Lớp Giáo Lý
Ê The 12:28–41: Chúa Giê Su Ky Tô: “Nguồn Gốc của Mọi Điều Ngay Chính”


“Ê The 12:28–41: Chúa Giê Su Ky Tô: ‘Nguồn Gốc của Mọi Điều Ngay Chính’”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)

“Ê The 12:28–41”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Ê The 12:28–41

Chúa Giê Su Ky Tô: “Nguồn Gốc của Mọi Điều Ngay Chính”

một bức tranh về Đấng Ky Tô

Tùy thuộc vào những gì chúng ta tìm kiếm, chúng ta có thể tìm thấy nhiều điều tốt đẹp hoặc nhiều điều xấu xa trên thế gian này. Sau khi biết về sự hủy diệt của dân Gia Rết và chứng kiến sự hủy diệt của dân Nê Phi, Mô Rô Ni đã khẩn nài tất cả những độc giả của ông hãy tìm kiếm Chúa Giê Su Ky Tô và những phước lành mà Ngài ban cho. Bài học này có thể giúp em cảm thấy có mong muốn lớn hơn để tìm kiếm Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của riêng mình.

Hãy giúp học viên nhận ra các phước lành của Chúa trong cuộc sống của các em. Ngoài việc giảng dạy các sự kiện về Chúa Giê Su Ky Tô, hãy cho học viên có cơ hội để suy ngẫm về tình yêu thương, quyền năng, và lòng thương xót của Ngài. Hãy khuyến khích các em nhớ lại những kinh nghiệm khi các em cảm nhận được quyền năng và lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi dành cho các em hoặc những người mà các em yêu thương. Việc làm điều này có thể giúp học viên đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô một cách trọn vẹn hơn.

Học viên chuẩn bị: Hãy cân nhắc cung cấp cho học viên một tài liệu về kinh nghiệm của Anh Cả Melvin J. Ballard có trong bài học này. Hãy mời các em chuẩn bị sẵn sàng trước khi đến lớp để chia sẻ những điều các em đã học và cảm nhận được về Chúa Giê Su Ky Tô qua việc đọc về kinh nghiệm của Anh Cả Ballard.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Các loại nguồn gốc

Hãy cân nhắc trưng ra định nghĩa và hình ảnh sau đây.

Nguồn gốc được định nghĩa là “điểm bắt đầu mà từ đó một cái gì đó tạo ra hoặc được cung cấp”—ví dụ, “một nguồn nước chảy ra từ lòng đất” (Merriam-Webster.com Dictionary, “fountain”).

Một nguồn nước
  • Nếu em được tiếp cận với một loại nguồn gốc kỳ diệu mà cung cấp liên tục bất cứ điều gì em đã chọn, thì em sẽ muốn loại nguồn gốc đó mang lại cho em điều gì?

Hãy vẽ nhanh một bức tranh về một loại nguồn gốc mà tạo ra những điều em đã chọn, và giải thích ngắn gọn lý do tại sao em muốn điều đó.

Hãy cân nhắc mời một vài học viên chia sẻ ngắn gọn về bức vẽ của các em.

Hãy đọc Ê The 12:28, tìm kiếm nguồn gốc mà Chúa đã đề cập đến sau khi dạy Mô Rô Ni về khả năng của Ngài để làm cho những điều yếu kém của chúng ta trở nên mạnh mẽ.

  • Nguồn gốc mà Chúa đã đề cập đến là gì?

  • Câu này dạy gì về cách chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô?

Một lẽ thật mà câu này dạy là đức tin, hy vọng, và lòng bác ái đưa chúng ta đến với Chúa Giê Su Ky Tô, Nguồn Gốc của Mọi Điều Ngay Chính.

  • Tại sao “Nguồn Gốc của Mọi Điều Ngay Chính” là một danh hiệu đúng dành cho Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Em nghĩ hoặc cảm thấy điều gì là liên tục đến từ Ngài?

  • Em nghĩ việc phát triển đức tin, hy vọng, và lòng bác ái mang chúng ta đến cùng Chúa Giê Su như thế nào?

Đối với sinh hoạt được gợi ý sau đây, hãy cân nhắc chia học viên thành các nhóm ba người. Hãy mời mỗi học viên suy nghĩ và chia sẻ một ví dụ với nhóm của các em.

Hãy liệt kê một số ví dụ mà minh họa cách Đấng Cứu Rỗi là Nguồn Gốc của Mọi Điều Ngay Chính ra sao. Những ví dụ này có thể đến từ thánh thư, từ cuộc sống của em hoặc từ cuộc sống của những người mà em biết. Nếu em cần trợ giúp để nghĩ ra một ví dụ, em có thể đọc câu chuyện về Đấng Cứu Rỗi trong Mác 2:1–12 hoặc xem “Jesus Forgives Sins and Heals a Man Stricken with Palsy” (2:57).

2:57

Hãy suy ngẫm xem những ví dụ này ảnh hưởng như thế nào đến những cảm nghĩ của em về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy suy ngẫm về mong muốn hiện tại của em để đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và cùng hưởng sự ngay chính đến từ Ngài. Mong muốn của em có mạnh mẽ như em muốn không? Tại sao có hoặc tại sao không?

Khi em tiếp tục nghiên cứu, hãy tìm kiếm những lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể ảnh hưởng tích cực đến mong muốn và khả năng của em để đến cùng Ngài và cùng hưởng sự ngay chính mà Ngài ban cho.

Những ân tứ tuôn chảy từ Đấng Ky Tô

Hãy đọc Ê The 12:29–37, tìm kiếm những phước lành mà Chúa Giê Su Ky Tô ban cho những người đến cùng Ngài với đức tin, hy vọng, và lòng bác ái.

  • Mô Rô Ni đã nói những phước lành nào đến từ việc tìm kiếm Chúa Giê Su?

  • Em hoặc những người khác đã có được phước lành nào trong số các phước lành này khi tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi?

  • Em mong muốn nhận được phước lành nào nhất trong số những phước lành này trong tương lai? Tại sao?

Hãy tìm kiếm Chúa Giê Su

Vào cuối chương Ê The 12, Mô Rô Ni đã chia sẻ một kinh nghiệm thiêng liêng của ông. Hãy đọc câu 39, và cố gắng tưởng tượng xem kinh nghiệm đó có thể đã như thế nào đối với Mô Rô Ni.

Hãy đọc và cân nhắc đánh dấu lời mời của Mô Rô Ni trong câu 41.

  • Sau khi có được kinh nghiệm mà ông đã mô tả trong câu 39, em nghĩ tại sao Mô Rô Ni đưa ra lời mời này cho chúng ta?

Giống như Mô Rô Ni, Anh Cả Melvin J. Ballard (1873–1939) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã có một kinh nghiệm thiêng liêng với Đấng Cứu Rỗi. Hãy đọc mô tả của ông về kinh nghiệm này, và hãy thử tưởng tượng lại kinh nghiệm đó đã như thế nào.

Anh Cả Melvin J. Ballard

Vào một buổi tối, khi đang suy tư trong tòa nhà thiêng liêng đó, chính là đền thờ, tôi đã có một giấc mơ. Sau một thời gian cầu nguyện và hân hoan, tôi được thông báo rằng tôi sẽ có đặc ân được bước vào một trong những căn phòng đó, để gặp một nhân vật đầy vinh quang, và khi tôi đi qua cánh cửa, tôi thấy, ngồi trên một bục cao, là nhân vật vinh hiển bậc nhất mà mắt tôi từng thấy hoặc từng biết là có tồn tại trong tất cả các thế giới vĩnh cửu.

Khi tôi đến gần để trình diện, Ngài đứng dậy và bước về phía tôi với hai cánh tay dang rộng, và Ngài mỉm cười khi Ngài nhẹ nhàng gọi tên của tôi. Nếu tôi mà sống đến một triệu năm, thì tôi vẫn sẽ chẳng thể quên được nụ cười đó. Ngài ôm và hôn tôi, ghì chặt tôi vào lòng, và ban phước cho tôi, cho đến khi toàn thân tôi dường như tan chảy vì quá xúc động! Khi Ngài đã ban phước xong, tôi bèn quỳ dưới chân Ngài, và khi những cái hôn cùng nước mắt tôi làm đôi chân Ngài ướt đẫm, rồi tôi thấy những dấu đinh trên đôi chân Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Trước sự hiện diện của Đấng nắm giữ mọi sự trong tay, cảm nhận được tình yêu thương, sự trìu mến và phước lành của Ngài, tôi cảm thấy quá tuyệt vời đến nỗi nếu được sống lại một phần kinh nghiệm đó thôi là tôi sẽ cho đi tất cả những gì tôi đang có, hoặc hy vọng sẽ có, để đổi lấy cảm giác của tôi bấy giờ!

… Bấy giờ tôi thấy Chúa Giê Su không ở trên thập tự giá. Tôi không thấy lông mày của Ngài bị gai đâm xuyên hay hai bàn tay Ngài bị đóng đinh, nhưng tôi thấy Ngài mỉm cười, với hai cánh tay dang rộng, nói với tất cả chúng ta: “Hãy đến cùng ta!” (Melvin J. Ballard, “I Know That He Lives”, Ensign, tháng Mười Hai năm 2014, trang 80)

  • Em nhận thấy điều gì nổi bật nhất trong kinh nghiệm của Anh Cả Ballard? Tại sao?

  • Những kinh nghiệm của Anh Cả Ballard và Mô Rô Ni mang lại cho em những suy nghĩ hoặc cảm nghĩ nào về Đấng Cứu Rỗi?

Để kết thúc bài học, hãy cân nhắc đưa ra cho học viên lời mời sau đây. Có thể là hữu ích khi chia sẻ về những mong muốn của chính anh chị em để tìm kiếm Chúa Giê Su Ky Tô và những phước lành đã đến khi anh chị em tìm kiếm Ngài.

Hãy suy ngẫm về những điều em đã học và cảm nhận được hôm nay. Điều gì ảnh hưởng nhiều nhất đến mong muốn tìm kiếm Chúa Giê Su của em trong cuộc sống? Hãy cam kết hành động theo bất kỳ những sự thúc giục hoặc ấn tượng nào mà em đã có.