2010–2019
Hy Sinh
Tháng tư 2012


Hy Sinh

Cuộc sống phục vụ và hy sinh của chúng ta là cách biểu lộ thích hợp nhất rằng chúng ta cam kết phục vụ Đức Thầy và đồng bào của mình.

Sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được gọi là “sự kiện siêu việt nhất trong số tất cả mọi sự kiện từ lúc sáng thế đến thời vĩnh cửu.”1 Sự hy sinh đó là sứ điệp chính yếu của tất cả các vị tiên tri. Sự hy sinh đó được báo trước bởi các của lễ thiêu các con vật do luật Môi Se đòi hỏi. Một vị tiên tri nói rằng toàn bộ ý nghĩa của các lễ thiêu đó “huớng về sự hy sinh vĩ đại và cuối cùng ấy [của] … Vị Nam Tử của Thượng Đế, phải, vô hạn và vĩnh cửu” (An Ma 34:14). Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đựng nỗi đau khổ không thể hiểu nổi để tự Ngài làm của lễ hy sinh vì các tội lỗi của tất cả nhân loại. Sự hy sinh đó dâng lên điều tốt tột bậc—đó là Chiên Con thanh khiết không tì vết—đối với mức độ tà ác—đó là các tội lỗi của toàn thể thế gian. Eliza R. Snow đã đưa ra những lời đáng ghi nhớ:

Ngài đã sẵn lòng đổ máu quý báu;

Ngài đã sẵn lòng phó mạng sống,

Một sự hy sinh vô tội cho tội lỗi,

Để cứu rỗi một thế giới đang dẫy chết.2

Sự hy sinh đó—Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô—là trọng tâm của kế hoạch cứu rỗi.

Nỗi đau khổ không thể hiểu nổi của Chúa Giê Su Ky Tô kết thúc sự hy sinh bằng cách đổ máu, nhưng điều đó không kết thúc tầm quan trọng của sự hy sinh trong kế hoạch phúc âm. Đấng Cứu Rỗi tiếp tục đòi hỏi chúng ta phải dâng của lễ hy sinh, nhưng của lễ hy sinh mà Ngài truyền lệnh bây giờ là chúng ta “phải hiến dâng cho [Ngài] một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh” (3 Nê Phi 9:20). Ngài cũng truyền lệnh cho mỗi chúng ta phải yêu thương và phục vụ lẫn nhau—trong thực tế, để dâng lên một của lễ nhỏ giống như sự hy sinh của Ngài bằng cách hy sinh thời giờ và những ưu tiên ích kỷ của chúng ta. Trong một bài thánh ca đầy cảm ứng, chúng ta: “Sự hy sinh mang đến các phước lành của thiên thượng.”3

Tôi sẽ nói về những hy sinh trên trần thế mà Đấng Cứu Rỗi đã phán bảo chúng ta phải thực hiện. Điều này sẽ không gồm có những hy sinh chúng ta bắt buộc phải thực hiện hoặc những hành động mà có thể bị thúc đẩy bởi lợi lộc cá nhân hơn là sự phục vụ hay hy sinh (xin xem 2 Nê Phi 26:29).

I.

Ky Tô giáo có một lịch sử về sự hy sinh, kể cả sự hy sinh tột bậc. Trong những năm tháng đầu tiên của kỷ nguyên Ky Tô giáo, Rô Ma đã hành hình hằng ngàn người vì đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Trong những thế kỷ sau, khi những cuộc tranh luận về giáo lý chia rẽ các Ky Tô hữu, một vài nhóm đã ngược đãi và còn xử tử các tín hữu thuộc các nhóm khác. Các Ky Tô hữu bị các Ky Tô hữu khác sát hại, đó là những cảnh tuẫn đạo bi thảm nhất của Ky Tô giáo.

Nhiều Ky Tô hữu đã tình nguyện hy sinh do sự thúc đẩy của đức tin nơi Đấng Ky Tô và ước muốn phục vụ Ngài. Một số người đã chọn dâng hiến trọn cuộc sống thành niên của họ để phục vụ Đức Thầy. Nhóm cao quý này gồm có những người trong các tổ chức tôn giáo của Giáo Hội Công Giáo và những người đã phục vụ suốt đời với tư cách là những người truyền giáo Ky Tô hữu trong nhiều tôn giáo Tin Lành khác nhau. Tấm gương của họ đầy thử thách và soi dẫn, nhưng hầu hết những người tin nơi Đấng Ky Tô đều không kỳ vọng hoặc có khả năng dâng hiến trọn cuộc sống của họ cho sự phục vụ tôn giáo.

II.

Đối với hầu hết các tín đồ của Đấng Ky Tô, những hy sinh của chúng ta gồm có điều chúng ta có thể làm hằng ngày trong cuộc sống thường nhật của mình. Trong kinh nghiệm đó, tôi không biết có một nhóm nào mà có các tín hữu hy sinh nhiều hơn Các Thánh Hữu Ngày Sau. Những hy sinh của họ—những hy sinh của các anh chị em của tôi—đều ngược lại với điều những người trên thế gian thường tìm kiếm về sự mãn nguyện của cá nhân.

Ví dụ đầu tiên của tôi là những người tiền phong Mặc Môn. Thiên anh hùng ca về sự hy sinh mạng sống, mối quan hệ gia đình, nhà cửa, và tiện nghi của họ chính là nền tảng của phúc âm phục hồi. Sarah Rich nói về điều đã thúc đẩy những người tiền phong này khi bà mô tả chồng của bà là Charles, được kêu gọi đi truyền giáo: “Đây thật sự là một thời gian khó khăn đối với tôi cũng như đối với chồng tôi; nhưng bổn phận kêu gọi chúng tôi phải xa nhau trong một thời gian và vì biết rằng chúng tôi [đang] tuân theo ý muốn của Chúa, chúng tôi cảm thấy có ước muốn hy sinh tình cảm của mình nhằm giúp thiết lập công việc … giúp xây đắp Vương Quốc của Thượng Đế trên thế gian.”4

Ngày hôm nay, sức mạnh rõ ràng nhất của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là sự phục vụ vô vị kỷ và sự hy sinh của các tín hữu Giáo Hội. Trước buổi lễ tái cung hiến một trong số các đền thờ của chúng ta, một mục sư Ky Tô giáo đã hỏi Chủ Tịch Gordon B. Hinckley tại sao đền thờ không có bất cứ biểu tượng nào tượng trưng cho cây thập tự, một biểu tượng phổ biến nhất của Ky Tô giáo. Chủ Tịch Hinckley đáp rằng các biểu tượng về đức tin Ky Tô giáo của chúng tôi là “cuộc sống của các tín hữu chúng tôi.”5 Cuộc sống phục vụ và hy sinh của chúng ta là cách biểu lộ thích hợp nhất rằng chúng ta cam kết phục vụ Đức Thầy và đồng bào của mình.

III.

Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta không có giới tăng lữ được huấn luyện chuyên môn và lãnh lương. Do đó, các tín hữu ngoài đời thế tục mà đuợc kêu gọi để lãnh đạo và phục vụ giáo đoàn phải điều hành vô số buổi họp, chương trình và sinh hoạt của Giáo Hội chúng ta. Họ làm điều này trong hơn 14.000 giáo đoàn chỉ ở Hoa Kỳ và Canada. Dĩ nhiên, chúng ta không phải là những người duy nhất có các tín hữu ngoài đời thế tục của giáo đoàn phục vụ với tư cách là giảng viên hay các vị lãnh đạo không chuyên nghiệp. Nhưng số thời giờ do các tín hữu của chúng ta tặng để huấn luyện và phục sự lẫn nhau thì nhiều một cách độc đáo. Các nỗ lực của chúng ta để mỗi gia đình trong giáo đoàn có được các thầy giảng tại gia đến thăm mỗi tháng và mỗi phụ nữ trưởng thành được các giảng viên Hội Phụ Nữ đến thăm mỗi tháng là các ví dụ về điều này đây. Chúng ta biết rằng không có một sự phục vụ nào có thể so sánh được như vậy trong bất cứ tổ chức nào trên thế giới.

Tấm gương được biết đến nhiều nhất về sự phục vụ và hy sinh độc đáo của Các Thánh Hữu Ngày Sau là công việc của những người truyền giáo của chúng ta. Hiện giờ con số họ lên tới hơn 50.000 thanh niên và thiếu nữ cũng như hơn 5.000 người thành niên nam nữ. Họ dâng hiến từ sáu tháng đến hai năm của cuộc đời để giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và cung ứng sự phục vụ nhân đạo trong hơn 160 quốc gia trên thế giới. Công việc của họ luôn luôn gồm có sự hy sinh, kể cả những năm họ dâng hiến cho công việc của Chúa và cũng như những hy sinh để cung cấp tiền bạc cho sự hỗ trợ của họ.

Những người còn ở nhà—cha mẹ và những người khác trong gia đình—cũng hy sinh bằng cách chịu đựng cảnh thiếu vắng được ở bên cạnh và sự phục vụ của những người truyền giáo họ gửi đi. Ví dụ, một thanh niên người Brazil nhận được sự kêu gọi đi truyền giáo trong khi đang làm việc để giúp đỡ anh chị em của mình sau khi cha mẹ của người ấy qua đời. Một Vị Thẩm Quyền Trung Ương đã mô tả cuộc họp hội đồng của mấy đứa con này và việc ghi nhớ rằng cha mẹ quá cố của họ đã dạy họ phải luôn luôn sẵn sàng để phục vụ Chúa. Người thanh niên này đã chấp nhận sự kêu gọi đi truyền giáo của mình, và đứa em trai 16 tuổi đã nhận lấy trách nhiệm làm việc để giúp đỡ gia đình.6 Hầu hết chúng ta đều biết nhiều tấm gương hy sinh khác để phục vụ truyền giáo hay giúp đỡ một người truyền giáo. Chúng ta biết là không có sự tình nguyện phục vụ và hy sinh nào khác giống như sự hy sinh này trong bất cứ tổ chức nào khác trên thế giới.

Chúng ta thường được người ta hỏi: “Làm thế nào quý vị thuyết phục được những người trẻ tuổi và các tín hữu lớn tuổi của quý vị để rời bỏ việc học hành hay thời gian nghỉ hưu của họ để hy sinh trong cách này vậy?” Tôi đã nghe nhiều người đưa ra lời giải thích này: “Khi biết được điều mà Đấng Cứu Rỗi của tôi đã làm cho tôi—ân điển của Ngài khi chịu đau khổ cho các tội lỗi của tôi và khắc phục cái chết để tôi có thể sống lại—thì tôi cảm thấy có đặc ân để hy sinh một điều rất nhỏ mà tôi được yêu cầu thực hiện để phục vụ Ngài. Tôi muốn chia sẻ sự hiểu biết mà Ngài đã ban cho tôi.” Làm thế nào chúng ta thuyết phục các tín đồ như vậy của Đấng Ky Tô để phục vụ? Như một vị tiên tri đã giải thích: “Chúng tôi [chỉ] cần yêu cầu họ.”7

Những hy sinh khác do sự phục vụ truyền giáo mà ra là hy sinh của những người hành động theo những lời giảng dạy của những người truyền giáo và trở thành tín hữu của Giáo Hội. Đối với nhiều người cải đạo, những hy sinh này đều rất đáng kể, kể cả việc bị mất bạn bè và mối quan hệ gia đình.

Cách đây nhiều năm, những người tham dự đại hội này nghe câu chuyện về một thanh niên đã tìm ra phúc âm phục hồi trong khi người ấy đang du học ở Hoa Kỳ. Khi người ấy sắp trở về quê hương của mình, thì Chủ Tịch Gordon B. Hinckley hỏi người ấy điều gì sẽ xảy ra cho người ấy khi trở lại quê nhà với tư cách là một Ky Tô hữu. Người thanh niên đã đáp rằng: “Gia đình tôi sẽ thất vọng. Họ có thể đuổi tôi ra và coi như tôi đã chết. Còn về tương lai và sự nghiệp của tôi thì tất cả cơ hội đều có thể đóng lại đối với tôi.”

Chủ Tịch Hinckley hỏi: “Anh có sẵn lòng trả một cái giá đắt như vậy cho phúc âm không?”

Người thanh niên đó vừa khóc vừa đáp: “Phúc âm là chân chính, phải không ạ?” Khi điều đó được khẳng định, người ấy đáp: “Vậy thì có điều gì khác là quan trọng nữa đâu?”8 Đó là tinh thần hy sinh trong số nhiều tín hữu mới của chúng ta.

Các tấm gương phục vụ và hy sinh khác xuất hiện trong cuộc sống của các tín hữu trung tín phục vụ trong các đền thờ của chúng ta. Sự phục vụ trong đền thờ là độc đáo đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau, nhưng ý nghĩa của sự hy sinh như vậy nên là điều có thể hiểu được đối với tất cả Các Ky Tô hữu. Các Thánh Hữu Ngày Sau không có truyền thống phục vụ trong một tu viện, nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu và kính trọng sự hy sinh của những người mà đức tin Ky Tô hữu của họ thúc đẩy họ dâng hiến cuộc đời cho sinh hoạt tôn giáo đó.

Trong đại hội này cách đây chỉ một năm, Chủ Tịch Thomas S. Monson đã chia sẻ một tấm gương hy sinh liên quan đến sự phục vụ trong đền thờ. Một người cha Thánh Hữu Ngày Sau trung tín ở trên một hòn đảo hẻo lánh trong vùng Thái Bình Dương đã làm việc lao nhọc ở một nơi rất xa xôi trong sáu năm nhằm kiếm đủ số tiền cần thiết để đưa vợ và 10 đứa con đi làm lễ hôn phối và gắn bó cho thời vĩnh cửu trong Đền Thờ New Zealand. Chủ Tịch Monson giải thích: “Những người hiểu các phước lành vĩnh cửu đến từ đền thờ đều biết rằng không có sự hy sinh nào quá lớn lao, không có cái giá nào quá nặng nề, không có nỗi gian nan nào quá gay go để nhận được các phước lành đó.”9

Tôi biết ơn về các tấm gương kỳ diệu của tình yêu thương, sự phục vụ và hy sinh của Ky Tô hữu mà tôi đã thấy ở giữa Các Thánh Hữu Ngày Sau. Tôi thấy các anh chị em thi hành những sự kêu gọi của mình trong Giáo Hội, thường phải hy sinh nhiều thời giờ và phương tiện cho sự kêu gọi đó. Tôi thấy các anh chị em tự tài trợ cho mình để phục vụ truyền giáo. Tôi thấy các anh chị em vui vẻ đóng góp những kỹ năng chuyên môn của mình để phục vụ đồng bào mình. Tôi thấy các anh chị em chăm sóc cho người nghèo khó qua các nỗ lực cá nhân và qua việc hỗ trợ sự đóng góp an sinh và nhân đạo của Giáo Hội.10 Tất cả những điều này được xác nhận trong một cuộc nghiên cứu toàn quốc để kết luận rằng các tín hữu tích cực của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô “tình nguyện và hiến tặng một cách đáng kể hơn một người Mỹ trung bình và còn rộng lượng về thời giờ và tiền bạc hơn những người thuộc tầng lớp sùng đạo ở Châu Mỹ [20 phần trăm].”11

Các ví dụ như vậy củng cố tất cả chúng ta và nhắc nhở chúng ta về lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi:

“Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình. …

“Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại” (Ma Thi Ơ 16:24–25).

IV.

Có lẽ các tấm gương quen thuộc và quan trọng nhất về sự phục vụ vô vị kỷ và hy sinh đều được thực hiện trong gia đình của chúng ta. Những người mẹ hiến thân mình để sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái của mình. Những người chồng hy sinh để nuôi vợ con mình. Những hy sinh trong sự phục vụ quan trọng về mặt vĩnh cửu cho gia đình chúng ta đều có quá nhiều để đề cập đến và quá quen thuộc để cần đề cập đến.

Tôi cũng thấy Các Thánh Hữu Ngày Sau đầy vị tha đã nhận các đứa trẻ làm con nuôi, kể cả những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt, và tìm cách mang đến cho các đứa con nuôi niềm hy vọng và cơ hội chúng đã bị khước từ trong những hoàn cảnh trước đó. Tôi thấy các anh chị em chăm sóc những người trong gia đình và láng giềng đang đau khổ vì sinh ra với khuyết tật, bệnh tâm thần và thể chất, cũng như những khó khăn nảy sinh khi lớn tuổi. Chúa cũng nhớ đến các anh chị em, và Ngài đã truyền cho các vị tiên tri của Ngài phải nói rằng “khi các anh chị em hy sinh cho nhau và cho con cái của mình thì Chúa sẽ ban phước cho các anh chị em.”12

Tôi tin rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau đang phục vụ một cách vô vị kỷ và hy sinh trong việc thờ phượng Đấng Cứu Rỗi bằng cách noi gương Ngài đều gắn bó với các giá trị vĩnh cửu đến một mức độ lớn hơn bất cứ nhóm người nào. Các Thánh Hữu Ngày Sau cho rằng sự hy sinh về thời giờ và phương tiện của mình là một phần của việc học hành và điều kiện của họ cho thời vĩnh cửu. Đây là một lẽ thật đã được tiết lộ trong Lectures on Faith (Bài Giảng về Đức Tin), có dạy rằng “một tôn giáo mà không đòi hỏi hy sinh tất cả mọi điều thì không bao giờ có đủ quyền năng để sinh ra đức tin cần thiết cho cuộc sống và sự cứu rỗi. … Chính là qua sự hy sinh này và chỉ sự hy sinh này mà thôi, mà Thượng Đế đã quy định rằng con người cần phải vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu.”13

Cũng giống như sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của kế hoạch cứu rỗi, chúng ta là các tín đồ của Đấng Ky Tô cần phải hy sinh để chuẩn bị cho vận số do kế hoạch đó mang đến cho chúng ta.

Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Con Trai Độc Sinh của Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu. Tôi biết rằng nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Ngài mà chúng ta được bảo đảm có được cuộc sống bất diệt và cơ hội để nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Ngài là Chúa, Đấng Cứu Rỗi, và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và tôi làm chứng về Ngài trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Bruce R. McConkie, The Promised Messiah: The First Coming of Christ (1981), 218.

  2. “Tình Yêu và Sự Khôn Ngoan Lớn Lao,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 19.

  3. “Ca Khen Người,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 50.

  4. Sarah Rich, trong Guinevere Thomas Woolstenhulme, “I Have Seen Many Miracles,” trong Richard E. Turley Jr. và Brittany A. Chapman, eds., Women of Faith in the Latter Days: Volume 1, 1775–1820 (2011), 283.

  5. Gordon B. Hinckley, “Biểu Tượng của Tôn Giáo Chúng Ta,” Liahona, tháng Tư năm 2005, 3.

  6. Xin xem Harold G. Hillam, “Sacrifice in the Service,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 42.

  7. Gordon B. Hinckley, “The Miracle of Faith,” Liahona, July 2001, 84.

  8. Gordon B. Hinckley, “It’s True, Isn’t It?” Tambuli, tháng Mười năm 1993, 3–4; xin xem thêm Neil L. Andersen, “Phúc Âm Là Chân Chính, Phải Không? Vậy Thì Còn Có Điều Gì Khác Quan Trọng Nữa?” Liahona, tháng Năm năm 2007, 74.

  9. Thomas S. Monson, “Đền Thờ Thánh—Ngọn Hải Đăng cho Thế Gian,” Liahona, tháng Năm năm 2011, 91–92.

  10. Xin xem để có ví dụ, Naomi Schaefer Riley, “What the Mormons Know about Welfare,” Wall Street Journal, ngày 18 tháng Hai năm 2012, A11.

  11. Ram Cnaan và những người khác, “Called to Serve: The Prosocial Behavior of Active Latter-day Saints” (draft), 16.

  12. Ezra Taft Benson, “To the Single Adult Brethren of the Church,” Ensign, tháng Năm năm 1988, 53.

  13. Lectures on Faith (1985), 69.