Lớp Giáo Lý
Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý 24: Hiểu và Giải Thích


“Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý 24: Hiểu và Giải Thích”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý 24”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Ôn Lại Phần Thông Thạo Giáo Lý 24

Hiểu và Giải Thích

em thiếu niên đang học thánh thư

Sự thông thạo giáo lý có thể giúp em hiểu và giải thích giáo lý của Đấng Cứu Rỗi bằng lời của riêng mình. Bài học này sẽ cho em cơ hội để hiểu sâu hơn và giải thích các lẽ thật có trong các đoạn thông thạo giáo lý khác nhau từ Sách Mặc Môn.

Tìm hiểu thêm về các học viên của anh chị em.Hãy tìm kiếm cơ hội để hiểu về học viên. Việc quan sát và đặt ra những câu hỏi chân thành có thể giúp anh chị em hiểu được những điều quan trọng đối với mỗi học viên. Khi anh chị em hiểu thêm về học viên của mình, Đức Thánh Linh có thể giúp anh chị em tập trung sự giảng dạy dựa trên nhu cầu của các em.

Học viên chuẩn bị: Hãy cân nhắc mời học viên thành tâm chọn một đoạn thông thạo giáo lý trong Sách Mặc Môn mà các em muốn hiểu rõ hơn. Hãy yêu cầu các em thảo luận về đoạn này với một người trong gia đình, bạn thân hoặc người lãnh đạo Giáo Hội và chuẩn bị trước khi đến lớp để chia sẻ những điều các em học được về đoạn này từ cuộc thảo luận của mình.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Có thể cần dạy bài học về đoạn thông thạo giáo lý thay cho bài học ôn tập này. Hãy tham khảo thời khóa biểu về tiến độ giảng dạy do giám đốc hoặc điều phối viên giáo vùng hay khu vực cung cấp để đảm bảo rằng mỗi bài học về đoạn thông thạo giáo lý sẽ được giảng dạy trong khi tổ chức lớp giáo lý.

Đặt ra những câu hỏi

Hãy cân nhắc mời học viên tìm một người nào đó trong lớp mà các em có thể không biết rõ. Mời các em dành vài phút để đặt ra những câu hỏi nhằm giúp các em làm quen với nhau. Nếu hữu ích, thì hãy cho các em ví dụ về các câu hỏi mà các em có thể hỏi, chẳng hạn như “Bạn thích làm gì?” và “Bạn thích học môn gì ở trường?”

Hãy nghĩ về một người mà các em biết rõ.

  • Em đã làm quen với họ như thế nào?

  • Việc đặt ra các câu hỏi đóng vai trò gì trong khả năng làm quen với họ của em?

  • Mối quan hệ của em sẽ khác ra sao nếu em chưa bao giờ đặt ra bất kỳ câu hỏi nào?

Cũng giống như điều quan trọng là phải đặt câu hỏi để làm quen trực tiếp với một người nào đó, điều cũng cần thiết là phải đặt câu hỏi khi em nghiên cứu thánh thư để hiểu rõ hơn về Chúa Giê Su Ky Tô qua những câu hỏi đó.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Việc đạt được sự hướng dẫn từ thánh thư được hỗ trợ bằng cách đặt ra các câu hỏi thích hợp” (“Living by Scriptural Guidance”, Ensign, tháng Mười Một năm 2000, trang 18).

Việc đặt ra các câu hỏi về các đoạn thông thạo giáo lý có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các đoạn đó và mời sự hướng dẫn của Chúa một cách trọn vẹn hơn vào cuộc sống của chúng ta.

Hãy cân nhắc trưng ra 12 phần tham khảo thánh thư thông thạo giáo lý cuối cùng của Sách Mặc Môn hoặc cho học viên biết các em có thể tìm thấy những phần tham khảo này ở đâu trong Tài Liệu Chính Yếu cho Phần Thông Thạo Giáo Lý (năm 2023). Nếu muốn, hãy sử dụng tất cả 24 đoạn thông thạo giáo lý trong Sách Mặc Môn cho bài ôn tập này, hoặc chỉ chọn một vài đoạn, tùy thuộc vào nhu cầu của cả lớp.

Hãy cân nhắc thực hiện sinh hoạt sau đây cùng cả lớp bằng cách sử dụng một trong những đoạn thông thạo giáo lý đó. Sau đó, hãy mời học viên lặp lại sinh hoạt này bằng cách sử dụng một đoạn thông thạo giáo lý khác mà các em chọn. Học viên có thể làm việc theo nhóm, theo cặp hoặc một mình, tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích của các em.

Chọn một trong những đoạn thông thạo giáo lý mà em muốn hiểu rõ hơn và đọc kỹ đoạn đó. Hãy xác định ít nhất hai câu hỏi mà em có thể đặt ra về đoạn đó để hiểu rõ hơn và viết chúng ra. Ví dụ, khi em đọc 3 Nê Phi 27:20, em có thể hỏi: “Được thánh hóa có nghĩa là gì?” Hoặc khi em đọc Mô Rô Ni 10:3–5, em có thể hỏi: “Hỏi ‘với chủ ý thực sự’ có nghĩa là gì?”

Hãy tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi em đã nghĩ đến; sử dụng các công cụ nghiên cứu thánh thư như Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, hoặc kể cả các bài nói chuyện trong đại hội trung ương. Em có thể sử dụng các phương pháp học tập thánh thư khác mà em biết, chẳng hạn như nghiên cứu các câu thánh thư xung quanh để hiểu rõ hơn về ngữ cảnh của đoạn thánh thư đó.

Để giúp học viên tương tác với nhau, hãy cân nhắc yêu cầu các em viết đoạn thông thạo giáo lý mà các em đã chọn và các câu hỏi của các em trên một tờ giấy có tên của các em trên đó. Hãy mời học viên trao đổi giấy của các em với một học viên khác. Ngoài ra, hãy mời học viên chuyển giấy của các em lên phía trước để có thể xáo trộn và phát ngẫu nhiên các tờ giấy đó cho các học viên khác. Hãy yêu cầu học viên ghi lại câu trả lời cho các câu hỏi trên tờ giấy được phát cho các em. Sau khi đã cho học viên có đủ thời gian, thì hãy mời học viên trả lại các tờ giấy cho người có tên trên đó.

Hãy cho học viên thời gian để suy ngẫm những câu trả lời mà các học viên khác đã viết và, nếu hữu ích, hãy tìm kiếm những câu trả lời bổ sung trong thánh thư, qua lời cầu nguyện, v.v.

Hãy nhớ rằng, em có thể không tìm thấy câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của mình khi nghiên cứu. Nhưng khi em tiếp tục sử dụng đức tin nơi Chúa, thì Ngài sẽ giúp em biết lẽ thật về những điều em tìm kiếm.

Hãy mời một số học viên chia sẻ đoạn thông thạo giáo lý mà các em đã chọn, một số câu hỏi mà các em đã viết và câu trả lời mà các em hoặc bạn cùng lớp đã phát hiện ra. Ngoài ra, hãy cân nhắc hỏi xem đoạn đó đã giúp các em hiểu điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.

Nếu thời gian cho phép (hoặc vào một ngày khác), hãy cân nhắc mời học viên lặp lại sinh hoạt này bằng cách sử dụng một đoạn thông thạo giáo lý khác.

Hãy khuyến khích học viên tiếp tục đặt ra những câu hỏi về thánh thư và tìm kiếm câu trả lời.