Dạy cho Con Cái Chúng Ta Hiểu
Việc dạy con cái chúng ta hiểu thì không phải chỉ là truyền đạt thông tin mà thôi. Việc đó đang giúp con cái chúng ta tiếp nhận giáo lý vào lòng.
Trong khi năm tháng trôi qua, nhiều chi tiết trong cuộc sống của tôi đã càng ngày càng trở nên mơ hồ, nhưng một số ký ức vẫn còn rõ ràng nhất là sự ra đời của mỗi đứa con chúng tôi. Thiên thượng dường như rất gần, và nếu cố gắng thì hầu như tôi có thể cảm thấy cũng những ý nghĩ đầy nghiêm trang và kinh ngạc mà tôi đã trải qua mỗi lần khi một trong mấy đứa con sơ sinh quý báu đó được đặt vào vòng tay của tôi.
“Con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà ra” (Thi Thiên 127:3). Ngài biết và yêu thương mỗi đứa con đó với tình thương yêu trọn vẹn (xin xem Mô Rô Ni 8:17). Thật là một trách nhiệm thiêng liêng Cha Thiên Thượng giao phó cho chúng ta với tư cách là cha mẹ để hợp tác với Ngài trong việc giúp đỡ các linh hồn chọn lọc của Ngài trở thành những người mà Ngài biết họ có thể trở thành.
Đặc ân thiêng liêng này để nuôi nấng con cái là một trách nhiệm lớn lao hơn chúng ta có thể một mình gánh vác nếu không có sự giúp đỡ của Chúa. Ngài biết chính xác điều con cái của chúng ta cần phải biết, điều chúng cần phải làm, và con người chúng cần phải trở thành để được trở lại nơi hiện diện của Ngài. Ngài ban cho các bậc cha mẹ những lời chỉ dẫn và hướng dẫn cụ thể qua thánh thư, các vị tiên tri của Ngài và Đức Thánh Linh.
Trong một điều mặc khải ngày sau qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa chỉ dẫn các bậc cha mẹ phải dạy con cái mình hiểu giáo lý về sự hối cải, đức tin nơi Đấng Ky Tô, phép báp têm, và ân tứ Đức Thánh Linh. Hãy lưu ý rằng Chúa không những phán rằng chúng ta phải “dạy chúng biết giáo lý”; mà Ngài còn chỉ dẫn chúng ta phải dạy con cái mình “hiểu giáo lý” (Xin xem GLGƯ 68:25, 28; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Chúng ta đọc trong Thi Thiên: “Xin hãy ban cho tôi sự thông sáng, thì tôi sẽ vâng theo luật pháp Chúa, ắt sẽ hết lòng gìn giữ lấy” (Thi Thiên 119:34).
Việc dạy con cái chúng ta hiểu thì không phải chỉ là truyền đạt thông tin mà thôi. Việc đó đang giúp con cái chúng ta tiếp nhận giáo lý vào lòng theo cách để cho giáo lý đó trở thành một phần con người của chúng và cho thấy ở thái độ và hành vi của chúng trong suốt cuộc sống của chúng.
Nê Phi đã dạy rằng vai trò của Đức Thánh Linh là mang lẽ thật “vào tâm hồn con cái loài người” (2 Nê Phi 33:1). Vai trò của chúng ta với tư cách là cha mẹ là làm hết sức mình để tạo ra một môi trường trong đó con cái của chúng ta có thể cảm nhận được ảnh hưởng của Thánh Linh và rồi giúp chúng nhận ra cảm nghĩ của chúng.
Tôi nhớ đã nhận được một cú điện thoại cách đây vài năm từ con gái Michelle của chúng tôi. Nó nói với tôi đầy xúc động: “Mẹ ơi, con mới có một kinh nghiệm lạ thường nhất với Ashley.” Ashley là con gái của nó mới được năm tuổi vào lúc ấy. Michelle đã mô tả buổi sáng đó là một buổi sáng cãi nhau liên tục giữa Ashley và Andrew ba tuổi—một đứa không chịu chia sẻ và đứa kia sẵn sàng đánh nhau. Sau khi giúp chúng giải quyết vấn đề xong, Michelle đi trông đứa con nhỏ khác.
Chẳng bao lâu, Ashley chạy vào, tức giận vì Andrew không chịu chia sẻ. Michelle nhắc Ashley về cam kết chúng đã lập trong buổi họp tối gia đình là phải tử tế với nhau hơn.
Con gái tôi hỏi Ashley có muốn cầu nguyện và cầu xin Cha Thiên Thượng giúp đỡ không, nhưng Ashley vẫn còn rất tức giận và đáp: “Không.” Khi được hỏi nó có tin rằng Cha Thiên Thượng sẽ đáp ứng lời cầu nguyện của nó không thì Ashley nói là không biết. Mẹ của nó bảo hãy thử xem và dịu dàng nắm lấy tay nó rồi quỳ xuống với nó.
Michelle đề nghị rằng Ashley có thể cầu xin Cha Thiên Thượng giúp Andrew biết chia sẻ—và giúp cho nó được tử tế. Ý nghĩ rằng Cha Thiên Thượng giúp đứa em trai của nó chia sẻ chắc hẳn khơi dậy sự chú ý của Ashley, và nó bắt đầu cầu nguyện, trước hết cầu xin Cha Thiên Thượng giúp Andrew biết chia sẻ. Trong khi cầu xin Ngài giúp nó được tử tế, thì nó bắt đầu khóc. Ashley kết thúc lời cầu nguyện của mình và vùi đầu vào vai của mẹ nó. Michelle ôm nó và hỏi tại sao nó khóc. Ashley nói rằng nó không biết.
Mẹ nó nói: “Mẹ nghĩ rằng mẹ biết tại sao con khóc. Con có cảm thấy dễ chịu trong lòng không?” Ashley gật đầu và mẹ nó nói tiếp: “Đây là Thánh Linh đang giúp con cảm thấy như vậy. Đó là cách mà Cha Thiên Thượng nói cho con biết là Ngài yêu thương con và sẽ giúp đỡ con.”
Con gái tôi hỏi Ashley có tin như vậy không, có tin rằng Cha Thiên Thượng có thể giúp nó không. Với đôi mắt nhỏ bé đầy lệ, Ashley nói rằng nó tin.
Đôi khi cách hữu hiệu nhất để dạy cho con cái chúng ta hiểu một giáo lý là dạy theo tình huống mà chúng đang trải qua ngay vào lúc ấy. Những lúc này là những giây phút tự phát, bất ngờ và xảy ra trong những sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống gia đình. Những giây phút này đến rồi đi rất nhanh nên chúng ta cần phải cảnh giác và nhận ra một giây phút để dạy dỗ khi con cái chúng ta có thắc mắc hay lo lắng, khi chúng có vấn đề không êm đẹp với anh chị em hay bạn bè, khi chúng cần kiềm chế cơn tức giận của chúng, khi chúng làm một điều lầm lỗi, hoặc khi chúng cần đưa ra một quyết định (Xin xem Teaching, No Greater Call: A Resource Guide for Gospel Teaching [1999], 140–41; Marriage and Family Relations Instructor’s Manual [2000], 61).
Nếu chúng ta sẵn sàng và chịu để cho Thánh Linh hướng dẫn trong những tình huống này thì con cái chúng ta sẽ được dạy dỗ một cách có hiệu quả và với lòng cảm thông lớn lao.
Những giây phút giảng dạy xảy đến khi chúng ta thường xuyên chu đáo hoạch định những dịp như cầu nguyện chung gia đình, học thánh thư chung gia đình, buổi họp tối gia đình và các sinh hoạt khác của gia đình, cũng quan trọng không kém.
Trong mỗi tình huống giảng dạy, tất cả việc học hỏi và hiểu biết đều được nuôi dưỡng tốt nhất trong một bầu không khí nhiệt thành và yêu thương khi có Thánh Linh hiện diện ở đó.
Khoảng hai tháng trước khi con cái của mình lên tám tuổi, một người cha đã dành ra thời giờ trong mỗi tuần để chuẩn bị chúng cho phép báp têm. Con gái của người này nói rằng khi đến lượt nó, cha của nó tặng cho nó một quyển nhật ký và họ cùng ngồi xuống với nhau, chỉ hai người họ, và thảo luận cùng chia sẻ những cảm nghĩ về các nguyên tắc phúc âm. Người cha bảo nó vẽ hình ảnh minh họa trong khi họ tiếp tục trò chuyện. Hình ảnh cho thấy cuộc sống trên tiền dương thế, cuộc sống trên thế gian này, và mỗi bước nó cần phải làm để trở lại sống với Cha Thiên Thượng. Người cha chia sẻ chứng ngôn về mỗi bước của kế hoạch cứu rỗi trong khi giảng dạy kế hoạch đó cho nó nghe.
Khi lớn lên, đứa con gái của người này đã hồi tưởng lại kinh nghiệm đó, nó nói: “Tôi sẽ không bao giờ quên tình yêu thương tôi đã cảm nhận được từ cha tôi khi ông dành ra thời giờ với tôi. … Tôi tin rằng kinh nghiệm này là lý do chính yếu tôi đã có một chứng ngôn về phúc âm khi tôi chịu phép báp têm” (Xin xem Teaching, No Greater Call, 129).
Việc dạy cho con cái chúng ta hiểu đòi hỏi phải có nỗ lực đầy quyết tâm và kiên trì. Cần phải dạy bằng lời giáo huấn và bằng tấm gương và nhất là bằng cách giúp con cái chúng ta sống theo điều chúng học được.
Chủ Tịch Harold B. Lee dạy: “Nếu không nhận thấy được một nguyên tắc phúc âm bằng hành động thì khó để tin vào nguyên tắc đó hơn” (Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [2000], 121).
Thoạt đầu tôi đã học cách cầu nguyện bằng cách quỳ gối với gia đình trong khi cầu nguyện chung gia đình. Tôi được dạy về lời lẽ cầu nguyện khi tôi lắng nghe cha mẹ tôi cầu nguyện và khi họ giúp tôi dâng lời cầu nguyện đầu tiên của mình. Tôi biết được rằng tôi có thể thưa chuyện với Cha Thiên Thượng và cầu xin được hướng dẫn.
Vào mỗi buổi sáng, cha mẹ tôi luôn luôn quy tụ chúng tôi lại quanh cái bàn ăn trước khi ăn sáng, và chúng tôi quỳ xuống cầu nguyện chung gia đình. Chúng tôi cầu nguyện tại mỗi bữa ăn. Buổi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi cùng nhau quỳ xuống trong phòng khách và kết thúc một ngày với lời cầu nguyện chung gia đình.
Mặc dù tôi không hiểu nhiều về sự cầu nguyện khi còn bé, nhưng điều đó trở thành một phần cuộc sống của tôi đến mức đã ở lại với tôi. Tôi vẫn tiếp tục học hỏi và sự hiểu biết của tôi về quyền năng của sự cầu nguyện vẫn tiếp tục gia tăng.
Anh Cả Jeffrey R. Holland nói: “Chúng ta đều hiểu rằng sự thành công của sứ điệp phúc âm tùy thuộc vào việc sứ điệp này được giảng dạy rồi được hiểu và sống theo trong một cách mà lời hứa về hạnh phúc và sự cứu rỗi của sứ điệp này có thể đạt được” (“Teaching and Learning in the Church” [buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo toàn cầu, ngày 10 tháng Hai năm 2007], Liahona, tháng Sáu năm 2007, 57).
Việc học hỏi để hiểu biết trọn vẹn các giáo lý phúc âm là một tiến trình suốt đời và đến “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít” (2 Nê Phi 28:30). Khi con cái học và làm theo điều chúng học, thì sự hiểu biết của chúng được trải rộng, là điều dẫn đến việc học thêm, hành động thêm và một sự hiểu biết còn lớn lao và lâu dài hơn.
Chúng ta có thể biết con cái của mình đang bắt đầu hiểu giáo lý khi chúng ta thấy điều đó bộc lộ trong thái độ và hành động của chúng mà không có điều gì đe dọa bên ngoài hay phần thưởng gì. Khi con cái của chúng ta học để hiểu các giáo lý phúc âm, chúng trở nên tự túc và có trách nhiệm hơn. Chúng trở thành một phần của giải pháp cho những thử thách trong gia đình chúng ta và đóng góp tích cực vào bầu không khí và sự thành công của gia đình.
Chúng ta sẽ dạy cho con cái mình hiểu khi chúng ta tận dụng mỗi tình huống để giảng dạy, mời Thánh Linh đến, nêu gương và giúp chúng sống theo điều chúng học được.
Khi nhìn vào mắt của một đứa bé sơ sinh, chúng ta nhớ đến bài hát:
Tôi là con Đức Chúa Cha,
Đời sống có khá nhu cầu;
Chúa giúp ngày ngày hiểu Phúc Âm Cha
Trước khi nào quá muộn màng.
Cầm tay dìu tôi, bước cận kề tôi,
Chúa giúp kiếm lối đi,
Ngài dạy điều tôi phải thi hành
Để sống với Cha một ngày.
(“Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 58; sự nhấn mạnh được thêm vào)
Cầu xin cho chúng ta làm được như vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.