Lớp Giáo Lý
Ê The 12:23–27: “Lúc Đó Ta Sẽ Làm Cho Những Điều Yếu Kém Trở Nên Mạnh Mẽ Đối Với Họ”


“Ê The 12:23–27: ‘Lúc Đó Ta Sẽ Làm Cho Những Điều Yếu Kém Trở Nên Mạnh Mẽ Đối Với Họ’”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)

“Ê The 12:23–27”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Ê The 12:23–27

“Lúc Đó Ta Sẽ Làm Cho Những Điều Yếu Kém Trở Nên Mạnh Mẽ Đối Với Họ”

Mô Rô Ni viết trên các bảng khắc

Khi Mô Rô Ni tiếp tục tóm lược sách Ê The, ông sợ Dân Ngoại sẽ chế giễu công việc này vì sự yếu kém trong khả năng viết lách của ông. Chúa đã trả lời rằng khi chúng ta đến cùng Ngài trong sự khiêm nhường và đức tin, thì Ngài có thể làm cho những điều yếu kém của chúng ta trở nên mạnh mẽ (xin xem Ê The 12:27). Bài học này nhằm giúp em đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô để vượt qua những yếu kém nhờ ân điển của Ngài.

Hãy lập kế hoạch cho các sinh hoạt học tập mà mời gọi sự xem xét nội tâm. Việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi phải kiên định học tập và quyết tâm hành động trong đức tin. Hãy lập kế hoạch cho các sinh hoạt học tập mà cho phép học viên tự đánh giá và thấy được việc áp dụng các nguyên tắc phúc âm có thể ban phước như thế nào cho cuộc sống của các em. Hãy khuyến khích học viên cố gắng tuân theo những sự thúc giục của Thánh Linh khi các em nghiên cứu.

Học viên chuẩn bị: Hãy mời học viên đọc Ê The 12:27 và nghĩ đến một điều yếu kém trong cuộc sống mà các em muốn vượt qua với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Yếu kém và mạnh mẽ

Hãy mời một học viên lên trước lớp và hoàn thành một nhiệm vụ mà đòi hỏi nhiều sức mạnh thể chất hơn so với khả năng hiện tại của em ấy. Hãy thảo luận về cách phát triển sức mạnh cần thiết để thành công trong nhiệm vụ này.

Trong cuộc sống trần thế, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những yếu kém. Đôi khi, việc này có thể làm ta nản lòng. Trong bài học này, em sẽ học về một mẫu mực mà Chúa đã dạy Mô Rô Ni có thể biến những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ.

Những băn khoăn của Mô Rô Ni

Mô Rô Ni được giao nhiệm vụ tóm lược câu chuyện về dân Gia Rết, và ông biết rằng nhiều người sẽ đọc câu chuyện này trong tương lai. Khi kết thúc bản tóm lược, ông đã ghi lại một số suy nghĩ cuối cùng của mình và bao gồm những băn khoăn và lo lắng của cá nhân về những điều ông được yêu cầu làm.

Hãy đọc Ê The 12:23–25, tìm kiếm những băn khoăn của Mô Rô Ni.

  • Mô Rô Ni đặc biệt lo lắng về điều gì?

Hãy cân nhắc thảo luận và liệt kê với cả lớp một số yếu kém phổ biến của thanh thiếu niên. Học viên có thể im lặng suy ngẫm và ghi vào nhật ký ghi chép việc học tập một số yếu kém của riêng các em mà các em muốn khắc phục. Hãy giải thích rằng học viên sẽ không chia sẻ những ý nghĩ cá nhân này với cả lớp.

Câu trả lời của Chúa dành cho Mô Rô Ni

Hãy đọc Ê The 12:26–27, tìm kiếm xem Chúa đã giải đáp cho những điều làm Mô Rô Ni bận tâm như thế nào.

Ê The 12:27 là một đoạn thông thạo giáo lý. Hãy cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách riêng biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Trong bài học tiếp theo, em sẽ có cơ hội thực hành áp dụng giáo lý được dạy trong đoạn này vào một câu hỏi hoặc một tình huống.

Hãy giúp học viên phân tích những lời phát biểu trong câu 27 được liệt kê dưới đây. Anh chị em có thể yêu cầu các em viết từng cụm từ lên trên bảng ở bốn góc khác nhau. Anh chị em có thể hướng dẫn cả lớp thảo luận bằng cách sử dụng nội dung dưới đây.

Ngoài ra, anh chị em có thể chia học viên thành các nhóm nhỏ và phát cho mỗi nhóm một tờ giấy. Hãy yêu cầu các nhóm chia tờ giấy thành bốn ô vuông. Trong mỗi ô vuông, học viên có thể ghi lại một trong những cụm từ trong câu 27. Sau đó, trong nhóm của mình, học viên có thể đưa ra các câu hỏi mà có thể giúp các em hiểu từng cụm từ. Sau khi ghi lại câu hỏi, các em có thể chia nhỏ các cụm từ và mỗi học viên tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi mà các em đã ghi lại.

“Nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ”

  • Em nghĩ đến cùng Đấng Ky Tô có nghĩa là gì?

Một số câu trả lời của học viên có thể là lập và tuân giữ các giao ước với Đấng Ky Tô và chọn tuân theo những lời giảng dạy và tấm gương của Ngài. Để trợ giúp thêm cho việc trả lời câu hỏi này, thì anh chị em có thể chỉ cho học viên bài viết “Những Đồ Hư Hại để Được Sửa Chữa Lại” của Anh Cả Jeffrey R. Holland, tại trang ChurchofJesusChrist.org.

Hãy lưu ý là Chúa nói rằng Ngài sẽ cho chúng ta thấy sự yếu kém của chúng ta nếu chúng ta đến cùng Ngài.

  • Tại sao đây là một phước lành đối với chúng ta?

Từ sự yếu kém trong cụm từ này đề cập đến tình trạng sa ngã của chúng ta, bao gồm “những điều yếu kém” của cá nhân và việc chúng ta không có khả năng để trở nên toàn hảo.

  • Em học được điều gì từ Ê The 12:27 về lý do tại sao Đấng Cứu Rỗi muốn em nhận ra sự yếu kém của mình?

Hãy giúp học viên hiểu rằng việc khiêm nhường nhận ra những hạn chế và thiếu sót của chúng ta có thể khiến chúng ta kêu cầu lên Cha Thiên Thượng để có được sự trợ giúp thiêng liêng. Chính nhờ ân điển của Ngài mà Chúa có thể biến điều yếu kém trở nên mạnh mẽ. (Xin xem 2 Cô Rinh Tô 12:6–10; Ê The 12:37.)

Anh chị em cũng có thể muốn chia sẻ lời phát biểu của Anh Douglas D. Holmes trong phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin Tham Khảo”.

Hãy mời học viên im lặng suy ngẫm xem gần đây Thượng Đế đã cho các em thấy sự yếu kém của các em không. Hãy đảm bảo với các em rằng đây là một dấu hiệu tốt cho thấy các em đang đến cùng Ngài.

“Ta ban cho loài người sự yếu kém để họ biết khiêm nhường”

Hãy đọc một số ví dụ về các cá nhân trong thánh thư mà đã nhận ra sự yếu kém của họ:

  • Làm thế nào mà việc nhận ra sự yếu kém của họ đã giúp các cá nhân trong những câu chuyện này trở nên khiêm nhường?

  • Em nghĩ tại sao Chúa muốn chúng ta khiêm nhường?

“Ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta”

  • Em nghĩ ân điển của Đấng Cứu Rỗi đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt Ngài có nghĩa là gì?

Nếu học viên gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi trước đó, thì hãy cân nhắc chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả Kevin S. Hamilton.

Anh Cả Kevin S. Hamilton thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã giải thích:

Ân điển trợ giúp và mang tính củng cố của [Chúa Giê Su Ky Tô] cho chúng ta sức mạnh để vượt qua mọi trở ngại, mọi thử thách, và mọi khuyết điểm khi chúng ta tìm cách thay đổi.

Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện Sự Chuộc Tội vô hạn và vĩnh cửu để chúng ta có thể thực sự thay đổi, hối cải, và trở nên tốt hơn. Chúng ta thực sự có thể được tái sinh. Chúng ta có thể vượt qua các thói quen, thói nghiện, và ngay cả “ý muốn làm điều tà ác” [Mô Si A 5:2]. (Kevin S. Hamilton, “Lúc Đó Ta Sẽ Làm Cho Những Điều Yếu Kém Trở Nên Mạnh Mẽ”, Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 51–52)

Hãy chú ý xem dân của Vua Bên Gia Min đã có được ân điển của Chúa như thế nào trong Mô Si A 4:3.

  • Có ai khác trong thánh thư đã chứng minh rằng ân điển của Đấng Cứu Rỗi là đủ để giúp chúng ta vượt qua những yếu kém của mình?

Một số ví dụ học viên có thể chia sẻ có thể là An Ma (xin xem Mô Si A 27:24–29) và các con trai của Mô Si A (xin xem Mô Si A 28:4).

“Nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ”

Anh Cả Hamilton đã chỉ ra rằng “những điều yếu kém” trong câu này có thể đề cập đến những hành vi mà là những yếu kém của chúng ta.

Khi trước hết chúng ta thay đổi bản tính sa ngã của mình, sự yếu kém của mình, thì chúng ta sẽ có thể thay đổi hành vi, các khuyết điểm của chúng ta. (Kevin S. Hamilton, “Lúc Đó Ta Sẽ Làm Cho Những Điều Yếu Kém Trở Nên Mạnh Mẽ”, Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 51)

Để giúp học viên suy nghĩ về những điều các em đã học được ngày hôm nay, thì hãy mời các em thực hiện một hoặc cả hai sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của các em.

  1. Trong một đoạn có ít nhất ba câu, hãy ghi lại những điều em đã học được và muốn ghi nhớ từ bài học này.

  2. Trong một đoạn văn gồm ít nhất ba câu, hãy mô tả cách em sẽ áp dụng những điều đã học được hôm nay.