2010–2019
Hòa Điệu với Âm Nhạc của Đức Tin
Tháng tư 2012


Hòa Điệu với Âm Nhạc của Đức Tin

Thượng Đế yêu thương tất cả các con cái của Ngài. Ngài muốn tất cả họ đều trở lại cùng Ngài. Ngài muốn mọi người đều nhận được các phước lành của đức tin.

Khi Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương của Giáo Hội họp với các tín hữu trên khắp thế giới, chúng tôi đích thân thấy Các Thánh Hữu Ngày Sau thật là một lực lượng tốt lành biết bao. Chúng tôi khen ngợi các anh chị em về tất cả những gì các anh chị em làm để ban phước cuộc sống cho tất cả mọi người.

Những người trong số chúng tôi với các chỉ định về công vụ đều ý thức rất rõ ràng rằng những người dẫn dắt dư luận và các nhà báo ở Hoa Kỳ cũng như ở trên khắp thế giới càng ngày càng thảo luận công khai hơn về Giáo Hội và các tín hữu của Giáo Hội. Việc kết hợp của những điều này đã làm gia tăng sự hiểu biết của công chúng về Giáo Hội một cách đáng kể.1

Khi viết về Giáo Hội, nhiều người đã có nỗ lực chân thành để hiểu các tín hữu và giáo lý của chúng ta. Họ rất lễ độ và đã cố gắng để được khách quan, đó là điều mà chúng ta biết ơn rất nhiều.

Chúng tôi cũng nhận ra rằng có nhiều người không hiểu về những sự việc thiêng liêng. Khi nói chuyện với các vị lãnh đạo Công Giáo La Mã vào tháng Mười hai năm ngoái tại trường Pontifical Gregorian University, Giáo Sĩ Trưởng Lord Sacks ở Anh đã nói rằng một vài nơi trên thế giới đã trở thành thế tục biết bao. Ông nói rằng thủ phạm chính là “một chủ nghĩa vô thần, tích cực về mặt khoa học nhưng xem thường đức tin.”2

Khải tượng vĩ đại mở đầu trong Sách Mặc Môn là giấc mơ của tiên tri Lê Hi về cây sự sống.3 Khải tượng này mô tả rõ những thử thách đối với đức tin hiện đang có trong thời kỳ chúng ta và sự chia rẽ lớn lao giữa những người yêu mến, thờ phượng và cảm thấy chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế với những người không làm như vậy. Lê Hi giải thích một số hành vi đã hủy diệt đức tin. Một số người kiêu căng, tự phụ và điên rồ. Họ chỉ quan tâm đến điều được gọi là sự khôn ngoan của thế gian.4 Những người khác có một mối quan tâm nào đó đến Thượng Đế nhưng đi lạc vào bóng tối đầy sương mù tối tăm và tội lỗi của thế gian.5 Một số người đã biết được tình yêu thương của Thượng Đế và lời Ngài nhưng cảm thấy hổ thẹn vì những lời chế nhạo họ, sa ngã rồi đi lạc vào “những lối cấm.”6

Cuối cùng, có những người hòa hợp với âm nhạc của đức tin. Các anh chị em biết mình là ai. Các anh chị em yêu mến Chúa và phúc âm của Ngài cũng như tiếp tục cố gắng sống theo cùng chia sẻ sứ điệp của Ngài, nhất là với gia đình của các anh chị em.7 Các anh chị em hòa hợp với những thúc giục của Thánh Linh, nhận thức quyền năng của lời Thượng Đế, có hành vi ngoan đạo trong nhà mình và chuyên cần cố gắng sống cuộc sống giống như Đấng Ky Tô với tư cách là các môn đồ của Ngài.

Chúng tôi nhận biết là các anh chị em bận rộn biết bao. Vì không phải là một giáo vụ chuyên môn được trả lương nên trách nhiệm về việc điều hành Giáo Hội tùy thuộc vào các anh chị em là các tín hữu tận tâm. Chúng tôi biết rằng các thành viên trong giám trợ đoàn và các chủ tịch đoàn giáo khu cùng nhiều người khác dành ra nhiều giờ đồng hồ để tận tâm phục vụ. Các chủ tịch đoàn tổ chức bổ trợ và nhóm túc số là những tấm gương trong sự hy sinh vô vị kỷ của họ. Sự phục vụ và hy sinh này rộng mở cho toàn thể các tín hữu, đến những người lưu giữ hồ sơ tín hữu, các thầy giảng tại gia và các giảng viên thăm viếng trung tín, kể cả những người giảng dạy các lớp học nữa. Chúng tôi biết ơn những người đã dũng cảm phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo Hướng Đạo cũng như những người lãnh đạo lớp ấu nhi. Chúng tôi đều yêu mến và biết ơn điều các anh chị em làm và về con người của các anh chị em!

Chúng tôi ghi nhận rằng có các tín hữu ít quan tâm và ít trung tín đối với một số điều giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Ước muốn của chúng tôi đối với các tín hữu này là hãy nhận thấy rõ đức tin cùng gia tăng mức độ tích cực và cam kết của họ. Thượng Đế yêu thương tất cả các con cái của Ngài. Ngài muốn tất cả họ đều trở lại cùng Ngài. Ngài muốn mọi người đều nhận được các phước lành của đức tin. Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là một ân tứ dành cho mọi người.

Chúng ta cần phải được giảng dạy và hiểu rằng chúng ta yêu mến và kính trọng tất cả mọi người như Lê Hi đã mô tả.8 Hãy nhớ rằng chúng ta không được phán xét. Sự phán xét là công việc của Chúa.9 Chủ Tịch Thomas S. Monson đã đặc biệt yêu cầu chúng ta phải có “can đảm để tránh phê phán những người khác.”10 Ông cũng đã yêu cầu mỗi tín hữu trung tín phải giải cứu những người đã nếm trái của phúc âm và rồi sa ngã cũng như những người chưa tìm ra con đường chật và hẹp. Chúng tôi cầu nguyện rằng họ sẽ bám chặt lấy thanh sắt và dự phần vào tình yêu thương của Thượng Đế, điều đó làm cho “tâm hồn [họ] chan hòa một niềm hân hoan cực độ.”11

Mặc dù khải tượng của Lê Hi gồm có tất cả mọi người, nhưng khái niệm giáo lý tột bậc là ý nghĩa vĩnh cửu của gia đình. “Gia đình là do Thượng Đế quy định. Gia đình là đơn vị quan trọng nhất trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu.”12 Khi Lê Hi dự phần vào trái của cây sự sống (là tình yêu thương của Thượng Đế), thì ông muốn cho cả “gia đình mình cũng được nếm trái ấy.”13

Ước muốn lớn lao của chúng ta là nuôi dạy con cái mình trong lẽ thật và sự ngay chính. Một nguyên tắc mà sẽ giúp chúng ta đạt được điều này là tránh phê phán quá đáng hành vi rồ dại hay không khôn ngoan nhưng không phải là tội lỗi. Cách đây nhiều năm, khi vợ chồng tôi có con cái vẫn còn sống ở nhà, thì Anh Cả Dallin H. Oaks đã dạy rằng rất quan trọng để phân biệt giữa những lỗi lầm của tuổi trẻ mà sẽ được sửa chỉnh với các lỗi lầm đòi hỏi phải khiển trách và hối cải.14 Nơi nào thiếu sự khôn ngoan thì nơi ấy con cái chúng ta cần chỉ dẫn. Nơi nào có tội lỗi thì sự hối cải là thiết yếu nơi ấy.15 Chúng tôi thấy điều này rất bổ ích trong gia đình chúng tôi.

Việc tuân theo tôn giáo trong nhà ban phước cho gia đình của chúng ta. Tấm gương là đặc biệt quan trọng. Điều chúng ta làm sẽ ảnh hưởng đến con cái chúng ta hơn là lời nói của chúng ta. Khi tôi gần năm tuổi, mẹ tôi nhận được tin người em trai của bà bị tử nạn khi đang phục vụ trên chiếc tàu chiến bị dội bom ở ngoài khơi nước Nhật gần cuối Đệ Nhị Thế Chiến.16 Tin này làm cho lòng mẹ tôi tan nát. Bà vô cùng xúc động và đi vào phòng ngủ. Sau một lúc, tôi liếc nhìn vào phòng để xem bà ra sao. Bà quỳ xuống bên giường và cầu nguyện. Một sự bình an lớn lao chan hòa khắp châu thân tôi vì bà đã dạy tôi cầu nguyện và yêu mến Đấng Cứu Rỗi. Đây là tấm gương điển hình bà luôn luôn nêu lên cho tôi. Các bậc cha mẹ cầu nguyện với con cái có thể quan trọng hơn bất cứ tấm gương nào khác.

Điều thiết yếu nên được giảng dạy trong gia đình chúng ta là sứ điệp, giáo vụ, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Không có câu thánh thư nào tiêu biểu cho đức tin của chúng ta đúng hơn câu 2 Nê Phi 25:26: “Và chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ nơi Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”

Một trong các nguyên tắc cơ bản của khải tượng của Lê Hi là các tín hữu trung tín cần phải bám chặt vào thanh sắt để giữ cho họ ở trên con đường chật và hẹp dẫn đến cây sự sống. Các tín hữu cần phải đọc, suy ngẫm và nghiên cứu thánh thư.17

Sách Mặc Môn có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng.18 Dĩ nhiên, sẽ luôn luôn có những người coi thường ý nghĩa hay còn gièm pha quyển thánh thư này nữa. Một số người đã giễu cợt về quyển thánh thư này. Trước khi tôi đi phục vụ truyền giáo, có một giáo sư đại học đã trích dẫn lời của Mark Twain rằng nếu ta lấy cụm từ “và chuyện rằng” ra khỏi Sách Mặc Môn, thì nó “sẽ chỉ là một cuốn sách nhỏ mà thôi.”19

Một vài tháng sau, trong khi đang phục vụ truyền giáo ở London, Anh, ở trường London University có một giáo sư khả kính được đào tạo từ trường Oxford, ông là một người Ai Cập chuyên về các ngôn ngữ Xê Mít đã đọc Sách Mặc Môn, trao đổi thư từ với Chủ Tịch David O. McKay và gặp những người truyền giáo. Ông nói cho họ biết rằng ông tin rằng Sách Mặc Môn quả thật là bản dịch về kiến thức Do Thái và ngôn ngữ Ai Cập trong thời kỳ được mô tả trong Sách Mặc Môn.20 Ông đã sử dụng một ví dụ trong số nhiều ví dụ khác là cụm từ liên kết “Và chuyện rằng,” mà ông nói đã phản ảnh cách ông sẽ phiên dịch ngữ cú được sử dụng trong các bản văn Xê Mít thời xưa.21 Vị giáo sư đó được cho biết rằng mặc dù phương pháp trí thức của ông căn cứ vào nghề nghiệp của ông đã giúp đỡ ông, nhưng ông vẫn cần có một chứng ngôn thuộc linh. Qua việc nghiên cứu và cầu nguyện, ông đã đạt được một sự làm chứng thuộc linh và đã chịu phép báp têm. Vậy thì điều mà một nhà văn khôi hài cho là một vật để giễu cợt, thì một học giả lại cho rằng đó là bằng chứng thâm thúy về lẽ thật của Sách Mặc Môn, mà điều đó đã được Thánh Linh xác nhận với ông.

Giáo lý thiết yếu về quyền tự quyết đòi hỏi rằng một chứng ngôn về phúc âm phục hồi cần phải được đặt trên đức tin thay vì bằng chứng chỉ bên ngoài hay khoa học. Việc tập trung đầy ám ảnh vào những điều chưa được hoàn toàn tiết lộ như cách sinh nở của người nữ đồng trinh hay Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi có lẽ đã xảy ra hay chính xác cách Joseph Smith phiên dịch thánh thư của chúng ta đều sẽ không hữu hiệu hoặc mang đến sự tiến triển thuộc linh. Đây là những vấn đề về đức tin. Cuối cùng, lời khuyên dạy của Mô Rô Ni để đọc và suy ngẫm, và rồi cầu vấn với tất cả tấm lòng chân thật, chủ ý thật sự, để sự làm chứng của Thánh Linh xác nhận các lẽ thật của thánh thư chính là câu trả lời vậy.22 Ngoài ra, khi ghi khắc vào cuộc sống của mình những lệnh truyền trong thánh thư và sống theo phúc âm, thì chúng ta được Thánh Linh ban phước và nhận được lòng nhân từ của Ngài với cảm nghĩ vui sướng, hạnh phúc và đặc biệt là sự bình an.23

Rõ ràng là sự khác biệt giữa những người nghe âm nhạc của đức tin với những người không thể nghe âm điệu hoặc bị lạc điệu là việc tích cực học thánh thư. Cách đây nhiều năm, tôi đã vô cùng cảm động khi vị tiên tri yêu dấu Spencer W. Kimball nhấn mạnh đến việc cần thiết phải đọc và nghiên cứu thánh thư. Ông nói: “Tôi thấy rằng khi tôi xem mối quan hệ của mình với Thượng Đế một cách tùy tiện và khi mà Thượng Đế dường như không lắng nghe và không giao tiếp với tôi nữa thì tôi đã ở xa, rất xa. Nếu tôi đắm mình trong thánh thư thì khoảng cách rút ngắn và tính chất thuộc linh quay trở lại.”24

Tôi hy vọng rằng chúng ta đọc Sách Mặc Môn thường xuyên cùng với con cái mình. Tôi đã thảo luận điều này với con cái của tôi. Chúng đã chia sẻ với tôi hai điều nhận xét. Thứ nhất, lòng kiên trì khi đọc thánh thư hằng ngày chung với gia đình là bí quyết. Con gái tôi đã vui vẻ mô tả các nỗ lực của chúng vào sáng sớm để đọc thánh thư đều đặn với hầu hết là mấy đứa con tuổi niên thiếu. Vợ chồng nó thức dậy từ sáng sớm và trong cơn ngái ngủ lần theo thành cầu thang bằng sắt đến căn phòng nơi mà gia đình chúng quy tụ lại để đọc lời của Thượng Đế. Lòng kiên trì chính là câu giải đáp và óc hài hước là hữu ích. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn lao từ mỗi người trong gia đình mỗi ngày, nhưng rất đáng bõ công. Nỗi thất bại tạm thời đã bị lòng kiên trì khắc phục.

Điều nhận xét thứ hai là cách mà đứa con trai út của chúng tôi và vợ nó đọc thánh thư với gia đình có con nhỏ của chúng. Hai trong số bốn đứa con của nó chưa đủ tuổi để đọc. Đối với đứa con năm tuổi, chúng có năm dấu hiệu bằng ngón tay để trả lời để nó có thể tham dự hoàn toàn vào việc đọc thánh thư chung gia đình. Dấu hiệu của ngón tay số 1 là cho nó lặp lại: “Và chuyện rằng,” bất cứ lúc nào cụm từ đó hiện ra trong Sách Mặc Môn. Tôi phải thú nhận rằng tôi thích cụm từ đó hiện ra thường xuyên. Ngẫu nhiên, những gia đình nào có con nhỏ muốn biết, dấu hiệu ngón tay thứ 2 là “Và do đó mà chúng ta thấy được rằng”; các ngón tay thứ 3, 4, và 5 được cha mẹ chọn dựa vào những chữ nằm trong chương họ đang đọc.

Chúng tôi biết rằng việc gia đình cùng học thánh thư và buổi họp tối gia đình không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Bất kể những thử thách các anh chị em gặp phải, cũng đừng trở nên nản chí.

Xin hãy hiểu rằng việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài luôn luôn sẽ là cuộc thử nghiệm có tính cách quyết định trên trần thế. Hơn hết, mỗi chúng ta cần phải nhận biết rằng khi một người không thể sử dụng đức tin, thì người ấy không hòa hợp với Thánh Linh. Như Tiên Tri Nê Phi đã dạy: “Các anh có nghe tiếng nói của vị ấy … ; và vị ấy đã nói với các anh bằng một tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái; nhưng vì các anh đã mất hết cảm giác đến đỗi các anh không còn cảm thấy lời nói của vị ấy nữa.”25

Giáo lý của chúng ta rất rõ ràng; chúng ta phải tích cực và hân hoan. Chúng ta nhấn mạnh đến đức tin chứ không phải nỗi sợ hãi của mình. Chúng ta hân hoan trong lời trấn an của Chúa rằng Ngài sẽ đứng bên cạnh chúng ta và ban cho chúng ta sự hướng dẫn và chỉ dẫn.26 Đức Thánh Linh làm chứng với tâm hồn chúng ta rằng chúng ta có một Cha Thiên Thượng nhân từ, kế hoạch đầy thương xót của Ngài cho sự cứu chuộc của chúng ta sẽ được làm tròn trong mọi khía cạnh nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Như Naomi W. Randall, tác giả của bài hát “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” đã viết: “Thánh Linh của Ngài hướng dẫn; tình yêu thương của Ngài bảo đảm rằng không còn sợ hãi khi đức tin tồn tại.”27

Do đó, bất cứ lúc nào chúng ta ở trên con đường môn đồ trong khải tượng của Lê Hi, thì hãy quyết tâm khơi dậy từ bên trong bản thân mình và gia đình mình một ước muốn lớn lao hơn để thỉnh cầu ân tứ không thể hiểu nổi của cuộc sống vĩnh cửu. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ được hòa hợp với âm nhạc của đức tin. Tôi làm chứng về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài là có thật, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:30.

  2. Jonathan Sacks, “Has Europe Lost Its Soul?” (bài nói chuyện được đưa ra vào ngày 12 tháng Mười Hai năm 2011, tại trường Pontifical Gregorian University), chiefrabbi.org/ReadArtical.aspx?id=1843.

  3. Xin xem 1 Nê Phi 8.

  4. Xin xem 1 Nê Phi 8:27; 11:35.

  5. Xin xem 1 Nê Phi 8:23; 12:17.

  6. 1 Nê Phi 8:28.

  7. Xin xem 1 Nê Phi 8:12.

  8. Những lời chỉ dẫn của Đấng Cứu Rỗi là phải tìm kiếm chiên bị thất lạc; xin xem Ma Thi Ơ 18:12–14.

  9. Xin xem Giăng 5:22; xin xem thêm Ma Thi Ơ 7:1–2.

  10. Thomas S. Monson, “Cầu Xin cho Các Em Có Can Đảm,” Liahona, tháng Năm năm 2009, 124.

  11. 1 Nê Phi 8:12.

  12. Handbook 2: Administering the Church (2010), 1.1.1.

  13. 1 Nê Phi 8:12.

  14. Xin xem Dallin H. Oaks, “Sins and Mistakes,” Ensign, tháng Mười năm 1996, 62. Anh Cả Oaks giảng dạy khái niệm này khi ông là chủ tịch của trường Brigham Young University vào khoảng năm 1980.

  15. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:25–27.

  16. Xin xem Marva Jeanne Kimball Pedersen, Vaughn Roberts Kimball: A Memorial (1995). Vaughn là tiền vệ cho đội bóng bầu dục của trường Brigham Young University vào mùa thu năm 1941. Vào lúc mà Trận Châu Cảng bị tấn công, ngày 8 tháng Mười Hai năm 1941, ông tòng quân ở Hải Quân Hoa Kỳ. Ông tử trận vào ngày 11 tháng Năm năm 1945, vì địch ném bom vào mẫu hạm USS Bunker Hill và bị chìm xuống biển.

  17. Xin xem Giăng 5:39.

  18. Xin xem Ezra Taft Benson, “Sách Mặc Môn—Nền Tảng của Tôn Giáo Chúng Ta,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 4; hoặc Liahona, tháng Mười năm 2011, 52.

  19. Mark Twain, Roughing It (1891), 127–28. Mỗi thế hệ mới được tiêu biểu cho câu nói của Twain thể như chúng là một sự khám phá mới mẻ đáng kể. Sự kiện rằng Mark Twain thờ ơ đối với Ky Tô giáo lẫn tôn giáo nói chung thường ít được nói tới.

  20. Xin xem 1 Nê Phi 1:2.

  21. Tôi gặp Tiến Sĩ Ebeid Sarofim ở London nơi mà các anh cả đang giảng dạy cho ông. Xin xem thêm N. Eldon Tanner, trong Conference Report, tháng Tư năm 1962, 53. Nhiều học giả của các bài viết bằng tiếng Sê Mít và Ai Cập cổ xưa đã lưu ý đến việc lặp đi lặp lại cụm liên từ “Và chuyện rằng” vào lúc bắt đầu câu; xin xem Hugh Nibley, Since Cumorah, xuất bản lần thứ hai (1988), 150.

  22. Xin xem Mô Rô Ni 10:3–4; rất ít nhà phê bình chân thành thử nghiệm điều này với chủ ý thật sự.

  23. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 59:23.

  24. Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball (2006), 67.

  25. 1 Nê Phi 17:45; xin xem thêm Ezra Taft Benson, “Seek the Spirit of the Lord,” Tambuli, tháng Chín năm 1988, 5: “Hầu hết thường thường chúng ta nghe được lời Chúa bằng cảm nghĩ. Nếu chúng ta khiêm nhường và nhạy bén, thì Chúa sẽ thúc giục chúng ta qua những cảm nghĩ của chúng ta.”

  26. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 68:6.

  27. “When Faith Endures,” Hymns, số 128.