Lớp Giáo Lý
Ê The 1–5: Khái Quát


“Ê The 1–5: Khái Quát”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Ê The 1–5”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Ê The 1–5

Khái Quát

Khi những kẻ tà ác cố gắng xây một ngọn tháp để lên trời, Chúa đã làm lộn xộn tiếng nói của chúng (xin xem Sáng Thế Ký 11:1–9). Anh của Gia Rết đã kêu cầu Chúa, cầu xin rằng Ngài sẽ tha cho gia đình và bạn bè của ông tránh khỏi sự lộn xộn ngôn ngữ này (xin xem Ê The 1:34–37), và Chúa đã đáp lại bằng lòng trắc ẩn. Khi anh trai của Gia Rết và dân của ông đóng các chiếc thuyền để vượt đại dương, họ đã gặp một số vấn đề nghiêm trọng. Anh của Gia Rết đã tìm đến Chúa với một kế hoạch để giải quyết các vấn đề của mình và khiêm nhường cầu nguyện với “đức tin lớn lao” (Ê The 3:9) đến nỗi ông đã thấy và trò chuyện với Chúa. Chúa đã truyền lệnh cho Mô Rô Ni niêm phong khải tượng được anh của Gia Rết ghi lại và giải thích rằng những phần này sẽ được tiết lộ khi mọi người có đức tin như anh của Gia Rết.

Chuẩn Bị Giảng Dạy

Thông tin sau đây cung cấp cho giảng viên ý tưởng về những điều có thể cần được chuẩn bị trước cho mỗi bài học.

Ê The 1

Mục đích của bài học: Bài học này nhằm soi dẫn cho học viên cầu nguyện một cách chân thành và kiên định hơn.

  • Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên đọc Ê The 1:34–37 và đánh dấu cụm từ “kêu cầu Chúa”. Yêu cầu học viên chuẩn bị trước để chia sẻ cụm từ này có ý nghĩa như thế nào đối với các em và nó có thể khác ra sao với cách mà đôi khi chúng ta cầu nguyện.

  • Video:The Tower of Babel” (0:58); “Những Sự Đáp Ứng cho Lời Cầu Nguyện” (12:39; xem từ phút 2:16 đến 4:31)

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Khi giả sử với học viên rằng các em đã được yêu cầu tham gia một hội thảo về việc cải thiện lời cầu nguyện của mình, thì hãy cân nhắc mời các em suy ngẫm các câu hỏi trong một hoặc hai phút trước khi chia sẻ. Để giúp cho sinh hoạt này giống như một hội thảo, thì hãy cân nhắc mời cha mẹ hoặc các em giới trẻ khác tham dự phần cuối cùng này của buổi học.

Ê The 2

Mục đích của bài học: Bài học này có thể giúp học viên biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa trong việc giải quyết các vấn đề của các em.

  • Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm từ bản thân hoặc những người khác mà các em biết trong việc nhận được sự giúp đỡ của Chúa để giải quyết các vấn đề.

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Hãy cân nhắc gửi cho học viên bảng biểu qua email để nghiên cứu Ê The 2. Trước khi xếp học viên vào các phòng thảo luận nhóm, thì hãy cân nhắc chỉ định một học viên trong mỗi nhóm làm người ghi chép và chia sẻ màn hình của các em để nhóm của các em có thể cùng nhau điền vào bảng biểu. Sau khi các nhóm hoàn thành, hãy mời một hoặc hai nhóm chia sẻ màn hình của các em với cả lớp để cùng xem bảng biểu đã hoàn thành.

Ê The 3

Mục đích của bài học: Bài học này nhằm giúp học viên khiêm nhường sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên nghĩ về ba người mà các em ngưỡng mộ từ lịch sử Giáo Hội hoặc thánh thư và cách mà những người này cho thấy đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Tài liệu phát tay:Đức Tin của Anh của Gia Rết

  • Video:Faith and the Goal” (4:40); “Rebuilding My Faith When I Felt Lost” (6:26)

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Hãy cân nhắc chia học viên vào các phòng thảo luận nhóm theo nhóm bốn người để thực hiện các sinh hoạt A, B, C và D. Hãy yêu cầu một học viên của mỗi nhóm làm trưởng nhóm và quyết định ai sẽ làm nhiệm vụ nào và các em nên phân chia theo thứ tự nào. Nếu không có đủ học viên cho chẵn các nhóm gồm bốn người, thì hãy cân nhắc có một vài nhóm ba người. Không cần thiết phải yêu cầu mỗi nhóm hoàn thành cả bốn sinh hoạt.

Ê The 4–5

Mục đích của bài học: Bài học này nhằm giúp học viên hiểu những điều các em có thể làm để nhận thêm sự mặc khải.

  • Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên đọc Ê The 4 như một phần của việc học thánh thư hằng ngày, và tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp các em nhận được thêm sự mặc khải từ Chúa.

  • Đồ vật: Một đồ vật có giá trị đối với em hoặc gia đình em

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Hãy cân nhắc gửi một tin nhắn trước buổi học để yêu cầu một vài học viên cho thấy một vật gì đó có giá trị đối với cá nhân các em hoặc gia đình các em trong bài học.

Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý 24

Mục đích của bài học: Bài học này có thể cho học viên cơ hội để gia tăng sự hiểu biết của các em và giải thích những lẽ thật có trong các đoạn thông thạo giáo lý khác nhau từ Sách Mặc Môn.

  • Học viên chuẩn bị: Hãy cân nhắc mời học viên thành tâm chọn một đoạn thông thạo giáo lý trong Sách Mặc Môn mà các em muốn hiểu rõ hơn. Hãy yêu cầu các em thảo luận về đoạn này với một người trong gia đình, bạn thân hoặc người lãnh đạo Giáo Hội và chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ những điều các em học được về đoạn này từ cuộc thảo luận của mình.

  • Gợi ý giảng dạy qua video trực tuyến: Hãy cân nhắc chỉ định mỗi học viên gửi câu hỏi về một đoạn thông thạo giáo lý cho một học viên khác. Anh chị em có thể làm điều này bằng cách chỉ định cho mỗi học viên một con số và yêu cầu các em gửi câu hỏi của mình cho người có số đó cộng với một (học viên có số lớn nhất sẽ gửi câu hỏi cho người mang số một). Sau đó, học viên sẽ cố gắng trả lời các câu hỏi và gửi lại vào cuối bài học.