“Ngày 25–31 tháng Năm. Mô Si A 29–An Ma 4: ‘Họ Vẫn Một Lòng Vững Chắc Không Lay Chuyển,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 25–31 tháng Năm. Mô Si A 29–An Ma 4,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 25–31 tháng Năm
Mô Si A 29–An Ma 4
“Họ Vẫn Một Lòng Vững Chắc Không Lay Chuyển”
Vào thời của An Ma, một thầy giảng phúc âm không được xem là “hơn gì người học; do đó tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau” (An Ma 1:26). Khi anh chị em chuẩn bị để giảng dạy, hãy suy ngẫm cách mà nguyên tắc này áp dụng với anh chị em và với lớp.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Các thành viên trong lớp có thể để ý những sự tương đồng giữa các sự kiện được mô tả trong Mô Si A 29–An Ma 4 và những điều đang diễn ra trên thế gian ngày nay hoặc trong cuộc sống của chính họ. Cho họ một vài phút ôn lại những chương này để tìm một ví dụ. Mời họ chia sẻ những điều họ tìm thấy với một ai đó ngồi gần.
Giảng Dạy Giáo Lý
Chúng ta có thể tạo ảnh hưởng tốt lên cộng đồng của mình.
-
Nếu các thành viên trong lớp sẽ có được lợi ích từ việc thảo luận cách để có ảnh hưởng tốt lên cộng đồng, anh chị em có thể mời họ nghĩ về một số vấn đề mà cộng đồng của họ đang gặp phải và liệt kê chúng lên bảng (tránh những cuộc thảo luận chi tiết về những vấn đề này). Các thành viên trong lớp có thể ôn lại An Ma 2:1–7 để tìm vấn đề mà dân Nê Phi đang đối mặt và họ đã làm gì để giải quyết vấn đề đó. Điều gì có thể xảy ra nếu “dân của giáo hội” không làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe? Có điều gì khác mà chúng ta học về việc trở thành những công dân tốt từ câu chuyện này, từ Mô Si A 29:26–27, và từ câu chuyện trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung”? Các thành viên trong lớp có thể muốn nghĩ đến những điều họ sẽ làm để gây ảnh hưởng tốt lên cộng đồng của họ liên quan đến một trong những vấn đề trên bảng.
Chúng ta có thể nhận biết và chối bỏ những lời giảng dạy sai lạc.
-
Tấm gương về Ghi Đê Ôn chống lại Nê Hô có thể soi dẫn lớp của anh chị em. Anh chị em có thể yêu cầu trước một người ôn lại lịch sử của Ghi Đê Ôn và chia sẻ với lớp (xin xem Mô Si A 19:1–8; 20:15–22; 22:1–9; và An Ma 1:2–9). Dựa trên lần ôn lại này, các thành viên trong lớp có thể liệt kê một số đặc điểm thú vị của Ghi Đê Ôn. Ví dụ, khi Ghi Đê Ôn nghe những lời giảng dạy sai lạc của Nê Hô, Ghi Đê Ôn chống lại Nê Hô “với lời của Thượng Đế” (câu 9). Trong giờ học tập cá nhân, các thành viên trong lớp có thể tìm thấy những câu thánh thư bác bỏ những lời giảng dạy của Nê Hô trong An Ma 1:3–6. Mời họ chia sẻ những câu thánh thư đó. Một số câu thánh thư cũng được gợi ý trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Làm thế nào chúng ta có thể trở nên giống Ghi Đê Ôn hơn trong việc bảo vệ lẽ thật của mình?
-
Những lời giảng dạy sai lạc của Nê Hô, được mô tả trong An Ma 1:3–6, có thể giúp chúng ta nhận ra chiến thuật mà Sa Tan sử dụng để đánh lừa chúng ta. Ví dụ, Sa Tan thường giấu sự dối trá bên trong lẽ thật. Cân nhắc việc mời các thành viên trong lớp tìm trong An Ma 1:3–4 và nhận ra những sự dối trá mà Sa Tan đã nói và những lẽ thật mà nó sử dụng để làm chúng hấp dẫn. Một số sự dối trá lẫn lộn với lẽ thật mà lừa gạt con người ngày nay là gì? Làm thế nào chúng ta có thể giúp gia đình và những người thân của mình phân biệt giữa lẽ thật và điều sai trái?
-
Các thành viên trong lớp có thể hát hoặc đọc một bài thánh ca về sự khiêm nhường, như “Hãy Luôn Khiêm Nhường,” và thảo luận sứ điệp từ bài thánh ca khác với thông điệp từ Nê Hô trong An Ma 1:2–9 như thế nào. Họ cũng có thể đối chiếu điều Nê Hô đã dạy về các thầy giảng phúc âm với những điều An Ma và các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội đã dạy và minh họa (xin xem An Ma 1:26; 4:15–20). Động cơ của Nê Hô là gì? Nó khác với động cơ của An Ma như thế nào? Khuyến khích các thành viên trong lớp suy ngẫm về động cơ của họ khi phục vụ trong Giáo Hội. An Ma 1:26 gợi ý điều gì về trách nhiệm của chúng ta với tư cách là học viên?
Sự kiêu ngạo có thể làm cho chúng ta “suy yếu trên đà tiến triển của [mình].”
-
Việc thảo luận An Ma 1 và An Ma 4 có thể giúp các thành viên trong lớp hiểu sự kiêu ngạo ảnh hưởng đến cả cá nhân lẫn Giáo Hội như thế nào. Anh chị em có thể chia lớp ra thành hai nhóm và yêu cầu một nhóm tìm hiểu về trạng thái của Giáo Hội như được mô tả trong An Ma 1:19–30, trong khi nhóm khác tìm hiểu về trạng thái của Giáo Hội vài năm sau đó, như được mô tả trong An Ma 4:6–15. Yêu cầu mỗi nhóm chia sẻ Giáo Hội và các tín hữu của Giáo Hội giống như thế nào theo như những câu mà họ đọc. Họ có thể cùng nhau lập kế hoạch một cách sáng tạo để làm điều này—ví dụ, họ có thể vẽ một bức tranh hoặc chuẩn bị một vở kịch ngắn. Sau khi các nhóm chia sẻ với nhau, hãy yêu cầu họ thảo luận điều họ đã học về những ảnh hưởng của sự kiêu ngạo lên Giáo Hội và các tín hữu cùng các phước lành của sự khiêm nhường. Những câu chuyện này có những bài học nào dành cho chúng ta ngày nay?
“Lời của Thượng Đế” và “lời chứng thuần nhất” có thể thay đổi tấm lòng.
-
Nhiều người có thể hiểu được những gì An Ma cảm thấy khi ông “buồn rầu vô hạn” (An Ma 4:15) về những sự tà ác và tranh chấp trong dân ông. Các thành viên trong lớp có thể nghĩ về một người thân mà họ lo lắng và luôn nghĩ đến người đó trong khi đọc An Ma 4:12–20. Sau khi các thành viên trong lớp đọc, anh chị em có thể đặt ra những câu hỏi giống như sau để thúc đẩy cuộc thảo luận về các câu thánh thư đó: Điều gì mang đến niềm vui cho người dân trong những hoàn cảnh khó khăn của họ? Cụm từ “Thánh Linh của Chúa đã không lìa bỏ ông” có ý nghĩa gì với anh chị em? (An Ma 4:15). Những sự hy sinh nào mà An Ma đã thực hiện để giúp dân của ông, và những sự hy sinh nào đôi khi chúng ta được yêu cầu để thực hiện? Những tấm gương nào chúng ta đã thấy về quyền năng của “lời chứng thuần nhất”? (An Ma 4:19). Làm thế nào chúng ta chia sẻ chứng ngôn của mình mà không mang tính thuyết giáo hay phán xét? Anh chị em có thể cho các thành viên trong lớp thời gian để viết một thông điệp chứng ngôn cho những người thân yêu của họ.
-
Có lẽ các thành viên trong lớp sẽ có lợi ích từ cuộc thảo luận về ý nghĩa của “lời chứng thuần nhất.” Những chứng ngôn này “nhắc nhở [chúng ta] nhớ đến bổn phận của mình” như thế nào? (An Ma 4:19). Những chứng ngôn này giúp chúng ta vượt qua sự kiêu ngạo và sự tranh cãi như thế nào?
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Anh chị em có thể giải thích cho các thành viên trong lớp rằng trong An Ma 5–7 họ sẽ đọc “lời chứng thuần nhất” của An Ma và thấy ảnh hưởng của lời chứng đó lên dân chúng (xin xem An Ma 4:19).
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
“Hãy làm cho sự ảnh hưởng của anh chị em mạnh mẽ hơn.”
Ngay sau khi Chị Belle S. Spafford được kêu gọi với tư cách là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Trung Ương vào năm 1945, những người lãnh đạo hội phụ nữ đã được mời để tham dự một cuộc họp của hội đồng phụ nữ tiêu biểu quốc gia. Những người lãnh đạo của Hội Phụ Nữ trung ương đã là thành viên của hội đồng này trong nhiều năm, nhưng họ cảm thấy gần đây họ đã bị hội đồng đối xử không tốt lắm. Sau khi thảo luận với các cố vấn của mình, Chị Spafford đề nghị với Chủ Tịch George Albert Smith, Chủ Tịch của Giáo Hội, rằng Hội Phụ Nữ nên chấm dứt tư cách thành viên của mình trong hội đồng.
Khi họ thảo luận về đề xuất này, Chị Spafford nói: “Anh biết đấy, Chủ Tịch Smith, chúng tôi không nhận được bất cứ điều gì từ Hội Đồng.”
Sau đó, chị ấy kể lại:
“Chủ tịch nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Ông ấy nói, ‘Chị Spafford, chị có luôn nghĩ về những gì mình nhận được không? Chị không nghĩ rằng thường xuyên nghĩ về những điều mình cho đi là tốt sao? Ông ấy tiếp tục: ‘Tôi tin rằng những người phụ nữ Mặc Môn có điều gì đó để đóng góp cho phụ nữ trên toàn thế giới và rằng họ cũng có thể học hỏi từ các phụ nữ trên toàn thế giới. Thay vì chị chấm dứt tư cách thành viên của mình, tôi khuyên chị nên mang một số thành viên nhiều khả năng nhất trong hội đồng quản trị của mình và trở lại cuộc họp này.’
“Sau đó, ông nhấn mạnh, ‘Hãy làm cho ảnh hưởng của các chị mạnh mẽ hơn’” (Belle S. Spafford, A Woman’s Reach [năm 1974], trang 96–97).
Chị Spafford đã tuân theo lời khuyên này. Chị đã phục vụ trong nhiều năm trong hội đồng và cuối cùng được bầu làm một trong những người lãnh đạo hội đồng.