Lớp Giáo Lý
Mô Rô Ni 6: Tham Gia và Phục Vụ trong Giáo Hội của Chúa


“Mô Rô Ni 6: Tham Gia và Phục Vụ trong Giáo Hội của Chúa”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)

“Mô Rô Ni 6”, Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên

Mô Rô Ni 6

Tham Gia và Phục Vụ trong Giáo Hội của Chúa

em thiếu nữ đang nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh

Với vai trò là tín hữu đã được làm phép báp têm tham gia Giáo Hội của Đấng Ky Tô, chúng ta có cơ hội tham gia và phục vụ theo nhiều cách khác nhau. Trong Mô Rô Ni 6, Mô Rô Ni tiếp tục những chỉ dẫn của mình để giúp củng cố và xây dựng Giáo Hội. Bài học này có thể giúp em cố gắng phục vụ những người khác và noi theo Đấng Cứu Rỗi với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Nỗ lực trở thành tấm gương yêu thương những người khác. Đấng Cứu Rỗi luôn cho thấy sự quan tâm chân thành của Ngài đối với từng người. Khi anh chị em vun trồng tinh thần yêu thương và tôn trọng học viên của mình, thì tấm gương giống như Đấng Ky Tô của anh chị em có thể soi dẫn để các em biết ơn lẫn nhau. Hãy khuyến khích học viên gây dựng lẫn nhau và tìm kiếm những điều tốt đẹp ở mọi người.

Học viên chuẩn bị: Học viên có thể chuẩn bị sẵn sàng trước khi đến lớp để chia sẻ những cách mà tất cả các tín hữu của Giáo Hội có thể củng cố lẫn nhau, ngay cả khi không có chức vụ kêu gọi chính thức trong một tiểu giáo khu hoặc chi nhánh.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Các tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô

giáo đoàn tiểu giáo khu đang hát trong lễ Tiệc Thánh

Hãy cân nhắc trưng ra một hình ảnh của một giáo đoàn Giáo Hội và thảo luận về những lý do khác nhau mà mọi người chọn trở thành tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi.

Đối với sinh hoạt sau đây, hãy cân nhắc vẽ phác thảo một người lên trên bảng để cả lớp có thể hoàn thành sinh hoạt này.

Trong nhật ký ghi chép việc học tập hoặc trên một tờ giấy rời, hãy kẻ một đường để chia đôi trang giấy. Trên một nửa trang giấy, hãy vẽ phác thảo một người, tượng trưng cho một tín hữu Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi. Hãy vẽ đường phác thảo đủ lớn để em có thể viết vào bên trong hình đó. Bên trong hình em đã vẽ, hãy viết hai hoặc ba điều mà em đã hoặc sẽ mong đợi làm để chuẩn bị cho phép báp têm gia nhập Giáo Hội. Em có thể muốn tiếp tục thêm vào bản liệt kê trong hình vẽ của mình trong suốt bài học.

Trong Mô Rô Ni 6, Mô Rô Ni tiếp tục những lời dạy của mình về việc xây dựng Giáo Hội và củng cố các tín hữu của Giáo Hội. Trong chương này, chúng ta tìm hiểu một số vai trò và cơ hội của mình trong việc thực hiện công việc của Chúa trong Giáo Hội của Ngài.

Hãy đọc Mô Rô Ni 6:1–3, tìm kiếm những điều Mô Rô Ni đã dạy về cách một người có thể cho thấy họ đã chuẩn bị để được làm phép báp têm gia nhập Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Hãy thêm những điều em tìm thấy vào bản liệt kê bên trong hình của mình.

  • Em nghĩ làm thế nào mà những hành động và thái độ này chuẩn bị cho một người được làm phép báp têm?

Mô Rô Ni đã dạy rằng một khi chúng ta được làm phép báp têm, chúng ta “được kể là dân của giáo hội của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 6:4). Chúng ta trở thành những người tham gia vào một tổ chức giáo hội nhằm củng cố và xây đắp chúng ta với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi em tiếp tục nghiên cứu Mô Rô Ni 6, hãy suy ngẫm về cách em có thể phục vụ và củng cố những người khác với tư cách là tín hữu đã được làm phép báp têm của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Các cơ hội và trách nhiệm

Xung quanh hình em đã vẽ trước đây, hãy viết một số nhu cầu, hy vọng hoặc mong muốn của các tín hữu Giáo Hội.

Hãy giúp học viên hiểu rằng việc nhận ra những nhu cầu này của bản thân và những người khác có thể giúp các em học hỏi từ những lời dạy tiếp theo của Mô Rô Ni. Hãy tinh tế và đảm bảo với học viên rằng các em không bị bắt buộc phải chia sẻ những điều đã viết. Hãy cho các em đủ thời gian để ghi lại nhiều ý tưởng vào hình vẽ của mình.

Hãy viết lẽ thật còn dở dang sau đây lên trên bảng, chừa khoảng trống cho học viên hoàn thành câu bằng một vài cách.

Trên nửa còn lại của trang giấy hoặc trang nhật ký, hãy viết lẽ thật còn dở dang sau đây: Với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể giúp đỡ và củng cố lẫn nhau khi chúng ta …

Hãy nghiên cứu Mô Rô Ni 6:4–9, tìm kiếm nhiều cách em có thể hoàn thành câu đó. Hãy viết ra bản liệt kê gồm các câu khác nhau trên giấy của em. Có thể hữu ích khi biết rằng nuôi dưỡng có nghĩa là hỗ trợ hoặc khuyến khích sự phát triển.

Học viên có thể hoàn thành câu này theo một số cách, bao gồm những cách sau đây:

  • nhớ đến những tín hữu khác của Giáo Hội (câu 4).

  • nuôi dưỡng lẫn nhau về mặt thuộc linh bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế (câu 4).

  • trông nom và cầu nguyện cho nhau (câu 4).

  • giúp nhau trông cậy vào Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài (câu 4).

  • họp mặt thường xuyên để nhịn ăn và cầu nguyện cùng nhau (câu 5).

  • củng cố lẫn nhau về mặt thuộc linh (câu 5).

  • dự phần Tiệc Thánh để tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô (câu 6).

  • tha thứ cho người khác khi họ hối cải (câu 7–8).

  • giảng dạy và cầu nguyện bởi quyền năng của Đức Thánh Linh (câu 9).

Hãy cân nhắc sử dụng một số câu hỏi sau đây để giúp học viên hiểu từng trách nhiệm và suy ngẫm về cách hoàn thành trách nhiệm đó. Đây cũng có thể là một dịp tốt để mời học viên chia sẻ thêm những ý tưởng từ sinh hoạt chuẩn bị của học viên.

  • Hành động nào trong những hành động này có vẻ dễ dàng hơn đối với em? Hành động nào có thể là một thử thách? Tại sao?

  • Những hành động này có thể sẽ là như thế nào trong lớp học hoặc nhóm túc số của em?

  • Việc hành động theo những lẽ thật này có thể giúp đỡ em như thế nào với những nhu cầu của em?

Cho đi và nhận lại

Có thể là hữu ích khi trưng ra lời phát biểu sau đây để một học viên đọc to.

Chủ Tịch Bonnie L. Oscarson, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ, đã nhận xét:

12:6

Chúng ta không phải chỉ là người nhận lấy những gì được đưa ra tại nhà thờ; chúng ta còn cần phải là người cho và người cung cấp nữa. Các thiếu nữ và các thiếu niên thân mến, lần tới khi các em tham dự [một sinh hoạt dành cho giới trẻ], thay vì cầm điện thoại của mình lên để xem những người bạn của mình đang làm gì, thì hãy dừng lại, nhìn xung quanh và tự hỏi: “Ai cần tôi hôm nay?” Các em có thể là mấu chốt để tìm đến và ảnh hưởng cuộc sống của một người đồng lứa hoặc để khuyến khích một người bạn đang âm thầm vật lộn với những khó khăn.

Hãy cầu xin Cha Thiên Thượng cho các em thấy những người xung quanh đang cần sự giúp đỡ của các em và soi dẫn cho các em về cách tốt nhất để phục vụ họ. Hãy nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi thường phục sự từng người một. (Bonnie L. Oscarson, “Các Nhu Cầu trước mặt Chúng Ta”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 26)

  • Em nghĩ điều gì là quan trọng cần phải nhớ từ lời khuyên của Chị Oscarson, và tại sao?

  • Em từng thấy những lẽ thật mà Mô Rô Ni đã dạy được thực hiện hành động khi nào? Việc hành động theo những lẽ thật này đã tạo ra sự khác biệt gì trong cuộc sống của những người khác?

  • Việc tuân theo lời khuyên bảo của Mô Rô Ni có thể giúp em trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn ra sao?

Để biết ví dụ về một thiếu nữ mà đã áp dụng lời khuyên của Mô Rô Ni, hãy xem “Mắt để Nhận Thấy” từ phút 4:55 đến 6:55 trên ChurchofJesusChrist.org.

Nếu anh chị em cho học viên xem video này, thì hãy cân nhắc thảo luận về cách người thiếu nữ này áp dụng lời khuyên bảo của Mô Rô Ni và noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi.

9:44

Những bước tiếp theo của tôi

Hãy cho học viên có đủ thời gian để suy ngẫm và ghi lại những ấn tượng của các em trong nhật ký ghi chép việc học tập. Nếu có đủ thời gian, thì hãy mời học viên chia sẻ những suy nghĩ của các em với cả lớp.

Hãy suy ngẫm một chút về những điều em đã học và cảm nhận được hôm nay. Sau đó, hãy hình dung việc bước vào buổi lễ hoặc sinh hoạt tiếp theo của Giáo Hội. Em nghĩ rằng Đấng Cứu Rỗi muốn em làm gì? Hãy cân nhắc ghi chép trong nhật ký ghi chép việc học tập để giúp em nhớ lại sự hướng dẫn mà em đã nhận được.

Em cũng có thể muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện để biết ai cần sự chú ý và sự giúp đỡ của mình. Hãy mời Ngài giúp em biết mình có thể làm gì để chăm sóc cho các tín hữu khác của Giáo Hội theo cách của Đấng Cứu Rỗi.