“Ê The 13–15: Vượt Qua Cơn Tức Giận”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)
“Ê The 13–15”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên
Ê The 13–15
Vượt Qua Cơn Tức Giận
Trong tình yêu thương lớn lao của Ngài, Cha Thiên Thượng cho phép chúng ta trải qua các cảm xúc đa dạng trong cuộc sống trần thế, chẳng hạn như tình yêu thương, sự bình an, nỗi buồn và sự thất vọng. Việc trải nghiệm những cảm xúc này cho phép chúng ta học hỏi. Khi dân Gia Rết tiếp tục nổi loạn chống lại Chúa, họ đã để cho cảm xúc của mình dẫn đến các quyết định mà gây ra sự hủy diệt nền văn minh của họ. Bài học này có thể giúp em vượt qua cám dỗ để hành động trong cơn tức giận trong cuộc sống của mình.
Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện
Hậu quả của cơn tức giận
Hãy đọc hoặc xem câu chuyện sau đây, do Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) chia sẻ, về hai anh em đã sống cùng nhau trong suốt cuộc đời.
Cách đây nhiều năm, tôi đọc một bài viết của Thông Tấn Xã Associated Press đăng trên tờ nhật báo: “Một ông lão tiết lộ tại tang lễ của anh mình, là người ông sống chung từ thời thanh niên trong căn nhà gỗ nhỏ một phòng gần Canisteo, New York, rằng sau một trận cãi vã, họ đã chia đôi căn phòng ra bằng một lằn phấn vạch và không một người nào vượt qua lằn phấn đó hoặc nói với nhau một lời nào kể từ ngày đó—62 năm về trước. Hãy nghĩ về hậu quả của cơn tức giận đó. (Thomas S. Monson, “Hãy Kiềm Chế Những Cảm Nghĩ của Mình, Hỡi Người Anh Em của Tôi”, Liahona, tháng Mười Một năm 2009, trang 68–69)
-
Em học được điều gì từ câu chuyện của Chủ Tịch Monson về hai anh em đó? Em nghĩ tại sao sứ điệp này là quan trọng trên thế gian ngày nay?
Hãy suy nghĩ về những cảm nghĩ của chính mình và mức độ thường xuyên mà em cảm thấy tức giận. Hãy cân nhắc xem em sẽ tức giận trong hoàn cảnh nào và cơn giận đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ, những hành động và mối quan hệ của em.
Một tình huống mong manh bị hủy hoại bởi cơn tức giận
Vào thời của tiên tri Ê The, dân chúng rất tà ác. Ê The phải sống trong một hang động để trốn những kẻ tìm cách giết ông. Các đạo quân đối địch liên tục gây chiến với nhau. Một đạo quân do một vị vua tên là Cô Ri An Tum Rơ lãnh đạo, và một đạo quân khác được những người bất đồng chính kiến khác nhau chỉ huy vào những thời điểm khác nhau, trong đó có một người đàn ông tên là Sa Rết. Ê The đã cảnh báo Cô Ri An Tum Rơ phải hối cải, nếu không dân chúng sẽ bị hủy diệt.
Hãy đọc Ê The 13:22–31, tìm kiếm xem cơn tức giận đã ảnh hưởng như thế nào đến hành động của dân chúng.
-
Em đã tìm thấy điều gì?
Sự hủy diệt của dân Gia Rết minh họa cho sự nguy hiểm của việc nuôi dưỡng cơn tức giận. Cô Ri An Tum Rơ và đạo quân của ông cuối cùng đã thành công trong việc đánh bại Sa Rết. Nhưng những người khác đã nổi lên để lãnh đạo những người bất đồng chính kiến, bao gồm cả Si Giơ. Sau khi hàng triệu người dân của mình đã bị giết, Cô Ri An Tum Rơ đã cố gắng ngăn chặn cuộc đổ máu bằng cách viết nhiều lá thư cho Si Giơ để tìm kiếm hòa bình.
Hãy đọc Ê The 15:5–6, 15–30, tìm kiếm tác động do cơn tức giận của dân Gia Rết đối với các cá nhân và nhóm dân chúng.
-
Cơn tức giận đã ảnh hưởng đến các cá nhân như Cô Ri An Tum Rơ, Si Giơ và những người khác theo những cách nào? Cơn tức giận của họ đã tác động như thế nào đến những người xung quanh?
Một lẽ thật mà câu chuyện này dạy là cơn tức giận có thể dẫn chúng ta đến việc chọn những điều làm tổn thương bản thân mình và những người khác.
-
Em đã thấy cơn tức giận ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa những người bạn bè, đồng đội, các tín hữu tiểu giáo khu hoặc người trong gia đình?
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích lý do tại sao chúng ta nên tìm cách vượt qua những cảm nghĩ tức giận và tranh chấp:
Chúa Giê Su đã yêu cầu rằng chúng ta “phải sống với nhau trong tình thương” [Giáo Lý và Giao Ước 42:45] và “không còn có sự tranh luận nào xảy ra giữa các ngươi nữa” [3 Nê Phi 11:22]. Ngài đã cảnh báo dân Nê Phi: “Kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta” [3 Nê Phi 11:29]. Quả thật vậy, ở một mức độ rộng lớn, mối quan hệ của chúng ta với Đấng Ky Tô sẽ được xác định—hoặc ít nhất là bị ảnh hưởng—bởi mối quan hệ của chúng ta với nhau. (Jeffrey R. Holland, “Chức Vụ Giảng Hoà”, Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 78)
-
Em nghĩ tại sao mối quan hệ của chúng ta với những người khác ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Điều gì làm cho việc tránh hành động trong cơn tức giận trở nên khó khăn?
-
Làm cách nào mà Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta vượt qua cơn tức giận?
Tùy chọn A. Tấm gương về lòng nhân từ của Đấng Cứu Rỗi
Hãy nghiên cứu ít nhất một ví dụ trong cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài có thể phản ứng trong cơn tức giận nhưng đã chọn đáp lại bằng tình yêu thương và lòng nhân từ. Em có thể nghiên cứu Sự Đóng Đinh Trên Thập Tự Giá của Ngài (xin xem Lu Ca 23:33–43) hoặc khi một người phụ nữ đã phạm tội gian dâm được giải đến cho Ngài (xin xem Giăng 8:1–11).
Tùy chọn B. Noi theo tấm gương về lòng nhân từ của Đấng Cứu Rỗi
Hãy tạo một tình huống hư cấu nhưng mang tính thực tế khi người nào đó tức giận với người khác. Hãy thêm một số chi tiết, bao gồm tên và lý do cho cơn tức giận đó.
Lời mời để tránh tức giận
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Không ai trong chúng ta có thể kiểm soát các quốc gia, hoặc hành động của những người khác, hay thậm chí những người trong gia đình của mình. Nhưng chúng ta có thể kiểm soát bản thân mình” (“Sức Mạnh của Đà Thúc Đẩy Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 97).
Hãy lập một kế hoạch về những điều em có thể làm để kiểm soát bản thân và vượt qua cơn tức giận. Kế hoạch của em có thể liên quan đến cách em đối xử hoặc phản ứng với những người cụ thể. Điều này có thể bao gồm những cách em có thể noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi. Hãy chắc chắn bao gồm những cách em có thể tìm đến Cha Thiên Thượng để nhận được sự giúp đỡ thiêng liêng trước hoặc trong những tình huống khó khăn.