“Ngày 11–17 tháng Năm. Mô Si A 18–24: ‘Chúng Ta Đã Lập Giao Ước với Ngài,’” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: Sách Mặc Môn năm 2020 (năm 2020)
“Ngày 11–17 tháng Năm. Mô Si A 18–24,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Trường Chủ Nhật: năm 2020
Ngày 11–17 tháng Năm
Mô Si A 18–24
Chúng Ta đã Lập Giao Ước với Ngài
Khi anh chị em đọc Mô Si A 18–24, hãy nghĩ đến những người mà anh chị em giảng dạy. Anh chị em biết gì về họ? Đức Thánh Linh có thể soi dẫn ý nghĩ của anh chị em và giúp anh chị em nhận ra các lẽ thật phúc âm mà sẽ thích hợp nhất với họ.
Ghi Lại Những Ấn Tượng của Anh Chị Em
Mời Chia Sẻ
Mời các thành viên trong lớp học gợi ý một số nguyên tắc, hoặc những lời phát biểu về lẽ thật, mà họ tìm thấy trong khi học tập Mô Si A 18–24. (Một số nguyên tắc được liệt kê trong đại cương của tuần này trong Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình.) Khuyến khích họ chia sẻ các câu từ Mô Si A 18–24 mà dạy về những nguyên tắc này. Anh chị em đã có những kinh nghiệm nào với các lẽ thật này?
Giảng Dạy Giáo Lý
Phép báp têm bao gồm giao ước để phục vụ Thượng Đế và đứng lên như một nhân chứng cho Ngài.
-
Khi anh chị em đọc Mô Si A 18 và chuẩn bị để giảng dạy, anh chị em có thể cảm thấy được soi dẫn để giúp đỡ các thành viên trong lớp học ôn lại và suy ngẫm về giao ước báp têm của họ. Đây là một cách mà anh chị em có thể thực hiện điều này: Mời các thành viên trong lớp học làm việc cùng nhau để liệt kê lên bảng càng nhiều cụm từ mà họ có thể nhớ càng tốt liên quan đến sự mô tả của An Ma về giao ước báp têm. Khi họ liệt kê xong, các thành viên trong lớp học có thể đọc Mô Si A 18:8–10 và bổ sung bất kỳ điều gì còn thiếu vào danh sách. (Họ cũng có thể bổ sung những cụm từ trong GL&GƯ 20:37, 77, và 79.) Có thể giúp ích để hỏi họ ý nghĩa của mỗi cụm từ và điều gì họ có thể làm để giữ phần đó trong giao ước báp têm. Chúa ban phước chúng ta như thế nào khi chúng ta giữ phần giao ước của mình?
-
Khi những người theo An Ma chuẩn bị báp têm, An Ma đã dạy họ rằng “đàn chiên của Thượng Đế” đòi hỏi việc lập một giao ước để tuân theo Thượng Đế và chăm sóc cho con cái của Ngài (xin xem Mô Si A 18:8–9). Có lẽ các thành viên trong lớp học có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi họ hoặc ai đó mà họ biết được củng cố bởi một người làm tròn giao ước báp têm được mô tả trong Mô Si A 18:8–10. Ví dụ, có khi nào có một người an ủi họ hoặc giúp đỡ họ mang gánh nặng của mình không? Những kinh nghiệm này đã soi dẫn chúng ta tuân giữ giao ước của mình như thế nào? Anh chị em có thể nhắc nhở lớp học về cách A Bi Na Đi đứng lên “làm [một] nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu” (câu 9). Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương của ông khi chúng ta tìm cách để làm tròn phần này trong giao ước báp têm của chúng ta?
Dân của Thượng Đế đoàn kết với nhau.
-
Mô Si A 18:17–31 mô tả các lệnh truyền mà An Ma đã ban cho dân của ông để giúp họ đoàn kết với nhau với tư cách là các tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Để giúp các thành viên trong lớp học nghĩ về những lệnh truyền này áp dụng với họ như thế nào, anh chị em có thể yêu cầu họ tìm kiếm những câu này theo các nhóm nhỏ và lập một bản liệt kê các lệnh truyền họ tìm được. Việc tuân theo những lệnh truyền này giúp các tín hữu trong tiểu giáo khu cảm thấy đoàn kết hơn như thế nào? Có bất kỳ mục tiêu nào mà các thành viên trong lớp học có thể lập cho cá nhân hoặc theo nhóm để noi theo tấm gương của dân của An Ma không?
-
Một số người thắc mắc tại sao chúng ta cần một giáo hội? Để giúp các thành viên trong lớp học trả lời câu hỏi này, anh chị em có thể phác họa một tòa nhà của Giáo Hội lên bảng và viết một số câu hỏi bên dưới đó. Sau đó các thành viên trong lớp học có thể đọc trong Mô Si A 18:17–31 và viết lên bảng những câu trả lời khả thi mà họ tìm thấy trong những câu này. Họ cũng có thể tìm các câu trả lời trong đoạn trích dẫn từ bài nói chuyện của Anh Cả Christofferson trong “Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung.” Anh chị em có thể để một vài thành viên trong lớp đóng diễn cách họ sẽ trả lời một người bạn không tin rằng một tổ chức giáo hội là cần thiết. Tại sao chúng ta biết ơn được thuộc vào Giáo Hội?
-
Trong khi chúng ta muốn nghĩ rằng tất cả mọi người đều cảm thấy được chào đón trong giáo hội thì thật đáng tiếc, không phải ai cũng như vậy. Chúng ta học được điều gì từ dân của An Ma trong Mô Si A 18:17–31 mà có thể giúp chúng ta tạo ra một nơi mà tất cả mọi người đều cảm thấy là họ thuộc vào?
Chúa có thể làm cho gánh nặng của chúng ta được nhẹ nhàng.
-
Những gánh nặng mà các thành viên trong lớp học của anh chị em mang khác với những gánh nặng mà dân của Lim Hi và An Ma mang khi họ ở trong vòng nô lệ. Nhưng các sứ điệp từ những câu chuyện này áp dụng cho bất kỳ ai cảm thấy quá sức bởi nghịch cảnh hay hoàn cảnh khó khăn. Mời các thành viên trong lớp học chia sẻ điều họ học từ Mô Si A 21–24 về cách Thượng Đế giúp chúng ta trong những khó khăn của mình. (Để có phần tóm tắt của những câu chuyện này, xin xem L. Tom Perry, “Quyền Năng Giải Thoát,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 94–97.) Các thành viên trong lớp học có thể chia sẻ những lần họ, giống như An Ma, có kinh nghiệm được việc Thượng Đế làm tròn lời hứa rằng Ngài sẽ làm nhẹ gánh của họ và thăm viếng họ trong cơn hoạn nạn của họ (xin xem Mô Si A 24:14).
-
Có thể có ý nghĩa với các thành viên trong lớp học để dành ra một vài phút viết xuống những thử thách cá nhân mà họ đã đối mặt và suy ngẫm những cách thức mà Chúa đã giúp họ làm nhẹ gánh nặng của mình. Có những đoạn từ Mô Si A 21–24 mà soi dẫn họ hướng đến Chúa trong nghịch cảnh không? Lời hứa của Chúa với dân của An Ma trong Mô Si A 24:14 liên quan đến giao ước chúng ta đã lập với Chúa vào lúc chịu phép báp têm như thế nào? (xin xem Mô Si A 18:8–10).
Khuyến Khích Việc Học tại Nhà
Để khuyến khích các thành viên trong lớp học đọc Mô Si A 25–28, hãy yêu cầu họ nghĩ về một người họ biết mà đã rời bỏ phúc âm. Nói với họ rằng khi họ đọc những chương này, họ có thể tìm thấy những hiểu biết sâu sắc về cách thức để giúp người đó quay lại.
Những Nguồn Tài Liệu Bổ Sung
Tại sao chúng ta cần Giáo Hội?
Anh Cả D. Todd Christofferson đã nói: “Tôi nhận biết rằng có những người tự coi mình là sùng đạo hay thánh thiện vậy mà từ chối tham gia vào một giáo hội hay chối bỏ ngay cả sự cần thiết để có một tổ chức như vậy. Việc thực hành tôn giáo là chỉ cho cá nhân của họ mà thôi. Tuy nhiên, Giáo Hội là sự sáng tạo của Đấng mà nếp sống thuộc linh của chúng ta được tập trung vào–Chúa Giê Su Ky Tô. Thật là đáng bõ công để tạm dừng lại và ngẫm nghĩ xem tại sao Ngài chọn sử dụng một giáo hội, Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô để thực hiện công việc của Ngài và của Cha Ngài.”
Sau đó Anh Cả Christofferson chia sẻ những lý do tại sao Chúa đã thiết lập Giáo Hội (xin xem “Tại Sao Giáo Hội Là Cần Thiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 108–111):
-
“Để thuyết giảng tin lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và thực hiện các giáo lễ của sự cứu rỗi—nói cách khác, để mang mọi người đến với Đấng Ky Tô.”
-
“Tạo ra một cộng đồng Các Thánh Hữu mà sẽ hỗ trợ lẫn nhau trên ‘con đường chật và hẹp ấy, tức là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu’ [2 Nê Phi 31:18]. … “Khi kết hợp trong đức tin, chúng ta giảng dạy và gây dựng lẫn nhau và cố gắng sống theo các tiêu chuẩn cao nhất của vai trò môn đồ.”
-
Để “cung cấp một buổi nhóm họp hàng tuần để nghỉ ngơi và đổi mới, một thời gian và địa điểm để bỏ lại những mối bận tâm và sinh hoạt của thế gian—đó là ngày Sa Bát.”
-
“Để đạt được những điều cần thiết mà không thể được hoàn tất bởi các cá nhân hoặc các nhóm nhỏ hơn [bao gồm việc] đối phó với cảnh nghèo khó, … mang phúc âm đến tất cả thế gian … [xây cất và điều hành] các đền thờ, nhà của Chúa, nơi mà các giáo lễ thiết yếu và các giao ước có thể được thực hiện.”
-
Để làm cho các chìa khóa chức tư tế có sẵn, là “các chức sắc chức tư tế của Giáo Hội bảo tồn sự trong sáng của giáo lý của Đấng Cứu Rỗi và sự toàn vẹn của các giáo lễ cứu rỗi của Ngài, … giúp chuẩn bị cho những người muốn tiếp nhận các giáo lễ đó, xét đoán khả năng và sự xứng đáng của những người thỉnh cầu, và sau đó thực hiện các giáo lễ đó … [và] nhận ra cả lẽ thật lẫn sự dối trá.”