Giữ Cho Được Thiêng Liêng
Những điều thiêng liêng cần phải được lưu tâm đến một cách thận trọng, tôn trọng, và kính trọng hơn.
Khoảng 1.500 năm trước thời Đấng Ky Tô, một người chăn chiên đã được lôi cuốn đến một bụi gai cháy trên dốc Núi Hô Rếp. Cuộc giao tiếp thiêng liêng đó bắt đầu tiến trình biến đổi Môi Se từ một người chăn chiên thành một vị tiên tri và từ công việc chăn chiên của ông đến việc quy tụ Y Sơ Ra Ên. Một ngàn ba trăm năm sau, một thầy tư tế trẻ tuổi có nhiều đặc ân trong cung vua được ảnh hưởng bởi sự làm chứng của một vị tiên tri đang bị xét xử. Cuộc giao tiếp đó bắt đầu việc An Ma tiến triển từ một công chức thành một tôi tớ của Thượng Đế. Gần 2.000 năm sau, một thiếu niên 14 tuổi bước vào khu rừng để tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi chân thành. Cuộc giao tiếp của Joseph Smith trong khu rừng đã đặt ông trên con đường trở thành vị tiên tri và một sự phục hồi.
Cuộc sống của Môi Se, An Ma và Joseph Smith đều được thay đổi bởi những cuộc giao tiếp với Chúa. Những kinh nghiệm này đã củng cố họ để luôn trung tín suốt đời với Chúa và công việc của Ngài, bất kể sự chống đối mãnh liệt và những thử thách khó khăn xảy ra sau đó.
Những kinh nghiệm của chúng ta với Chúa có thể không trực tiếp hay sâu sắc cũng như những thử thách của chúng ta cũng không gay go như vậy. Tuy nhiên, giống như các vị tiên tri này, sức mạnh của chúng ta để trung tín chịu đựng tùy thuộc vào việc nhận ra, ghi nhớ và giữ cho những điều chúng ta nhận được qua cuộc giao tiếp của mình với Chúa được thiêng liêng.
Ngày nay, thẩm quyền, các chìa khóa và các giáo lễ đã được phục hồi trên thế gian. Cũng có các thánh thư và các nhân chứng đặc biệt. Những người tìm kiếm Thượng Đế có thể nhận được phép báp têm để xá miễn các tội lỗi và lễ xác nhận “bằng phép đặt tay để làm phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh” (GLGƯ 20:41). Sau khi nhận được các ân tứ quý báu đã được phục hồi này rồi thì những cuộc giao tiếp của chúng ta với Chúa hầu hết sẽ liên quan đến Đấng thứ ba trong thiên chủ đoàn, là Đức Thánh Linh.
“Qua tiếng nói êm ái nhỏ nhẹ, Thánh Linh phán cùng tôi
Để hướng dẫn tôi, cứu tôi khỏi điều ác mà tôi có thể thấy”
(“The Still Small Voice,” Children’s Songbook, 106)
“Hãy để cho Đức Thánh Linh hướng dẫn;
Hãy để Ngài giảng dạy chúng ta điều chân chính.
Ngài sẽ làm chứng về Đấng Ky Tô,
Soi sáng tâm trí chúng ta với ý kiến của thiên thượng”
(“Let the Holy Spirit Guide,” Hymns, số 143)
Khi tìm kiếm những sự đáp ứng từ Thượng Đế, chúng ta cảm thấy tiếng nói êm ái, nhỏ nhẹ thì thầm với tâm hồn của mình. Những cảm nghĩ này—những ấn tượng này—thật tự nhiên và tinh tế đến nỗi chúng ta có thể không nhận thấy chúng hay cho rằng chúng là từ sự suy luận hoặc trực giác. Những sứ điệp riêng rẽ này làm chứng về tình yêu thương và mối quan tâm của Thượng Đế dành cho mỗi con cái của Ngài và những sứ mệnh cá nhân của họ trên trần thế. Việc suy ngẫm hằng ngày và ghi lại các ấn tượng đến từ Thánh Linh là hai mục đích để giúp chúng ta (1) nhận ra những cuộc giao tiếp riêng với Chúa và (2) giữ gìn những cuộc giao tiếp này cho mình và cho con cháu mình. Việc ghi lại những cuộc giao tiếp này cũng là một cách ghi nhận và thừa nhận lòng biết ơn của chúng ta đối với Thượng Đế, vì “loài người không xúc phạm Thượng Đế trong bất cứ việc gì, hay Ngài cũng không nổi giận với ai, ngoại trừ những kẻ không chịu thú nhận có bàn tay của Ngài trong mọi sự việc” (GLGƯ 59:21).
Đối với điều chúng ta nhận được qua Thánh Linh, Chúa phán rằng: “Hãy nhớ rằng những gì phát xuất từ trên cao đều thiêng liêng” (GLGƯ 63:64). Lời phán của Ngài còn hơn một lời nhắc nhở; đó cũng còn là một định nghĩa và lời giải thích. Ánh sáng và sự hiểu biết từ thiên thượng là thiêng liêng, nó thiêng liêng vì thiên thượng chính là nguồn gốc của điều đó.
Thiêng liêng có nghĩa là xứng đáng được tôn kính và kính trọng. Bằng cách phân loại một điều gì là thiêng liêng, Chúa chỉ rõ rằng điều đó có một giá trị và ưu tiên cao hơn những điều khác. Những điều thiêng liêng phải được đối xử thận trọng hơn, tôn trọng hơn, và kính trọng hơn. Trong bậc xếp hạng của các giá trị thiên thượng, thiêng liêng được xếp ở hạng cao.
Điều gì thiêng liêng đối với Thượng Đế trở thành thiêng liêng đối với chúng ta chỉ bằng cách sử dụng quyền tự quyết; mỗi người cần phải chọn chấp nhận và giữ cho được thiêng liêng điều mà Thượng Đế đã định rõ là thiêng liêng. Ngài gửi ánh sáng và sự hiểu biết đến từ thiên thượng. Ngài mời gọi chúng ta chấp nhận và xem điều ấy là thiêng liêng.
Nhưng “cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc” (2 Nê Phi 2:11). Điều trái ngược với thiêng liêng là trần tục hay thế tục—tức là vật chất. Điều trần tục liên tục ganh đua với điều thiêng liêng để chiếm lấy sự chú ý và ưu tiên của chúng ta. Sự hiểu biết về điều trần tục là thiết yếu cho cuộc sống vật chất hằng ngày của chúng ta. Ngoài ra, Chúa chỉ dẫn chúng ta phải học hỏi và tìm kiếm sự thông sáng, phải nghiên cứu và học hỏi từ những quyển sách hay nhất, và trở nên quen thuộc với ngôn ngữ, sắc ngữ và dân tộc (xin xem GLGƯ 88:118; 90:15). Như vậy, những sự lựa chọn liên quan đến điều thiêng liêng và điều trần tục đều là những sự lựa chọn về điều ưu tiên liên quan, không loại trừ điều nào cả; “Có kiến thức là một điều tốt nếu [chúng ta] nghe theo những lời khuyên dạy của Thượng Đế.” (2 Nê Phi 9:29; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Cuộc chiến đấu trong tâm trí của mỗi người về ưu tiên giữa điều thiêng liêng với điều trần tục có thể được minh họa qua kinh nghiệm của Môi Se tại bụi gai cháy. Nơi đó, Môi Se đã nhận được sự kêu gọi thiêng liêng từ Đức Giê Hô Va để giải thoát con cái Y Sơ Ra Ên ra khỏi vòng nô lệ. Tuy nhiên, thoạt tiên, sự hiểu biết trần tục của ông về quyền năng của Ai Cập và Pha Ra Ôn đã khiến cho ông nghi ngờ. Cuối cùng, Môi Se sử dụng đức tin trong lời Chúa phán, nén lại sự hiểu biết trần tục của ông và tin cậy vào điều thiêng liêng. Sự tin cậy đó mang đến quyền năng để ông khắc phục những thử thách của trần thế và dẫn dân Y Sơ Ra Ên ra khỏi Ai Cập.
Sau khi thoát khỏi tay quân đội của Nô Ê, chỉ để trở thành nô lệ của A Mu Lôn, An Ma có thể đã nghi ngờ sự làm chứng thuộc linh ông nhận được trong khi lắng nghe A Bi Na Đi. Tuy nhiên, ông đã tin cậy vào điều thiêng liêng và được ban cho sức mạnh để chịu đựng rồi trốn thoát khỏi các thử thách về thể chất của mình.
Joseph Smith cũng đã đối phó với một sự chọn lựa tương tự trong những thời kỳ ban đầu của công việc phiên dịch Sách Mặc Môn. Ông biết tính chất thiêng liêng của các bảng khắc và công việc phiên dịch. Vậy mà ông đã bị Martin Harris thuyết phục rằng những mối quan tâm của thế gian đối với tình bạn và tài chính là quan trọng hơn, trái ngược với những chỉ dẫn thiêng liêng. Do đó, bản thảo của bản dịch đã bị mất. Chúa quở trách Joseph đã trao “những vật thiêng liêng, cho kẻ ác” (GLGƯ 10:9) rồi cất đi khỏi ông các bảng khắc và ân tứ phiên dịch trong một thời gian. Khi các ưu tiên của Joseph đã được tái lập lại một cách thích hợp, thì những vật thiêng liêng đã được trả lại và công việc tiếp tục.
Sách Mặc Môn đưa ra những ví dụ khác về khó khăn gặp phải khi đặt điều thiêng liêng làm điều quan trọng. Sách nói về những người tin mà đức tin của họ dẫn họ đến cái cây sự sống để dự phần vào trái cây thiêng liêng, là tình yêu thương của Thượng Đế. Sau đó, sự nhạo báng của những kẻ ở trong tòa nhà vĩ đại và rộng lớn khiến cho những người tin phải đổi hướng tập trung của họ từ điều thiêng liêng đến điều trần tục. (Xin xem 1 Nê Phi 8:11, 24–28.) Về sau, dân Nê Phi đã chọn tính kiêu ngạo và chối bỏ tinh thần tiên tri và mặc khải, “nhạo báng những gì thiêng liêng” (Hê La Man 4:12.) Thậm chí có một số người mục kích những dấu hiệu và phép lạ liên quan tới sự giáng sinh của Chúa đã chọn khước từ những biểu hiện thiêng liêng từ thiên thượng để ủng hộ những lời giải thích trần tục (xin xem 3 Nê Phi 2:1–3).
Ngày nay, khó khăn đó vẫn tiếp diễn. Những tiếng nói trần tục càng ngày càng lớn hơn và có cường độ âm thanh cao hơn. Thế gian càng ngày càng nhạo báng điều thiêng liêng và khuyến khích những người tin phải từ bỏ điều thiêng liêng. Vì “chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ” (1 Cô Rinh Tô 13:12) và “không hiểu được ý nghĩa của mọi sự việc” (1 Nê Phi 11:17) thỉnh thoảng chúng ta có thể cảm thấy rằng mình yếu đuối và cần được bảo đảm về phần thuộc linh nhiều hơn. Chúa đã phán bảo với Oliver Cowdery rằng:
“Nếu ngươi muốn có thêm bằng chứng khác thì ngươi hãy hồi tưởng lại đêm mà ngươi đã cầu khẩn ta trong lòng ngươi, để cho ngươi có thể biết về sự thật của những điều này.
“Ta chẳng đã phán bình an cho tâm trí ngươi về vấn đề này rồi hay sao? Ngươi có thể nhận được bằng chứng nào lớn hơn ngoài bằng chứng từ Thượng Đế?” (GLGƯ 6:22–23).
Chúa đã nhắc nhở Oliver và chúng ta phải tin cậy vào sự làm chứng thiêng liêng cá nhân mình đã nhận được khi đức tin chúng ta bị thử thách. Giống như Môi Se, An Ma và Joseph trước đó, những cuộc gặp gỡ thiêng liêng này là những nguồn tin cậy thuộc linh nhằm giữ cho chúng ta được an toàn và ở đúng đường trong lúc thử thách.
Điều thiêng liêng không thể nào được chọn ra để từ bỏ cả. Những người chọn bỏ bê những điều thiêng liêng thì tâm trí của họ đều sẽ bị đen tối (xin xem GLGƯ 84:54), và trừ khi họ hối cải, còn không thì ánh sáng mà họ có sẽ bị cất khỏi họ (xin xem GLGƯ 1:33). Nếu không gắn chặt với điều thiêng liêng, thì họ sẽ tự thấy mình bị thất lạc trong đại dương mênh mông của những điều trần tục. Ngược lại, những người giữ cho những điều thiêng liêng vẫn được thiêng liêng đều nhận được lời hứa: “Những gì của Thượng Đế đều là ánh sáng; và kẻ nào nhận được ánh sáng, và bền lòng nơi Thượng Đế, thì sẽ nhận được thêm ánh sáng; và ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn.” (GLGƯ 50:24).
Cầu xin Chúa luôn luôn và mãi mãi ban phước cho chúng ta để nhận ra, ghi nhớ và giữ cho những điều chúng ta đã nhận được từ trên cao được thiêng liêng. Tôi làm chứng rằng khi làm như vậy, chúng ta sẽ có quyền năng để chịu đựng những thử thách và khắc phục những thử thách của thời kỳ chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.