Lớp Giáo Lý
3 Nê Phi 12:1–16: “Phước Thay Cho Các Ngươi”


“3 Nê Phi 12:1–16: ‘Phước Thay Cho Các Ngươi’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“3 Nê Phi 12:1–16”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

3 Nê Phi 12:1–16

“Phước Thay Cho Các Ngươi”

Đấng Ky Tô đang giảng dạy ở Châu Mỹ

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn ban phước cho chúng ta. Chúng ta có thể chắc chắn rằng khi chúng ta làm theo lời khuyên bảo của hai Ngài, thì chúng ta sẽ nhận được phước lành của hai Ngài theo kỳ định và cách thức của hai Ngài. Khi giảng dạy cho dân Nê Phi, Chúa Giê Su đã tuyên bố nhiều phước lành mà chúng ta có thể nhận được. Bài học này có thể giúp em chuẩn bị để nhận được các phước lành mà Đấng Cứu Rỗi đã nói đến khi em phấn đấu tuân theo lời khuyên bảo của Ngài.

Tập trung vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và xem hai Ngài là nguồn gốc cho các phước lành của chúng ta. Khi nghiên cứu thánh thư và thảo luận về các phước lành đã hứa, hãy nhấn mạnh rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của những phước lành đó.

Học viên chuẩn bị: Để giúp chuẩn bị cho tấm lòng của học viên để nghiên cứu bài giảng của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi, mà tương tự với Bài Giảng trên Núi của Ngài, hãy cân nhắc mời các em suy ngẫm lời phát biểu này từ Chủ Tịch Joseph Fielding Smith (1876–1972). Ông nói rằng Bài Giảng trên Núi là “[bài giảng] tuyệt vời nhất đã từng được thuyết giảng, cho đến bây giờ theo sự hiểu biết của chúng ta” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph Fielding Smith [năm 2013], trang 234).

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Được ban phước

Để giúp học viên suy nghĩ về ý nghĩa thực sự của việc được ban phước, hãy cân nhắc vẽ một trang bìa tạp chí đơn giản lên trên bảng. Đặt tên cho tạp chí chẳng hạn như là Tạp Chí để Thành Công trong Thế Gian và viết tựa bài viết đặc biệt là “Năm Người May Mắn Nhất trong Năm”.

Hãy mời học viên lên trên bảng và viết một vài phước lành lên trang bìa tạp chí mà các em cho rằng bài viết sẽ tập trung vào đó.

Vẽ một trang bìa tạp chí tương tự có bài viết đặc biệt y hệt ở phía bên kia của bảng, nhưng lần này đặt tên cho tạp chí là Liahona. Hãy mời học viên viết một vài phước lành mà các em nghĩ rằng bài viết trong tạp chí của Giáo Hội sẽ tập trung vào.

  • Em mong đợi bài viết sẽ tập trung vào những phước lành cụ thể nào làm tiêu chí để lựa chọn?

Bây giờ hãy tưởng tượng một bài viết trong tạp chí Liahona có cùng một tiêu đề.

  • Em mong đợi bài viết sẽ nói về những phước lành cụ thể nào như những phước lành lớn nhất mà bất kỳ ai cũng có thể có?

  • Em nghĩ tại sao Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài dạy chúng ta xem trọng nhất các phước lành khác với những gì mà nhiều người trên thế gian tìm kiếm?

Trong 3 Nê Phi 12–14, Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy cho dân Nê Phi một bài giảng rất giống với Bài Giảng trên Núi của Ngài trong Kinh Tân Ước. Chủ Tịch Joseph Fielding Smith (1876–1972) đã nói rằng Bài Giảng trên Núi là “[bài giảng] tuyệt vời nhất đã từng được thuyết giảng, cho đến bây giờ theo sự hiểu biết của chúng ta” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph Fielding Smith [năm 2013], trang 234).

Hôm nay, trong khi nghiên cứu phần bài giảng của Đấng Cứu Rỗi được gọi là Những Lời Chúc Phước, em sẽ có cơ hội học những cách mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn ban phước cho em. Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973) đã nói Những Lời Chúc Phước của Đấng Cứu Rỗi là “tiêu chuẩn cho một cuộc sống hoàn hảo” và giải thích rằng “trong Bài Giảng trên Núi, Đức Thầy đã tiết lộ cho chúng ta phần nào về cá tính của Ngài, một cá tính hoàn hảo, … và khi làm như vậy đã cho chúng ta một mẫu mực cho cuộc sống của chính chúng ta” (Decisions for Successful Living [năm 1973], trang 56–57). Khi em học, hãy suy ngẫm tại sao những phước lành mà Đấng Ky Tô ban cho trong bài giảng này lại có giá trị hơn bất kỳ phước lành nào khác mà thế gian mang lại.

Những Lời Chúc Phước ở Châu Mỹ

Hãy đọc 3 Nê Phi 12:1–12 và đánh dấu từ “được ban phước” và bất kỳ những phước lành mà em thấy Đấng Cứu Rỗi nêu ra trong những câu này. Hãy lưu ý rằng từ “được ban phước” trong những câu này có nghĩa là cực kỳ may mắn hoặc được Chúa ưu ái.

Cân nhắc mời học viên đếm xem các em đã nhìn thấy từ “được ban phước” bao nhiêu lần và chia sẻ những phước lành mà các em đã tìm thấy.

  • Khi xem xét tất cả những phước lành mà Đấng Cứu Rỗi đã nêu trong những câu này, thì em biết điều gì về Ngài và Đức Chúa Cha của Ngài?

Một lẽ thật mà chúng ta có thể học được từ đoạn này là Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su vui mừng ban phước cho chúng ta khi chúng ta phấn đấu tuân theo lời khuyên bảo của hai Ngài.

Hãy đọc 3 Nê Phi 12:1–2 và cân nhắc đánh dấu những điều Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta làm nếu chúng ta tìm kiếm những phước lành mà Ngài và Cha của Ngài ban cho chúng ta.

Cân nhắc mời học viên trả lời những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập trước khi mời những học viên tình nguyện chia sẻ câu trả lời của các em với cả lớp. Học viên cũng có thể chia sẻ với một người bạn cùng cặp hoặc với một nhóm nhỏ.

  • Em nghĩ tại sao Thượng Đế ban phước cho những người “chú tâm theo lời của mười hai vị này là những người được [Ngài] lựa chọn”? (3 Nê Phi 12:1).

  • Thượng Đế đã ban phước như thế nào cho em hoặc những người khác mà em biết vì đã chú tâm làm theo những lời của các vị tiên tri và sứ đồ?

Nếu thời gian cho phép, thì hãy mời học viên tra cứu các bài nói chuyện tại đại hội trung ương gần đây của các thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hoặc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và chia sẻ những cách các em nghĩ rằng chúng ta được ban phước vì đã chú tâm làm theo những lời dạy cụ thể mà các em tìm thấy.

Tìm kiếm những phước lành

Trước khi học viên đọc các câu sau đây, hãy cân nhắc vẽ hai cột lên trên bảng gồm những phước lành từ các câu được liệt kê trong một cột và những hành động hoặc điều kiện mà dẫn đến những phước lành được liệt kê đó theo thứ tự ngẫu nhiên trong cột còn lại. Hãy mời học viên cố gắng ghép các phước lành với các hành động hoặc điều kiện tương ứng của chúng. Sau đó, các em có thể sử dụng 3 Nê Phi 12:3–12 để kiểm tra câu trả lời của mình.

Hãy đọc lại 3 Nê Phi 12:3–12, lần này tìm kiếm những điều kiện mà Đấng Cứu Rỗi đã gắn với mỗi phước lành. Hãy cân nhắc đánh dấu những điều kiện này khác với cách em đánh dấu các phước lành, chẳng hạn như bằng cách sử dụng các màu sắc khác nhau hoặc khoanh tròn thay vì tô sáng.

Để có một ý tưởng thay thế cho việc giảng dạy Những Lời Chúc Phước, hãy tham khảo sinh hoạt “Bảng biểu Những Lời Chúc Phước” nằm trong “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” của bài học này.

Hãy chọn một phước lành từ những câu này mà em muốn nhận được. Chú ý đến hành động hoặc điều kiện mà dẫn đến phước lành đó. Hãy nghiên cứu hành động hoặc điều kiện đó bằng cách sử dụng các nguồn tài liệu sẵn có, chẳng hạn như Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, ứng dụng Thư Viện Phúc Âm, hoặc cước chú.

Hãy cân nhắc mời học viên di chuyển quanh phòng, tìm những bạn mà đã nghiên cứu các đoạn khác và chia sẻ câu trả lời của các em cho các câu hỏi sau đây.

  • Em đã học được gì về những điều được đòi hỏi ở những người mong muốn phước lành mà em nghiên cứu?

  • Đấng Cứu Rỗi đã minh họa cho hành động hoặc điều kiện đó như thế nào? Tấm gương của Ngài có thể giúp em hiểu rõ hơn như thế nào về cách em có thể kiếm tìm phước lành đó?

Hãy nhớ rằng vì Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta, nên Ngài sẽ ban phước cho chúng ta theo kỳ định và cách thức của Ngài. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:64.)

Nếu anh chị em cảm thấy học viên có thể cần được khuyến khích thêm để tin cậy nơi Chúa và kỳ định của Ngài, thì anh chị em cũng có thể chia sẻ lời phát biểu của Chủ Tịch Dallin H. Oaks trong phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin Tham Khảo”.

Bây giờ em đã xác định được một phước lành mà em mong muốn và nghiên cứu cách mời phước lành đó vào cuộc sống của mình, hãy lập một kế hoạch về cách em có thể tìm kiếm phước lành đó. Những câu hỏi sau đây có thể hữu ích:

  • Em có thể làm những điều cụ thể nào để tìm kiếm phước lành đó?

  • Khi nào thì em dự định bắt đầu làm?

  • Em có thể gặp phải những trở ngại nào, và làm cách nào em có thể vượt qua những trở ngại đó?

Có thể là hữu ích khi chia sẻ cách em đã nhìn thấy bất kỳ phước lành nào trong cuộc sống của mình và chứng ngôn của em về mong muốn ban phước cho chúng ta của Đấng Cứu Rỗi.