Quyền Năng Giải Thoát
Chúng ta có thể được giải thoát khỏi những cách thức xấu xa và tà ác bằng cách tìm tới những điều giảng dạy của thánh thư.
Một người bạn rất tốt của tôi gửi cho tôi một cái cà vạt để đeo trong phiên họp tôi nói chuyện tại mỗi đại hội trung ương. Anh ấy có khiếu thẩm mỹ thật xuất sắc, các anh chị em đồng ý chứ?
Người bạn trẻ của tôi có một vài thử thách khó khăn. Những thử thách này giới hạn anh trong một số phương diện, nhưng trong những phương diện khác, anh ấy là một người phi thường. Ví dụ, tính tình mạnh dạn của anh ấy khi còn là người truyền giáo có thể so sánh với các con trai của Mô Si A. Sự giản dị của niềm tin giản dị của anh làm cho niềm tin này vững vàng một cách đáng kinh ngạc. Tôi tin rằng trong tâm trí của Scott, anh ấy không thể tưởng tượng nổi rằng mọi người không phải là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và rằng mọi người chưa hề đọc Sách Mặc Môn và không có chứng ngôn về lẽ trung thực của sách đó.
Tôi xin kể cho các anh chị em nghe về một sự kiện trong cuộc đời của Scott khi lần đầu tiên anh ấy đi máy bay một mình để đi thăm người anh trai. Một người hàng xóm ngồi gần bên tình cờ nghe cuộc chuyện trò của Scott với người ngồi cạnh anh:
“Chào ông, tôi tên là Scott. Ông tên là gì vậy?”
Người ngồi cạnh anh cho biết tên của mình.
“Ông làm nghề gì?”
“Tôi là kỹ sư.”
“Tốt. Ông sống ở đâu vậy?”
“Ở Las Vegas.”
“Chúng tôi có một đền thờ ở đó. Ông có biết đền thờ Mặc Môn ở đâu không?”
“Vâng tôi có biết. Đó là một tòa nhà rất đẹp.”
“Ông là người Mặc Môn à?”
“Không.”
“Vậy thì, ông nên là người Mặc Môn. Đó là một tôn giáo vĩ đại. Ông đã đọc Sách Mặc Môn chưa?”
“Chưa.”
“Vậy thì ông nên đọc sách ấy đi. Đó là một quyển sách tuyệt vời.”
Tôi hết lòng đồng ý với Scott—Sách Mặc Môn là một quyển sách tuyệt vời. Những lời của Tiên Tri Joseph Smith được trích dẫn ở trên trang có ghi lời giới thiệu Sách Mặc Môn, luôn luôn là đặc biệt đối với tôi: “Tôi đã nói với các anh em trong Giáo Hội rằng Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.”
Trong các lớp Trường Chủ Nhật năm nay, chúng ta đang học Sách Mặc Môn. Khi chúng ta chuẩn bị và tham gia, cầu xin cho chúng ta được thúc đẩy để noi theo tấm gương bạo dạn của Scott nhằm mục đích chia sẻ tình yêu mến của chúng ta đối với quyển thánh thư đặc biệt này với những người khác tín ngưỡng với mình.
Một chủ đề chính yếu của Sách Mặc Môn được cho biết trong câu cuối cùng của chương 1 sách 1 Nê Phi. Nê Phi viết: “Nhưng này, tôi, Nê Phi, sẽ cho các người thấy rằng, tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được dành cho tất cả những người được Ngài chọn lựa, nhờ đức tin của họ, để làm cho họ hùng mạnh ngay cả có được quyền năng giải thoát.” (1 Nê Phi 1:20).
Tôi muốn được nói về cách mà Sách Mặc Môn, tức là tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được để dành cho những ngày sau này, giải thoát chúng ta bằng cách dạy cho chúng ta giáo lý của Đấng Ky Tô trong một cách thanh khiết và “đúng thật nhất”.
Nhiều câu chuyện trong Sách Mặc Môn nói về sự giải thoát. Chuyến đi của Lê Hi vào vùng hoang dã với gia đình của ông là về sự giải thoát khỏi cảnh hủy diệt Giê Ru Sa Lem. Câu chuyện về dân Gia Rét là một câu chuyện về sự giải thoát, như là câu chuyện về dân A Mu Léc. An Ma Con được giải thoát khỏi tội lỗi. Các chiến sĩ trẻ tuổi của Hê La Man được giải thoát trong trận chiến. Nê Phi và Lê Hi được giải thoát khỏi ngục tù. Chủ đề về sự giải thoát là hiển nhiên trong toàn bộ Sách Mặc Môn.
Có hai câu chuyện rất tương tự trong Sách Mặc Môn và đều giảng dạy một bài học quan trọng. Câu chuyện thứ nhất là từ sách Mô Si A, bắt đầu với chương 19. Chúng ta học được ở đây về Vua Lim Hi đang sống trong xứ Nê Phi. Dân La Man đã gây chiến với dân Lim Hi. Kết quả của cuộc chiến là dân La Man sẽ để cho Vua Lim Hi cai trị dân ông, nhưng dân ông sẽ ở trong vòng nô lệ của dân La Man. Đó là một nền hòa bình không thoải mái. (Xin xem Mô Si A 19–20.)
Khi dân Lim Hi mệt mỏi với những sự ngược đãi của dân La Man, họ thuyết phục nhà vua đánh lại dân La Man. Dân Lim Hi đều thua trận cả ba lần. Những gánh nặng được đặt lên họ. Cuối cùng, họ hạ mình và khẩn thiết kêu cầu lên Chúa để Ngài giải thoát họ (xin xem Mô Si A 21:1–14.) Câu 15 trong chương 21 cho chúng ta biết về câu trả lời của Chúa: “Và giờ đây, Chúa đã chậm rãi trong việc nghe lời kêu cầu của họ, vì những điều bất chính của họ; tuy nhiên, sau đó Chúa cũng nghe lời kêu cầu của họ và bắt đầu làm mềm lòng dân La Man khiến chúng bắt đầu giảm bớt gánh nặng cho họ; tuy nhiên, Chúa xét thấy chưa phải lúc giải thoát cho họ khỏi vòng nô lệ.”
Chẳng bao lâu sau, Am Môn và một nhóm ít người từ Gia Ra Hem La đến, và với Ghi Đê Ôn—một trong số những người lãnh đạo của dân Lim Hi—họ vạch ra một kế hoạch và được thành công, rồi họ thoát khỏi cảnh ngược đãi của dân La Man. Chúa đã chậm nghe lời kêu cầu của họ. Tại sao? Vì những điều bất chính của họ.
Câu chuyện thứ hai cũng tương tự về nhiều phương diện nhưng cũng khác biệt. Câu chuyện này được ghi lại trong Mô Si A 24.
An Ma và dân của ông đã định cư trong xứ Hê Lam thì quân đội La Man tiến vào biên giới của xứ. Họ gặp nhau và hoạch định một giải pháp hòa bình (xin xem Mô Si A 23:25–29.) Chẳng bao lâu, những người lãnh đạo La Man bắt đầu áp đặt ý muốn của họ lên dân của An Ma và đặt những gánh nặng lên họ (xin xem Mô Si A 24:8). Trong câu 13, chúng ta đọc: “Và chuyện rằng, tiếng nói của Chúa đến trong nỗi thống khổ của họ mà rằng: Các ngươi hãy ngẩng đầu lên và vui vẻ, vì ta biết giao ước mà các ngươi đã lập với ta; và ta sẽ giao ước với dân ta và giải thoát cho họ khỏi vòng nô lệ.”
Dân của An Ma được giải thoát khỏi bàn tay của dân La Man và an toàn trở lại đoàn tụ với dân Gia Ra Hem La.
Dân của An Ma khác với dân của Vua Lim Him như thế nào? Hiển nhiên là có một vài điều khác biệt: dân của An Ma yêu chuộng hòa bình và ngay chính hơn; họ hạ mình trước mặt Chúa ngay cả trước khi nỗi thống khổ của họ bắt đầu. Tất cả những điều khác biệt này góp phần làm cho việc Chúa giải thoát cho họ một cách nhanh chóng và mầu nhiệm khỏi bàn tay những người bắt họ vào vòng nô lệ trở thành thích đáng và hợp lý. Những câu thánh thư này dạy cho chúng ta biết về quyền năng giải thoát của Chúa.
Những lời tiên tri báo trước cuộc sống và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô hứa cho chúng ta sự giải thoát mà Ngài sẽ ban cho. Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài ban cho tất cả chúng ta một sự thoát khỏi cái chết thể xác và, nếu chúng ta hối cải, một sự thoát khỏi cái chết thuộc linh, mang đến với điều này các phước lành của cuộc sống vĩnh cửu. Những lời hứa về Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh, những lời hứa về sự giải thoát khỏi cái chết thể xác và thuộc linh, được Thượng Đế phán với Môi Se rằng: “Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39).
Ngược lại với những niềm tin được hoạch định một cách tuyệt vời cho chúng ta trong thánh thư, chúng ta thấy những lực lượng chống đối của chủ nghĩa thế tục thách thức những niềm tin lâu đời đối với những điều được ghi trong thánh thư—những điều đó đã ban cho chúng ta sự hướng dẫn qua nhiều thế kỷ này trong việc xác định những giá trị và tiêu chuẩn vĩnh cửu về cách cư xử của chúng ta trong suốt cuộc đời. Những lực lượng chống đối này nói rằng những điều giảng dạy trong Kinh Thánh là sai lạc và những lời giảng dạy của Đức Thầy là lỗi thời. Họ kêu gào rằng mỗi người cần phải có tự do để tự đề ra các tiêu chuẩn của mình; họ cố gắng thay đổi quyền hạn của những người tin, ngược lại với điều được giảng dạy trong thánh thư và trong những lời của các vị tiên tri.
Thật là một phước lành để có được câu chuyện về sứ mệnh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi đã được nói đến trong Sách Mặc Môn để thêm vào một chứng thư thứ hai cho giáo lý đã được nói đến trong Kinh Thánh. Tại sao là điều quan trọng cho thế gian để có quyển Kinh Thánh lẫn Sách Mặc Môn? Tôi tin rằng câu trả lời nằm trong chương 13 của sách 1 Nê Phi. Nê Phi ghi lại: “Và thiên sứ bảo tôi rằng: Những biên sử cuối cùng này mà ngươi đã thấy ở nơi những người Dân Ngoại đó [Sách Mặc Môn], sẽ chứng nhận sự xác thực của những biên sử đầu tiên [Kinh Thánh] là các biên sử của mười hai vị sứ đồ của Chiên Con, và sẽ cho thấy những điều minh bạch quý báu đã bị lấy đi khỏi các biên sử này; và sẽ cho tất cả các sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc biết rằng, Chiên Con của Thượng Đế là Vị Nam Tử của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và là Đấng Cứu Rỗi của thế gian; và tất cả mọi người phải đến với Ngài, bằng không, họ sẽ không được cứu” (câu 40).
Chỉ riêng Quyển Kinh Thánh hay Sách Mặc Môn thôi thì không đủ. Cả hai quyển này đều cần thiết cho chúng ta để giảng dạy và học hỏi về giáo lý trọn vẹn và đầy đủ của Đấng Ky Tô. Việc một quyển là cần thiết không làm giảm bớt sự cần thiết của quyển nào trong số hai quyển này cả. Cả Kinh Thánh lẫn Sách Mặc Môn đều cần thiết cho sự cứu rỗi và tôn cao của chúng ta. Như Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy một cách hùng hồn rằng: “Khi được sử dụng chung với nhau, thì Kinh Thánh và Sách Mặc Môn sẽ đánh bại các giáo lý sai lạc” (“A New Witness for Christ,” Ensign, tháng Mười Một năm 1984, 8).
Tôi muốn kết thúc bằng cách đề cập đến hai câu chuyện—một là từ Kinh Cựu Ước, và câu chuyện kia là từ Sách Mặc Môn—để cho thấy hai quyển này cùng làm việc chung với nhau một cách hòa hợp như thế nào.
Câu chuyện về Áp Ra Ham bắt đầu với sự giải thoát của ông khỏi sự thờ lạy thần tượng của dân Canh Đê (xin xem Sáng Thế Ký 11:27–31; Áp Ra Ham 2:1–4). Về sau, ông và vợ ông là Sa Rai được giải thoát ra khỏi nỗi buồn phiền của họ và được hứa rằng qua dòng dõi của họ, tất cả các dân tộc trên thế gian sẽ được phước (xin xem Sáng Thế Ký 18:18).
Kinh Cựu Ước ghi chép câu chuyện về Áp Ra Ham dẫn cháu trai của mình là Lót đi với ông ra khỏi Ai Cập. Được cho lựa đất trước, Lót đã chọn cánh đồng bằng bên sông Giô Đanh, ông dựng lều mình lên hướng tới Sô Đôm, một thành đầy tà ác (xin xem Sáng Thế Ký 13:1–12.) Hầu hết các vấn đề mà Lót về sau gặp phải trong cuộc sống của ông, và có rất nhiều những vấn đề đó, có thể truy nguyên về quyết định ban đầu của ông để đặt cửa lều của mình hướng tới Sô Đôm.
Áp Ra Ham, tổ phụ của người trung tín, đã trải qua cuộc đời một cách khác. Chắc hẳn là có rất nhiều thử thách, nhưng đó phải là một cuộc sống được phước. Chúng ta không biết cửa lều của Áp Ra Ham hướng tới đâu, nhưng có một lời ám chỉ mạnh mẽ trong câu cuối cùng của chương 13 sách Sáng Thế Ký. Câu đó nói: “Đoạn Áp Ram [hay Áp Ra Ham] dời trại mình đến ở nơi lùm cây dẻ bộp tại Mam Rê, thuộc về Hếp Rôn, và lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê Hô Va” (Sáng Thế Ký 13:18).
Mặc dù không biết nhưng bản thân tôi tin rằng cửa lều của Áp Ra Ham hướng tới bàn thờ ông lập cho Chúa. Bằng cách nào tôi có thể rút ra kết luận này? Đó là vì tôi biết câu chuyện trong Sách Mặc Môn về những lời chỉ dẫn của Vua Bên Gia Min cho dân của ông khi họ quy tụ lại để nghe bài giảng cuối cùng của ông. Vua Bên Gia Min chỉ dẫn họ phải đặt cửa lều của họ hướng tới đền thờ. (xin xem Mô Si A 2:1–6).
Chúng ta có thể được giải thoát khỏi những cách thức xấu xa và tà ác bằng cách tìm tới những điều giảng dạy của thánh thư. Đấng Cứu Rỗi là Đấng Giải Thoát Vĩ Đại, vì Ngài giải thoát chúng ta ra khỏi cái chết và tội lỗi (xin xem Rô Ma 11:26; 2 Nê Phi 9:12).
Tôi tuyên bố rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và rằng chúng ta có thể đến gần Ngài bằng cách đọc Sách Mặc Môn. Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Hai chứng thư đầu tiên về Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước—hay Kinh Thánh.
Một lần nữa, chúng ta hãy nhớ tới lời mô tả của người bạn Scott của tôi về Sách Mặc Môn: “Đó là một quyển sách tuyệt vời.” Tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng nhiều điều tuyệt vời của Sách Mặc Môn đến từ sự hòa hợp của sách này với Kinh Thánh, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.