“Ngày 2–8 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 85–87: ‘Các Ngươi Hãy Đứng Vững tại Những Nơi Thánh Thiện,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: Giáo Lý và Giao Ước năm 2021 (năm 2020)
“Ngày 2–8 tháng Tám. Giáo Lý và Giao Ước 85–87,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình: năm 2021
Ngày 2–8 tháng Tám
Giáo Lý và Giao Ước 85–87
“Các Ngươi Hãy Đứng Vững tại Những Nơi Thánh Thiện”
Thánh Linh có thể dẫn dắt anh chị em học các nguyên tắc trong các tiết 85–87 mà không được nhấn mạnh trong đại cương này. Hãy làm theo những sự thúc giục của Ngài.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Ngày lễ Giáng Sinh thường là một thời gian để suy ngẫm các sứ điệp như “bình an dưới đất” và “ân trạch cho loài người” (xin xem Lu Ca 2:14). Nhưng vào ngày 25 tháng Mười Hai, năm 1832, tâm trí của Joseph Smith bận rộn với những suy nghĩ về nguy cơ chiến tranh. Tiểu bang Nam Carolina vừa thách thức chính phủ Hoa Kỳ và đang chuẩn bị chiến đấu. Và Chúa đã mặc khải cho Joseph rằng đây mới chỉ là sự bắt đầu: Ngài tuyên phán “Chiến tranh sẽ lan tràn đến tất cả các quốc gia” (Giáo Lý và Giao Ước 87:2). Dường như lời tiên đoán này sẽ sớm được ứng nghiệm.
Nhưng rồi không phải vậy. Chỉ trong vài tuần, tiểu bang Nam Carolina và chính phủ Hoa Kỳ đạt được một thỏa hiệp, và cuộc chiến được ngăn chặn. Nhưng sự mặc khải không phải lúc nào cũng được ứng nghiệm vào thời điểm hoặc theo cách mà chúng ta kỳ vọng. Gần 30 năm sau, rất lâu sau khi Joseph Smith tuẫn đạo và Các Thánh Hữu đã đi sang miền Tây, tiểu bang Nam Carolina quả thật đã nổi loạn và kéo theo cuộc nội chiến. Kể từ đó, chiến tranh trên khắp thế giới đã làm cho “trái đất [phải] khóc than” (Giáo Lý và Giao Ước 87:6). Trong khi lời tiên đoán này quả thật đã được ứng nghiệm, giá trị của điều mặc khải này không phải nằm ở việc dự đoán khi nào sự hoạn nạn sẽ đến mà tập trung nhiều hơn vào việc giảng dạy điều cần phải làm khi sự hoạn nạn đến. Lời khuyên dạy vẫn y nguyên như trong năm 1831, năm 1861, và năm 2021: “Các ngươi hãy đứng vững tại những nơi thánh thiện, và chớ để bị lay chuyển” (câu 8).
Những Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Cá Nhân
Điều tốt là phải “ghi chép lịch sử.”
“Lịch sử” mà được mô tả trong câu 1 đã ghi lại tên của những người mà đã “nhận được phần thừa hưởng một cách hợp pháp” tại Si Ôn (xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 72:24–26). Tuy nhiên, lịch sử này không chỉ để quản lý hành chính—mà hơn nữa là một hồ sơ đầy giá trị về “nếp sống, đức tin, và việc làm” của Các Thánh Hữu (câu 2).
Anh chị em có đang giữ một lịch sử cá nhân hoặc nhật ký không? Anh chị em có thể lưu giữ điều gì về nếp sống, đức tin, và việc làm của mình mà có thể là một phước lành cho các thế hệ tương lai? Lịch sử này có thể là một phước lành như thế nào đối với anh chị em?
Thánh Linh nói với một “tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái.”
Hãy suy ngẫm những lời Joseph Smith đã dùng để mô tả Thánh Linh trong Giáo Lý và Giao Ước 85:6. Theo nghĩa nào tiếng nói của Thánh Linh là “êm ái” và “nhỏ nhẹ”? Tiếng nói ấy “xuyên thấu” những điều gì trong cuộc sống của anh chị em?
Trong khi suy nghĩ về cách Thánh Linh phán cùng mình, anh chị em hãy xem xét những lời mô tả này từ Joseph Smith: Giáo Lý và Giao Ước 6:22–24; 8:2–3; 9:7–9; 11:12–13; 128:1. Dựa trên điều vừa đọc, anh chị em cảm thấy mình cần làm điều gì để nhận biết tốt hơn tiếng nói của Thánh Linh?
Xin xem thêm 1 Các Vua 19:11–12; Hê La Man 5:30.
Những người ngay chính được quy tụ trong những ngày sau cùng.
Giáo Lý và Giao Ước 86:1–7 có lời giải thích của Chúa về câu chuyện ngụ ngôn lúa mì và cỏ lùng, với một sự nhấn mạnh khác đi một chút so với điều Ngài đã giải thích trong Ma Thi Ơ 13:24–30, 37–43. Trong khi so sánh hai lời giải thích này, anh chị em để ý thấy những điểm khác biệt nào? Hãy xem xét lý do tại sao câu chuyện ngụ ngôn này—với những điểm khác biệt này—vẫn đáng giá để lặp lại “vào những ngày sau cùng, [kể cả] bây giờ” (Giáo Lý và Giao Ước 86:4). Anh chị em có thể học được điều gì từ câu chuyện ngụ ngôn này và cách giải thích về ngày sau của nó?
Như đã được ghi lại trong các câu 8–11, sau đó Chúa phán về chức tư tế, sự phục hồi, và sự cứu rỗi của dân Ngài. Anh chị em thấy được những sự liên kết nào giữa các câu thánh thư này và câu chuyện ngụ ngôn lúa mì và cỏ lùng? Làm thế nào anh chị em có thể trở nên như “kẻ cứu rỗi cho dân [của Chúa]”? (câu 11).
Xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Sự Bội Giáo,” “Sự Phục Hồi Chức Tư Tế,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org.
Bình an được tìm thấy ở “những nơi thánh thiện.”
Ngoài những hiểm nguy về mặt thể chất của “máu đổ … [và] nạn đói, và bệnh dịch, và động đất” (Giáo Lý và Giao Ước 87:6), lời khuyên dạy trong điều mặc khải này cũng có thể áp dụng cho các hiểm nguy về mặt thuộc linh mà tất cả chúng ta phải đối mặt trong những ngày sau. Đâu là “những nơi thánh thiện” của anh chị em (câu 8) là nơi anh chị em tìm được sự bình an và an toàn? Điều gì làm cho một nơi chốn trở nên thánh thiện? Ngoài các địa điểm thực tế, có lẽ có những khoản thời gian thánh thiện, các lối thực hành thánh thiện, hoặc những ý nghĩ thánh thiện mà có thể mang lại sự bình an. “Chớ để bị lay chuyển” khỏi những nơi này có nghĩa là gì?
Xin xem thêm Henry B. Eyring, “Ngôi Nhà Nơi Thánh Linh của Chúa Ngự,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 22–25.
Ý Kiến cho Việc Học Thánh Thư Với Gia Đình và Buổi Họp Tối Gia Đình
-
Giáo Lý và Giao Ước 85:6.Làm thế nào anh chị em có thể dạy gia đình mình biết nhận ra tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ của Thánh Linh? Có lẽ anh chị em có thể chơi một trò chơi trong đó một người thì thầm những lời chỉ dẫn quan trọng giữa các tiếng ồn ào gây xao lãng. Điều gì có thể làm chúng ta xao lãng và không nghe được Đức Thánh Linh? Có lẽ các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ điều họ làm để nghe tiếng nói của Thánh Linh.
-
Giáo Lý và Giao Ước 86.Việc vẽ hoặc nhìn các bức tranh có thể giúp gia đình anh chị em hiểu câu chuyện ngụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng. Anh chị em có thể muốn bắt đầu với bức tranh về các sự vật được mô tả trong Ma Thi Ơ 13:24–30. Rồi gia đình anh chị em có thể dán lên các bức tranh những lời giải thích từ Giáo Lý và Giao Ước 86:1–7. Chúng ta giống lúa mì như thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể giống các thiên sứ thu gom lúa mì?
-
Giáo Lý và Giao Ước 87:8.Để giới thiệu một cuộc thảo luận về cách làm cho ngôi nhà của anh chị em thành một nơi thánh thiện hơn, anh chị em có thể mời mọi người trong gia đình thiết kế một ngôi nhà cho một ai đó yêu mến Đấng Cứu Rỗi. Sinh hoạt này có thể dẫn đến các ý tưởng về cách để “tái thiết” ngôi nhà của anh chị em nhằm làm cho nó thành một nơi của sự bình an giữa những hiểm nguy về mặt thuộc linh trong thế gian. Các bài hát như “Giờ Có Mến Yêu trong Nhà Tôi,” (Hymns, số 294) có thể cho anh chị em nhiều ý tưởng.
Để có thêm ý kiến giảng dạy cho trẻ em, xin xem đại cương tuần này trong sách Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Hội Thiếu Nhi.
Bài hát đề nghị: “Giờ Có Mến Yêu trong Nhà Tôi,” Hymns, số 294.