Chỉ Bởi Các Nguyên Tắc Ngay Chính
Các bậc cha mẹ khôn ngoan chuẩn bị cho con cái mình sống mà không có họ bên cạnh. Họ tạo ra cơ hội phát triển khi con cái đạt được phần thuộc linh chín chắn để sử dụng quyền tự quyết của chúng một cách thích hợp.
Khoảng một tháng sau khi chúng tôi kết hôn, vợ chồng tôi có một chuyến đi xa bằng xe hơi. Vợ tôi lái xe và tôi cố gắng thư giãn. Tôi nói là cố gắng vì chúng tôi đang lái xe trên xa lộ nổi tiếng là khu vực khống chế tốc độ, và vợ tôi có lẽ đã hơi tăng tốc độ vào những ngày đó. Tôi nói: “Em lái xe nhanh quá; chậm lại đi.”
Người vợ mới cưới của tôi tự nghĩ: “Sao, mình đã lái xe gần 10 năm rồi và ngoại trừ thầy dạy lái xe của mình ra, không một ai bảo cho mình biết cách lái xe từ trước đến nay cả.” Vậy nên, vợ tôi trả lời: “Anh có quyền gì mà bảo em cách lái xe thế?”
Thật tình, câu hỏi của vợ tôi thật bất ngờ. Vậy nên, để làm đúng với trách nhiệm mới là một người đàn ông kết hôn, tôi nói: “Anh không biết—vì anh là chồng của em và anh nắm giữ chức tư tế.”
Thưa các anh em, một lời mách nước nhanh nhé: nếu các anh em có ở trong hoàn cảnh tương tự thì đó không phải là câu trả lời đúng đâu. Và tôi vui mừng để nói rằng đó là một lần duy nhất mà tôi làm lỗi lầm đó.
Sách Giáo Lý và Giao Ước giải thích rằng quyền sử dụng chức tư tế trong gia đình hay ở nơi nào khác liên kết trực tiếp với sự ngay chính trong cuộc sống chúng ta: “Các quyền năng trên trời chỉ có thể kiểm soát hay điều khiển được bởi các nguyên tắc ngay chính mà thôi.”1 Câu này tiếp tục nói rằng chúng ta mất quyền năng đó khi chúng ta “muốn kiểm soát, hay thống trị, hoặc xúi giục tâm hồn [của những người khác], với bất cứ mức độ bất chính nào.”2
Thánh thư nói rằng chúng ta cần phải hướng dẫn bằng “các nguyên tắc ngay chính.” Các nguyên tắc đó áp dụng cho tất cả những người lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như các bậc cha mẹ trong gia đình của họ.3 Chúng ta mất quyền có được Thánh Linh của Chúa và bất cứ thẩm quyền nào từ Thượng Đế khi chúng ta sử dụng quyền hành đối với một người khác một cách không ngay chính.4 Chúng ta có thể nghĩ về các phương pháp như vậy là vì lợi ích của người bị “kiềm chế.” Nhưng bất cứ lúc nào cố gắng bắt buộc một người nào đó phải ngay chính, tức là có thể và cần phải sử dụng quyền tự quyết của người đó, thì chúng ta đã hành động một cách không ngay chính rồi. Khi việc đặt ra những giới hạn cứng rắn cho một người khác đã hữu hiệu rồi, thì những giới hạn đó cần phải luôn luôn được thực hiện với lòng kiên nhẫn, yêu thương và theo cách để giảng dạy các nguyên tắc vĩnh cửu.
Chúng ta không thể bắt buộc người khác phải làm điều đúng. Thánh thư dạy rõ rằng đây không phải là cách của Thượng Đế. Sự bắt buộc làm cho người ta bực bội, cho thấy nỗi nghi ngờ, và làm cho người ta cảm thấy không đủ năng lực. Các cơ hội học hỏi bị mất khi những người kiểm soát ngạo mạn cho rằng họ có tất cả giải đáp cho những người khác. Thánh thư dạy rằng “[đó là] bản tính và khuynh hướng của hầu hết tất cả mọi người” để tham gia vào “sự thống trị không ngay chính,”5 vậy nên chúng ta nên coi chừng đó là một lầm lỗi dễ vấp phải. Các phụ nữ cũng có thể sử dụng quyền thống trị không ngay chính mặc dù thánh thư nhận ra vấn đề này là đặc biệt xảy ra đối với nam giới.
Quyền thống trị bất chính thường đi kèm theo với lời chỉ trích liên tục và việc từ chối không chấp nhận hay yêu thương. Những người nhận cảm thấy như thể họ không bao giờ có thể làm hài lòng những người lãnh đạo hay người cha hay mẹ như vậy và rằng họ luôn luôn thất bại. Các bậc cha mẹ khôn ngoan phải cân nhắc khi nào con cái sẵn sàng để bắt đầu sử dụng quyền tự quyết của chúng trong phạm vi của cuộc sống chúng. Nhưng nếu cha mẹ giữ lại tất cả khả năng đưa ra quyết định và cho rằng đó là “quyền” của họ, thì họ đã giới hạn sự tăng trưởng và phát triển của con cái họ một cách trầm trọng.
Con cái của chúng ta sống ở trong nhà chúng ta trong một thời gian giới hạn. Nếu chờ cho đến khi chúng đã dọn ra khỏi nhà mình rồi mới cho chúng khả năng để sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức, thì chúng ta đã chờ đợi quá lâu rồi. Chúng sẽ không đột nhiên phát triển khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt nếu chúng chưa từng bao giờ được tự do đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào trong khi ở trong nhà chúng ta. Những đứa con như vậy sẽ chống lại sự ép buộc này hoặc là bị giới hạn vì thiếu khả năng để tự đưa ra bất cứ quyết định nào.
Các bậc cha mẹ khôn ngoan chuẩn bị cho con cái mình sống mà không có họ bên cạnh. Họ tạo ra cơ hội phát triển khi con cái đạt được phần thuộc linh chín chắn để sử dụng quyền tự quyết của chúng một cách thích hợp. Và vâng, điều này có nghĩa là con cái đôi khi sẽ lầm lỗi và học từ các lỗi lầm đó.
Gia đình chúng tôi có một kinh nghiệm đã dạy cho chúng tôi về việc giúp con cái phát triển khả năng lựa chọn của chúng. Con gái của chúng tôi tên là Mary là một cầu thủ bóng đá xuất sắc khi lớn lên. Một năm nọ, đội của nó thắng giải vô địch và, như đã được trông mong, và trận đấu đó sẽ được chơi vào một ngày Chủ Nhật. Là một thiếu nữ, Mary đã được dạy trong nhiều năm rằng ngày Sa Bát là một ngày nghỉ ngơi và củng cố phần thuộc linh, chứ không phải để giải trí. Nhưng nó vẫn cảm thấy bị áp lực từ các huấn luyện viên và bạn cùng đội của nó để chơi, cũng như mong muốn không làm cho đội của nó thất vọng.
Con gái tôi hỏi chúng tôi là nó nên làm gì. Vợ chồng tôi đã có thể dễ dàng chọn quyết định này cho nó. Tuy nhiên, sau khi thành tâm suy nghĩ chúng tôi quyết định rằng trong trường hợp này, con gái chúng tôi phải sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm thuộc linh cho quyết định của nó. Chúng tôi cùng đọc một số câu thánh thư với nó và khuyến khích Mary cầu nguyện và suy nghĩ về điều đó.
Sau một vài ngày, nó loan báo quyết định của nó. Nó sẽ chơi vào ngày Chủ Nhật. Vậy thì bây giờ chúng tôi phải làm gì đây? Sau khi thảo luận thêm và nhận được sự trấn an của Thánh Linh, chúng tôi đã làm như chúng tôi đã hứa và cho phép nó lựa chọn để chơi. Sau khi trận đấu kết thúc, Mary bước chậm đến nơi mẹ nó đang chờ. Nó nói: “Ôi Mẹ ơi, con cảm thấy thật khó chịu. Con không bao giờ muốn cảm thấy như thế nữa. Con sẽ không bao giờ chơi một trận đấu nào nữa vào ngày Sa Bát.” Và nó đã không bao giờ chơi vào ngày Chủ Nhật nữa.
Giờ đây, Mary đã tiếp thu nguyên tắc của việc tuân giữ ngày Sa Bát. Nếu đã ép buộc nó không chơi trong trận đấu đó, thì có lẽ chúng tôi đã tước đoạt của nó một kinh nghiệm học hỏi quý báu và mạnh mẽ với Thánh Linh.
Như các anh chị em có thể thấy, việc giúp cho con cái sử dụng quyền tự quyết của chúng một cách thích hợp đòi hỏi phải giảng dạy chúng cách cầu nguyện và nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình. Chúng ta cũng cần phải giảng dạy về giá trị và mục đích của sự vâng lời cũng như về tất cả các nguyên tắc thiết yếu khác của phúc âm.6
Trong việc nuôi nấng gia đình mình, chúng ta đã quyết định rằng mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta sẽ là giúp con cái mình thiết lập mối liên kết của chúng với thiên thượng. Chúng ta biết rằng cuối cùng chúng sẽ cần phải dựa vào Chúa, chứ không phải vào chúng ta. Brigham Young nói: “Nếu tôi phải phân biệt tất cả các bổn phận đòi hỏi nơi … các con cái của loài người, … thì đầu tiên và trước hết, tôi thường đặt bổn phận tìm kiếm … Chúa Thượng Đế của chúng ta cho đến khi chúng ta mở con đường giao tiếp từ thiên thượng đến thế gian—từ Thượng Đế đến chính tâm hồn của chúng ta.”7
Mary đã được đáp ứng cho những lời cầu nguyện của nó trong những trường hợp khác trước đây, vậy nên chúng tôi tin cậy con gái chúng tôi đã phát triển con đường giao tiếp này với thiên thượng trong cuộc sống của nó. Do đó, nó đã học được một điều tích cực từ kinh nghiệm của nó và được chuẩn bị để chọn đúng hơn trong tương lai. Nếu không có một mối liên kết đó với Thánh Linh, thì con cái cũng như cha mẹ sẽ có thể hợp lý hóa tất cả những quyết định kém cỏi với danh nghĩa là sử dụng quyền tự quyết của họ. Lời hứa của thánh thư là “những ai khôn ngoan … và đã chọn Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của mình … [thì] không bị lừa gạt.”8
Thêm một phản ứng phụ và bi thảm của sự thống trị bất chính có thể là vì đánh mất niềm tin nơi tình yêu thương của Thượng Đế. Tôi đã biết một số người chịu đựng những người lãnh đạo hoặc cha mẹ đòi hỏi khắt khe và luôn kiềm chế, và họ đã thấy rằng rất khó để cảm nhận được tình yêu thương từ Cha Thiên Thượng mà sẽ hỗ trợ và thúc đẩy họ đi theo con đường ngay chính.
Nếu phải giúp đỡ những người đang được mình trông nom thiết lập mối liên kết rất quan trọng với thiên thượng, thì chúng ta cần phải là người cha, hay mẹ và người lãnh đạo được mô tả trong Giáo Lý và Giao Ước tiết 121. Chúng ta phải hành động “chỉ … nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền dịu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật”9 mà thôi. Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nói: “Trong số tất cả những điều chúng ta có thể giúp đỡ cho những người trẻ tuổi …, thì điều quan trọng nhất sẽ là để cho họ cảm nhận được niềm tin của chúng ta rằng họ đang ở trên con đường trở về nhà cùng Thượng Đế và họ có thể thành công.”10
Khi chúng ta cân nhắc các nguyên tắc để hướng dẫn mình trong Giáo Hội và ở nhà, thì tôi xin kết thúc với một tấm gương từ tiểu sử của Chủ Tịch Thomas S. Monson. Con gái của gia đình Monson là Ann Dibb nói rằng cho đến ngày hôm nay, khi chị ấy bước vào cửa ngôi nhà nơi chị đã lớn lên, cha của chị sẽ nói: “Ồ, trông kìa ai đây. Và chúng ta không vui mừng sao? và trông nó không xinh đẹp sao?” Chị nói tiếp: “Cha mẹ tôi luôn luôn đưa ra lời khen tặng tôi; dù tôi trông như thế nào hoặc tôi đang làm gì. … Khi tôi đi thăm cha mẹ tôi, tôi biết rằng tôi được yêu thương, được khen ngợi, được chào đón, tôi trở về nhà.”11
Thưa các anh chị em, đây là cách thức của Chúa. Cho dù các anh chị em đã bị ngược đãi trong quá khứ, tôi cũng biết rằng Chúa muốn các anh chị em đến cùng Ngài.12 Tất cả mọi người đều được yêu thương. Tất cả mọi người đều được chào đón. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.