“Ngày 4–10 tháng Năm. Mô Si A 11–17: “Một Sự Sáng … Không Bao Giờ Có Thể Bị Lu Mờ,’”Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 4–10 tháng Năm. Mô Si A 11–17,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 4–10 tháng Năm
Mô Si A 11–17
“Một Sự Sáng … Không Bao Giờ Có Thể Bị Lu Mờ Được”
Hãy suy ngẫm về tấm gương của A Bi Na Đi trong việc giảng dạy phúc âm. Anh chị em thấy điều gì trong Mô Si A 11–17 mà có thể giúp anh chị em trở thành một giảng viên tốt hơn?
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Để cho phép các thành viên trong lớp chia sẻ điều mà họ học được khi học tập thánh thư cá nhân hoặc chung với gia đình, anh chị em có thể mời họ hoàn thành câu sau đây: Nếu tôi chọn một câu từ Mô Si A 11–17 để chia sẻ với một người thân yêu, thì đó sẽ là .
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúng ta có thể bảo vệ cho lẽ thật, kể cả khi chúng ta đứng một mình.
-
Mặc dù không chắc rằng các thành viên trong lớp của anh chị em sẽ bị đe dọa với cái chết vì chứng ngôn của họ, họ có thể đối mặt với sự phản đối vì niềm tin của họ. Họ có thể tìm các sự kiện hay đoạn trong Mô Si A 11–13 và 17 mà cho họ thêm can đảm để bảo vệ lẽ thật. Điều gì đã ban cho A Bi Na Đi và An Ma lòng can đảm để trở nên dũng cảm? Làm thế nào chúng ta có thể trở nên vững chắc và kiên định trong việc bảo vệ lẽ thật? Những trích dẫn trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung” có thể cung cấp một số ý kiến.
-
Để giúp lớp của anh chị em học từ những tấm gương khác về việc can đảm bảo vệ lẽ thật, anh chị em có thể viết Những Người Bảo Vệ Lẽ Thật lên bảng. Anh chị em có thể bắt đầu với việc thảo luận về A Bi Na Đi, mời các thành viên trong lớp chia sẻ những điều ấn tượng đối với họ về A Bi Na Đi khi họ đọc về ông trong tuần này. Sau đó, họ có thể kể tên những người nam và người nữ—từ thánh thư, gia đình hay những kinh nghiệm cá nhân—mà họ cảm thấy là những tấm gương trong việc bảo vệ lẽ thật. Anh chị em cảm thấy được soi dẫn để làm điều gì nhờ vào những tấm gương này?
Khi chúng ta học lời của Thượng Đế, chúng ta cần sử dụng tấm lòng để hiểu.
-
Khi học tập Mô Si A 12:19–37 tuần này, các thành viên trong lớp có thể có những hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của việc sử dụng tấm lòng của mình để hiểu lời của Thượng Đế. Cân nhắc việc mời một vài người chia sẻ suy nghĩ của mình. Hoặc anh chị em có thể sử dụng một chút thời gian trong lớp để đọc những câu thánh thư này cùng nhau và thảo luận xem những câu thánh thư này gợi ý về điều gì để làm cho việc học hỏi phúc âm trở nên có ý nghĩa hơn. Ví dụ, tại sao là điều quan trọng để vừa hiểu luật pháp của Thượng Đế và vừa “tuân giữ luật ấy”? (Mô Si A 12:29).
-
Các thành viên trong lớp của anh chị em học hỏi được điều gì qua sự tương phản giữa thái độ và cách thực hành của các thầy tư tế của vua Nô Ê với cách thức học hỏi phúc âm mà chúng ta nên áp dụng? Mời họ đọc Mô Si A 12:19–37, hãy tìm kiếm những lời trách mắng mà A Bi Na Đi nói về các thầy tư tế của vua Nô Ê. A Bi Na Đi có thể nói gì về việc học hỏi phúc âm của chúng ta ngày nay? Yêu cầu các thành viên trong lớp chia sẻ điều họ làm mà giúp họ sử dụng tấm lòng để hiểu phúc âm và làm cho việc học hỏi phúc âm của họ thêm phần ý nghĩa.
Sự cứu rỗi đến qua Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.
-
Để thuyết phục những người đang hoài nghi về sự giáng thế của Đấng Mê Si, A Bi Na Đi đã trích dẫn một lời tiên tri từ Ê Sai (xin xem Mô Si A 14). Có một số cách thức mà các thành viên trong lớp có thể ôn lại chương này. Họ có thể đọc mỗi lần vài câu và thảo luận về những câu đó, hoặc anh chị em có thể chia lớp thành nhiều nhóm thảo luận để nói về những câu có ý nghĩa, kể cả các cước chú, để khám phá thêm những hiểu biết sâu sắc. Khuyến khích họ chia sẻ điều mình đã học về Đấng Cứu Rỗi từ chương này.
-
Các thành viên trong lớp của anh chị em có hiểu việc Chúa Giê Su Ky Tô “đáp ứng những đòi hỏi của công lý” có ý nghĩa gì không? (Mô Si A 15:9). Để giúp họ nhận được một sự hiểu biết tốt hơn, anh chị em có thể bắt đầu bằng cách đọc cùng nhau “Công Lý” và “Thương Xót” trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư (scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Một người có thể tình nguyện viết một định nghĩa ngắn gọn cho mỗi từ này lên bảng. Sau đó, anh chị em có thể đọc Mô Si A 15:1–9 cùng nhau. Chúa Giê Su Ky Tô đã đáp ứng đòi hỏi của công lý như thế nào? Ngài ban lòng thương xót của Ngài cho chúng ta như thế nào? Mời các thành viên trong lớp nghĩ về những điều tương tự minh họa cách mà Chúa Giê Su Ky Tô đáp ứng đòi hỏi của công lý.
Mô Si A 11; 12:33–37; 13:11–26
Các lệnh truyền nên được khắc ghi vào tim chúng ta.
-
Anh chị em có thể giúp các thành viên trong lớp hiểu tầm quan trọng của việc có được các lệnh truyền “được khắc ghi vào tim [chúng ta]” bằng cách hỏi họ cụm từ này có ý nghĩa gì. Sau đó, mời họ đối chiếu các lệnh truyền mà A Bi Na Đi đã dạy trong Mô Si A 12:33–37 và 13:11–26 với những tội lỗi mà vua Nô Ê và dân của ông đã phạm phải (xin xem Mô Si A 11:1–7, 14–15). Việc các lệnh truyền “được khắc ghi vào tim [chúng ta]” khác với việc chỉ đơn thuần quen thuộc với chúng như thế nào? (Mô Si A 13:11). Làm thế nào chúng ta biết các lệnh truyền có được khắc ghi vào tim chúng ta hay không? Chúng ta có thể chia sẻ những ví dụ nào?
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Các thành viên trong lớp đã bao giờ cảm thấy giống như A Bi Na Đi đã cảm thấy—rằng những nỗ lực để chia sẻ phúc âm của họ là vô ích không? Hãy nói với họ rằng trong Mô Si A 18–26, họ sẽ đọc về nhiều thành quả từ những nỗ lực của A Bi Na Đi.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Những lời giảng dạy của các vị tiên tri về việc bảo vệ lẽ thật.
Chủ tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô sẵn lòng đứng lên, mạnh dạn lên tiếng và khác biệt với mọi người trên thế gian. … Không có điều gì dễ dàng hoặc tự động trong việc trở thành các môn đồ vững mạnh như vậy. Sự tập trung của chúng ta cần phải được dựa vào Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần để cố gắng hướng tới Ngài trong mọi ý nghĩ. Nhưng khi làm như vậy, những nỗi nghi ngờ và sợ hãi của chúng ta biến mất.” (“Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 40–41).
Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Cầu xin cho chúng ta luôn luôn dũng cảm và sẵn sàng bênh vực cho điều mình tin, và nếu phải đứng một mình trong khi làm như thế, thì cầu xin cho chúng ta làm như vậy một cách dũng cảm, được củng cố bởi sự hiểu biết rằng trong thực tế chúng ta không bao giờ cô đơn một mình khi đứng với Cha Thiên Thượng” (“Dám Đứng Một Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 67).
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy: “Phao Lô đã viết thư cho Ti Mô Thê: ‘Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ. Vậy con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta’ (2 Ti Mô Thê 1:7–8). Tôi hy vọng rằng tất cả mọi tín hữu của Giáo Hội này sẽ để những lời đó ở nơi người ấy có thể nhìn thấy mỗi buổi sáng khi bắt đầu ngày của mình. Những lời ấy sẽ cho chúng ta sự can đảm để mở miệng, chúng sẽ cho chúng ta đức tin để thử, chúng sẽ củng cố sự tin chắc của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô” (Teachings of Presidents of the Church: Gordon B. Hinckley [năm 2016], trang 338).