“Ngày 9–15 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 88: ‘Hãy Thiết Lập … Ngôi Nhà của Thượng Đế,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 9–15 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 88,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021
Ngày 9–15 tháng Tám
Giáo Lý và Giao Ước 88
“Hãy Thiết Lập … Ngôi Nhà của Thượng Đế”
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Tôi hứa rằng khi anh chị em siêng năng cố gắng tổ chức lại nhà của mình thành một trung tâm học tập phúc âm, … ảnh hưởng của kẻ nghịch thù trong cuộc sống của anh chị em và trong mái gia đình của anh chị em sẽ giảm bớt” (“Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 113).
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Thỉnh thoảng, Chúa cho chúng ta hiểu một chút về “vẻ uy nghi và quyền năng” vô tận của Ngài (Giáo Lý và Giao Ước 88:47) qua những sự mặc khải có ảnh hưởng sâu rộng dành cho các vị tiên tri của Ngài. Giáo Lý và Giao Ước 88 là một điều mặc khải như vậy—về ánh sáng và vinh quang và những vương quốc mà có thể làm cho những sự quan tâm thế gian của chúng ta dường như chẳng là gì nếu so sánh. Thậm chí nếu chúng ta không thể hiểu được tất cả những gì Chúa đang giảng dạy mình, thì ít nhất chúng ta có thể cảm nhận được rằng có nhiều điều trong thời vĩnh cửu hơn những gì chúng ta có thể hiểu được bây giờ. Dĩ nhiên, Chúa không phán dạy những điều kín nhiệm vĩ đại này để đe dọa chúng ta hoặc làm chúng ta cảm thấy nhỏ bé. Thật ra, Ngài đã hứa: “Sẽ đến ngày mà các ngươi sẽ hiểu ngay cả Thượng Đế” (câu 49; phần in nghiêng được thêm vào). Có lẽ bởi mục đích quan trọng và thiêng liêng đó mà Chúa đã thúc giục Các Thánh Hữu của Ngài tại Kirtland thành lập Trường Tiên Tri. Ngài đã phán: “Hãy tự tổ chức.” “Hãy chuẩn bị mọi điều cần thiết; và thiết lập … ngôi nhà của Thượng Đế” (câu 119). Bởi vì chỉ trong ngôi nhà thánh của Thượng Đế—và trong ngôi nhà của chúng ta—thay vì ở bất cứ nơi nào khác, mà Ngài có thể nâng tầm nhìn của chúng ta vượt xa khỏi thế gian trần tục, “vén màn che cho [chúng ta] thấy mặt Ngài,” và chuẩn bị chúng ta để “đương nổi vinh quang thượng thiên” (các câu 68, 22).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta niềm hy vọng và sự bình an.
Chỉ vài ngày sau khi cảnh báo rằng chiến tranh sẽ “lan tràn đến tất cả các quốc gia” (Giáo Lý và Giao Ước 87:2), Chúa đã ban một điều mặc khải mà Joseph Smith gọi là “‘lá ô liu’ … được hái ra từ Cây ở Thiên Đàng, là sứ điệp hòa bình của Chúa gởi đến chúng ta” (Giáo Lý và Giao Ước 88, phần tiêu đề tiết). Điều mặc khải này giống một lá ô liu, một biểu tượng truyền thống cho hòa bình, như thế nào? (xin xem thêm Sáng Thế Ký 8:11). Những lẽ thật nào trong tiết này giúp anh chị em cảm thấy hy vọng và bình an trong Đấng Ky Tô?
Ánh sáng và luật pháp đến từ Chúa Giê Su Ky Tô.
Những từ ánh sáng và luật pháp được lặp lại nhiều lần trong tiết 88. Những từ này được sử dụng trong các thánh thư khác để mô tả Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của NgàI (để có ví dụ, xin xem Ê Sai 60:19; Giăng 1:1–9; 3 Nê Phi 15:9). Hãy đánh dấu hoặc ghi chú các câu thánh thư mà anh chị em tìm được các từ này trong Giáo Lý và Giao Ước 88:6–67, và viết xuống điều anh chị em học được về Đấng Cứu Rỗi, ánh sáng, và luật pháp. Những câu này có thể soi dẫn cho anh chị em thực hiện những sự thay đổi trong cuộc sống để tiếp nhận ánh sáng và sống theo “luật pháp của Đấng Ky Tô” một cách thành tín hơn (câu 21).
Xin xem thêm Sharon Eubank, “Đấng Ky Tô: Sự Sáng Soi trong Tối Tăm,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 73–76.
Hãy chuẩn bị mọi điều cần thiết.
Trong một số phương diện, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà Chúa đã mô tả là “toàn thể thế gian sẽ ở trong sự xáo động; và loài người sẽ mất can đảm” (Giáo Lý và Giao Ước 88:91). Trong khi anh chị em đọc các câu 62–126, hãy suy ngẫm làm thế nào những lời khuyên dạy của Chúa có thể giúp anh chị em chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Sau đây là một số câu hỏi để suy ngẫm:
-
Các câu 62–76.Trong khi suy ngẫm những câu thánh thư này, anh chị em được soi dẫn làm điều gì để “lại gần” Thượng Đế? (câu 63). Hãy xem xét lệnh truyền của Chúa để “tự thánh hóa mình” có thể có ý nghĩa gì đối với anh chị em (câu 68).
-
Các câu 77–80, 118–126.Tại sao anh chị em “cần hiểu rõ” các chủ đề về giáo lý lẫn thế tục? (câu 78). Anh chị em đang làm theo lời khuyên dạy để “tìm kiếm sự hiểu biết” như thế nào? (câu 118). Anh chị em nghĩ tìm kiếm sự hiểu biết “bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin” có nghĩa là gì?
-
Các câu 81–116.Hãy cân nhắc ghi chú những lời tiên tri về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi trong các câu thánh thư này. Anh chị em nghĩ tại sao Chúa muốn anh chị em biết về những điều này?
-
Các câu 117-126.Hãy cân nhắc đọc các câu thánh thư này với suy nghĩ về đền thờ trong tâm trí; anh chị em tìm được điều gì ở đây mà có thể giúp mình chuẩn bị để bước vào nhà của Chúa?
Xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Chuẩn Bị cho Sự Trở Lại của Chúa,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 81–84.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Giáo Lý và Giao Ước 88:14–33, 95–101.Chúng ta học được điều gì về Sự Phục Sinh từ các câu này? Những lẽ thật này có thể ảnh hưởng như thế nào đến các sự lựa chọn của chúng ta?
-
Giáo Lý và Giao Ước 88:33.Anh chị em có thể bắt đầu một cuộc thảo luận về câu thánh thư này bằng cách yêu cầu mọi người trong gia đình nói về những món quà mà họ đã được tặng—cả những món quà mà họ nhận với niềm vui lẫn những món quà mà họ không thích. Bằng cách nào chúng ta có thể cho Chúa thấy rằng chúng ta vui mừng với ân tứ là vinh quang thượng thiên mà Ngài ban cho chúng ta? Chúng ta vui sướng trong “Đấng ban ân tứ cho mình” như thế nào?
-
Giáo Lý và Giao Ước 88:63, 68.Những câu thánh thư này có một số từ chỉ hành động mà có thể soi dẫn cho anh chị em nghĩ về các cách sáng tạo để dạy những sứ điệp trong các câu này cho con cái anh chị em. Ví dụ, anh chị em có thể chơi trốn tìm để thảo luận câu “hãy tận tụy tìm kiếm ta, rồi các ngươi sẽ tìm thấy ta” (câu 63; phần in nghiêng được thêm vào).
-
Giáo Lý và Giao Ước 88:81.Cùng với cả gia đình, hãy nhận ra một số sự cảnh báo bên trong và xung quanh ngôi nhà của mình, như là phần cảnh báo trong hướng dẫn sử dụng trên các loại thuốc hoặc biển báo giao thông dành cho người lái xe. Những sự cảnh báo này giúp chúng ta như thế nào? Cha Thiên Thượng muốn chúng ta “cảnh cáo người lân cận của mình” về điều gì?
-
Giáo Lý và Giao Ước 88:119.Để giúp gia đình anh chị em có cảm hứng làm cho ngôi nhà của mình giống với lời mô tả trong câu 119, hãy thử một điều gì đó giống như sau: Viết các cụm từ trong câu thánh thư này lên các mảnh giấy, và sử dụng chúng để che một bức hình đền thờ. Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 88:119 và cho mọi người trong gia đình gỡ ra từng mảnh giấy khi họ nghe các cụm từ tương ứng trong câu thánh thư. Chúng ta có thể làm điều gì để nhà của mình là một “ngôi nhà của Thượng Đế”? (câu 119).
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát đề nghị: “Càng Gần Chúa Hơn,” Hymns, số 100.