“Ngày 16–22 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 89–92: ‘Một Nguyên Tắc Kèm Theo Lời Hứa,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 16–22 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 89–92,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021
Ngày 16–22 tháng Tám
Giáo Lý và Giao Ước 89–92
“Một Nguyên Tắc Kèm Theo Lời Hứa”
Hãy thành tâm nghiên cứu Giáo Lý và Giao Ước 89–92, và ghi xuống bất kỳ ấn tượng thuộc linh nào mà anh chị em nhận được. Hãy nhạy bén với cách mà “Thánh Linh biểu hiện lẽ thật” cho anh chị em trong khi học tập (Giáo Lý và Giao Ước 91:4).
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Trong Trường Tiên Tri, Tiên Tri Joseph Smith đã dạy các anh cả của Y Sơ Ra Ên về việc xây dựng vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Họ thảo luận các lẽ thật thuộc linh, cùng nhau cầu nguyện, nhịn ăn, và chuẩn bị để thuyết giảng phúc âm. Nhưng có một cái gì đó lẫn trong bầu không khí mà dường như khó chịu đối với chúng ta ngày nay, và điều đó dường như cũng không thoải mái đối với Emma Smith. Trong các buổi họp, những người đàn ông hút và nhai thuốc lá, là điều phổ biến vào thời gian đó, nhưng nó làm bẩn đen sàn gỗ và để lại mùi nồng nặc trong không khí. Emma đã chia sẻ sự lo ngại của bà với Joseph, và Joseph đã cầu vấn Chúa. Kết quả là một điều mặc khải không dừng lại ở các vết bẩn từ khói và thuốc lá. Điều mặc khải này cho Các Thánh Hữu, trong nhiều thế hệ tương lai, “một nguyên tắc kèm theo lời hứa”—những lời hứa về sức khỏe thể chất, “sự khôn ngoan,” và “những kho tàng hiểu biết lớn lao” (Giáo Lý và Giao Ước 89:3, 19).
Xin xem thêm Saints, 1:166–168.
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Lời Thông Sáng là “một nguyên tắc kèm theo lời hứa.”
Khi các anh cả trong Trường Tiên Tri lần đầu tiên nghe Joseph Smith đọc Lời Thông Sáng, họ đã ngay lập tức “vứt bỏ các ống điếu và bánh thuốc lá nhai vào lửa” (Saints, 1:168). Vào thời gian đó, Lời Thông Sáng được xem là một lời cảnh báo hơn là một giáo lệnh, nhưng họ muốn cho thấy sự sẵn lòng vâng theo của mình. Có lẽ anh chị em cũng đã sẵn sàng “vứt bỏ” khỏi cuộc sống mình những chất mà Lời Thông Sáng đã cảnh báo không dùng, nhưng anh chị em có thể học được điều gì khác nữa từ điều mặc khải này? Hãy xem xét các ý kiến này:
-
Tìm các cụm từ mà anh chị em chưa từng để ý—hoặc suy nghĩ nhiều—trước đây. Anh chị em học được điều gì trong những cụm từ này?
-
Giáo Lý và Giao Ước 89 gồm có một số lời hứa (xin xem các câu 18–21). Anh chị em nghĩ những lời hứa này có nghĩa là gì?
-
Điều mặc khải này dạy cho anh chị em điều gì về Chúa?
-
Anh chị em đã thấy các ví dụ nào về “những điều tà ác và những ý định xấu xa … có trong lòng những kẻ âm mưu”? (câu 4).
-
Hãy nghĩ về điều mặc khải này là “một nguyên tắc kèm theo lời hứa” (câu 3)—những lẽ thật vĩnh viễn chỉ dẫn cho việc ra quyết định—chứ không chỉ là một bản liệt kê những điều phải làm và không được làm. Anh chị em tìm thấy các nguyên tắc nào mà có thể hướng dẫn cho những quyết định của mình?
Các vị tiên tri hiện đại cũng cảnh báo về các chất và hành vi gây hại ngoài những gì đã được nói đến trong Lời Thông Sáng (xin xem “Sức Khỏe Thể Chất và Cảm Xúc,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, trang 25–27). Anh chị em được thúc giục làm điều gì để chăm sóc tốt hơn cho tâm trí và cơ thể của mình?
Xin xem thêm Đa Ni Ên 1; 1 Cô Rinh Tô 6:19–20; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Lời Thông Sáng,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org; addictionrecovery.ChurchofJesusChrist.org.
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nắm giữ “các chìa khóa của vương quốc.”
Trong tiết 90, Chúa đã ban những chỉ thị về “giáo vụ và chủ tịch đoàn” (câu 12) của Joseph Smith, Sidney Rigdon, và Frederick G. Williams—những thành viên trong tổ chức mà giờ đây chúng ta gọi là Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Anh chị em học được điều gì về Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn từ các câu 1–17? Hãy xem lại các sứ điệp gần đây từ các thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Những lời của họ “tiết lộ những điều kín nhiệm của vương quốc” cho anh chị em như thế nào? (câu 14). Làm thế nào họ “sắp xếp tất cả các công việc của giáo hội và vương quốc cho có trật tự”? (câu 16).
Xin xem thêm Henry B. Eyring, “Quyền Năng Tán Trợ với Đức Tin,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 58–60.
“Mọi việc sẽ hiệp lại làm lợi ích cho [tôi].”
Hãy suy ngẫm bất kỳ kinh nghiệm nào anh chị em đã từng có mà làm chứng về lời hứa của Chúa trong Giáo Lý và Giao Ước 90:24. Cân nhắc ghi lại những kinh nghiệm của anh chị em và chia sẻ chúng với một thành viên trong gia đình hoặc một người thân yêu—có lẽ là một người nào đó cần sự đảm bảo hoặc lời khích lệ. Nếu anh chị em vẫn đang chờ đợi những phước lành nào đó, thì hãy suy ngẫm điều anh chị em có thể làm để vẫn trung tín trong khi chờ để thấy cách mà “mọi việc sẽ hiệp lại làm lợi ích cho [mình].”
Vienna Jaques là ai?
Vienna Jaques sinh ngày 10 tháng Sáu năm 1787, tại Massachusetts. Là một người phụ nữ đầy đức tin có khả năng tài chính đáng kể, Vienna gặp những người truyền giáo lần đầu tiên vào năm 1831. Sau khi có được sự làm chứng về mặt thuộc linh rằng sứ điệp của họ là chân thật, bà đã vượt đường xa đến gặp Vị Tiên Tri tại Kirtland, Ohio, nơi bà chịu phép báp têm.
Vienna đã tuân theo lời khuyên dạy mà Chúa dành cho bà trong Giáo Lý và Giao Ước 90:28–31. Sự dâng hiến của bà cho Chúa, kể cả những khoản hiến tặng của bà trước đó tại Kirtland, đến vào đúng vào thời điểm quan trọng đối với Giáo Hội, khi những vị lãnh đạo đang cố gắng mua mảnh đất là nơi sẽ xây cất Đền Thờ Kirtland. Vienna đã “trung thành, và không lười biếng” trong suốt cuộc đời bà và cuối cùng đã có thể “định cư yên ổn” (câu 31) tại Thung Lũng Salt Lake Valley, nơi bà qua đời ở tuổi 96.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Giáo Lý và Giao Ước 89.Gia đình anh chị em có thể thích vẽ hoặc tìm các bức tranh về thức ăn và các chất khác mà đã được nói đến trong Giáo Lý và Giao Ước 89. Rồi anh chị em có thể chơi một trò chơi—mọi người trong gia đình có thể lần lượt chọn các bức tranh bất kỳ, bỏ những bức tranh vẽ các chất mà chúng ta không nên sử dụng vào thùng rác và bỏ những bức tranh vẽ những chất chúng ta nên sử dụng trên một cái dĩa. Những lời hứa trong các câu 18–21 đã được ứng nghiệm như thế nào trong cuộc sống chúng ta?
Việc đọc “Sức Khỏe Thể Chất và Cảm Xúc” trong Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ (trang 25–27) có thể gợi ra cuộc thảo luận về những cách khác để chăm sóc sức khỏe của chúng ta cũng như về các phước lành mà Thượng Đế hứa.
-
Giáo Lý và Giao Ước 90:5.Hãy nói về cách anh chị em “tiếp nhận lời sấm [tức là những điều mặc khải hoặc lời tiên tri] của Thượng Đế.” Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy rằng những lời đó không phải là “[để] bị xem thường”?
-
Giáo Lý và Giao Ước 91.Anh chị em có thể thảo luận cách mà lời khuyên dạy của Chúa về Kinh Áp Bô Ríp Pha (xin xem các câu 1–2) áp dụng cho thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng mà gia đình anh chị em bắt gặp ngày nay (xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Áp Bô Ríp Pha,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Anh chị em cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm cá nhân khi việc “được Thánh Linh soi sáng” (câu 5) đã giúp anh chị em phân biệt lẽ thật và điều sai trái.
-
Giáo Lý và Giao Ước 92:2.“Là một thành viên tích cực” của Giáo Hội này có nghĩa là gì?
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát đề nghị: “Chúa Ban Tôi một Đền Tạm”,” Children’s Songbook, trang 153.