Lớp Giáo Lý
Thông Thạo Giáo Lý: 3 Nê Phi 12:48—“Phải Được Toàn Hảo như Ta, hay như Cha Các Ngươi trên Trời Là Toàn Hảo Vậy”


“Thông Thạo Giáo Lý: 3 Nê Phi 12:48—‘Phải Được Toàn Hảo như Ta, hay như Cha Các Ngươi trên Trời Là Toàn Hảo Vậy’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Thông Thạo Giáo Lý: 3 Nê Phi 12:48”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Thông Thạo Giáo Lý: 3 Nê Phi 12:48

“Phải Được Toàn Hảo như Ta, hay như Cha Các Ngươi trên Trời Là Toàn Hảo Vậy”

em thiếu nữ đang suy ngẫm

Trong khi nghiên cứu 3 Nê Phi 12, em đã học về việc trở nên toàn hảo giống như Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng. Bài học này sẽ giúp học viên học thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt trong 3 Nê Phi 12:48, giải thích giáo lý được dạy trong đoạn này và áp dụng các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh vào những tình huống thực tế.

Tạo môi trường học tập tích cực.Khi anh chị em chuẩn bị bài học và tương tác với học viên, hãy tìm những cách để mời học viên tích cực tham gia. Ví dụ như mời học viên viết lên bảng, trình bày những điều các em học được cho cả lớp hoặc chọn từ các lựa chọn học tập khác nhau. Việc làm như vậy sẽ giúp học viên tham gia học tập và giúp các em đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn.

Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên học thuộc lòng 3 Nê Phi 12:48 trước khi đến lớp. Anh chị em có thể mời các em tập đọc thuộc lòng thánh thư cho các học viên khác nghe trong thời gian sắp vào lớp, có thể đọc trực tiếp, thông qua tin nhắn, hoặc theo một cách khác.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Bài học về đoạn thông thạo giáo lý này được thiết kế để dạy sau bài học “3 Nê Phi 12:17–48”, là bài học theo ngữ cảnh cho đoạn thông thạo giáo lý 3 Nê Phi 12:48. Nếu cần chuyển bài học về đoạn thông thạo giáo lý này sang một tuần khác thì hãy nhớ dạy bài học về bối cảnh tương ứng trong tuần đó.

Giải thích và học thuộc lòng

Trong bài học trước, em đã học được lẽ thật sau đây: Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta trở nên toàn hảo như Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Hãy tưởng tượng rằng em có một người bạn tin rằng Thượng Đế không kỳ vọng gì ở chúng ta ngoài việc tử tế và tôn trọng người khác.

  • Em sẽ giải thích 3 Nê Phi 12:48 như thế nào để bổ sung cho sự hiểu biết của người bạn của mình?

Hãy cân nhắc cho học viên thời gian để viết ra câu trả lời của các em cho câu hỏi trước đó. Khi các em hoàn thành, thì hãy mời một vài học viên tình nguyện chia sẻ với cả lớp về những điều các em đã viết, diễn lại cuộc trò chuyện hoặc chia sẻ câu trả lời của các em với một người bạn cùng cặp. Khi học viên trả lời, hãy chắc chắn rằng các em hiểu Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mong đợi chúng ta phấn đấu để trở nên giống hai Ngài, rằng sự toàn hảo chỉ có thể có được nhờ sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho sự toàn hảo trở thành một khả năng trong tương lai, bất kể những tội lỗi và sai lầm của chúng ta là gì đi nữa.

Cụm từ thánh thư then chốt trong 3 Nê Phi 12:48 là “Phải được toàn hảo như ta, hay như Cha các ngươi trên trời là toàn hảo vậy”. Hãy sử dụng phương pháp sau đây, hoặc một phương pháp khác mà em chọn, để giúp em học thuộc lòng phần tham khảo và cụm từ thánh thư then chốt.

Chọn bất kỳ phương pháp nào để giúp học viên học thuộc lòng cụm từ then chốt và phần tham khảo cho đoạn này. Sinh hoạt sau đây là ví dụ về một cách thức để anh chị em có thể thực hiện điều này:

Đối với sinh hoạt này, hãy đưa cho mỗi học viên một nửa tờ giấy và khuyến khích các em viết các cụm từ ở các góc ngẫu nhiên của tờ giấy. Khi các em đã hoàn thành sinh hoạt này trên tờ giấy của riêng mình, thì các em có thể trao đổi giấy với các học viên khác và lặp lại sinh hoạt này.

Hãy viết “3 Nê Phi 12:48” ở giữa một tờ giấy. Ở một góc của tờ giấy, hãy viết các từ “Phải được toàn hảo”. Ở một góc khác, hãy viết “như ta”. Ở một góc khác, hãy viết “hay như Cha các ngươi trên trời”. Ở góc cuối cùng, hãy viết “là toàn hảo vậy”. Cố gắng học thuộc lòng phần tham khảo thánh thư và cụm từ thánh thư then chốt bằng cách chạm theo thứ tự vào mỗi cụm từ bằng bút chì hoặc ngón tay của em, bắt đầu với phần tham khảo ở giữa. Việc nói to các từ khi em chạm vào các từ đó có thể giúp ích. Sau khi làm điều này một vài lần, hãy thử đọc thuộc lòng phần tham khảo và toàn bộ cụm từ.

Thực hành cách áp dụng

Hãy chia lớp thành các nhóm gồm ba học viên. Hãy mời mỗi học viên chọn một trong các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh (xin xem Tài Liệu Chính Yếu cho phần Thông Thạo Giáo Lý [năm 2023], “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh,” các đoạn 5–12). Hãy yêu cầu học viên xem lại nhanh nguyên tắc đó, rồi giải thích nguyên tắc đó cho nhóm của các em.

Hãy sử dụng tình huống sau đây để giúp em áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 12:48 và các nguyên tắc để đạt được sự hiểu biết thuộc linh.

Hãy thoải mái thay đổi tên hoặc thay đổi tình huống để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của các học viên.

John là một thiếu niên tin nơi Thượng Đế. Tuy nhiên, có một số khía cạnh của phúc âm mà em ấy không thích nghĩ đến. Một trong số đó là lời khuyên bảo của Đấng Cứu Rỗi để trở nên toàn hảo. Em ấy đã cố gắng thực hiện những thay đổi và trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn nhưng vẫn tiếp tục thiếu sót. Em ấy cảm thấy như mình đã thất bại, vì vậy sự toàn hảo đối với em ấy là điều không thể.

Để thêm sự đa dạng cho các sinh hoạt nghiên cứu sau đây, hãy cân nhắc để cả lớp nghiên cứu phần “Hành động trong đức tin” của bài học này và các phần khác theo các nhóm nhỏ hoặc với người bạn cùng cặp. Sau đó, học viên có thể tự mình trả lời câu hỏi cuối cùng.

Xem xét các khái niệm và các câu hỏi bằng một quan điểm vĩnh cửu

Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý dạy rằng khi đối phó với một vấn đề thử thách, chúng ta có thể “điều chỉnh lại câu hỏi (để nhìn nhận câu hỏi theo một cách khác) và xem xét các ý tưởng dựa trên tiêu chuẩn lẽ thật của Chúa thay vì chấp nhận các giả thuyết hoặc giả định của thế gian” (trang 3). Những câu hỏi sau đây có thể giúp ích cho tiến trình này.

  • Em nghĩ Chúa nhìn nhận sự toàn hảo khác như thế nào so với nhiều người trên thế gian?

  • Sự hiểu biết của chúng ta về kế hoạch cứu rỗi và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta hiểu rõ hơn những điều Đấng Cứu Rỗi dạy trong 3 Nê Phi 12:48 như thế nào?

Tìm kiếm thêm sự hiểu biết qua các nguồn phương tiện thiêng liêng đã được Chúa quy định

  • Em có thể sử dụng như thế nào những điều đã học được trong 3 Nê Phi 12:48 về việc trở nên toàn hảo để giải đáp thắc mắc của John?

Cân nhắc mời học viên tìm kiếm thánh thư hoặc lời phát biểu từ các lãnh đạo Giáo Hội mà có thể giúp John hiểu rõ hơn lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 12:48. Nếu học viên cần trợ giúp, thì anh chị em có thể đề xuất một số câu thánh thư dưới đây.

Ngoài ra, còn có các bài nói chuyện tại đại hội trong phần “Những Sinh Hoạt Học Tập Bổ Sung” mà có thể hữu ích.

  • Những hiểu biết sâu sắc mà em đã tìm thấy có thể giúp John như thế nào với thắc mắc của em ấy?

Hành động theo đức tin

Hãy đọc các đoạn 5–7 của phần “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh” của Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý, tìm kiếm những điều John có thể làm để hành động trong đức tin.

  • Em nghĩ những lời giảng dạy nào trong số này có thể giúp ích cho John? Tại sao?

  • John có thể cầu nguyện về điều gì mà sẽ giúp ích cho hoàn cảnh của em ấy?

  • Em sẽ đề nghị John làm gì để “sống theo đức tin” cho đến khi em ấy nhận được sự hiểu biết nhiều hơn về tiềm năng trở nên toàn hảo của mình?

    Hãy cân nhắc yêu cầu học viên tự mình trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

  • Những điều em đã học được trong 3 Nê Phi 12:48 về sự toàn hảo có thể ảnh hưởng như thế nào đến những cảm nghĩ và hành động của chính em?

Ôn lại phần thông thạo giáo lý

Hãy cân nhắc vẽ một tờ giấy lên trên bảng và viết phần tham khảo thánh thư 3 Nê Phi 12:48 ở giữa tờ giấy và các cụm từ ở mỗi góc như sinh hoạt học thuộc lòng trong bài học này dưới tiêu đề “Giải thích và học thuộc lòng”. Hãy chỉ vào từng cụm từ theo thứ tự và yêu cầu học viên đồng thanh nhắc lại các cụm từ đó. Hãy xóa một cụm từ và lặp lại sinh hoạt đó. Hãy tiếp tục xóa và lặp lại cho đến khi tất cả các cụm từ và phần tham khảo thánh thư đã được xóa.