Ngọn Núi để Trèo
Nếu chúng ta có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì thời gian khó khăn cũng như dễ dàng nhất trong cuộc sống đều có thể là một phước lành.
Tôi đã nghe Chủ Tịch Spencer W. Kimball trong một phiên họp đại hội cầu xin Thượng Đế ban cho ông ngọn núi để trèo. Ông nói: “Có những thử thách lớn lao trước mặt chúng ta, những cơ hội to lớn để được đáp ứng. Tôi hoan nghênh tầm nhìn xa đầy hứng thú đó và muốn thưa cùng Chúa, một cách khiêm nhường, rằng: ‘Xin ban cho con ngọn núi này,’ xin ban cho con những thử thách này.”1
Lòng tôi được soi dẫn vì biết về một số các thử thách và nghịch cảnh mà Chủ Tịch Kimball đã gặp, như tôi đã thật sự biết. Tôi cảm thấy có ước muốn được giống như ông hơn, làm một tôi tớ dũng cảm của Thượng Đế. Chẳng bao lâu sau đó, một đêm nọ, tôi cầu nguyện để nhận được một thử thách nhằm mục đích chứng tỏ lòng can đảm của mình. Tôi có thể nhớ rõ điều đó. Buổi tối đó, tôi đã quỳ xuống trong căn phòng ngủ của mình với đức tin dường như sắp làm nổ tung trái tim của tôi.
Lời cầu nguyện của tôi được đáp ứng trong vòng một hoặc hai ngày. Thử thách gay go nhất của đời mình đã làm tôi ngạc nhiên và hạ mình. Thử thách này mang đến cho tôi một bài học gồm có hai phần. Trước hết, tôi có được bằng chứng rõ ràng rằng Thượng Đế đã nghe và đáp ứng lời cầu nguyện với đức tin của tôi. Nhưng điều thứ hai, tôi bắt đầu một bài học mà ngày nay tôi vẫn còn học hỏi về lý do tại sao tôi đã cảm thấy tự tin như vậy vào buổi tối hôm đó rằng một phước lành lớn lao có thể đến từ nghịch cảnh, là những phước lành có thể bù đắp nhiều hơn đối với bất cứ giá nào.
Nghịch cảnh mà tôi trải qua trong cái ngày cách đây đã lâu thì bây giờ dường như nhỏ bé khi so sánh với điều đã đến với tôi và với những người tôi yêu thương kể từ lúc ấy. Nhiều các anh chị em hiện đang trải qua những thử thách về thể xác, tinh thần và tình cảm, là những điều có thể làm cho các anh chị em phải kêu lên như một tôi tớ vĩ đại và trung tín của Thượng Đế mà tôi biết rất rõ đã làm. Người y tá của ông đã nghe ông kêu lên từ chiếc giường bệnh của mình: “Tôi đã cố gắng suốt đời để có cuộc sống thiện lành, tại sao điều này đã xảy ra cho tôi vậy?”
Tôi biết cách Chúa đã trả lời câu hỏi đó cho Tiên Tri Joseph Smith trong xà lim giam giữ ông:
“Và nếu ngươi bị liệng xuống hố sâu, hay vào trong tay quân sát nhân, và ngươi phải bị lãnh án tử hình; nếu ngươi bị liệng xuống biển sâu; nếu những đợt sóng cuồn cuộn chảy dồn dập trên ngươi; nếu ngọn gió hung bạo trở thành kẻ thù của ngươi; nếu trời trở nên tối đen, và tất cả các nguyên tố đều cùng nhau cản trở con đường của ngươi; và nhất là, nếu hầm của ngục giới hả rộng miệng ra để nuốt ngươi, thì hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi.
“Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?
“Vậy nên, hãy tiếp tục con đường của ngươi, và rồi chức tư tế sẽ ở với ngươi; vì giới hạn của chúng đã được định rồi, nên chúng không thể vượt qua được. Ngày tháng của ngươi đã được biết, và những năm của ngươi sẽ chẳng ít hơn được; vậy nên, chớ sợ hãi chi những điều loài người có thể làm được, vì Thượng Đế sẽ ở với ngươi mãi mãi và đời đời.”2
Dường như đối với tôi, không có câu trả lời nào cho câu hỏi tại sao những thử thách đến và điều chúng ta cần phải làm lại hay hơn lời của chính Chúa là Đấng đã trải qua những thử thách thay cho chúng ta, thử thách của Ngài còn khủng khiếp hơn điều chúng ta có thể tưởng tượng ra.
Các anh chị em còn nhớ những lời của Ngài khi Ngài khuyên bảo rằng chúng ta cần phải hối cải vì không có đức tin nơi Ngài:
“Vậy nên ta truyền lệnh cho ngươi phải hối cải—hãy hối cải, bằng không thì ta sẽ đánh ngươi bằng gậy của miệng ta, và bằng cơn thịnh nộ của ta và bằng sự giận dữ của ta, và rồi nỗi đau khổ của ngươi sẽ lớn lao vô cùng—lớn lao đến mức nào ngươi đâu biết được, cùng cực ra sao ngươi đâu biết được, phải, gánh chịu khổ sở ra sao ngươi đâu biết được.
“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;
“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy;
“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng Vĩ Đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm—
“Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người.”3
Các anh chị em và tôi có đức tin rằng cách thức để vượt qua và vượt lên trên những thử thách là tin rằng có “nhũ hương trong Ga La Át”4 và rằng Chúa đã hứa: “Ta sẽ không … bỏ ngươi đâu.”5 Đó là điều mà Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy chúng ta để giúp chúng ta và những người chúng ta phục vụ trong những thử thách dường như quá cô đơn và quá sức chịu đựng.6
Nhưng Chủ Tịch Monson cũng đã dạy một cách sáng suốt rằng cần phải có thời gian để xây đắp một nền tảng đức tin xác thật của những lời hứa đó. Các anh chị em cũng như tôi có thể đã thấy nền tảng đó cần thiết phải có ở bên giường của một người nào đó là người sẵn sàng đầu hàng cuộc chiến đấu để giúp họ kiên trì chịu đựng đến cùng. Nếu nền tảng của đức tin không phải là một phần của tâm hồn chúng ta, thì khả năng chịu đựng sẽ thất bại.
Mục đích của tôi ngày hôm nay là nhằm mô tả điều tôi biết về cách chúng ta có thể đặt nền tảng không hề lay chuyển được đó. Tôi làm điều này với tấm lòng vô cùng khiêm nhường vì hai lý do. Thứ nhất, điều tôi nói có thể làm nản lòng một số người đang vất vả ở giữa nghịch cảnh nặng nề và họ có thể đã cảm thấy nền tảng đức tin của mình đang sụp đổ. Và thứ hai, tôi biết rằng các thử thách lớn lao đang ở trước mắt tôi trước khi tôi qua đời. Do đó, lời khuyên của tôi cho các anh chị em vẫn chưa được chứng tỏ trong cuộc sống của tôi qua lòng kiên trì chịu đựng đến cùng của tôi.
Khi còn thanh niên, tôi đã làm việc với một nhà thầu xây cất chân cột và nền móng cho nhà mới. Trong cái nóng nực của mùa hè, rất là khó nhọc để chuẩn bị mặt đất sẵn sàng cho cái khuôn để chúng tôi sẽ đổ xi măng vào chân cột. Lúc đó không có máy móc. Chúng tôi sử dụng một cái cuốc và một cái xẻng. Việc xây móng cho tòa nhà để được tồn tại lâu dài là một công việc lao nhọc vào thời đó.
Công việc này cũng đòi hỏi phải có lòng kiên nhẫn. Sau khi đổ chân cột xong, chúng tôi chờ cho nó khô. Cho dù chúng tôi rất muốn làm những công việc tiếp theo sau đó, nhưng chúng tôi cũng phải chờ cho sau khi đổ nền nhà trước khi lấy cái khuôn ra.
Và đối với một người mới tập sự xây cất thì lại càng đáng phục hơn về điều dường như là một quá trình buồn tẻ và tốn thời giờ để thận trọng đặt mấy cái thanh sắt ở bên trong cái khuôn nhằm mục đích củng cố thêm cho cái nền đã làm xong.
Trong một cách tương tự, mặt đất cần phải được chuẩn bị kỹ cũng giống như nền tảng đức tin của chúng ta, để chịu đựng được những cơn giông bão mà sẽ đến với mỗi cuộc sống. Mặt đất rắn chắc đó cũng giống như một nền tảng đức tin là tính liêm chính của cá nhân.
Việc chúng ta chọn lựa điều đúng một cách kiên định bất cứ lúc nào chúng ta phải lựa chọn sẽ tạo ra nền tảng rắn chắc bên dưới đức tin của mình. Điều này có thể bắt đầu lúc còn thơ ấu vì mỗi người được sinh ra với ân tứ được ban cho không của Thánh Linh của Đấng Ky Tô. Với Thánh Linh đó, chúng ta có thể biết được khi nào chúng ta đã làm điều đúng trước mặt Thượng Đế và khi nào làm điều sai trước mắt Ngài.
Những sự lựa chọn đó, xảy ra hằng trăm lần hầu như mỗi ngày, chuẩn bị cho mặt đất rắn chắc nơi chúng ta xây lên ngôi nhà đức tin của mình. Tính chất đức tin của chúng ta được đổ vào xung quanh một khung sườn sắt chính là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, với tất cả các giao ước, giáo lễ và nguyên tắc của nó.
Một trong những bí quyết để có một đức tin lâu dài là đoán đúng thời gian chín muồi cần thiết. Đó là lý do tại sao tôi đã không khôn ngoan để cầu nguyện sớm như thế trong cuộc đời của mình để cầu xin có ngọn núi cao hơn để trèo và những thử thách gay go hơn.
Thời gian chín muồi đó không tự động đến với thời gian, mà phải cần phải có thời gian. Việc trở nên lớn tuổi cũng không tự một mình làm được điều đó. Chính là việc phục vụ Thượng Đế và những người khác một cách bền bỉ với hết lòng và hết linh hồn mà biến chứng ngôn của chúng ta về lẽ thật thành sức mạnh thuộc linh không thể nào đổ vỡ được.
Giờ đây, tôi muốn khuyến khích những người hiện đang trải qua những thử thách khó khăn, những người cảm thấy đức tin của mình có thể đang suy yếu dưới sự tấn công dữ dội của những rắc rối phiền muộn. Thử thách tự nó có thể là cách các anh chị em củng cố và cuối cùng đạt được đức tin không thể lay chuyển được. Mô Rô Ni, con trai của Mặc Môn trong Sách Mặc môn, đã cho chúng ta biết làm thế nào phước lành đó có thể xảy ra. Ông dạy về lẽ thật giản dị và tuyệt vời rằng cho dù hành động theo một chút đức tin thì chúng ta cũng có thể để cho Thượng Đế giúp cho đức tin đó tăng trưởng:
“Và giờ đây, tôi, Mô Rô Ni, muốn nói một phần nào về những điều này. Tôi muốn chỉ cho thế gian thấy rằng, đức tin là những gì người ta hy vọng nhưng không trông thấy được; vậy thì các người chớ nên tranh biện vì lẽ mình không trông thấy được, vì các người không thể nhận được bằng chứng cho đến khi đức tin của các người đã được thử thách.
“Vì chính nhờ đức tin nên Đấng Ky Tô mới hiện ra cho tổ phụ chúng ta thấy, sau khi Ngài đã sống lại từ cõi chết; và Ngài chỉ xuất hiện cho họ thấy sau khi họ đã có đức tin nơi Ngài; vậy nên, điều thiết yếu là một số người phải có đức tin nơi Ngài, vì Ngài không xuất hiện cho thế gian thấy.
“Nhưng nhờ đức tin của loài người nên Ngài đã xuất hiện cho thế gian thấy, và đã vinh danh Đức Chúa Cha, cùng chuẩn bị một đường lối để nhờ đó những kẻ khác có thể chia xẻ ân tứ thiên thượng, ngõ hầu họ có thể hy vọng vào những điều mà họ chưa thấy được.
“Vậy nên, các người cũng có thể hy vọng và cũng có thể chia sẻ ân tứ này nếu các người có đức tin.”7
Chúng ta nên bảo vệ và sử dụng bằng bất cứ cách thức nào có thể được một phần đức tin quý báu nhất đó, chính là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Mô Rô Ni đã dạy về quyền năng của đức tin đó như sau: “Và bất cứ thời nào loài người cũng chỉ làm được những phép lạ sau khi họ có đức tin mà thôi; vậy nên, việc đầu tiên là họ phải tin nơi Vị Nam Tử của Thượng Đế.”8
Tôi đến thăm một phụ nữ nọ đã nhận được phép lạ để có đủ sức mạnh nhằm kiên trì chịu đựng những mất mát không thể tưởng tượng được với khả năng giản dị chỉ để lặp lại không ngừng những lời này: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi hằng sống.”9 Đức tin đó và những lời trong chứng ngôn đó vẫn còn tồn tại và không bao giờ bị quên lãng khi ký ức về thời thơ ấu của người phụ nữ ấy phai mờ.
Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng một người phụ nữ khác đã tha thứ cho một người đã làm hại mình trong nhiều năm. Tôi đã ngạc nhiên và hỏi người phụ nữ ấy lý do tại sao chị ấy đã chọn tha thứ và quên đi nhiều năm tháng lạm dụng đầy hận thù.
Chị ấy nhỏ nhẹ nói: “Đó là một điều khó khăn nhất tôi từng làm, nhưng tôi chỉ biết là tôi cần phải làm. Và tôi đã làm như vậy.” Đức tin của chị ấy rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ tha thứ cho chị ấy nếu chị ấy tha thứ cho những người khác đã chuẩn bị chị ấy với một cảm nghĩ bình an và hy vọng trong khi đối diện với cái chết chỉ vài tháng sau khi tha thứ kẻ thù không hối cải của mình.
Chị ấy hỏi tôi: “Khi tôi đến đó, thì việc đó sẽ như thế nào ở trên thiên thượng?”
Và tôi nói: “Tôi chỉ biết từ điều tôi đã thấy về khả năng của chị để sử dụng đức tin và tha thứ rằng đó sẽ là một sự trở về nhà tuyệt vời đối với chị.”
Tôi có một lời khích lệ khác cho những người hiện đang tự hỏi là đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đủ để cho họ kiên trì chịu đựng giỏi đến cùng không. Tôi được phước đã biết được một vài anh chị em khác hiện đang lắng nghe, lúc các anh chị em còn trẻ, năng nổ, có tài hơn hầu hết những người xung quanh mình, thế mà các anh chị em đã chọn để làm theo điều mà Đấng Cứu Rỗi muốn các anh chị em làm. Từ những phước lành dư dật của mình, các anh chị em đã tìm ra cách để giúp đỡ và chăm sóc cho những người mà mình có thể đã làm ngơ hoặc xem thường từ địa vị của mình trong cuộc sống.
Khi gặp phải những khó khăn thử thách, đức tin để kiên trì chịu đựng giỏi sẽ ở đó, được xây đắp như các anh chị em có thể thấy bây giờ nhưng vào lúc ấy các anh chị em có thể không thấy rằng các anh chị em đã hành động theo tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, phục vụ và tha thứ những người khác như Đấng Cứu Rỗi có thể đã làm. Các anh chị em đã xây đắp một nền tảng đức tin từ việc yêu thương như Đấng Cứu Rỗi đã yêu thương và phục vụ Ngài. Đức tin của các anh chị em nơi Ngài dẫn đến những hành động bác ái mà sẽ mang hy vọng đến cho các anh chị em.
Không bao giờ là quá trễ để củng cố nền tảng đức tin. Luôn luôn có thời giờ để làm. Với đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, các anh chị em có thể hối cải và khẩn nài để được tha thứ. Có một người nào đó mà các anh chị em có thể tha thứ. Có một người nào đó mà các anh chị em có thể cám ơn. Có một người nào đó mà các anh chị em có thể phục vụ. Các anh chị em có thể làm điều đó cho dù đang ở bất cứ nơi nào và dù có thể cảm thấy cô đơn và bị ruồng bỏ như thế nào đi nữa.
Tôi không thể hứa rằng nghịch cảnh của các anh chị em sẽ kết thúc trong cuộc sống này. Tôi không thể cam đoan với các anh chị em rằng những thử thách sẽ dường như chỉ là một thời gian ngắn đối với các anh chị em. Một trong những đặc tính của thử thách trong cuộc sống là chúng dường như làm cho ý thức của chúng ta về thời gian chậm lại và rồi hầu như ngừng luôn.
Có những lý do cho điều đó. Chúng ta biết rằng các lý do đó không mang đến nhiều an ủi nhưng chúng có thể mang đến cho các anh chị em một cảm giác kiên nhẫn. Những lý do đó đều đến từ một sự kiện duy nhất: trong tình yêu thương trọn vẹn của hai Ngài, Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi muốn các anh chị em được chuẩn bị để ở với hai Ngài và sống chung với gia đình vĩnh viễn. Chỉ những người nào đã được thanh tẩy trọn vẹn nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể ở đó được.
Mẹ tôi đã chống chọi với căn bệnh ung thư gần 10 năm. Những quá trình điều trị và giải phẫu và cuối cùng việc bà phải nằm liệt trên giường đều là một số thử thách của bà.
Tôi còn nhớ cha tôi đã nói khi ông nhìn bà trút hơi thở cuối cùng: “Một cô bé đã đi về nhà để nghỉ ngơi.”
Một trong số những người nói chuyện tại tang lễ của bà là Chủ Tịch Spencer W. Kimball. Trong số những lời ngợi khen ông đưa ra, tôi còn nhớ một số lời đó như sau: “Một số các anh chị em có thể đã nghĩ rằng Mildred đã đau đớn quá lâu và quá nhiều vì một điều gì bà đã làm sai và đòi hỏi phải có thử thách.” Rồi ông nói: “Không đâu, chính là Thượng Đế muốn làm cho bà được tinh tế thêm một chút đó thôi.” Tôi nhớ vào lúc ấy đã suy nghĩ: “Nếu một phụ nữ tốt như thế mà còn cần được làm cho tinh tế nhiều như vậy thì tôi còn cần được làm cho tinh tế đến mức nào?”
Nếu chúng ta có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì thời gian khó khăn cũng như dễ dàng nhất trong cuộc sống đều có thể là một phước lành. Trong tất cả mọi điều kiện, chúng ta đều có thể chọn điều đúng với sự hướng dẫn của Thánh Linh. Chúng ta có phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô để định hướng và hướng dẫn cuộc sống nếu chúng ta chọn làm như vậy. Và với các vị tiên tri đang tiết lộ cho chúng ta về vị trí của chúng ta trong kế hoạch cứu rỗi, thì chúng ta có thể sống với hy vọng trọn vẹn và một cảm nghĩ bình an. Chúng ta sẽ không bao giờ cần phải cảm thấy rằng mình cô đơn hay không được yêu thương trong sự phục vụ Chúa, vì chúng ta không bao giờ như thế cả. Chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Đấng Cứu Rỗi đã hứa rằng các thiên sứ sẽ ở bên tay trái cũng như tay phải của chúng ta, để nâng chúng ta lên.10 Và Ngài đã luôn luôn giữ lời của Ngài.
Tôi làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống và rằng Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Đức Thánh Linh đã xác nhận lẽ thật được giảng dạy trong đại hội này và một lần nữa sẽ xác nhận lại trong khi các anh chị em tìm kiếm lẽ thật đó trong khi các anh chị em lắng nghe và về sau nghiên cứu các sứ điệp của các tôi tớ đã được phép của Chúa là những người đang hiện diện ở đây. Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri của Chúa trên khắp thế gian. Chúa trông nom các anh chị em. Thượng Đế Đức Chúa Cha hằng sống. Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Tình yêu thương của Ngài là bền bỉ lâu dài. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.