Các Quyền Năng trên Trời
Những người trẻ tuổi lẫn lớn tuổi nắm giữ chức tư tế đều có thẩm quyền và quyền năng—sự cho phép cần thiết và khả năng thuộc linh để đại diện Thượng Đế trong công việc cứu rỗi.
Các anh em thân mến, tôi biết ơn rằng chúng ta có thể cùng nhau thờ phượng với tính cách là một nhóm đông những người nắm giữ chức tư tế. Tôi yêu mến và ngưỡng mộ các anh em về sự xứng đáng và ảnh hưởng tốt lành của các anh em trên khắp thế giới.
Tôi mời mỗi anh em hãy cân nhắc cách trả lời câu hỏi sau đây do Chủ Tịch David O. McKay đặt ra cho các tín hữu của Giáo Hội cách đây nhiều năm: “Nếu ngay bây giờ, mỗi anh em được yêu cầu chỉ nói một câu hay một cụm từ về đặc tính phân biệt nhất của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, thì câu trả lời của các anh em sẽ là gì?” (“The Mission of the Church and Its Members,” Improvement Era, tháng Mười Một năm 1956, 781).
Câu trả lời mà Chủ Tịch McKay đưa ra cho câu hỏi của ông là “thẩm quyền thiêng liêng” của chức tư tế. Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô khác biệt với các giáo hội khác mà cho rằng thẩm quyền của họ nhận được từ thẩm quyền truyền giao từ người này đến người khác trong suốt lịch sử, thánh thư hay sự huấn luyện về thần học. Chúng ta đã đưa ra lời tuyên bố minh bạch rằng thẩm quyền chức tư tế đã được truyền giao qua phép đặt tay lên đầu trực tiếp từ các sứ giả thiên thượng đến Tiên Tri Joseph Smith.
Sứ điệp của tôi tập trung vào chức tư tế thiêng liêng này và các quyền năng trên trời. Tôi khẩn thiết cầu nguyện được Thánh Linh của Chúa phụ giúp trong khi chúng ta cùng nhau học hỏi về các lẽ thật quan trọng này.
Quyền Năng và Thẩm Quyền Chức Tư Tế
Chức tư tế là thẩm quyền của Thượng Đế được giao phó cho những người nam trên thế gian để hành động trong mọi điều cho sự cứu rỗi của nhân loại. (xin xem Spencer W. Kimball, “The Example of Abraham,” Ensign, tháng Sáu năm 1975, 3). Chức tư tế là phương tiện nhờ đó Chúa hành động qua những người nam để cứu rỗi các linh hồn. Một trong những đặc tính có tính chất xác định của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, thời xưa lẫn thời nay, là thẩm quyền của Ngài. Không có thể có Giáo Hội nào chân chính mà không có thẩm quyền thiêng liêng.
Những người nam bình thường được ban cho thẩm quyền của chức tư tế. Những điều kiện để được sắc phong cho chức tư tế là sự xứng đáng và sẵn lòng—chứ không phải kinh nghiệm, sở trường chuyên môn, hay học vấn.
Mẫu mực để đạt được thẩm quyền chức tư tế được mô tả trong tín điều thứ năm: “Chúng tôi tin rằng muốn được thuyết giảng Phúc Âm và thực hiện các giáo lễ trong Phúc Âm, con người phải được Thượng Đế kêu gọi bằng lời tiên tri và bằng phép đặt tay bởi những vị có thẩm quyền.” Như vậy, một thiếu niên hay một người đàn ông nhận được thẩm quyền chức tư tế và được sắc phong cho một chức phẩm cụ thể do một người nắm giữ chức tư tế là người đã được một vị lãnh đạo cho phép thực hiện với các chìa khóa cần thiết của chức tư tế.
Một người nắm giữ chức tư tế được kỳ vọng phải sử dụng thẩm quyền thiêng liêng này đúng theo thánh ý, ý định và các mục đích của Thượng Đế. Không có điều gì về chức tư tế là tự mãn cả. Chức tư tế luôn luôn được sử dụng để phục vụ, ban phước và củng cố những người khác.
Chức tư tế cao hơn được tiếp nhận qua một giao ước long trọng gồm có bổn phận phải hành động trong thẩm quyền (xin xem GLGƯ 68:8) và chức phẩm (xin xem GLGƯ 107:99) đã được tiếp nhận. Là những người mang thẩm quyền thiêng liêng của Thượng Đế, chúng ta là những người đại diện để hành động chứ không phải bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:26). Chức tư tế vốn là chủ động hơn là thụ động.
Chủ Tịch Ezra Taft Benson dạy rằng:
“Việc nhận được chức tư tế và rồi ngồi thụ động và chờ cho một người nào đó thúc đẩy chúng ta hành động là không đủ. Khi nhận được chức tư tế, chúng ta có bổn phận phải trở nên tích cực và nhiệt thành tham gia vào việc đẩy mạnh chính nghĩa của sự ngay chính trên thế gian, vì Chúa phán:
“‘… Còn kẻ nào không làm gì hết mà chỉ đợi cho đến khi được truyền lệnh, và nhận lệnh truyền với tấm lòng ngờ vực, và tuân giữ lệnh truyền một cách biếng nhác, thì kẻ đó sẽ bị đoán phạt’ [GLGƯ 58:29]” (So Shall Ye Reap [1960], 21).
Chủ Tịch Spencer W. Kimball cũng nhấn mạnh đến tính chủ động của chức tư tế: “Một người vi phạm giao ước của chức tư tế bằng cách vi phạm các lệnh truyền—cũng như bằng cách không thi hành bổn phận của mình. Do đó, muốn vi phạm giao ước này, một người chỉ cần không làm gì cả” (The Miracle of Forgiveness [1969], 96).
Khi làm hết sức mình để làm tròn các trách nhiệm của chức tư tế, chúng ta có thể được ban phước với quyền năng của chức tư tế. Quyền năng của chức tư tế là quyền năng Thượng Đế điều khiển qua những người đàn ông và các thiếu niên như chúng ta cũng như là kết quả của lòng trung tín, sự vâng lời, chuyên cần, và ngay chính cá nhân. Một thiếu niên hay một người đàn ông có thể nhận được thẩm quyền chức tư tế bằng phép đặt tay lên đầu, nhưng sẽ không có quyền năng của chức tư tế nếu người ấy không vâng lời, không xứng đáng hoặc không sẵn lòng phục vụ.
“Đó là những quyền hạn của chức tư tế gắn liền với các quyền năng trên trời, và các quyền năng trên trời chỉ có thể kiểm soát hay điều khiển được bởi các nguyên tắc ngay chính mà thôi.
“Những quyền năng ấy có thể được truyền giao cho chúng ta, điều đó đúng vậy; nhưng khi chúng ta muốn che giấu những tội lỗi của mình, hay làm thỏa mãn tính kiêu ngạo, lòng ham muốn vô bổ của chúng ta, hoặc muốn kiếm soát, hay thống trị, hoặc xúi giục tâm hồn con cái loài người, với bất cứ mức độ bất chính nào, này, thiên thượng sẽ tự rút lui, Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền; và khi nào Đấng ấy rút lui, thì A Men cho chức tư tế hay thẩm quyền của người ấy” (GLGƯ 121:36–37; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Thưa các anh em, việc một thiếu niên hay một người đàn ông nhận được thẩm quyền chức tư tế nhưng thờ ơ không làm điều cần thiết để hội đủ điều kiện nhận được quyền năng chức tư tế là không thể được Chúa chấp nhận. Những người trẻ tuổi lẫn lớn tuổi nắm giữ chức tư tế đều có thẩm quyền và quyền năng—sự cho phép cần thiết và khả năng thuộc linh để đại diện Thượng Đế trong công việc cứu rỗi.
Một Bài Học từ Cha Tôi
Tôi lớn lên trong một gia đình với một người mẹ trung tín và một người cha tuyệt vời. Mẹ tôi là con cháu của những người tiền phong đã hy sinh mọi điều cho Giáo Hội và vương quốc của Thượng Đế. Cha tôi không phải là tín hữu của Giáo Hội chúng ta và đã mong muốn được trở thành một linh mục Công Giáo khi còn thanh niên. Cuối cùng, ông chọn không theo học lớp thần học và thay vì thế theo đuổi nghề nghiệp làm người thợ chế tạo dụng cụ và đổ khuôn.
Hầu hết thời gian của cuộc sống hôn nhân của ông, cha tôi đều cùng với gia đình mình đi tham dự các buổi họp của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Thật ra, nhiều người trong tiểu giáo khu chúng tôi không biết rằng cha tôi không phải là tín hữu của Giáo Hội. Ông huấn luyện và chơi cho đội bóng mềm (softball) trong tiểu giáo khu chúng tôi, giúp đỡ trong các sinh hoạt Hướng Đạo, và tán trợ mẹ tôi trong nhiều sự kêu gọi và trách nhiệm khác nhau của bà. Tôi muốn kể cho các anh em nghe về một trong các bài học quan trọng tôi học được từ cha tôi về thẩm quyền và quyền năng của chức tư tế.
Khi còn bé, mỗi tuần tôi đều nhiều lần hỏi cha tôi là bao giờ ông sẽ chịu phép báp têm. Câu trả lời của ông đầy âu yếm nhưng rất kiên quyết mỗi lần tôi quấy rầy ông: “David, cha sẽ không gia nhập Giáo Hội là vì mẹ con, vì con hay vì một người nào khác. Cha sẽ gia nhập Giáo Hội khi nào cha biết đó là điều đúng phải làm.”
Tôi tin rằng cuộc chuyện trò sau đây với cha tôi diễn ra lúc tôi mới bước vào tuổi niên thiếu. Chúng tôi mới vừa trở về nhà sau khi cùng nhau tham dự các buổi họp ngày Chủ Nhật, và tôi hỏi cha tôi khi nào thì ông sẽ chịu phép báp têm. Ông mỉm cười và nói: “Con là người luôn luôn hỏi cha về việc chịu phép báp têm. Hôm nay, cha có một câu hỏi cho con đây.” Tôi nhanh chóng và phấn khởi kết luận rằng bây giờ chúng tôi đang có tiến bộ đây!
Cha tôi nói tiếp: “David, Giáo Hội dạy rằng chức tư tế bị cất khỏi thế gian từ hồi xưa và đã được các sứ giả thiên thượng phục hồi lại cho Tiên Tri Joseph Smith, đúng không?” Tôi đáp rằng ông nói rất đúng. Rồi ông nói: “Đây là câu hỏi của cha. Mỗi tuần trong buổi họp chức tư tế, cha đều nghe vị giám trợ và các vị lãnh đạo chức tư tế khác nhắc nhở, khẩn nài và nài xin những người đàn ông đi giảng dạy tại gia và thi hành các bổn phận chức tư tế của họ. Nếu Giáo Hội thật sự có chức tư tế đã được phục hồi của Thượng Đế, thì tại sao có rất nhiều người đàn ông trong Giáo Hội của con so với những người đàn ông trong Giáo Hội của cha đều không có gì khác biệt trong việc thi hành bổn phận tôn giáo của họ?” Trí óc non nớt của tôi lập tức trở nên hoàn toàn trống rỗng. Tôi không có câu trả lời nào thích hợp cho cha tôi.
Tôi tin rằng cha tôi đã sai khi phê phán giá trị của việc Giáo Hội cho là có thẩm quyền thiêng liêng qua khuyết điểm của những người đàn ông mà ông quen biết trong tiểu giáo khu của chúng tôi. Nhưng đối với tôi, câu hỏi của ông có gồm vào một nhận định đúng rằng những người đàn ông mang chức tư tế thánh của Thượng Đế cần phải khác biệt với những người đàn ông khác. Những người đàn ông nắm giữ chức tư tế vốn không tốt hơn những người đàn ông khác, nhưng họ nên hành động khác hơn. Những người đàn ông nắm giữ chức tư tế không những nhận thẩm quyền chức tư tế mà còn phải trở thành công cụ xứng đáng và trung tín của quyền năng của Thượng Đế. “Hãy thanh sạch các ngươi là kẻ mang bình chứa của Chúa” (GLGƯ 38:42).
Tôi không bao giờ quên các bài học về thẩm quyền và quyền năng của chức tư tế tôi học được từ cha tôi, một người tốt nhưng không cùng tín ngưỡng với chúng ta, là người kỳ vọng nhiều hơn ở những người đàn ông tự cho là mang chức tư tế của Thượng Đế. Cuộc trò chuyện với cha tôi vào buổi trưa Chủ Nhật đó cách đây nhiều năm đã nảy sinh trong tôi một ước muốn làm một “cậu bé ngoan ngoãn.” Tôi không muốn là một tấm gương xấu và chướng ngại vật đối với sự tiến triển của cha tôi trong việc học hỏi về phúc âm phục hồi. Tôi chỉ muốn là một cậu bé ngoan ngoãn. Chúa cần tất cả chúng ta với tư cách là những người mang thẩm quyền của Ngài phải luôn luôn chính trực, đức hạnh và là những cậu bé tốt ở bất cứ nơi đâu.
Các anh em có thể rất vui khi biết rằng một vài năm sau đó, cha tôi đã chịu phép báp têm. Và vào lúc thích hợp, tôi đã có cơ hội để truyền giao cho ông các Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc. Một trong những kinh nghiệm lớn lao trong cuộc sống của tôi là chứng kiến cha tôi nhận được thẩm quyền và cuối cùng là quyền năng của chức tư tế.
Tôi chia sẻ với các anh em bài học quan trọng này tôi đã học được từ cha tôi để nhấn mạnh đến một lẽ thật giản dị. Việc tiếp nhận thẩm quyền của chức tư tế bằng phép đặt tay lên đầu là một điểm khởi đầu quan trọng nhưng vẫn chưa đủ. Lễ sắc phong truyền giao thẩm quyền, nhưng cần phải có sự ngay chính để hành động với quyền năng khi chúng ta cố gắng nâng đỡ những người khác, giảng dạy và làm chứng, ban phước và khuyên bảo, cùng xúc tiến công việc cứu rỗi.
Trong thời kỳ quan trọng này của lịch sử thế gian, với tư cách là những người mang chức tư tế, các anh em và tôi cần phải là những người đàn ông ngay chính và là công cụ hữu hiệu trong tay của Thượng Đế. Chúng ta cần phải đứng lên với tư cách là những người đàn ông của Thượng Đế. Thật là tốt để các anh em và tôi học hỏi và lưu tâm đến tấm gương của Nê Phi, cháu của Hê La Man và là người đầu tiên trong số mười hai môn đồ được Đấng Cứu Rỗi kêu gọi vào lúc bắt đầu giáo vụ của Ngài ở giữa dân Nê Phi. “Và [Nê Phi] đã thuyết giảng cho họ nhiều điều. … Và Nê Phi đã thuyết giảng với quyền năng và thẩm quyền lớn lao” (3 Nê Phi 7:17).
“Xin Giúp Chồng Tôi Hiểu”
Với tư cách là một giám trợ và chủ tịch giáo khu, vào lúc kết thúc cuộc phỏng vấn giới thiệu vào đền thờ mà tôi hướng dẫn, tôi thường hỏi các chị em phụ nữ đã kết hôn là làm thế nào tôi có thể phục vụ họ và gia đình họ một cách hữu hiệu nhất. Những câu trả lời tương tự như nhau tôi nhận được từ các phụ nữ trung tín đó vừa hữu ích và vừa đáng lo ngại. Các chị phụ nữ ít khi than vãn hay chỉ trích, nhưng họ thường trả lời như sau: “Xin giúp chồng tôi hiểu trách nhiệm của anh ấy là người lãnh đạo chức tư tế trong gia đình chúng tôi. Tôi vui lòng dẫn đầu trong việc học thánh thư, cầu nguyện chung gia đình, và buổi họp tối gia đình, và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Nhưng tôi mong muốn chồng tôi sẽ là một người cộng sự bình đẳng và thi hành sự lãnh đạo chức tư tế vững mạnh mà chỉ có anh ấy mới có thể cung ứng được. Xin giúp chồng tôi học cách trở thành một vị tộc trưởng và người lãnh đạo chức tư tế trong gia đình chúng tôi với tư cách là người chủ tọa và bảo vệ.”
Tôi thường suy nghĩ về tấm lòng thành thật của các chị phụ nữ đó và lời yêu cầu của họ. Các vị lãnh đạo chức tư tế cũng nghe thấy những mối lo âu như vậy ngày nay. Nhiều người vợ khẩn nài chồng mình là những người không những có thẩm quyền chức tư tế mà còn có quyền năng của chức tư tế. Họ mong mỏi được mang ách chung với người chồng trung tín và người bạn đời có chức tư tế trong công việc tạo ra một mái gia đình đặt trọng tâm vào Đấng Ky Tô và tập trung vào phúc âm.
Thưa các anh em, tôi hứa rằng nếu các anh em và tôi chịu thành tâm suy ngẫm về những lời khẩn nài của các chị phụ nữ này, thì Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta tự thấy con người thật của mình (xin xem GLGƯ 93:24) và giúp chúng ta nhận ra những điều mình cần phải thay đổi và cải tiến. Và bây giờ chính là lúc để hành động đây!
Hãy Là Những Tấm Gương Ngay Chính
Buổi tối hôm nay, tôi lặp lại những lời giảng dạy của Chủ Tịch Thomas S. Monson, ông là người đã mời chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế hãy là “những tấm gương ngay chính.” Ông đã nhiều lần nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta đang làm công việc của Chúa và được quyền có sự giúp đỡ của Ngài căn cứ vào sự xứng đáng của chúng ta (xin xem “Những Tấm Gương Ngay Chính,” Liahona, tháng Năm năm 2008, 65–68). Các anh em và tôi nắm giữ thẩm quyền chức tư tế mà đã được các sứ giả thiên thượng, chính là Giăng Báp Tít và Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, mang trở lại thế gian trong gian kỳ này. Và do đó mỗi người đàn ông nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đều có thể truy ngược lại hệ thống thẩm quyền của cá nhân mình dẫn đến Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi hy vọng rằng chúng ta biết ơn về phước lành kỳ diệu này. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ được trong sạch và xứng đáng để đại diện cho Chúa khi sử dụng thẩm quyền thiêng liêng của Ngài. Cầu xin cho mỗi người chúng ta hội đủ điều kiện để có được quyền năng của chức tư tế.
Tôi làm chứng rằng chức tư tế thánh quả thật đã được phục hồi trên thế gian trong những ngày sau cùng này và được tìm thấy trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi cũng làm chứng rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là thầy tư tế thượng phẩm chủ tọa chức tư tế cao của Giáo Hội (xin xem GLGƯ 107:9, 22, 65–66, 91–92) và là người duy nhất trên thế gian nắm giữ lẫn được phép sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế. Tôi long trọng làm chứng về những lẽ thật này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.