Các Bài Học Đặc Biệt
Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tiếp tục sẵn lòng mang lấy gánh nặng của mình và tìm đến cứu giúp những người xung quanh chúng ta đang đau khổ và hoạn nạn cần được nâng đỡ và khuyến khích.
Trong 20 năm qua, gia đình chúng tôi đã được ban phước với đặc ân có được một đứa bé rất đặc biệt.
Cháu ngoại của chúng tôi, bé Paxton, ra đời với căn bệnh rối loạn nhiễm sắc thể rất hiếm, một bệnh rối loại di truyền mà làm cho nó thật sự khác biệt với hằng trăm triệu người khác. Đối với vợ chồng của con gái tôi thì một hoàn cảnh sống bất ngờ thay đổi khi Paxton sinh ra. Kinh nghiệm này đã trở thành một thử thách gắt gao để học hỏi các bài học đặc biệt liên quan đến tương lai của chúng trong thời vĩnh cửu.
Anh Cả Russell M. Nelson thân mến mới vừa ngỏ lời cùng chúng ta, ông đã dạy rằng:
“Vì những lý do không biết được, một số người sinh ra với những giới hạn về thể xác. Những phần đặc biệt của cơ thể có thể không bình thường. Các hệ thống sinh học có thể không hoạt động đúng. Và tất cả các thể xác đều phải chịu bệnh hoạn và cái chết. Tuy nhiên, ân tứ về một thể xác là vô giá …
“Chúng ta không cần một thể xác toàn hảo để đạt được một số mệnh thiêng liêng. Quả thật, một số linh hồn tuyệt vời nhất trú ngụ trong một thể xác yếu đuối …
“Cuối cùng sẽ đến lúc mà mỗi ‘linh hồn và thể xác sẽ được kết hợp lại trong hình thể toàn hảo… ; tất cả tứ chi và khớp xương sẽ trở lại hình thể nguyên vẹn của nó’ (An Mma 11:43). Sau đó, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta mới có thể trở nên được toàn thiện trong Ngài.”1
Cùng tất cả các anh chị em nào đã có những thử thách, mối quan tâm, thất vọng hay đau khổ vì một người thân của mình, thì xin hãy biết điều này: với tình yêu thương vô hạn và lòng thương xót trường cửu, Thượng Đế Cha Thiên Thượng yêu thương những người khốn khổ của các anh chị em và Ngài yêu thương các anh chị em!
Một vài người có thể hỏi khi đối diện với nỗi đau khổ như vậy, làm thế nào Thượng Đế Toàn Năng lại để cho điều này xảy ra? Và rồi đến câu hỏi dường như không thể tránh được là tại sao điều này lại xảy ra cho tôi? Tại sao chúng ta cần phải trải qua bệnh tật và những sự kiện mà sẽ làm cho những người thân yêu trong gia đình của mình phải bị tàn tật hay chết non hoặc kéo dài thời gian đau đớn của họ? Tại sao lại có những nỗi đau khổ đó?
Vào những giây phút này, chúng ta có thể nghĩ tới kế hoạch hạnh phúc vĩ đại do Cha Thiên Thượng tạo ra. Khi được trình bày trong cuộc sống tiền dương thế, kế hoạch đó đã thúc đẩy tất cả chúng ta cùng reo mừng.2 Nói một cách giản dị, thì cuộc sống này là để huấn luyện cho sự tôn cao vĩnh cửu, và tiến trình đó có nghĩa là những thử thách và gian nan. Điều đó luôn luôn là như vậy và không một ai được miễn khỏi.
Việc tin cậy vào ý muốn của Thượng Đế sẽ là phần chính yếu trong cuộc sống hữu diệt của chúng ta. Với đức tin nơi Ngài, chúng ta nhận được quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô vào những lúc có rất nhiều câu hỏi nhưng rất ít câu trả lời.
Sau khi Ngài phục sinh, hiện đến ở Châu Mỹ, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, ban cho mọi người lời mời gọi này:
“Trong các ngươi có ai đau ốm không? Hãy đem họ lại đây. Trong các ngươi có ai què, đui, câm, điếc, cụt tay chân, bị phong hủi, hay bại xuội, hoặc bị đau đớn vì nguyên do nào khác không? Hãy đem họ lại đây, ta sẽ chữa lành cho họ, vì ta hết sức thương hại các ngươi, lòng ta tràn đầy niềm thương xót. …
“Và chuyện rằng, sau khi Ngài phán như vậy, thì tất cả đám đông đồng loạt tiến lên với những người bệnh, người bị đau đớn, người què, đui, câm, cùng tất cả những người bị đau đớn về mọi thể cách khác; rồi Ngài đã chữa lành cho tất cả mọi người được đem lại trước mặt Ngài.”3
Sức mạnh lớn lao có thể được tìm thấy trong những câu “tất cả đám đông … tiến lên”—thưa các anh chị em, tất cả. Chúng ta đều trải qua những thử thách. Và rồi cụm từ: “bị đau đớn về mọi thể cách khác.” Tất cả chúng ta đều có thể hiểu cụm từ này rồi, phải không?
Ngay sau khi bé Paxton quý báu ra đời, chúng tôi biết rằng Cha Thiên Thượng sẽ ban phước và giảng dạy cho chúng tôi các bài học quý báu. Trong khi cha của nó và tôi đặt các ngón tay của mình lên trên cái đầu bé nhỏ của nó trong lần ban phước đầu tiên của chức tư tế, những lời này hiện ra trong tâm trí tôi từ sách Giăng chương chín: “Ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người.”4
Những việc làm của Thượng Đế đã được biểu lộ một cách rõ rệt qua Paxton.
Chúng tôi học về lòng kiên nhẫn, đức tin và lòng biết ơn qua quyền năng xoa dịu của sự phục vụ, vô số thời gian có cảm xúc mãnh liệt, những giọt lệ thông cảm, và những lời cầu nguyện cùng sự bày tỏ tình yêu thương đối với những người thân yêu đang gặp hoạn nạn, nhất là Paxton và cha mẹ của nó.
Chủ Tịch James E. Faust, vị chủ tịch giáo khu thời thơ ấu của tôi, nói: “Tôi vô cùng biết ơn các bậc cha mẹ nhân từ âm thầm dũng cảm chịu đựng và khắc phục được nỗi đau đớn và thống khổ về một đứa con sinh ra hoặc đã phát triển một tật nguyền nghiêm trọng về mặt tâm thần hay thể xác. Nỗi thống khổ này thường tiếp tục mỗi ngày, không hề được khuây khỏa, trong suốt cuộc đời của cha mẹ hay đứa con. Cha mẹ thường cần phải dành ra sự chăm sóc nuôi dưỡng phi thường không bao giờ ngừng, ngày hay đêm. Nhiều người mẹ đã lao nhọc phần tinh thần lẫn thể xác trong nhiều năm, an ủi và làm giảm bớt nỗi đau khổ của đứa con đặc biệt của mình.”5
Như được mô tả trong Mô Si A, chúng tôi đã thấy được tình yêu thương thanh khiết của Đấng Cứu Rỗi ban cho gia đình Paxton, đó là tình yêu thương dành sẵn cho mọi người: “Và giờ đây chuyện rằng, những gánh nặng trên vai An Ma cùng những người anh em của ông đều được làm cho nhẹ đi; phải, Chúa đã ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy một cách dễ dàng, và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn.”6
Một đêm nọ chẳng bao lâu sau khi Paxton ra đời, chúng tôi đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh bị bệnh tại Children’s Medical Center (Bệnh Viện Nhi Đồng) tuyệt diệu ở Salt Lake City, Utah, và kinh ngạc trước mối quan tâm tận tụy, không ngừng của các bác sĩ, y tá và nhân viên điều dưỡng dành cho Paxton. Tôi hỏi con gái tôi là làm thế nào chúng tôi có thể trả cho dịch vụ chăm sóc này và đoán xem cái giá phải trả là bao nhiêu. Một bác sĩ đứng cạnh bên nói rằng tôi đã đoán giá phải trả quá thấp và rằng việc chăm sóc bé Paxton thực ra sẽ phải trả nhiều hơn giá tôi đã ước lượng. Chúng tôi biết được rằng hầu hết chi phí cho việc chăm sóc trong bệnh viện này đều do những đóng góp rộng rãi về tiền bạc và thời giờ của những người khác thanh toán. Những lời nói này của ông ấy làm cho tôi hạ mình khi nghĩ về giá trị của linh hồn bé nhỏ này đối với những người đã chăm sóc kỹ lưỡng cho nó.
Tôi nhớ đến câu thánh thư quen thuộc của người truyền giáo nhưng lại có một ý nghĩa mới: “Hãy ghi nhớ rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao.”7
Tôi đã khóc khi suy ngẫm về tình yêu thương bao la của Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, dành cho mỗi người chúng ta, khi học hỏi trong một cách đầy quyền năng về giá trị của một linh hồn, về mặt thể xác lẫn thuộc linh, đối với Thượng Đế.
Gia đình Paxton đã học biết rằng họ được vây quanh bởi vô số thiên thần đang phục sự trên thiên thượng và dưới thế gian. Một số họ âm thầm đi vào khi cần đến và lặng lẽ đi ra. Những người khác mang thức ăn đến tận cửa, giặt giũ quần áo, chuyên chở anh chị em của Paxton, gọi điện thoại đến để khích lệ, và nhất là cầu nguyện cho Paxton. Như vậy một bài học đặc biệt khác đã được học: Nếu thấy một người đang chết đuối thì các anh chị em có hỏi là họ có cần được giúp đỡ hay không—hoặc tốt hơn là chỉ cần nhảy vào và cứu họ ra khỏi nước sâu chăng? Mặc dù lời đề nghị giúp đỡ đầy thiện chí và thường được đưa ra là: “Xin cho biết nếu cần tôi giúp đỡ nhé,” thì lại thật sự không giúp ích gì cả.
Chúng tôi tiếp tục học về giá trị quan trọng của ý thức và mối quan tâm về cuộc sống của những người xung quanh mình, không những học về tầm quan trọng của việc giúp đỡ mà còn về niềm vui tràn ngập đến từ việc giúp đỡ những người khác.
Chủ Tịch Thomas S. Monson thân mến, là người nêu cao tấm gương sáng về việc nâng đỡ người bị áp bức, đã nói: “Thượng Đế ban phước cho tất cả những người cố gắng chăm sóc cho đồng loại của họ, làm giảm nhẹ nỗi đau khổ, cố gắng với tất cả lòng nhân từ trong họ để làm cho thế giới được tốt hơn. Các anh chị em có thấy rằng những người như vậy dường như hạnh phúc hơn không? Bước chân của họ chắc chắn và vững chãi hơn. Họ dường như trông hài lòng và mãn nguyện, vì một người không thể tham gia vào việc giúp đỡ những người khác mà không tự mình nhận được phước lành dồi dào.”8
Mặc dù chúng ta sẽ đối đầu với gian nan, nghịch cảnh, khuyết tật, khổ đau, và tất cả những cảnh hoạn nạn, nhưng Đấng Cứu Rỗi nhân từ, đầy quan tâm sẽ luôn luôn hiện diện với chúng ta. Ngài đã hứa:
“Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi …
“Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”9
Chúng tôi biết ơn biết bao đối với Cha Thiên Thượng về bé Paxton tuyệt vời của chúng tôi. Qua nó, Chúa đã biểu lộ những việc làm của Ngài và tiếp tục giảng dạy cho chúng tôi các bài học đặc biệt, thiêng liêng và giá trị này.
Tôi xin được kết thúc với những lời từ một bài thánh ca yêu dấu:
Chúng ta đều tham chiến cho đến khi chiến tranh kết thúc;
Chúng ta vui mừng! Chúng ta vui mừng!
Hỡi những người lính trong quân đội, có sẵn một phần thưởng lớn đang chờ đợi;
Chúng ta sẽ thắng và nhận lấy phần thưởng đó ngay bây giờ.10
Thưa các anh chị em, tôi hy vọng và cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tiếp tục sẵn lòng mang lấy gánh nặng của mình và tìm đến cứu giúp những người xung quanh chúng ta đang đau khổ và hoạn nạn cần được nâng đỡ và khuyến khích. Cầu xin cho mỗi người chúng ta cảm tạ Thượng Đế về các phước lành của Ngài và tái lập cam kết của chúng ta cùng Cha Thiên Thượng, để khiêm nhường phục vụ con cái của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.