2010–2019
Sẵn Sàng và Xứng Đáng để Phục Vụ
Tháng tư 2012


Sẵn Sàng và Xứng Đáng để Phục Vụ

Phép lạ có ở khắp nơi khi chúng ta hiểu biết về chức tư tế, kính trọng và sử dụng quyền năng chức tư tế một cách thích hợp, và sử dụng đức tin.

Các anh em thân mến, tôi hân hạnh được nhóm họp với các anh em một lần nữa. Bất cứ lúc nào tham dự buổi họp chức tư tế trung ương, tôi đều suy ngẫm về những lời giảng dạy của một số vị lãnh đạo cao quý của Thượng Đế là những người đã ngỏ lời trong các buổi họp chức tư tế trung ương của Giáo Hội. Nhiều người đã qua đời, tuy nhiên từ trí óc tài giỏi của họ, từ đáy sâu của tâm hồn họ, và từ tấm lòng nhân hậu của họ, họ đã cho chúng ta sự hướng dẫn đầy cảm ứng. Buổi tối hôm nay, tôi chia sẻ với các anh em một số lời giảng dạy của họ về chức tư tế.

Từ Tiên Tri Joseph Smith: “Chức tư tế là một nguyên tắc vĩnh viễn, và hiện hữu với Thượng Đế từ vĩnh cửu này đến vĩnh cửu khác, không có ngày bắt đầu hay năm kết thúc.”1

Từ những lời của Chủ Tịch Wilford Woodruff, chúng ta biết được rằng: “Thánh Chức Tư Tế là phương pháp qua đó Thượng Đế truyền đạt và giao tiếp với con người trên thế gian; và các sứ giả thiên thượng đã đến viếng thăm thế gian để truyền đạt với loài người là những người đã nắm giữ và tôn trọng chức tư tế trong khi còn ở trong xác thịt; và mọi điều mà Thượng Đế đã làm cho được thực hiện vì sự cứu rỗi của loài người, từ việc con người đến thế gian đến sự cứu chuộc thế gian, đều đã và sẽ là vì chức tư tế trường cửu.”2

Chủ Tịch Joseph F. Smith đã làm sáng tỏ thêm rằng: “Chức tư tế là … quyền năng Thượng Đế giao phó cho con người nhờ đó con người có thể hành động trên thế gian vì sự cứu rỗi của gia đình nhân loại, trong danh của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử và Đức Thánh Linh, và hành động một cách hợp pháp; không chiếm lấy thẩm quyền đó, cũng như không vay mượn thẩm quyền đó từ các thế hệ đã chết và qua đời, nhưng thẩm quyền đã được ban cho trong thời kỳ này mà chúng ta đang sống bởi các thiên sứ phù trợ và những linh hồn từ trên cao, đều là trực tiếp từ nơi hiện diện của Thượng Đế Toàn Năng.”3

Và cuối cùng từ Chủ Tịch John Taylor: “Chức tư tế là gì? … Đó là sự cai quản của Thượng Đế, cho dù ở trên thế gian hay ở trên trời, vì chính là qua quyền năng đó, mà quyền tự quyết, hay nguyên tắc mà cai quản tất cả những sự việc trên thế gian và trên trời, và qua quyền năng đó tất cả mọi sự việc đều được tán thành và hỗ trợ. Chức tư tế chi phối tất cả mọi việc—điều khiển tất cả mọi việc—và liên quan đến tất cả mọi việc mà Thượng Đế và lòng tin cậy liên kết với nhau.”4

Chúng ta có phước rất nhiều được sống nơi đây trong những ngày sau cùng này, khi chức tư tế của Thượng Đế đang ở trên thế gian. Chúng ta có rất nhiều đặc ân để mang chức tư tế ấy. Chức tư tế là một phận sự để phục vụ nhiều hơn là một ân tứ, một đặc ân để nâng đỡ, và một cơ hội để ban phước cho cuộc sống của những người khác.

Kèm theo với những cơ hội này là các trách nhiệm và bổn phận. Tôi yêu thích và trân quý từ bổn phận đầy cao quý và tất cả những gì bao hàm trong từ này.

Trong chức vụ này hay chức vụ khác, trong bối cảnh này hay bối cảnh khác, tôi đã tham dự các buổi họp chức tư tế trong suốt 72 năm qua—kể từ khi được sắc phong thầy trợ tế lúc 12 tuổi. Chắc chắn là thời gian tiếp tục trôi qua. Bổn phận của chúng ta gia tăng cùng tốc độ của thời gian. Bổn phận không trở nên ít hơn về phẩm lẫn về lượng. Những cuộc xung đột thảm khốc đến rồi đi, nhưng cuộc chiến vì linh hồn của loài người thì vẫn tiếp tục không chấm dứt. Lời của Chúa giống như tiếng kèn đồng đến với các anh em, với tôi và với những người nắm giữ chức tư tế ở khắp nơi: “Vậy nên, giờ đây mọi người phải học hỏi bổn phận của mình, và để siêng năng thi hành nhiệm vụ mình đã được chỉ định.”5

Tiếng gọi của bổn phận đến với A Đam, Nô Ê, Áp Ra Ham, Môi Se, Sa Mu Ên, và Đa Vít. Tiếng gọi này đến với Tiên Tri Joseph Smith và mỗi vị tiên tri kế nhiệm. Tiếng gọi của bổn phận đến với thiếu niên Nê Phi khi ông được Chúa chỉ dẫn, qua cha của ông là Lê Hi, để cùng với những người anh của mình trở lại thành Giê Ru Sa Lem lấy các bảng bằng đồng từ La Ban. Những người anh của Nê Phi ta thán, nói rằng họ đã bị đòi hỏi làm một việc khó khăn. Câu trả lời của Nê Phi là gì? Ông nói: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh, vì con biết Chúa không ban ra một lệnh truyền nào cho con cái loài người mà Ngài lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền.”6

Khi các anh em và tôi nhận được cùng một sự kêu gọi đó, thì câu trả lời của chúng ta sẽ là gì? Chúng ta sẽ ta thán, như La Man và Lê Mu Ên đã ta thán, và nói: “chúng tôi đã bị đòi hỏi làm một việc quá khó khăn” chăng?7 Hay mỗi người chúng ta sẽ, cùng với Nê Phi, nói: “Con sẽ đi và làm”? Chúng ta sẽ sẵn lòng phục vụ và vâng lời không?

Đôi khi sự thông sáng của Thượng Đế dường như được xem là điều dại dột hay quá khó khăn, nhưng một trong những bài học lớn lao và quý báu nhất chúng ta có thể học được trên trần thế là khi nào Thượng Đế phán và nếu một người tuân theo thì người ấy sẽ luôn luôn làm đúng.

Khi nghĩ về từ bổn phận và cách thi hành bổn phận của chúng ta có thể làm cho cuộc sống của chúng ta và của những người khác được dồi dào, thì tôi nhớ lại những lời đã được một thi sĩ và tác giả nổi tiếng viết như sau:

Tôi ngủ và mơ thấy

Cuộc sống là niềm vui

Tôi thức dậy và thấy

Cuộc sống là bổn phận.

Tôi thi hành và thấy rằng

Bổn phận là niềm vui.8

Robert Louis Stevenson lại nói điều đó theo cách khác. Ông nói: “Tôi biết điều thú vị là gì, vì tôi đã làm điều thiện.”9

Khi thi hành bổn phận và sử dụng chức tư tế của mình, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui đích thực. Chúng ta sẽ cảm nhận được niềm mãn nguyện vì đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Chúng ta đã được giảng dạy các bổn phận cụ thể của chức tư tế mà mình nắm giữ, cho dù đó là Chức Tư Tế A Rôn hay Mên Chi Xê Đéc đi nữa. Tôi khuyến khích các anh em nên suy nghĩ về các bổn phận đó và rồi cố gắng hết khả năng của mình để làm tròn các bổn phận đó. Để làm được như vậy, mỗi người chúng ta cần phải xứng đáng. Chúng ta nên sẵn sàng, trong sạch và sẵn lòng để có thể tham gia trong việc cung ứng những gì mà Cha Thiên Thượng muốn những người khác nhận được từ Ngài. Nếu không xứng đáng, thì chúng ta có thể mất quyền năng của chức tư tế, và nếu để mất quyền năng đó thì chúng ta đã mất hết điều cần thiết cho sự tôn cao của chúng ta. Chúng ta hãy sống xứng đáng để phục vụ.

Chủ Tịch Harold B. Lee, một trong các giảng viên lỗi lạc trong Giáo Hội, nói: “Khi một người trở thành người nắm giữ chức tư tế, thì người ấy trở thành người đại diện của Chúa. Người ấy cần phải nghĩ về sự kêu gọi của mình thể như người ấy đang làm công việc của Chúa vậy.”10

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, vào đầu năm 1944, một sự việc xảy ra liên quan đến chức tư tế khi những người lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ tấn công để chiếm giữ Đảo San Hô Kwajalein, thuộc Quần Đảo Marshall và nằm trong khu vực Thái Bình Dương khoảng giữa Úc và Hawaii. Câu chuyện này được một phóng viên báo chí, làm cho một tờ báo ở Hawaii và không phải là tín hữu của Giáo Hội thuật lại. Trong bài báo năm 1944 được viết sau sự việc đó, người phóng viên đã giải thích rằng khi anh ta cùng các phóng viên khác thuộc nhóm thứ hai đang đi theo nhóm lính thủy đánh bộ tại Đảo San Hô Kwajalein. Khi đang tiến lên, họ thấy một người lính thủy đánh bộ trẻ tuổi bị thương nặng nằm sấp mặt xuống mặt nước. Vũng nước cạn xung quanh có màu đỏ vì máu của người lính trẻ. Và rồi họ thấy một người lính thủy đánh bộ khác đi lại phía người bạn đồng đội bị thương. Người lính thủy đánh bộ thứ hai này cũng bị thương, với cánh tay trái không động đậy được. Người lính này nâng đầu người lính trẻ đang nằm trong vũng nước để giữ không bị chết đuối. Người lính thứ hai kêu cứu với một giọng hoảng sợ. Các phóng viên nhìn lần nữa vào người lính trẻ bị thương đang được nâng lên và nói: “Người thanh niên trẻ tuổi kia ơi, chúng ta không có thể làm gì được cho người lính trẻ này đâu.”

Người phóng viên viết: “Sau đó, tôi thấy một điều mà tôi chưa từng thấy trước đó. Người thanh niên này, cũng bị thương nặng, đã mang người bạn đồng đội lính thủy đánh bộ gần chết đó vào bờ. Người ấy đặt đầu của bạn mình lên trên đầu gối. Thật là một cảnh tượng khá ngạc nhiên—hai thanh niên bị thương nặng gần chết—cả hai người … với diện mạo thanh cao, lịch sự, cho dù trong hoàn cảnh khó khăn của họ. Và một thanh niên cúi đầu lên trên người kia và nói: ‘Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô và bằng quyền năng của chức tư tế, tôi truyền lệnh cho anh phải sống cho đến khi tôi có thể kiếm được ai giúp đỡ về y tế.’” Người phóng viên đó kết luận trong bài báo của mình: “Cả ba chúng tôi, [hai người lính thủy đánh bộ và tôi], đều ở trong bệnh viện. Các bác sĩ không biết … [làm thế nào hai thanh niên đó còn sống sót], nhưng tôi biết.”11

Phép lạ có ở khắp nơi khi chúng ta hiểu biết về chức tư tế, kính trọng và sử dụng quyền năng chức tư tế một cách thích hợp, và sử dụng đức tin. Khi đức tin thay thế mối nghi ngờ, khi sự phục vụ vị tha loại trừ sự tranh đấu ích kỷ, thì quyền năng của Thượng Đế hoàn thành các mục đích của Ngài.

Tiếng gọi của bổn phận có thể đến một cách lặng lẽ khi chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế đáp ứng những chỉ định mà mình nhận được. Chủ Tịch George Albert Smith, một vị lãnh đạo khiêm nhường nhưng rất hữu hiệu, đã nói: “Bổn phận của các anh em trước hết là học biết điều Chúa muốn và rồi sau đó làm vinh hiển sự kêu gọi của mình trước sự hiện diện của bạn bè đến mức mà người ta sẽ vui lòng để đi theo các anh em, qua quyền năng và sức mạnh của Chức Tư Tế thánh của Ngài.”12

Một sự kêu gọi như vậy của bổn phận—một sự kêu gọi ít gây ấn tượng hơn nhưng là một sự kêu gọi nhằm giúp cứu vớt một người—đến với tôi vào năm 1950 khi tôi mới được kêu gọi làm giám trợ. Với tư cách là giám trợ, tôi có rất nhiều trách nhiệm khác nhau, và tôi cố gắng hết sức mình để làm tất cả những gì được đòi hỏi ở tôi. Lúc bấy giờ, Hoa Kỳ đang tham gia một cuộc chiến khác. Vì có nhiều tín hữu của chúng ta đang phục vụ trong quân ngũ, nên có một chỉ định đến từ trụ sở Giáo Hội cho tất cả các giám trợ phải đặt mua dài hạn tờ Tin Tức Giáo HộiImprovement Era, tạp chí của Giáo Hội vào lúc ấy cho mỗi quân nhân. Ngoài ra, mỗi giám trợ còn được yêu cầu mỗi tháng phải đích thân viết một lá thư cho mỗi quân nhân trong tiểu giáo khu của mình. Tiểu giáo khu của chúng tôi có 23 người phục vụ trong quân ngũ. Các nhóm túc số chức tư tế nỗ lực cố gắng cung cấp ngân quỹ để mua các ấn phẩm dài hạn. Tôi đảm trách nhiệm vụ đó, chính là bổn phận, để đích thân viết 23 lá thư mỗi tháng. Sau tất cả những năm này, tôi vẫn còn bản sao của nhiều lá thư tôi đã viết và những lá thư tôi nhận được. Khi đọc lại những lá thư này, tôi cảm thấy rất dễ khóc. Đó là niềm vui để biết được một lần nữa về lời cam kết của một quân nhân phải sống theo phúc âm, hoặc quyết định của một thủy thủ để cùng với gia đình mình luôn trung thành với đức tin.

Một buổi tối nọ, tôi đưa cho một chị phụ nữ trong tiểu giáo khu một sấp gồm có 23 lá thư cho tháng đó. Nhiệm vụ của chị ấy là gửi thư và cập nhật bản liệt kê địa chỉ liên tục thay đổi. Chị liếc nhìn một phong bì và mỉm cười hỏi: “Thưa Giám Trợ, giám trợ không nản lòng sao? Đây là một lá thư khác gửi cho Anh Bryson. Đây là lá thư thứ 17 mà giám trợ gửi cho anh ấy nhưng không có hồi âm gì cả.”

Tôi đáp: “Vâng, có lẽ sẽ là tháng này đây.” Hóa ra chính là tháng đó. Lần đầu tiên, anh ấy hồi âm thư tôi. Thư hồi âm của anh ấy là một kỷ vật, một vật quý. Anh ấy đang phục vụ trên một đất nước xa xôi, cô lập, anh ấy nhớ nhà, cô đơn. Anh ấy viết: “Thưa Giám Trợ, tôi không viết thư được hay lắm.” (Tôi có thể nói với anh ấy điều đó vài tháng trước đó.) Anh ấy viết tiếp: “Cám ơn về tờ Tin Tức Giáo Hội và các tạp chí, nhưng hơn hết, cám ơn Giám Trợ về các lá thư riêng. Tôi đã có những thay đổi quan trọng trong cuộc sống của mình. Tôi đã được sắc phong thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn. Lòng tôi vô cùng xúc động. Tôi là một người hạnh phúc.”

Anh Bryson cũng vui sướng chẳng kém gì Vị Giám Trợ của anh đâu. Tôi đã biết cách áp dụng vào cuộc sống của mình câu châm ngôn: “Điều tốt nhất là làm bổn phận của mình. Rồi để cho Chúa làm phần còn lại.”13

Nhiều năm về sau, trong khi tham dự Giáo Khu Salt Lake Cottonwood là nơi James E. Faust phục vụ với tư cách là Chủ Tịch của giáo khu đó, tôi đã kể câu chuyện đó với nỗ lực khuyến khích các tín hữu lưu tâm đến các quân nhân của chúng ta. Sau buổi họp, một thanh niên lịch sự tiến đến. Người ấy bắt tay tôi và hỏi: “Thưa Giám Trợ Monson, giám trợ còn nhớ tôi không?”

Đột nhiên tôi nhận ra anh ấy là ai. Tôi kêu lên: “Anh Bryson! Anh khỏe không? Bây giờ, anh làm gì trong Giáo Hội?”

Với cảm giác nồng nhiệt và hãnh diện thật hiển nhiên, anh ấy đáp: “Vâng, tôi khỏe ạ. Tôi đang phục vụ trong chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả. Một lần nữa xin cám ơn giám trợ đã quan tâm đến tôi và các lá thư riêng giám trợ đã gửi cho tôi, tôi rất quý trọng những lá thư đó.”

Thưa các anh em, thế gian cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta có làm tất cả những gì chúng ta nên làm không? Chúng ta có nhớ đến những lời của Chủ Tịch John Taylor: “Nếu các anh em không làm vinh hiển sự kêu gọi của mình, thì Thượng Đế sẽ bắt các anh em chịu trách nhiệm cho những người mà đáng lẽ các anh em đã cứu vớt được nếu thi hành bổn phận của mình”14 không? Có những bàn chân cần chúng ta làm cho vững chắc, những bàn tay cần chúng ta nắm chặt, những ý nghĩ cần chúng ta khích lệ, những tấm lòng cần chúng ta soi dẫn, và những người cần được cứu vớt. Các phước lành vĩnh cửu đang chờ đón các anh em. Các anh em không phải chỉ có đặc ân là những người khách đứng ngoài quan sát mà là những người tham gia vào sự phục vụ của chức tư tế. Chúng ta hãy lắng nghe lời nhắc nhở đầy soi dẫn trong Thư của Gia Cơ: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.”15

Chúng ta hãy học và suy ngẫm về bổn phận của mình. Chúng ta hãy sẵn lòng và xứng đáng để phục vụ. Chúng ta hãy noi theo gương của Đức Thầy khi làm bổn phận của mình. Khi các anh em và tôi noi theo gương của Chúa Giê Su, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng Ngài còn hơn là một hài đồng ở thành Bết Lê Hem, còn hơn là một con trai của người thợ mộc, còn hơn là người thầy tài giỏi nhất từ trước đến nay. Chúng ta sẽ dần dần biết Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Khi sự kêu gọi của bổn phận được đưa ra cho Ngài, thì Ngài đáp: “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi.”16 Cầu xin cho mỗi người chúng ta cũng làm như vậy, tôi cầu nguyện trong thánh danh của Ngài, là danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 104.

  2. Teachings of Presidents of the Church: Wilford Woodruff (2004), 38.

  3. Joseph F. Smith, Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 139–40; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. Teachings of Presidents of the Church: John Taylor (2001), 119.

  5. Giáo Lý và Giao Ước 107:99; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  6. 1 Nê Phi 3:7; xin xem thêm các câu 1–5.

  7. Xin xem 1 Nê Phi 3:5.

  8. Rabindranath Tagore, trong William Jay Jacobs, Mother Teresa: Helping the Poor (1991), 42.

  9. Robert Louis Stevenson, trong Elbert Hubbard II, biên soạn, The Note Book of Elbert Hubbard: Mottoes, Epigrams, Short Essays, Passages, Orphic Sayings and Preachments (1927), 55.

  10. Stand Ye in Holy Places: Selected Sermons and Writings of President Harold B. Lee (1976), 255.

  11. Trong Ernest Eberhard Jr., “Giving Our Young Men the Proper Priesthood Perspective,” bản đánh máy, ngày 19 tháng Bảy năm 1971, 4–5, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội.

  12. George Albert Smith, trong Conference Report, tháng Tư năm 1942, 14.

  13. Henry Wadsworth Longfellow, “The Legend Beautiful,” trong The Complete Poetical Works of Longfellow (1893), 258.

  14. Teachings: John Taylor, 164.

  15. Gia Cơ 1:22.

  16. Môi Se 4:2.