hiểu biết sâu sắc có ý nghĩa về thiên tính của Cha Thiên Thượng của chúng ta và Chúa Giê Su Ky Tô. Điều đó cũng dạy chúng ta rằng chúng ta có thể trở nên giống như hai Ngài. Bài học này nhằm giúp em hiểu được tiềm năng của mình để trở nên toàn hảo như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.
Bày tỏ tình yêu thương và những kỳ vọng cao. Khi giảng viên thực sự yêu thương học viên của mình, thì họ sẽ quan tâm rất nhiều đến sự tiến triển và thành công của các em đến mức chỉ với một chút nỗ lực từ phía học viên cũng đủ làm họ hài lòng. Hãy ân cần khuyến khích học viên của anh chị em phát huy tiềm năng của mình với tư cách là học viên và là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.
Học viên chuẩn bị: Mời học viên nghiên cứu đoạn đầu tiên dưới mục “Hoàn Hảo” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư và chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ những điều các em thấy có ý nghĩa nhất về định nghĩa này và lý do tại sao.
Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Lưu ý: Mặc dù bài học này đề cập đến một vài khía cạnh của luật pháp cao hơn mà Chúa Giê Su đã dạy trong các câu 17–47, nhưng mục đích chính của bài học này là giúp học viên hiểu được những lẽ thật được dạy trong đoạn thông thạo giáo lý 3 Nê Phi 12:48. Nếu tốt nhất là cho học viên dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu các khía cạnh của luật pháp cao hơn, hãy thoải mái dành hai buổi để nghiên cứu tài liệu trong bài học này và thay thế một bài học tương lai.
Có một số ý tưởng trong phần “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” mà có thể hữu ích để giảng dạy các khía cạnh khác của luật pháp cao hơn.
Tiềm năng của em
Hãy trưng ra các hình ảnh sau đây hoặc các hình ảnh khác mà cho thấy một điều gì đó chưa được phát triển một cách trọn vẹn.
-
Những điều này có thể trở thành gì khi chúng được phát triển một cách trọn vẹn?
-
Chúng cần gì để đạt được tiềm năng của mình?
-
Mỗi đứa trẻ có tiềm năng gì trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng?
-
Việc hiểu được tiềm năng thiêng liêng của em ảnh hưởng như thế nào đến những quyết định của em? Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến cách em cảm nhận về bản thân?
Khi nghiên cứu bài học ngày hôm nay, hãy suy nghĩ xem em đã trưởng thành và học được bao nhiêu trong suốt cuộc đời mình và em vẫn có thể trở thành người như thế nào với sự giúp đỡ của Thượng Đế.
Lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để đạt được tiềm năng của chúng ta
Trong 3 Nê Phi 12:17–47, Chúa Giê Su đã chia sẻ một số ví dụ từ luật pháp của Môi Se với những người dân trong Sách Mặc Môn. Sau mỗi ví dụ, Ngài đều đưa ra lời giải thích về một luật pháp cao hơn hoặc lời mời gọi để sống một mức độ ngay chính cao hơn mà có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn những điều Ngài và Cha Thiên Thượng muốn chúng ta trở thành.
Để học viên xem các ví dụ về luật pháp cao hơn mà Chúa Giê Su đã dạy, thì anh chị em có thể chia lớp học thành ba nhóm và chỉ định cho mỗi nhóm đọc một trong các nhóm câu thánh thư sau đây: 3 Nê Phi 12:21–22, 27–29, và 38–42, tìm kiếm những cách mà Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta tiến triển tới tiềm năng của mình. Hãy mời học viên chia sẻ cách Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta sống một mức độ ngay chính cao hơn trong những câu này. Anh chị em có thể giúp học viên nghĩ ra các ví dụ về cách tuân theo những luật pháp này trong thời kỳ của chúng ta.
-
Những lời giảng dạy này có thể giúp chúng ta trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn bằng những cách nào?
Hãy đọc 3 Nê Phi 12:48, tìm kiếm tiềm năng trọn vẹn mà Chúa Giê Su Ky Tô biết có trong mỗi người chúng ta.
3 Nê Phi 12:48 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách riêng biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Trong bài học tiếp theo, em sẽ có cơ hội thực hành áp dụng giáo lý được dạy trong đoạn này vào một câu hỏi hoặc một tình huống.
Câu này dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta trở nên toàn hảo như Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta.
Cân nhắc yêu cầu học viên viết câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên dưới đây lên các tờ giấy, sau đó nộp lại các tờ giấy. Anh chị em có thể đọc một số câu hỏi hoặc thắc mắc của các em vào cuối bài học và để cho học viên trả lời với những điều các em đã học được.
-
Em nghĩ mọi người có thể có những câu hỏi hoặc thắc mắc nào về lời giảng dạy này? Tại sao?
-
Điều gì mang lại cho em hy vọng hoặc sự tin tưởng rằng việc trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là điều có thể?
-
Lẽ thật này có thể liên quan như thế nào đến các bức tranh từ đầu bài học?
Tình yêu thương toàn hảo của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô
Trở nên toàn hảo là trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Luật pháp cao hơn mà Chúa Giê Su đã dạy trong chương này có thể giúp chúng ta hiểu được tính cách và các thiên tính của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Khi chúng ta hiểu rõ hơn hai Ngài là ai, thì chúng ta có thể cố gắng trở nên giống như hai Ngài và đạt được hy vọng rằng hai Ngài sẽ kiên nhẫn giúp đỡ chúng ta khi chúng ta cố gắng tiến triển.
Hãy đọc 3 Nê Phi 12:43–45 và lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tìm kiếm điều mà những câu đó dạy về Cha Thiên Thượng và tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi cảm kích khi biết rằng bất chấp những điều không hoàn hảo của tôi, ít nhất Thượng Đế là hoàn hảo—rằng, ví dụ, ít nhất Ngài có thể yêu kẻ thù của Ngài bởi vì quá thường xuyên, do “con người thiên nhiên” trong chúng ta, mà đôi khi các anh chị em và tôi lại chính là kẻ thù đó. Tôi biết ơn rằng ít nhất Thượng Đế có thể ban phước cho những người đã thù ghét Ngài vì, dù không muốn hoặc cố ý làm như vậy, tất cả chúng ta đôi khi đều thù ghét Ngài. (Jeffrey R. Holland, “Thế Thì Cuối Cùng—Các Ngươi Hãy Nên Trọn Vẹn”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 41)
-
Tại sao là điều an ủi khi biết rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương kẻ thù của hai Ngài và ban phước cho những kẻ đã thù ghét hai Ngài?
-
Làm thế nào mà tình yêu thương, sự giúp đỡ và sự kiên nhẫn của hai Ngài có thể cho em hy vọng để đạt được sự toàn hảo vào một ngày nào đó?
Sự toàn hảo là một tiến trình chỉ có thể được thực hiện nhờ Chúa Giê Su Ky Tô
Việc tự hỏi liệu có thể trở nên toàn hảo hay không là lẽ tự nhiên. Nếu chúng ta phải tự mình đạt được sự toàn hảo, hoặc nếu điều đó phải được thực hiện trong cuộc sống trần thế của chúng ta, thì điều đó là bất khả thi.
Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 76:69–70 và Mô Rô Ni 10:32–33, tìm kiếm những điều làm cho chúng ta có thể trở nên toàn hảo. Hãy cân nhắc tham khảo chéo các đoạn này với 3 Nê Phi 12:48.
-
Điều gì có thể làm cho tất cả mọi người cuối cùng có thể trở nên toàn hảo?
Nếu học viên gặp khó khăn để trả lời câu hỏi trước đó, hãy nhớ giải thích rằng chỉ nhờ Chúa Giê Su Ky Tô thì chúng ta mới có thể trở nên toàn hảo. Việc đó là không thể nếu không có Ngài. Khi chúng ta hối cải hằng ngày và không ngừng tìm cách phát triển về phần thuộc linh, thì chúng ta đang được toàn thiện nơi Đấng Ky Tô.
Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 93:11–13 và tìm kiếm điều mà những câu đó bổ sung cho sự hiểu biết của chúng ta về sự toàn hảo của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Tại sao điều quan trọng là cần hiểu rằng ngay cả sự toàn hảo của Chúa Giê Su Ky Tô cũng là một tiến trình?
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy những điều sau đây về định nghĩa và tiến trình của sự toàn hảo:
Xin lưu ý rằng từ [toàn hảo] không ám chỉ “không còn lỗi lầm nữa”. …
Chúng ta không cần phải mất tinh thần nếu các nỗ lực sốt sắng của chúng ta hướng tới sự toàn hảo bây giờ dường như đầy [gian khổ] và vô tận. Sự toàn hảo sẽ đến. Sự toàn hảo chỉ có thể đến một cách trọn vẹn sau Sự Phục Sinh và chỉ qua Chúa mà thôi. Sự toàn hảo chờ đợi tất cả những người yêu mến Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. (Russell M. Nelson, “Perfection Pending”, Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 86, 88)
-
Lời phát biểu này bổ sung gì cho sự hiểu biết của em về sự toàn hảo?
Phần cuối của bài học cho học viên cơ hội thể hiện sự hiểu biết của các em về tiềm năng của chúng ta để trở nên toàn hảo như Thượng Đế.
Một cách để thực hiện điều này là đọc một số câu hỏi và điều lo lắng mà học viên đã viết ra trước đó trong bài học. Hãy cho phép học viên chia sẻ những điều các em đã học được có thể áp dụng như thế nào cho mỗi câu hỏi hoặc điều lo lắng.
Hãy tưởng tượng rằng em đã được yêu cầu để đưa ra một ý kiến thuộc linh kéo dài từ hai đến ba phút trong sinh hoạt tiếp theo dành cho giới trẻ của mình. Các lãnh đạo yêu cầu em chia sẻ những suy nghĩ của mình về lý do tại sao lời dạy trong 3 Nê Phi 12:48 sẽ cho chúng ta hy vọng. Ghi ra những suy nghĩ của em. Hãy bao gồm câu trả lời cho những câu hỏi sau đây:
-
Trở nên toàn hảo có nghĩa là gì? Điều đó không có nghĩa là gì?
-
Làm thế nào mà những điều em biết về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mang lại cho em hy vọng trở nên giống như hai Ngài?
Hãy cân nhắc chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về gốc tích của mỗi học viên với tư cách là con cái của Thượng Đế và tiềm năng của các em để trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô theo thời gian và với sự giúp đỡ của hai Ngài.